Cũng gần 40 năm, tôi quen và chơi thân với Nguyễn Bình Phương. Giữa chúng tôi có quá nhiều kỉ niệm vui có, buồn có… Chơi với nhau, chẳng biết có phải là duyên “tiền định” hay không nhưng hầu như cả một thời gian dài khi tôi còn công tác, chuyến đi xa nào, tôi cũng đều rủ Phương cùng đi. Tôi nhớ có một lần, ở Sài Gòn, tại một bữa nhậu sau một chuyến đi xa về, ông nhà văn “đồng hương” Thái Nguyên - ( Phương ở thành phố Thái Nguyên, tôi sinh ra ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên năm gia đình “tản cư” thời chống Pháp) - Hoàng Đình Quang nổi tiếng với thiên truyện ngắn “ Người thọ nạn” đoạt giải cao cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội , và tiểu thuyết “ Xuân Lộc”- một trong những tác phẩm xuất sắc về chiến tranh mới xuất bản mấy năm gần đây cùng hàng loạt tác phẩm đình đám khác, sau vài tuần rượu, chưa đến mức xỉn, buột miệng: tao nghi hai đứa mày thuộc dạng”xăng pha nhớt”, nói xong ông ta giương đôi mắt đục nhờ gườm gườm về phía chúng tôi. Ông thuộc type người đứng đắn, ít giao du, bù khú với bạn bè nếu không phải tiếp khách vì công việc. Tôi trả lời ngay mà như hỏi lại: vậy bác chi tiền cho bọn em đi “xét nghiệm”? Ông không nói gì thêm và cầm li rượu uống tiếp. Tôi cũng chỉ kịp nghĩ, ngay cả một người như ông mà cũng nghĩ như thế, vậy những người khác thì sao? Tôi chỉ biết, bà xã nhà tôi và cô Mai (người “tay áp, má kề” của Phương) không hề thắc mắc, hơn thế còn cảm thấy yên tâm khi biết hai anh em đi công việc cùng nhau… Có nhiều cách cắt nghĩa cho việc chúng tôi lúc nào cũng như hình với bóng, với tôi, đơn giản vì đi cùng với Nguyễn Bình Phương, tôi học được nhiều điều ,và “khai thác” tại chỗ vốn kiến thức khá rộng và sâu của anh để giải quyết tại chỗ những việc cần làm trong mỗi chuyến đi. Những khi ấy, Phương như vai trò một cố vấn chuyên môn trong những dự án làm sách của cơ quan, hoặc đề tài đối tác đặt hàng của riêng tôi. Còn phía Phương, trong ý nghĩ của tôi, những chuyến đi như thế có thể là cách để giải khuây, là nạp lại năng lượng sau khi đã rút ruột cho sáng tác vừa xong, hoặc chí ít sẽ là những trải nghiệm hữu ích cho một người viết văn, làm thơ như anh?! Vẫn biết Nguyễn Bình Phương viết văn chủ yếu là ở trí tưởng tượng chứ không thuộc người phải đi vào thực tế để có cảm hứng sáng tác như nhiều nhà văn khác… Có thể nói, những năm tháng ấy, hầu như mọi vùng, miền của dải đất hình chữ S này đều in dấu chân của hai đứa chúng tôi! Tôi những tưởng, các kỉ niệm về những tháng năm ấy đã nằm yên trong kí ức, và sẽ mãi mãi là tài sản riêng của mỗi đứa chúng tôi …
Nhưng trên đời, sự”ngẫu nhiên” vẫn luôn xuất hiện. Đó là, sau khi nộp bản thảo tập sách “ Nẻo vào Đường sách” cho nhà xuất bản, chính người biên tập bản thảo này nhắn qua người tổ chức bản thảo, tác giả nên viết thêm về người bạn nhà văn của mình, như thế tập sách sẽ có thêm một chân dung thú vị… Thật ra, trong thâm tâm, tôi cũng đã nghĩ tới, nhưng có chút do dự vì nếu viết, người ngoài sẽ cho rằng, lại “chúng tôi nói về chúng tôi”?! (Trong tập sách, đã có hơn một bài nhà văn , bạn tôi viết về tôi). Nhưng, nhà xuất bản yêu cầu cũng có lí do của họ! Và tôi chấp nhận, chọn ba kỉ niệm khó quên nhất trong nhiều kỉ niệm chúng tôi lưu giữ… Với riêng tôi, chúng đã là “khúc ngoặt” trong đời viết văn của Nguyễn Bình Phương.
