Tôi đã nhiều lần khẳng định, tiêu chí của dịch văn học là: đúng và hay. Đúng với nội dung, đúng với hình thức, đúng với văn phong của bản gốc (hoặc của tác giả). Còn “hay” chính là nói đến bản dịch tiếng Việt phải thuần Việt, phải được Việt hóa nhuần nhuyễn, phải tìm cho được những từ, những câu, những cụm từ, cách hành văn đắc địa nhất, đúng nhất cho bản dịch tiếng Việt, gây cho người đọc cảm giác đây là bản gốc tiếng Việt chứ không phải là bản dịch.
Thực ra, tiêu chí nói trên chủ yếu là dành cho dịch văn xuôi, còn dịch thơ thì sao? Theo tôi, thơ và văn xuôi là hai thể loại văn học khác nhau, cho nên dịch thơ và dịch văn xuôi cũng khác nhau, ngoài những nguyên tắc chung của dịch thuật.
1. Quan điểm của một số dịch giả về dịch thơ nước ngoài.
Dịch giả, nhà thơ Hoàng Hưng:
Thực sự thì thơ không có cách nào dịch nổi vì thơ là nghệ thuật ngôn ngữ, nó gắn chặt với đặc điểm của ngôn ngữ gốc, nếu chuyển sang ngôn ngữ khác thì bài thơ bị chết mất một nửa. Theo tôi, cho tới giờ những bài dịch thơ chỉ có thể gọi là một version: từ một bản thơ nguyên gốc ta có một cái version của Việt Nam, cái version ấy là của tôi, của ông Thúy Toàn hay của ông X… ba cái version khác nhau. Một bài thơ dịch chỉ có thể quan niệm đến mức thế là cùng. Tất nhiên tôi phải bám tối đa vào nguyên bản nhưng không có cách nào tránh khỏi là bản thân tôi nó sẽ chen vào đó, tôi diễn đạt nó theo cái lối của tôi cũng như theo cái tinh thần của tiếng Việt, đặc biệt là về nhạc điệu.
Nếu nói một cách nghiêm túc thì tất cả những bài thơ đã từng dịch sang tiếng Việt từ xưa tới nay không một bài nào đạt cả vì bài nào cũng chỉ được một nửa. Nếu cứ cố Việt hoá theo kiểu ông Khái Hưng dịch Sonnet (Tình tuyệt vọng – LBT) của Arvers thành “Lòng ta chôn một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thu” thì đó là adaptation (phỏng tác) chứ không phải là dịch. Ông ấy đã mượn ý của nguyên tác diễn lại bằng một bài lục bát Việt Nam, nghe thì rất sướng tai, người bình dân rất thích nhưng không thể gọi đó là dịch được. Hay những bài như “Aliosa nhớ chăng…” (thơ Simonov – LBT) rồi rất nhiều bài thơ nước ngoài viết bằng thể thơ tự do nhưng lại được chuyển thành lục bát hay song thất lục bát của Việt Nam thì không thể gọi là dịch được.
Nhà văn, dịch giả Trần Thiện Đạo:
Tôi cũng cho rằng về cơ bản dịch văn xuôi khác hẳn với dịch thơ. Dịch văn xuôi thì người dịch có thể là hoặc không là nhà văn, nhưng người dịch thơ dứt khoát phải là nhà thơ. Ông nào là nhà văn dịch văn càng hay, nhưng nếu không phải nhà văn mà có thể viết văn được thì cũng chấp nhận được. Thơ không phải là từng chữ mà có ý nghĩa tiềm tàng ở trong, thì phải những nhà thơ như Hoàng Hưng, Thúy Toàn… thì mới có thể chuyển ngữ thành thơ. Như bài Đợi anh về của Simonov, khi tôi đọc bằng tiếng Pháp (vì tôi không biết tiếng Nga), rồi tôi đọc bản của Tố Hữu tôi cho là bản của Tố Hữu hay hơn. Sau này có một số người dịch lại đúng nguyên văn từ tiếng Nga nhưng tôi không thấy hay.
