Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ PHẢI U MÊ ?

GS Mạc Văn Trang
Chủ nhật ngày 16 tháng 7 năm 2023 9:13 AM
Không biết trên thế giới có nước nào như nước ta không? Một nước nhân danh “cộng sản vô thần”, nhưng thờ thánh, thần, ma, quỷ ở khắp mọi nơi. Đặc biệt là dồn bao nhiêu nguồn lực đầu tư vào quá khứ, trong khi rẻ rúng đầu tư cho tương lai. Tạm liệt kê vài dẫn chứng.
1. ĐUA NHAU XÂY MỒ TO MẢ LỚN
Thời phong kiến chỉ mộ vua chúa mới được xây dựng nguy nga, nhưng vẫn chừng mực và coi trọng tinh hoa văn hoá. Các quan lại, nhà giàu cũng không được phép xây lăng mộ như vua chúa.
Ở các nước văn minh, từ thế kỷ XX, vua chúa, các nhà lãnh đạo đất nước, không còn xây dựng những lăng mộ đồ sộ, khoa trương tốn kém.
Ở nước ta thì ngược lại, từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI mới càng đua nhau xây lăng mộ hoành tráng.
Không làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta cố tình xây lăng thật to, ướp xác Ông cụ rồi một đội ngũ mấy nghìn người phục vụ không biết sẽ kéo dài đến bao giờ, gây tốn kém, lãng phí vô cùng tận. Hoàn toàn trái với di nguyện của Ông Cụ.
Ông Chủ tịch Q chưa chết đã chuẩn bị từ đường hoành tráng, lăng mộ mấy hecta đất nông nghiệp…
Ông Đại tướng T cũng không kém, sống đã bị dân khinh, chết còn làm mộ rõ to…
Nhiều lắm, các ông quan từ trung ương đến, tỉnh, huyện, xã, ông nào có quyền, có tiền cũng xây từ đường to đùng bằng gỗ quý, xây lăng mộ hoành tráng.
Quan nêu gương xấu, nên dân cũng ùa theo, thi nhau xây mồ to, mả lớn, biến các nghĩa địa ở làng quê nghèo mà như các “thành phố âm phủ” nguy nga, tráng lệ... Có người lúc sống, bo bo không có mà ăn, chết đói; nay con thành quan lớn, đại gia, xây cho cái mả thật oách, có rồng chầu, hổ phục như vua.
2. XÂY ĐỀN CHÙA RÕ HOÀNH TRÁNG
Đất nước ta có truyền thống Phật giáo phát triển tốt đẹp từ thời Lý - Trần, trải qua các triều đại hơn 1.000 năm, chưa bao giờ lắm sư, nhiều chùa như dưới triều đại “cộng sản vô thần”. Mà càng về sau các đền, chùa càng thi đua xây đồ sộ hơn, cầu kỳ hơn như các cung điện của các hoàng đế. Ngó qua các chùa Tam chúc, Bái Đính, Ba Vàng…thấy sợ ghê. Nhìn các chùa trang hoàng loè loẹt, ngó đội ngũ sư trùng trùng điệp hành đạo theo phương châm “Đạo pháp- Dân tộc - Xã hội chủ nghĩa” thì đâu còn thấy truyền thống ngàn năm Phật giáo chân tu của dân tộc!
Mấy ông sư làm gì ra tiền mà xây chùa to, tượng lớn, đến cái Mõ cũng lớn vô địch; sư làm gì ra tiền mà xe hơi xịn, sống vương giả? Tất cả là từ nguồn lực “xã hội hoá” mà ra.
Một chuyện lộ ra mới biết nguồn lực từ dân đầu tư cho sư lớn cỡ nào. Đó là Sư Thích Thanh Toàn hơn 40 tuổi, chục năm trụ trì chùa Nga Hoàng ở xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc - ngôi chùa của một xã vùng quê xa xôi mà đã xây được 800m2 chùa, đúc chuông lớn, tượng to. Ông ta còn sống phè phỡn quen thói, nên “gạ tình” một nữ phóng viên, bị tố cáo và xin xả giới, hoàn tục. Và “Sư Toàn xin giữ tài sản 200-300 tỷ, nói giờ 'lấy vợ thoải mái” (Tiền phong).