1. Nguyễn Bình Phương chuyển về Nhà xuất bản Quân đội nhân dân như thế nào? Tôi có nghe và từng đọc truyện và thơ của tác giả trẻ khoác áo lính này, nhưng chưa một lần giáp mặt nhau.Thời gian đầu những năm 90, tôi biết anh đang công tác ở Đoàn kịch Quân đội, lính của nhà viết kịch Tạ Xuyên đang làm Đoàn trưởng, và ông cũng là cộng tác viên của phòng Văn nghệ, Nhà xuất bản Quân đội, nơi tôi làm biên tập viên. Qua những lần gặp làm bản thảo, ông chỉ giới thiệu, ở Đoàn kịch hiện có một người viết văn trẻ vừa từ Trường viết văn Nguyễn Du về làm biên kịch, ông không hề nhắc đến tên người lính của ông. Lần đầu gặp Phương khi chúng tôi cùng dự một hội nghị giao ban nội bộ của khối văn hóa , văn nghệ tại Hội trường Tổng cục Chính trị tổ chức ở trong thành (tên gọi địa điểm trong khu vực quân sự, đường Hoàng Diệu, Hà nội). Trong giờ giải lao giữa giờ, tôi thấy một sĩ quan trẻ, đứng một mình với điếu thuốc lá trên tay dưới gốc cây sấu già. Trông anh dáng cao, gầy, vầng trán rộng, gương mặt nhìn giống như gương mặt họa sĩ Bùi Xuân Phái trong tranh kí họa, đặc biệt là khuôn cằm . Nhìn cách anh rít thuốc ,tôi đoán anh này thuộc diện “nghiện nặng” đây. Tôi bước tới gần, trên tay cầm điếu thuốc vờ xin lửa. Sau đó là câu chuyện làm quen.Tôi thấy chàng sĩ quan trẻ tiếp chuyện tôi nhưng tâm trí cứ như gửi ở đâu đâu... Sau này khi đã quen nhau, ở với nhau nhiều năm, cái “lơ đãng” thường trực, đôi khi ngây ngô ấy không thấy mất đi… và có thể đấy cũng là biểu hiện dễ thấy để nhận ra anh khác người khác?! Sau vài câu chuyện, tôi thấy Phương trở nên một người hoàn toàn khác, tươi vui và hào hứng khi nói về công việc hiện tại, về việc viết lách của anh… Mải chuyện, nhìn xung quanh đã thấy mọi người vào trong hội trường cả. Tôi hất đầu về phía Phương, ý rủ cùng “lặn” về sớm. Tôi đưa Phương ghé qua tiệm sách cho thuê mà vợ chồng tôi mở ở ngay ngã tư Cửa Bắc – Quan Thánh (Hà Nội). Trong câu chuyện bên kệ sách, Phương tiệt lộ, hiện vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết, đang tìm người in. Phương cũng không giấu giếm, sách mình in ra thường khó bán vì kén người đọc! Tôi nói với Phương, như một cách chia sẻ rằng, nhà văn viết theo nhiều phong cách, và bạn đọc cũng lắm gu tiếp nhận, có nhà văn muốn kéo độc giả theo dẫn dắt của mình, có nhà văn chiều bạn đọc theo cách đọc giải trí thuần túy… Tôi thấy Phương ngước mắt nhìn tôi và gật gù… Tôi nói có quen nhiều nhà sách tư nhân, họ coi tôi là cộng tác viên “đầu vào”- tổ chức bản thảo , - tôi nói, sẽ hỗ trợ việc này. Khi tiễn Phương về, tôi không quên nhắc sớm gửi bản thảo cho tôi. Bản thảo “Những đứa trẻ chết già” mà Phương chuyển cho tôi sau đó không lâu đã được Nhà sách Đông Tây thực hiện liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Văn học. Khi mang sách tác giả đến gặp Phương, nhân có dịp, tôi nói với Phương chuyển về Nhà xuất bản Quân đội làm việc, ở đây sẽ có nhiều điều kiện viết, giao lưu với các đồng nghiệp, các cộng tác viên khắp cả nước. Phương nói để suy nghĩ thêm và sẽ có quyết định sớm nhất. Về cơ quan , tôi nêu việc này với Trưởng phòng, anh vốn là nhà văn, học viên khóa đầu Trường viết