Dịch giả, nhà văn Đức Mẫn:
Dịch là để cho người đọc thưởng thức và chúng ta tôn trọng người đọc, là chúng ta làm cho văn chương thấm vào lòng người đọc một cách thật sự. Và tiêu chuẩn đề ra cao nhất không phải là vấn đề chữ nghĩa mà là thẩm mỹ, là tình cảm, hồn của tác phẩm để người ta cảm thụ được nó. Nếu người Việt đọc Verlaine (nhà thơ lớn nhất của Pháp thế kỉ XIX – LBT) có thể khóc, có thể đau khổ như người Pháp đọc Verlaine vậy thì bản dịch ấy là đạt. Còn chữ nghĩa trong đó người đọc không cần. Người đọc có vai trò gì ở đây? Cái văn hoá của các dân tộc có vai trò gì ở đây? Và cái cá nhân của người dịch có vai trò gì ở đây? Tất cả những cái đó đều là những chỗ khó khăn mà khi bàn bạc tới người ta đều lảng tránh.
Dịch giả, nhà văn Đoàn Tử Huyến:
Điều chúng ta cần bàn hiện nay là làm thế nào để có một nền dịch thuật, một phương pháp dịch thuật dựa trên khoa học là chính, chứ không phải dựa trên cảm tính. Cảm tính thì dễ, mà nhiều khi không dịch được khoa học thì người ta trốn vào đằng sau cái cảm tính, bảo tôi thích thế, tôi dịch cho người Việt Nam như thế, và vứt ngay cái phần học thuật. Tôi nghĩ rằng đã mang tiếng dịch thì phải đảm bảo được cái phần học thuật.
Dịch giả, nhà văn Nguyễn Văn Dân:
Trong lịch sử dịch thuật văn học, thường ban đầu người ta dịch rất ẩu, có khi người ta cắt, có khi phỏng tác, nhưng dần dần yêu cầu chính xác ngày càng cao. Cho đến thời nay thì không chấp nhận dịch phỏng tác nữa, không chấp nhận kiểu dịch cắt cúp, thêm bớt nữa. Chẳng hạn vở Ôtenlô của Sêchxpia dịch sang tiếng Pháp, hồi đầu người ta thay đổi nhiều chi tiết như chiếc khăn mùi xoa của Desdemona, người thì dịch là vòng cài đầu, người dịch là khăn choàng… đến thế kỷ lãng mạn người ta mới dịch đúng là chiếc khăn mùi xoa bằng lụa… Nếu xét thực tế lịch sử dịch thuật đi theo chiều hướng như thế thì tôi nghĩ chữ tín vẫn là quan trọng nhất. Trong một số bài viết của tôi, tôi có lý luận: thế nào là chính xác? Mà làm thế nào để chính xác bao gồm cả đạt, cả nhã? Tôi quan niệm chính xác là chính xác toàn diện, tức là phải diễn đạt được tương đương ý của tác giả, tương đương trong cách diễn đạt của tiếng Việt, chứ không phải máy móc dịch từng chữ mot à mot, chính xác là dịch đúng từ trong văn cảnh cụ thể của nó…
Dịch giả, nhà văn Ngô Tự Lập:
… Tôi chỉ bàn về chuyện dịch làm sao để người ta cảm nhận đúng tác giả như ông ta được cảm nhận trong thứ tiếng của mình, và tôi nghĩ chúng ta có thể làm được.
Tôi rất đồng ý chỉ cần chữ tín thôi, chữ tín là bao gồm tất cả, tức là chuyển được toàn bộ những cái gì mà tác giả làm và người đọc cảm nhận được ở nguyên bản trong một ngôn ngữ khác.
2. Dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt
Theo dịch giả Ngu Yên (Houston), dịch truyện hầu hết dễ hơn dịch triết học, dịch triết học hầu hết dễ hơn dịch thơ. Dịch giả Hoàng Hưng cho rằng, thực sự thì thơ không có cách nào dịch nổi vì thơ là nghệ thuật ngôn ngữ, nó gắn chặt với đặc điểm của ngôn ngữ gốc, nếu chuyển sang ngôn ngữ khác thì bài thơ bị chết mất một nửa. Còn dịch giả Trần Thiện Đạo đã phát biểu: Về cơ bản dịch văn xuôi khác hẳn với dịch thơ. Dịch văn xuôi thì người dịch có thể là hoặc không là nhà văn, nhưng người dịch thơ dứt khoát phải là nhà thơ. Những lời phát biểu nói trên cho thấy, dịch thơ vô cùng khó. Phải là dịch giả từng trải, phải có tâm hồn của một nhà thơ, hay là một nhà thơ thực thụ, thì mới có thể dịch thành công thơ nước ngoài.
