TNc: Nhà văn Hữu Tiến từ cao Bằng vừa gửi cho trang nhà bài viết về nhà thơ Bế Thành Long. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và cùng tưởng nhớ nhà thơ họ Bế vừa ra đi...
Bế Thành Long làm thơ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Từ những bài thơ đầu tiên Bế Thành Long đã tạo được dấu ấn riêng.
Trong bài “ Hoa Mười Giờ” cái tạng thơ Bế Thành Long biểu hiện rất rõ: Gọi là hoa mười giờ lan như cỏ / Đón nắng nguồn cơn cõi ấu thơ / Mà tôi thường dễ như hoa nọ / Hễ nắng tràn lên cứ nở bừa. Hình như bài thơ này đã dẫn hướng và tạo nên giọng điệu của Bế Thành Long.
Thơ ông rất cần cái “ nắng nguồn cơn”. Có cái nắng kia thì hoa mới “nở bừa” được. Ông đặt cảm xúc lên hàng đầu. “Nở bừa” mới là xúc cảm mãnh liệt. mới là sự khát vọng giải phóng tâm hồn, tình cảm không gì ngăn cản được và cuối cùng mới đích thực là Bế Thành Long. Có “nở bừa” thì ông mới ngẩn ngơ trước một cô gái trong tranh : Tôi có cả một thời mê mải / Xem tranh cứ ngẩn ngơ / Em có mặt trước tôi vài thế kỷ / Tôi già đi em trẻ vĩnh hằng. (Cô Gái Mang Bình)
Nếu người làm thơ bình thường có thể sẽ đặt dấu hỏi chấm ở cuối bài. Nhưng Bế Thành Long không đặt câu nghi vấn mà khẳng định. Ông khẳng định “Tôi già đi, em trẻ vĩnh hằng”. Nhờ vậy, bài thơ này trở thành bài thơ tôn vinh cái đẹp vĩnh cửu của nghệ thuật.
Có “ Nở bừa” ông mới đưa người đọc đến một thế giới hư vô của riêng ông: Ta thấy em / Em chẳng nói gì / Ta cũng chẳng nói gì / Đất nhẹ nở đầy hoa cúc dại / Hương thơm khắc khổ vậy ư?( Hư Không)
Có “ Nở bừa “ ông mới vẽ được chân dung Tagor một cách xác thực và sinh động đến vậy: Râu tóc cũng phải lòng mây gió / Du hành suy tưởng trắng phơ phơ / Tương tư những đỉnh đời hóa đá/ Trong hư vô, cũng lạ trơ trơ… ( Chân Dung Tagor)
Nhờ sự “Nở bừa” ấy mà ông nghe được tiếng đêm chìm vào không gían tĩnh lặng đến mơ màng: Trăng lặn đi tìm yên tĩnh / Trời dâng trong suốt đung đưa.
Và: Sương ngủ dềnh dàng sông suối / Gió thơm quên mất lối về (Tiếng Đêm)
Thơ Bế Thành Long có yếu tố ảo, đã đành, nhưng ảo đến mức có người yêu mà không xác định nổi thì quả là hiếm gặp: Ta bước đến còn em sững lại / Ta lặng người nghe năm tháng qua đi / Cuộc đời vẫn có em mà chẳng biết / Nên bạc đầu anh cũng chẳng có em (ÁnhTrăng). Nhân vật trữ tình trong bài thơ như sống trong mộng ảo, mơ màng thật đáng yêu. Mỗi lần đọc bài thơ này không hiểu sao tôi hay liên tưởng đến bài thơ “Như Không” mà nhà thơ Trần Hùng viết tặng ông: Tuổi bảy mươi / tự tin như trẻ lên ba, bồng bột như một ông già, buồn buồn như con gái / Vầng trán lang thang nơi nào ấy chưa về…Bạn ngồi râu như cỏ / ngọn khói lắc lư cười.
Năm 2012 cuốn tiểu thuyết Hữu Hạn của tôi vừa in xong, tôi phấn khởi đem sách đến nhà tặng ông. Ông vui vẻ đón nhận rồi cẩn thận cất trên giá sách. Khoảng tháng sau tôi đến dò xem nhận xét của ông về cuốn sách:
-Anh đọc cuốn sách của em chưa? Tôi hỏi.
-Mắt mình độ này kém quá ngại đọc lắm! Ông cười trả lời.
-Thế anh có đưa cho chị đọc không? Tôi lại hỏi.
-Không! Bà ấy đọc thì lục xục cả đêm không ngủ được! Ông trả lời rồi đứng dậy pha chè mời tôi.
Nghe ông nói thế tôi không hề tự ái. Bởi tôi biết tính ông. Nếu người khác sẽ nói khéo hơn để tránh tác giả bị sốc. Với Bế Thành Long thì không, ông cứ hồn nhiên trải lòng mình như thế.
