Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHOẢNG TRỐNG SAU GS HOÀNG TUỴ

Nguyễn Ngọc Chu
Thứ bẩy ngày 29 tháng 7 năm 2023 11:32 AM
1.
Ngày 22/7/2023, Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam đã làm lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật của GS Hoàng Tuỵ. Những cuốn phim tài liệu, những ấn phẩm, hiện vật và những phát biểu của học trò, người thân đã khắc hoạ một phần sự nghiệp đồ sộ của bậc trí giả lớn cuối cùng của nước VNDCCH, đã rời xa cõi tạm 4 năm (7/12/1927-14/7/2019). Điều day dứt chưa nói, là khoảng trống sau GS Hoàng Tuỵ.
Là những khoảng trống nào? Xin chưa nhắc đến khoa học và giáo dục, mà nói đến khoảng trống trong quan hệ giữa “trí thức rường cột” và “chính khách đầu triều”.
Trước năm 1980, GS Hoàng Tuỵ, dù còn khá trẻ, nhưng được cụ Hồ và các nhà lãnh đạo nhà nước mời đến hỏi ý kiến. Sau buổi trao đổi, ra về không mang theo “túi quà”. Dù có thực thi phần nào hay không trong quản trị quốc gia, thì đó cũng là những buổi “chính khách đầu triều” muốn nghe lời khuyên của bậc “trí thức rường cột”. Quan hệ giữa hai bên bình đẳng, không ai ban ơn cho ai, không ai phải luỵ ai.
Nhưng mấy chục năm gần đây, không thấy bậc lãnh đạo nhà nước nào muốn nghe lời của bậc trí giả, ngoại trừ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau khi “Tổ tư vấn” của Thủ tướng bị giải thể (28/7/2006), một số nhà nghiên cứu độc lập có ý định lập Viện nghiên cứu Phát triển (27/9/2007) đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ủng hộ và nhắc phải mời cho bằng được GS Hoàng Tuỵ làm Chủ tịch Hội đồng. Nhưng chưa đầy 2 năm hoạt động, Viện nghiên cứu Phát triển cũng phải tự giải thể (14/9/2009) trước áp lực ra đời của quyết định 97/2009/QĐ-TTg (có hiệu lực từ 15/9/2009), vì không thể công khai các phản biện khác với chính sách của Chính phủ. Không ai muốn nghe những lời trái chiều.
Vài chục năm gần đây, các nhà khoa học được bố trí cả ở vị thế ‘uỷ viên trung ương’. Nhưng làm việc theo quy chế cấp trên cấp dưới. Chẳng được mời để nghe lời khuyên, có chăng là ý kiến, là đề đạt. Còn vào dịp lễ tết, theo sự sắp đặt trước của tổ chức, các chính khách cũng đến thăm một số “đại diện trí thức”. Cuối buổi tiếp chuyện, không ai thu hoạch được điều gì đáng giá, ngoài “túi quà” của khách để lại cho chủ. Sự kiện mang tính hình thức. Hành động nặng về ban phát. Quan hệ mất thế bình đẳng. Chính khách dường như ban ân. Kẻ mang tiếng có chữ thì không còn chí khí. Chỉ một “túi quà” nhỏ, mà làm cho chính khách không cần phải nghe, trí thức không còn phải nói.
2.
Kẻ chinh phạt thành công lên cầm quyền, thường mang tính tự đắc. Cho mình là vĩ đại. Trong ánh hào quang chiến thắng không xem ai ra gì. Ban phát bổng lộc tuỳ tiện. Trừng phạt bừa bãi. Đốt cả sách thánh hiền. Xem bậc trí giả như giẻ rách. Bao quanh chỉ toàn kẻ a dua, xu nịnh.
Thật trớ trêu, vào thời hiện đại, điều tương tự vẫn còn xảy ra, nơi các bóng ma biến hình của chế độ phong kiến ngự trị. Nếu ông vua phong kiến còn có kẻ sĩ vươn cổ ra chờ chém mà không đổi sắc mặt, thì ông “vua phong kiến thời hiện đại” chỉ thấy “muôn dân cúi rạp”, mà không hề thấy bậc trí giả ngẩng đầu.
Để mường tượng ra khoảng trống sau GS Hoàng Tuỵ, xin viện dẫn những gửi gắm cuối đời của Giáo sư trong cuốn “Xin được nói thẳng”:
“Một cá nhân thay đổi đã khó, một đất nước thay đổi càng khó gấp bội. Nhưng nếu không thay đổi thì làm sao thích ứng với môi trường xung quanh, với thế giới, với thời đại biến chuyển không ngừng mà không thích ứng được thì sớm muộn sẽ bị đào thải. Đó là quy luật tự nhiên.
Đất nước ta hiện còn nhiều cái cũ kỹ, lỗi thời, ngược hẳn với thế giới văn minh. Cái sự chẳng giống ai đó không phải là độc đáo, không phải là khác biệt làm nên giá trị riêng giúp chúng ta đồng hành với thế giới mà không lẫn với ai. Đó chẳng qua chỉ là sự không thức thời, sự bảo thủ sinh ra từ cố chấp, chủ quan và tự mãn”.