Có ai kinh doanh giỏi hơn ông sư này? Có nhà giáo, bác sĩ tâm huyết nào về một xã vận động được dân đóng góp xây được trường lớp, bệnh viện như ông sư này xây chùa? Không những thế ông còn tích lũy tài sản riêng có 200-300 tỷ? Tiền của ở đâu ra? Dân ta đầu tư đó. Dân đầu tư vào y tế, giáo dục thì khó, nhưng đầu tư cho chùa, cho sư thì “máu” lắm!
3. LỄ HỘI THẬT LINH ĐÌNH
Có đền to, chùa lớn thì phải tổ chức lễ hội thật linh đình, lễ vật phải “vô địch” mới xứng tầm! Có đền được dâng lễ hai con trâu mộng, hai con lợn tạ thui vàng, nguyên con; vua Hùng cũng phải “trợn mắt” khi được dâng lễ cái bánh chưng, bánh dày nặng hàng tấn! Lễ hội “đông vui” kinh hoàng như cướp lộc ở lễ hội đền Thánh Gióng; chen nhau “bẹp ruột” tranh ấn ở đền Trần; chỉ cần gõ vào Google “hàng vạn người đổ về chùa”... sẽ lập tức xuất hiện ra… chùa Hương, chùa Tam chúc, chùa Bái Đính, chùa Ba Vàng… Kinh nhất là “5 vạn người đổ về chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam…” một ngày.
Mà nên nhớ, “Việt Nam mỗi năm có hơn 8 ngàn lễ hội - Vietnamnet”, trung bình 22 lễ hội mỗi ngày.
Lễ hội kèm theo lễ vật, đốt vàng mã, nghe mà kinh hoàng: “Người Việt chi gần 5.800 tỷ đồng mua vàng mã để đốt mỗi năm” (vov.vn)
Biết bao nhiêu nhân lực, tài lực, vật lực “đầu tư” vào những lễ hội?
4. TƯỢNG ĐÀI và “PHỤC DỰNG” VÔ TỘI VẠ
Điều này, bao năm nay nhiều người đã lên tiếng gay gắt, nhưng với cái chính quyền lì lợm này thì tất cả như “nước đổ đầu vịt”, “đàn gảy tai trâu” mà thôi! Tôi xin nêu ra 10 bài báo trong số hàng ngàn, vạn bài về vấn đề này để bà con thấy rõ.
- “TP Hà Nội sẽ chi 1.800 tỷ đồng thực hiện dự án phục dựng điện Kính “. (1)
- “Hà Nội dự kiến có dự án 1.000 tỷ bảo tồn phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa. Chuyên gia cho rằng hệ thống này trước đây có cả bến thuyền thời An Dương Vương”.(2)
- “UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất đầu tư dự án công viên tượng đài, nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu với tổng mức đầu tư hơn 440 tỷ đồng”.(3)
- “Đề xuất dựng tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương cao 51m ở Đà Lạt”(4)
- “Sơn La lên tiếng về quảng trường, tượng đài Bác 1.400 tỷ đồng” (5)
- “Cà Mau: Trên 179 tỷ đồng xây dựng cụm Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc và công trình kết nối”(6)
-“Thanh Hóa: Tượng đài con tàu tập kết gần 255 tỷ, bao giờ sẽ hoàn thành”?(7)
- “Thanh Hóa xây công viên, tượng đài hơn 125 tỷ đồng” tưởng niệm 64 giáo viên và học sinh đã hy sinh khi bảo vệ đê sông Mã năm 1972”.(😎
- Ninh Bình: “Tượng đài 1.500 tỷ chưa hoàn thành đã xuống cấp là do thời tiết”? (9)
- “Những tượng đài tiền tỷ vừa hoàn thành đã xuống cấp” (10)
Tôi không hiểu, Hà Nội phục dựng những cái đó để làm gì, trong khi thiếu bao nhiêu nhà trẻ, trường học?
Vũng Tàu chi 440 tỷ dựng tượng thì Võ Thị Sáu có anh hùng hơn nữa không và nhà lưu niệm thì trưng bày những tác phẩm, di vật gì của Võ Thị Sáu?
Vua Hùng liên quan đến đất Đà Lạt như thế nào mà dựng Cụ cao 51m ở đây?
Sơn La thì ông Chủ tịch từng nói rồi: Không có tượng Bác thì Sơn La thiệt thòi. Vậy tỉnh nào chả “thiệt thòi”(!).