Tôi chia sẻ quan điểm của dịch giả Ngu Yên về dịch thơ: “Dịch thơ luôn luôn có sự đấu tranh giữa dịch theo văn hóa văn ngữ của bản gốc và dịch theo văn hóa văn ngữ của ngôn ngữ dịch. Người dịch theo tiêu chuẩn ngữ nghĩa và văn cảnh sẽ thấy bản dịch theo văn hóa có nhiều chỗ không đúng như ngôn ngữ tác giả. Ngược lại người dịch theo văn hóa dịch sẽ thấy bản dịch theo văn ngôn bản gốc là không thông suốt. Nhiều bài đọc lên cảm thấy khó cảm hoặc dở, rồi đâm ra nghi ngờ giá trị của bài thơ gốc hoặc khả năng của người dịch, trong khi chính xác hơn là nên nghi ngờ phương pháp dịch. Phương pháp dịch khác nhau đưa đến kết quả khác nhau. Chọn phương pháp dịch là quan điểm hệ trọng khi dịch một bài thơ. Có lẽ, mỗi bài thơ, mỗi thể loại thơ đòi hỏi mỗi cách dịch phù hợp. Ví dụ: Một bài thơ thuộc dạng biểu hiện, cần lối dịch nghiêng về cảm tính và thẩm mỹ. Trong khi một bài thơ trong dạng tượng trưng hoặc trừu tượng, cần lối dịch nghiêng về văn hóa. Dịch sát văn cảnh và ngữ nghĩa nếu đó là bài thơ hiện thực. Không thể nấu cơm và nấu cháo giống nhau. Dĩ nhiên, nấu xôi phải khác. Sử dụng một lề lối dịch phù hợp với bài thơ gốc, dịch giả không chỉ là người “chuyển ngữ”, họ là người biến hóa ngôn ngữ. Sẽ không có lối dịch thơ nào hoàn toàn đúng vì ngay từ đầu ai cũng biết dịch thơ là sai lầm. Nghĩa là, làm sao cho người đọc cảm nhận được cái hay, nét đẹp của bài thơ ngoại. Dịch thơ là tái tạo bài thơ gốc theo chiều hướng đó”.
Theo tôi, khi dịch thơ thì người dịch phải biết “liệu cơm gắp mắm”, phải nắm được hồn cốt, nội dung, bút pháp, phong cách, thể loại, nhịp điệu, nhạc điệu của bài thơ nguyên tác, để lựa chọn thể thơ hiệu quả nhất, đắc địa nhất cho bản dịch tiếng Việt của mình.
Như ta đã biết, các thể thơ Việt Nam phổ biến gồm: Lục bát, song thất lục bát, thơ đường luật, thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ sáu chữ, thơ tám chữ, thơ tự do, thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
Thực tế cho thấy, thể thơ tự do thường hay được các dịch giả lựa chọn cho bản dịch của mình. Tại sao lại như vậy? Thể thơ tự do là thể thơ hiện đại, thể hiện được cái tôi và sự phá cách sáng tạo của thi sĩ. Trong một bài thơ tự do, số chữ trong câu, số câu trong một khổ và số lượng khổ thơ của toàn bài đều không bị giới hạn. Các quy luật về hiệp vần, bằng trắc cũng vô cùng linh hoạt, tùy theo cảm xúc và sự chú ý của người viết (theo Download.vn). Chọn thể thơ tự do người dịch có thuận lợi trong việc biểu đạt trung thành nguyên tác. Tuy nhiên, chọn thể thơ nào thì người dịch cũng phải tính tới việc trả cái giá “được” và “mất” cho thể thơ mình chọn, cho nên, như tôi vừa nói ở trên, người dịch phải “liệu cơm gắp mắm”, phải tinh tường trong việc chọn thể thơ thích hợp nhất, để bản dịch của mình được nhiều hơn mất, hiệu quả nhất, nói cách khác: đúng nhất và trúng nhất.