văn Nguyễn Du, người mà tôi giới thiệu cũng là học viên cùng trường với anh nên anh tỏ ra quan tâm. Anh nói, chờ anh báo cáo với Giám đốc. Vả lại, anh cũng đang cấn cá về người vừa được sếp tiến cử về phòng, một người cùng cơ quan nhưng đang là nhân viên ở phòng sửa bài. Biết anh đang ở thế kẹt, người cần tìm thì chưa thấy, người chưa cần đã ở “liền kề”… Tôi sốt sắng mách nước, nói với anh: có gì mà anh phải lăn tăn cho mệt người, phương án tối ưu lúc này là tuyển cả hai! Ai có chuyên môn ở lại, còn không, người ta sẽ tự xin đi… Tôi thấy gương mặt anh giãn ra đôi chút, đôi mắt đục nhờ nhìn tôi và cười, nói: chú mày thông minh đột xuất! Và sau đó không lâu, phòng tôi đón hai thành viên mới: 1 nam, 1 nữ. Chuyện nhà văn Nguyễn Bình Phương về đầu quân ở Nhà xuất bản Quân đội xem như đã khép lại. Từ lần ấy, không hiểu sao, tôi thấy sếp cũ của Phương như cố ý muốn tránh mặt tôi, chẳng lẽ vì tôi, ông đã không giữ được người cộng sự trẻ tuổi tài năng mà ông cất công đưa về?
2. Kỉ niêm thứ hai, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc, là một câu chuyện hết sức bình thường, mà bây giờ, mọi người thấy nó chẳng có gì đáng nhớ. Nhưng bạn hãy hình dung, những năm cuối 80 và đầu 90 thế kỉ trước, khi cuộc cách mạng tin học mới đổ bộ vào ta, thời kỳ mà nhiều cơ quan còn chưa được trang bị máy tính bàn, chứ chưa nói đến laptop, ipad, smatphone…như bây giờ.Thòi kỳ này,Mỹ chưa xóa bỏ “cấm vận”,máy tính và các thiết bị tin học… có về cũng chỉ nhập theo dạng “tiểu ngạch”,thường nhập hàng qua nước thứ ba… Ở cạnh cơ quan tôi là Cục Tài vụ ( Cục Tài chính là tên gọi sau này), Bộ Quốc phòng, đã có hẳn một phòng tin học với hàng đại đội máy tính cùng đội ngũ người sử dụng trẻ trung và tinh thông nghiệp vụ. Mỗi lần sang chơi với anh bạn là chuyên viên, kỹ sư, cũng đồng thời là “bác sĩ”chuyên thăm khám sức khỏe cho máy tính, đã từng được Quân đội cử sang Ấn Độ học nghề, tôi như người mất hồn vì choáng ngợp trước công năng của máy tính qua chuyện anh kể và triển vọng của ngành công nghệ này! Chưa ai biết được sau 5 ,10 năm nữa, ngành này sẽ còn vươn xa tới đâu! Tôi nghĩ ngay tới việc nhờ anh bạn dạy chúng tôi học vi tính, chủ yếu là soạn thảo văn bản, trình bày sách… Biết việc tôi nhờ là có ích cho việc làm sách, anh vui vẻ nhận lời, có điều anh nói, cũng phải báo cáo lãnh đạo vì liên quan tới vấn đề “bảo mật” và chỉ có thể học ngoài giờ làm việc của cơ quan. Ngay hôm đó, tôi trao đổi với Phương để Phương theo học trước, một phần vì sống độc thân, chưa vướng bận việc gia đình, hai là người viết văn, làm báo, nếu viết trên máy tính sẽ lợi hại vô cùng. Từ ngày hôm sau, vào thời gian sau giờ làm việc, Phương đều ở lại và chăm chỉ học đánh máy trên vi tinh, học các thao tác cơ bản: soạn thảo văn bản, dàn trang, in bông… Sau chưa đầy 1 tháng, Phương đã thuần thục gõ bàn phím máy bằng mười đầu ngón tay và cho ra đời những sản phẩm đầu tiên dẫu vẫn phải nhờ máy tính bên anh bạn vì bên nhà xuất bản vẫn chưa trang bị, còn cá nhân thì chưa có điều kiện để sở hữu riêng. Có thể nói, trong giới nhà văn nước ta, Nguyễn Bình Phương có lẽ là người biết sử dụng máy tính sớm nhất?!
3. Kỉ niệm thứ ba có lẽ đến lúc này, sau hơn 20 năm trôi qua, trong tôi vẫn chưa hết cảm giác bàng hoàng và thấm thía đến vậy! Bạn đọc hẳn còn nhớ “vụ án” có tên ”Đi”- tên một truyện ngắn của Nguyễn Bình Phương đăng trên báo Văn nghệ Trẻ, phụ trương của tờ Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2000? Các bạn văn làm ở tờ báo này đã lục trong xấp bản thảo ở nhà Phương truyện ngắn này, chọn thời gian thích hợp đưa in, với mong muốn làm món quà bất ngờ, độc đáo vào ngày cưới của anh. Tôi nhớ hôm tổ chức tiệc cưới Phương –Mai ( tên người vợ của Phương), tổ chức ở Hội trường tầng trệt Khách sạn Daewoo (gần hồ Thủ Lệ, Hà Nội), khách dự cưới khá đông, điều lạ là có một nhà văn gặp và lấy chữ kí của khách kí trên tờ báo Văn nghệ trẻ. Tờ báo các bạn văn muốn làm “Quà cưới” có chữ kí các nhà văn sau thành giai thoại, một phần vì không rõ hiện giờ ai là người chủ sở hữu nó, mà không phải là Nguyễn Bình Phương!
Phương cưới vợ, nghỉ phép ít ngày rồi xuống trực ở Trại viết văn do Tổng Cục Chính trị mở tại Nhà sáng tác Đồ Sơn ( Hải Phòng) và giao cho Nhà xuất bản tổ chức thực hiện. Phòng Văn nghệ, ngoài Trưởng phòng còn có tôi và Nguyễn Bình Phương cùng tham gia lo hậu cần và quản lí việc sinh hoạt của các trại viên dự Trại. Chúng tôi ở Trại chưa đến 1 tuần thì trưởng phòng nhận được bức điện khẩn từ Nhà xuất bản yêu cầu Phương phải có mặt ở cơ quan ngay ngày hôm sau! Tôi báo cáo, xin phép trưởng phòng đưa Phương về. Chúng tôi khoác balo về ngay chuyến xe ca chiều hôm ấy. Suốt dọc đường trên xe, cả hai chúng tôi hầu như im lặng, cảm giác lo lắng, bồn chồn vì chưa rõ lí do nào, cả trong bức điện khẩn cũng không có một thông tin cụ thể…Khi về tới cơ quan, mọi người đã ra về sau ngày làm việc nên cảm giác trống trải như bủa vây hai chúng tôi. Bác trực bảo vệ nhìn chúng tôi có chút gì ngần ngại, chỉ thuận miệng hỏi vài câu xã giao. Tôi nghĩ chắc ông cũng không rõ việc chúng tôi về đột xuất vì lí do gì. Hai đứa quăng balo trong phòng bảo vệ, cùng ra bể nước tập thể rửa mặt. Ngồi một lúc thì thấy trợ lý chính trị, người ở khu nhà tập thể cơ quan từ cổng đi vào. Anh vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi vào phòng làm việc của anh. Chưa kịp pha trà, anh nói lí do gọi Phương về, không quên nhắc Phương cần bình tĩnh, mọi việc mới chỉ là đồn đoán, chưa có thông báo chính thức về vụ việc này. Bằng trực giác và độ nhạy cảm, tôi trao đổi với Phương việc “cần làm ngay” lúc này rồi lên phòng làm việc lấy tờ báo có in truyện ngắn của Phương mua trước ngày đi trại mà chưa kịp đọc. Phương không phản đối việc tôi bàn. Tôi khẩn trương mượn xe máy của trợ lí chính trị phóng đi. Người tôi đến “gõ cửa” tối hôm ấy là người tôi mới quen biết sau khi giúp đứa cháu của ông xin giấy phép ra một tờ phụ san rao vặt của báo Thương mại, báo ngành .Ông cũng là sĩ quan cao cấp, mới nghỉ hưu, là anh vợ của sếp cao nhất cơ quan chủ quản nhà xuất bản bấy giờ. Sau khi nghe tôi trình bày sự việc, ông nói cũng vừa hay tin vụ việc này, ông nói sẽ tìm cách tác động để có cách giải quyết êm nhất. Trước lúc ra về, tôi gửi ông tờ báo để ông đọc. Trên đường từ nhà ông về, tôi thấy lòng mình thư thái và có thêm niềm tin, dù nó rất nhỏ nhoi… Những ngày tiếp sau quả là những ngày sóng gió không chỉ với Phương, bạn bè nghe những tin đồn tứ bề cũng hoang mang: cái án này có thể rất nặng, phải giải ngũ về quê, nhẹ cũng hạ sao quân hàm…có khi phải treo bút! Người ta lại có dịp liên tưởng đến tác phẩm “Linh nghiệm” của nhà văn Trần Huy Quang cũng in trên Văn nghệ thời gian trước và hình thức kỉ luật khá nặng nề với nhà văn này. Dân trong nghề xôn xao nhận diện,phân tích về thể loại của truyện ngắn “Đi”, nào là truyện ngắn này thuộc thể loại “ám chỉ”,”ẩn dụ”,”giải thiêng thần tượng”… Bây giờ khi nhớ lại không khí những ngày đó ở ngay cơ quan, tôi vẫn có cảm giác ớn lạnh! Nhà xuất bản nhận được hướng dẫn của Đảng ủy cấp trên về các bước xử lí, tổ chức kiểm điểm Nguyễn Bình Phương trong Đảng ủy, phòng biên tập sách, liên tịch…Sau cùng là bước kiểm điểm trong chi bộ Phòng Văn nghệ, cơ sở đảng hạt nhân, nơi đảng viên sinh hoạt sẽ đề nghị hình thức kỉ luật với đảng viên sai phạm. Tôi nhớ buổi họp kiểm điểm đảng viên Nguyễn Bình Phương trước chi bộ khá căng thẳng, một bầu không khí nặng nề bao trùm, cảm giác như nghe rõ cả tiếng kim đồng treo tường lắc cắc dịch chuyển, gương mặt các đảng viên tham dự cũng chẳng mấy nhẹ nhõm, nếu không muốn miêu tả bằng hai từ “đá đeo” vậy. Buổi họp hôm ấy còn có một đồng chí đại tá, đại diện phòng bảo vệ chính trị nội bộ trong thành ra dự. Giám đốc,Tổng Biên tập là người phát biểu trước tiên, ông nói nhẹ nhàng lời đề dẫn, mong muốn các đảng viên hãy phát huy tính dân chủ,nêu cao ý thức phê bình và tự phê bình của mỗi đảng viên, thẳng thắn phân tích vụ việc sao có lí, có tình …Người chủ trì là bí thư đảng ủy cơ quan, ông cũng không nói nhiều, có lẽ ông là dân học sử, bàn chuyện văn chương sẽ khó cho ông. Người nói nhiều và có màu sắc hùng biện là trưởng phòng biên tập, kiêm bí thư chi bộ. Ông dễ phát hơn hai sếp kể trên vì ông vốn là dân văn, đã từng có mặt ở các cuộc họp kiểm điểm trước, đã rõ việc này sẽ phải đạt được cái gì, nói như bây giờ (theo ngôn ngữ của ngành tư pháp là án đã “bỏ túi”). Suốt thời gian cuộc họp, Phương hầu như giữ thái độ im lặng tới độ bình thản. Có trời mới biết khi ấy nhà văn của chúng ta nghĩ gì! Tôi là người phát biểu sau cùng. Tôi giữ thái độ bình tĩnh khó ngờ giữa bầu khí quyển đặc quánh của cuộc họp. Tôi nói, xin các đồng chí giải thích, cuộc họp kiểm điểm chi bộ hôm nay là kiểm điểm đồng chí Phương nào? Chi bộ phòng Văn nghệ có hai Nguyễn Bình Phương: một Phương là biên tập viên sách văn nghệ, một Phương với tư cách nhà văn? Nếu kiểm điểm Nguyễn Bình Phương với tư cách người biên tập, cá nhân tôi thấy, đồng chí có nhiều thành tích đóng góp cho nhà xuất bản, về chuyên môn biên tập ,sách đồng chí đứng tên biên tập có nhiều cuốn nhận được giải thưởng của Bộ Quốc phòng, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học và nghệ thuật trung ương, Hội Văn nghệ Hà Nội ,các hội văn nghệ các vùng, miền;Giải thưởng Hội Nhà văn Á Phi…ví dụ…(tôi liệt kê tới gần chục tên đầu sách trong danh sách đoạt giải thưởng ở các lần trao giải). Tôi vừa nói vừa liếc mắt nhìn mọi người ,và như có thêm động lực nói tiếp – còn kiểm điểm đồng chí với tư cách một nhà văn, tôi thiết nghĩ, chúng ta cần có thêm ý kiến nhận xét về chuyên môn bên Hội Nhà văn về tác phẩm này, và chúng ta cần biết, đồng chí Phương không phải người trực tiếp gửi nó cho báo đăng, mà chính những bạn văn thân thiết của đồng chí tự ý lấy bản thảo đưa in mà không hỏi ý tác giả có đồng ý hay không… Bởi vậy theo thiển nghĩ của tôi, trong việc này, chúng ta cũng không nên vội vàng, vì như thế sẽ bảo đảm được sự công tâm, khách quan trong việc tìm hình thức kỉ luật đối với đồng chí của mình, vì hình thức kỉ luật sẽ gắn với sinh mệnh chính trị của một đồng chí đảng viên trẻ như đảng viên Nguyễn Bình Phương. - Tôi thấy ánh mắt của trưởng phòng nhìn tôi không mấy thiện cảm, nếu không muốn nói là sự khó chịu hiện ra mặt, cứ như tôi đây đang là kẻ”phá đám” vậy. Sau ý kiến phát biểu của tôi, chủ tọa phiên họp thông báo nghỉ giải lao để lãnh đạo họp hội ý trước khi kết thúc. Khi tôi ra khỏi phòng họp thấy đồng chí đại tá, người trong thành ra dự theo sát sau lưng, khi xuống tới sân, đồng chí này bắt tay tôi và nói nhỏ, đủ cho hai người nghe được: ý kiến đồng chí thật thấu tình, đạt lí, rất đáng nên xem xét để kết luận vụ việc, tôi sẽ về báo cáo với các thủ trưởng cấp trên. Cám ơn đồng chí! Tôi cũng nói lời cám ơn về tình cảm của ông qua lời ông vừa nói với tôi. Sau giải lao, cuộc họp kết thúc nhanh, ý kiến chung là sẽ làm báo cáo và chờ chỉ đạo tiếp sau của lãnh đạo cấp trên về vụ việc này. Bạn đọc biết đấy, khép lại “vụ án” truyện ngắn “Đi”, đảng viên, nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận hình thức kỉ luật thấp nhất trong các hình thức kỉ luật ghi trong Điều lệ là: khiển trách!Sau cuộc họp mấy ngày,hai đứa chúng tôi đến nhà người tôi gặp bữa ở Trại viết Đồ Sơn về để cảm tạ bác về việc chúng tôi nhờ.Bác tỏ ra rất vui vì mọi việc kết thúc tốt đẹp,cả vì nghĩa cử của chúng tôi với bác. Vài tháng sau, tôi xin chuyển ngành ra cơ quan dân sự, vẫn theo nghề cho tới ngày nghỉ hưu. Và nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng chuyển về bên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngôi nhà 23 Lý Nam Đế, trụ sở Nhà xuất bản Quân đội đã đi vào kí ức, và trở thành ngôi nhà “thứ hai’ trong cuộc đời hai chúng tôi…
Viết về những kỉ niệm nhỏ với nhà văn Nguyễn Bình Phương, tôi mường tượng thế này: nếu ngày ấy, nhà văn của chúng ta không qua khỏi kiếp nạn, chúng ta sẽ không có một Nguyễn Bình Phương “lưỡng quốc tướng quân “ như hôm nay: một Tổng Biên tập bản lĩnh, vững tay lái đưa con thuyền Văn nghệ Quân đội vươn khơi; một Phó chủ tịch Hội Nhà văn nhiều năng lượng tích cực, biết cách truyền cảm hứng sáng tạo bằng các tác phẩm với một phong cách và bút pháp riêng, độc đáo trên văn đàn nước nhà.