Bài thơ “Bóng Quê Hương” ông viết năm 1960. Hoàn cảnh ra đời bài thơ trong khi ông xa quê hương. Chẳng thế mà bài thơ có năm khổ hai mươi câu thì khổ nào mở đầu cũng bằng từ “chắc” nên hình ảnh quê hương hiện lên bằng sự phỏng đoán: “Chắc sáng nay quê tôi mù sương bạc; Chắc buổi trưa nay gió núi ngừng; Chắc chiều xuống hút rừng xào xạc; Chắc sương đêm nặng khô tàu chuối; Chắc không quên rau hàm ếch đắng”. Nhưng mọi sự phỏng đoán đều rất chính xác bởi quê hương luôn nằm trong tiềm thức của ông. Ông dùng từ “chắc”ở đây chỉ đơn thuần là thủ pháp mà thôi. Nhờ thủ pháp phỏng đoán nên Bế Thành Long đã có nhiều câu thơ hay về quê hương: Chắc chiều xuống hút rừng xào xạc / Lũng mờ xanh, xanh ngái hương chàm / Cỏ xanh cứ bời bời không ngủ / Bước trâu chờ bước nghé lang thang / Chắc đêm nay lạnh khô tàu chuối / Lệch tiếng xe trâu chở gỗ ngàn / Em trai tròn giấc trong rơm ấm / Lòng ghập ghềnh xa lắc gõ mênh mang.Bài thơ này in trên tạp chí Văn nghệ Quân Đội và tạo được dư luận tốt từ bạn đọc.
Bài “Mơ Hồ” ông thừa nhận: “Còn tôi mơ hồ ở đâu chẳng rõ ? Có cái gì tôi cũng bỏ quên”. Ông nói là không nhớ gì nhưng thực chất ông nhớ lắm. Nhớ chính xác tới từng chi tiết nhỏ của đời sống quanh ông. Ông nhớ : Cỏ mùa xuân hoa gạo rơi / Quả gạo bung bay trời sông Mãng / Người thợ ngõa đạp bàn xuay nặn đất / Bà thím thắt tạp dề làm bánh cao chằng.
Thơ Bế Thành Long ảo. Nhưng thơ Bế Thành Long cũng rất thực. Thực khi ông viết về con người về thiên nhiên. Thơ ông không hề xa rời cuộc sống mà rất gần gũi cuộc sống hôm nay. Bế Thành Long có cái nhìn độc đáo và chính xác về cuộc sống, về thiên nhiên tươi đẹp: Vòm động thức con dơi treo giấc ngủ / Nhũ đá gầy buông thõng tháng năm đi ( Xuân Rừng)
Bài thơ hay ở cái nhìn trái qui luật. Vòm động là tĩnh nhưng lại động (thức). Con dơi động nhưng lại tĩnh ( ngủ ). Và nhũ đá trong hang động được tạo bởi những giọt nước qua hàng nghìn năm chỉ tĩnh một cách tương đối bởi tháng năm níu vào đấy kéo dài mãi ra. Qua hình ảnh “nhũ đá gầy” Bế Thành Long đã thu cả nghìn năm vào một câu thơ ngắn. Ở đây không những thể hiện tài quan sát mà còn nói lên sức liên tưởng không cùng của tác giả.
Hay ở bài “Tre cuối xuân” cũng vậy. Sự kỳ diệu của thiên nhiên được ông miêu tả kỹ càng: Cụng cựa tre giằng răng rắc / Vặn mình phơi hết lá đỏ au / Xin trả cho trời tất cả/ Trả trời bao nắng nỏ đã vay.
Sự lạc quan yêu đời của ông còn thể hiện ở một bài thơ khác cũng nói về cây tre: Xuân chín đem tre rộ sức vàng / Bập bùng lên nắng gió hoe ran / Lao xao ngang khúc ghềnh khô khát / Đổ bóng sông xô rực rỡ tàn ( Tre Xuân Trên Ghềnh Sông Hát Gia)
Bài “Dưới Sao Chiều Lấp Lánh” là bài thơ tả thực nói về sự hồn nhiên của trẻ thơ. Đọc nó ta thấy ấm áp trong lòng : Thằng bé ăn mày tới cửa / Chỉ thấy chủ nhân kháu khỉnh chạy ra / Và chìa tay / Ăn mày chỉ có mỗi chiếc bích qui / Nó đặt vào tay em bé rồi đi/ Dưới sao chiều lấp lánh.
Bài thơ như một câu truyện ngắn, kiệm lời nén ý. Thằng bé ăn mày đưa cả chiếc bích qui cho bạn cùng trang lứa không quen biết. Có thể nó sẽ đói nhưng trong lòng lại rất vui. Chẳng thế mà với hai bàn tay không nó tung tăng đi dưới sao trời lấp lánh. Bài thơ ngắn nhưng nặng tính nhân văn.