Xin lấy một thí dụ về cái được và cái mất khi chọn thể thơ để dịch: Theo dịch giả Đoàn Tử Huyến, cái khó nhất của những người dịch là xác định đối tượng và cách thức truyền tải như thế nào nhằm đạt đến mục đích cuối cùng của mình. Và cái mục đích này ảnh hưởng đến cách dịch. Ví dụ ông Khái Hưng chẳng hạn, không phải ông không thể dịch được đúng nguyên tác bài thơ Tình tuyệt vọng của Félix Arvers, nhưng vì mục đích đặt ra khác, để cho người Việt Nam đọc thấy sướng, nên ông dịch thành thơ lục bát để dễ đi vào lòng người : Lòng ta chôn một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thâu/ Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu/ Mà người gieo thảm như hầu không hay/ Hỡi ơi, người đó ta đây/ Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân/ Dẫu ta đi trọn đường trần/ Chuyện riêng đâu dám một lần hé môi/ Người dù ngọc nói hoa cười/ Nhìn ta như thể nhìn người không quen/ Đường đời lặng lẽ bước tiên/ Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình/ Một niềm tiết liệt đoan trinh/ Xem thơ nào biết có mình ở trong/ Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng:/ “Người đâu tả ở mấy giòng thơ đây”.
Và cũng như thế, theo dịch giả Đoàn Tử Huyến, bài thơ Đợi anh về của Tố Hữu và của Simonov là hai bài thơ khác nhau, thần thái khác nhau. Bài thơ Tố Hữu mượn ý của Simonov chứ tinh thần là khác với nguyên tác. Gọi là dịch là không đúng. Chỗ ấy nên nói lại là phỏng tác và khi phỏng tác anh có quyền đi xa nguyên tác…
Về bài thơ Đợi anh về dịch giả Thuý Toàn cho rằng: Người đọc Việt Nam đều thừa nhận rằng có hàng chục bản dịch bài thơ Đợi anh về của Simonov, nhưng chẳng có bài nào người ta nhớ ngoài bài của Tố Hữu, mặc dù nhiều người cho đấy là dịch khác, xa với nguyên bản, xa cả tinh thần. Ngay nhịp điệu của những câu thơ tiếng Nga nó cũng khác với nhịp điệu thơ Tố Hữu. Nguyên cái đấy người ta phê phán Tố Hữu dịch sai rồi. Hay một chữ trong tiếng Nga chính xác nghĩa là “dứt khoát anh sẽ trở về” khác với “Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé”. Thế nhưng bản dịch của Tố Hữu vẫn cứ đi vào lòng người, sống với văn học Việt Nam, với đời sống tinh thần Việt Nam. Dịch thơ khác với dịch văn xuôi chính là ở chỗ ấy. Ngay cái thể thơ mà Tố Hữu chọn là thơ năm chữ thì hình như cũng quá đạt rồi, nó thành Việt Nam rồi.
Đợi anh về (thơ) – bản dịch của nhà thơ Tố Hữu:
Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé/ Mưa có rơi dầm dề/ Ngày có dài lê thê/ Em ơi em cứ đợi./ Dù tuyết rơi gió thổi/ Dù nắng cháy em ơi/ Bạn cũ có quên rồi/ Đợi anh về em nhé!/ Tin anh dù vắng vẻ/ Lòng ai dù tái tê/ Chẳng mong chi ngày về/ Thì em ơi cứ đợi!/ Em ơi em cứ đợi/ Dù ai thương nhớ ai/ Chẳng mong có ngày mai/ Dù mẹ già con dại/ Hết mong anh trở lại/ Dù bạn viếng hồn anh/ Yên nghỉ nấm mồ xanh/ Nâng chén tình đốc cạn/ Thì em ơi mặc bạn/ Đợi anh hoài em nghe/ Tin rằng anh sắp về!/ Đợi anh anh lại về./ Trông chết cười ngạo nghễ/ Ai ngày xưa rơi lệ/ Hẳn cho sự tình cờ/ Nào có biết bao giờ/ Bởi vì em ước vọng/ Bởi vì em trông ngóng/ Tan giặc bước đường quê/ Anh của em lại về./ Vì sao anh chẳng chết?/ Nào bao giờ ai biết/ Có gì đâu em ơi/ Chỉ vì không ai người/ Biết như em chờ đợi.
Phát biểu trên của dịch giả Thuý Toàn một lần nữa cho ta thấy, bài thơ dịch nào cũng có cái được và cái mất, rất khó toàn bích, tuỳ theo cái đích nhằm tới của mình mà người dịch chọn thể thơ tiếng Việt thích hợp nhất, hiệu quả nhất để chuyển ngữ.