Tài nhất là Cà Mau gọi, Thanh Hoá đáp ngay! Cái bến đi và đến của cán bộ miền Nam kết thì mỗi nơi làm một tấm Bia lớn, khắc trên đó những thông tin quan trọng là đủ. Hai nơi xây hai bảo tàng mấy trăm tỷ, rồi trưng bày những gì trong đó, ai xem? Xem gì?
64 giáo viên và học sinh hy sinh thì dựng tấm bia khắc tên từng người để tưởng nhớ là đủ, sao Thanh Hoá phải dựng tượng đài cao 18m nữa? Cứ một tập thể hy sinh trong chiến tranh lại dựng một cụm tượng đài thì cả nước đầy những tượng đài người chết.
Nhưng bài báo số 10 mới cho ta nỗi kinh hãi. Vì sao? Vì tất cả các lăng mộ, đền chùa, các tượng đài, các công trình “phục dựng” với kiểu làm ăn chộp giật, bớt xén, làm bừa, làm ẩu “hoàn thành kịp nhiệm kỳ”, thì mọi công trình ấy đều xuống cấp rất nhanh; có nhiều công trình chưa hoàn thành đã “xuống cấp” rồi. Vậy là đã “đẻ” ra thì cứ phải “nuôi” mãi như nuôi các “con nghiện”; không lẽ những “công trình văn hoá- lịch sử” đã thuyết minh bao nhiêu ý nghĩa, nay lại đập bỏ? Không được, phải “bảo dưỡng” hàng năm, rồi phải “tôn tạo”, “trùng tu”, làm khổ đến đời con, đời cháu chắt… Đảng “muôn năm” cơ mà, vậy phải bảo tồn, tôn tạo tất cả những gì đẻ ra dưới thời của Đảng đến “muôn năm” nhé! Biết bao nguồn lực đổ vào đó, kinh chửa?
5. TƯƠNG LAI THÌ BỎ ĐÓI
Biết bao nhiêu nguồn lực đầu tư vào những người đã chết, những thứ hoài niệm về lịch sử mà ngày nay có thể tái tạo bằng hình ảnh công nghệ thì cứ phải “phục dựng” tại hiện trường, mà lẽ ra những nguồn lực ấy có thể đầu tư cho tương lai. Tương lai đang thiếu đói, khao khát.
- “Thiếu trường mầm non cho con công nhân trong khu công nghiệp” (Lao động): “TP Hải Phòng hiện có hơn 150.000 công nhân, lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Cùng với nhu cầu nhà ở, việc tìm nơi gửi trẻ của công nhân lao động là vấn đề bức thiết”, …
- “Đà Nẵng thiếu khoảng 28.000 nhà ở xã hội cho công nhân” (vtc News); các khu công nghiệp khác còn trầm trọng hơn.
- “33.000 học sinh Hà Nội trượt công lập và bài toán ‘ai cũng được học hành” (VietNamNet)...
- Hà Nội “Nhà ở xã hội, giấc mơ người nghèo khó chạm tới” (Dân Trí)...
- “Nhà ở xã hội giá rẻ ở TP.HCM: Không thể tin ước mơ an cư thành sự thật” (vtc News)...
- “Quá tải bệnh viện, nhiều năm vẫn là vấn đề cấp bách” (Lao động)...
- “Bộ Y tế: Giá giường bệnh theo yêu cầu tối đa 4 triệu đồng một đêm” (Tuổi trẻ)...
- Còn bao nhiêu nhu cầu đầu tư cho tương lai, như sân chơi, bể bơi của trẻ em; thư viện, câu lạc bộ phát triển năng khiếu của trẻ; những đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, văn hoá, nghệ thuật của thanh thiếu niên… Tất cả đều cần các nguồn lực từ Nhà nước từ các nguồn lực xã hội. Nhưng tất cả đều như cạn kiệt trước sự áp đảo của đầu tư vào quá khứ.
TÓM LẠI, bao giờ nước ta, dân ta mới bớt u mê bớt đầu tư cho những cái tào lao, để chắt chịu các nguồn lực đầu tư cho tương lai, cho đất nước phát triển bền vững. (Lạy các bố đừng luôn mồm nói “phát triển nhanh và bền vững”!). Cứ thế này thì người ta vẫn coi “Việt Nam là nước không chịu phát triển” theo tiêu chí của một nước văn minh.

Tên bài TNc đặt lại
Chú tích:
15/7/2023
MVT