Ông cảm thông với các cô gái quá lứa, lỡ thì trên cung đường giao thông trên núi cao, hẻo lánh: Diều hâu lượn những vòng tê cóng / Mây bay mù mịt / Mà hoa đào vẫn nhớ / Mỗi lần xuân thức dậy một lần hoa (Núi Trắng)
Ông có những câu thơ hay nói về tâm trạng của những người xa quê nhớ về quê hương hoặc là gặp lại bạn bè sau nhiều năm xa cách: Em giặt áo bên dòng sông nọ / Mấy lần thơm lại nắng quê hương
Hay: Gặp bạn cũ ông già run rẩy / Kiến bò ra trời ấm nôn nao (Cảm xuân)
Có thể ví thơ Bế Thành Long như một dòng sông chảy giữa hai bờ thực và ảo. Hai yếu tố này tạo ra giọng thơ độc đáo mang thương hiệu Bế Thành Long. Sau hơn nửa thế kỷ cầm bút đến nay Bế Thành Long mới cho công bố hai tập thơ, Một ở nxb Văn hóa dân tộc, năm 1996 tập “Cỏ May”. Một ở nxb Hội nhà văn tập “Ở Nguồn”, năm 2005. Nhưng tầm của nhà thơ không phụ thuộc vào số lượng tác phẩm mà được đo bằng chất lượng của từng bài thơ.
Bế Thành Long không chỉ đằm mình vào chữ nghĩa mà ông còn cháy hết mình trong mỗi dịp đọc thơ. Ông đứng dậy không nói câu rào trước đón sau, không thưa gửi, ông giơ bàn tay lên, ngón trỏ động đậy. Ấy là lúc ông bước vào cõi thơ linh thiêng và huyền diệu. Còn nhớ dịch giả Phạm Vĩnh Cư lên Cao Bằng dự đám cưới của nhà văn Tạ Duy Anh, ông là giảng viên trường viết văn Nguyễn Du có gặp gỡ một số văn nghệ sĩ Cao Bằng. Trong buổi gặp đó nhà thơ Bế Thành Long có đọc cho ông nghe bài thơ lục bát do chính Bế Thành Thành Long phóng tác từ tiểu thuyết Đông ky sốt của nhà văn Mi guel Cer Vantec. Đông ky sốt là nhân vật điển hình của sự ảo tưởng, sống xa thực tế. Ông Phạm Vĩnh Cư rất thích. Riêng tôi đã được ông đọc cho nghe nhiều lần, nhưng chưa bao giờ thấy chán. Không hiểu vì sao trong hai tập thơ của ông lại vắng bài thơ này. Bài thơ lục bát khá dài, lâu rồi, nay tôi chỉ còn nhớ hai câu cuối:
Xăng xô ơi! Bạn chung tình
Chiến công sau đến với mình còn to.
Xăng xô là anh chàng nông dân lùn làm giám mã cho Đông ky sốt.
Trong buổi gặp gỡ đó ông còn đọc bài thơ ông dịch ra tiếng Tày bài thơ của nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Na Zim Hikmetmet (1902- 1963). Xin chép ra đây một đoạn theo trí nhớ:
Mủa thu vuồm mà thâng
Tọ chang suôn co mác
Co mác slúc van năm
Lao hí mác van tốc
Vảng gạ đạ lùm căn
Khay tu chài thả nọong
Thả nọong tu khay lầng
Ông Phạm Vĩnh Cư không hiểu tiếng Tày nhưng ông bảo âm hưởng tiếng Tày nghe rất thích.
Bế Thành Long làm thơ để gửi nỗi lòng vào câu chữ là chính ông không màng đến giải thưởng hay để được kết nạp vào Hội nhà văn. Một lần vào năm 2006 nhà thơ Trần Hùng mời tôi đi uống cà phê và nói:
-Hội nhà văn gửi công văn do nhà thơ Trần Đăng Khoa ký về việc tìm tác giả tiêu biểu để xem xét kết nạp. Theo anh ở Cao Bằng ai xứng đáng?
-Theo mình chi có Bế Thành Long thôi! Tôi trả lời.
Trần Hùng nhất trí rồi bảo tôi đến gặp Bế Thành Long nhắc ông làm đơn. Tôi liền thực hiện ngay. Cẩn thận tôi đem theo cả giấy bút từ cơ quan đề phòng ông không có sẵn. Đầu năm 2007 ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nan. Biết ông có tin vui, tôi cùng mấy người bạn văn kéo đến chia sẻ, ông thản nhiên đón nhận những lời chúc mừng của bè bạn. Ông không nói gì mà chỉ cười hiền. Ánh mắt ông nhìn về một nơi nào đó xa lắm, hình như ông đang mải mê nắm bắt một ý tưởng mơ hồ vừa hình hành trong đầu. Tâm trạng ông lúc này đúng như câu thơ ông viết: Còn tôi mơ hồ ở đâu chẳng rõ/ Có cái gì tôi cũng bỏ quên. Biết đâu lúc này ông đã quên cả việc mình vừa được kết nạp vào Hội nhà văn rồi cũng nên. Tôi thầm nghĩ.
“ Vầng trán lang thang nơi nào ấy chưa về”. Câu thơ của Trần Hùng khắc họa thần thái của Bế Thành Long thật chính xác.
Vâng! Bế Thành Long là vậy: Vừa như gần gũi vô cùng lại vừa như xa vời vợi.