Tôi đã cân nhắc rất nhiều khi quyết định dịch bài thơ Tấm ảnh chụp ngày 11 tháng 9 của Wislawa Szymborska (Nobel Văn học 1996) nhà thơ Ba Lan. Sau khi nắm bắt được hồn cốt, nội dung, bút pháp, phong cách, nhịp điệu, thể loại của bài thơ nguyên tác, tôi đã chọn thể thơ tự do để chuyển ngữ sang tiếng Việt bài thơ này. Thể thơ tự do giúp tôi biểu đạt một cách hiệu quả nhất hồn cốt, nội dung, bút pháp, phong cách, nhịp điệu và thông điệp của bài thơ. Thể thơ tự do giúp cho bản dịch của tôi được nhiều hơn mất.
Nguyên bản tiếng Ba Lan:
Fotografia z 11 września
Skoczyli z płonących pięter w dół –
jeden, dwóch, jeszcze kilku
wyżej, niżej.
Fotografia powstrzymała ich przy życiu,
a teraz przechowuje
nad ziemią ku ziemi.
Każdy to jeszcze całość
z osobistą twarzą
i krwią dobrze ukrytą.
Jest dosyć czasu,
żeby rozwiały się włosy,
a z kieszeni wypadły
klucze, drobne pieniądze.
Są ciągle jeszcze w zasięgu powietrza,
w obrębie miejsc,
które się właśnie otwarły.
Tylko dwie rzeczy mogę dla nich zrobić –
opisać ten lot
i nie dodawać ostatniego zdania.
Bản dịch tiếng Việt của Lê Bá Thự:
Tâm ảnh chụp ngày 11 tháng 9
Họ nhảy xuống/ Từ những tầng nhà rực lửa/ một người, hai người và tiếp nữa/ cao hơn, thấp hơn
Tấm ảnh chụp cố níu họ sống,/ Còn bây giờ lưu giữ họ/ Đang lao xuống/ từ trên cao
Họ vẫn còn nguyên/ với gương mặt mình,/ Máu họ vẫn chìm/ Sâu trong cơ thể
Thời gian còn đủ/ cho tóc họ bay,/ Tiền xu, chìa khoá/ rơi khỏi túi dày.
Họ vẫn còn trên không trung,/ trong những vị trí/ mở toang
Chỉ hai việc tôi có thể làm cho họ:/ Miêu tả chuyến bay/ Và không đặt tay/ Ghi vào câu kết.
Bài thơ viết về tấn bi kịch ngày 11 tháng 9 năm 2001, trên đất Hoa Kỳ, khi trong vòng 1 giờ 42 phút hai tòa tháp đôi cao 110 tầng bị quân khủng bố Al Qaeda phá sập, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người và 6000 người bị thương.
Viết về bi kịch, nhưng không một câu chữ nào tác giả nói về bi kịch, về cái chết đang cận kề. Tác giả chỉ mô tả như mô tả một chuyến bay của những con người đang đang lao xuống đất từ hai tòa tháp đôi 110 tầng – “Họ vẫn còn nguyên/ với gương mặt mình/ Máu họ vẫn chìm / Sâu trong cơ thể”. Hoặc: “Họ vẫn còn trên không trung/ trong những vị trí / mở toang”.
Họ vẫn sống, họ đang sống, tác giả không muốn và không chịu để cho họ chết một cách tang thương. Cho nên nhà thơ viết:
“Chỉ hai việc tôi có thể làm cho họ: /Miêu tả chuyến bay/ Và không đặt tay /Ghi vào câu kết”.
Đây là một đoạn kết thâu tóm toàn bộ tính nhân văn của bài thơ, và hơn thế, lòng nhân ái, thương người như thể thương thân của bà. Nhà thơ lực bất tòng tâm, bó tay thật sự rồi, nhưng bà vẫn cố làm những gì bà còn có thể làm, để bà không phải nói, không phải viết về một kết cục bi đát. Và để được vậy bà đã quyết định “… không đặt tay, ghi vào câu kết”. Câu nói nói này, một câu nói biểu đạt cái tâm, cái tầm ắp đầy tính cách Szymborska.
Hà Nội, 14.7.2023
LÊ BÁ THỰ
Xem thêm: