Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI RƯỚC CHỮ

Lê Huy Hoà
Thứ ba ngày 18 tháng 7 năm 2023 9:32 AM



Tôi được tin ông Đỗ Gia Hựu, nhà văn, đại tá, nguyên trưởng Phòng biên tập sách Văn nghệ, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân qua đời từ bài viết trên trang mạng - trannhuong.com - của Châu La Việt, một người bạn, nhà văn, người cùng học một lớp thời sinh viên, khi cả hai chúng tôi đều là lính chuyển về học tiếp đại học sau chiến tranh. Được tin ông mất, tôi thật sự bàng hoàng, vì trong dự định, chuyến đi Hà Nội lần này sau ngày hai vợ chồng về nước là ra thăm ông, vì đã gần 10 năm nay, hai vợ chồng tôi sống với các con ở nước ngoài “đã lâu không gặp”… Đọc bài viết của bạn, tôi hiểu thêm, những ngày cuối cùng, ông vẫn cất giữ nhiều kỉ niệm về những đứa trò yêu mà ông từng dìu dắt, nâng đỡ, chứng kiến sự trưởng thành của chúng, và chúng đã là tài sản của riêng mình, và phải chăng, điều đó đã khiến ông có thêm động lực để neo lại trên cõi đời này?!

Dòng kí ức đưa tôi về những kỉ niệm đầu đời vào nghề - ông đã cho tôi những bài học quý giá về niềm đam mê, về biết sống với nghề làm sách mà tôi theo đuổi tới ngày hôm nay, và tự đáy lòng thành, bằng những gì ở lại trong kí ức của tôi về ông, tôi xin được kể lại, coi như một sự tri ân, một nén tâm nhang tưởng nhớ ông, như một người cha nuôi của tôi…

1.Năm ấy, khi tôi vừa tốt nghiệp ra trường , qua giới thiệu của bạn (Châu La Việt), tôi được nhận về Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, về phòng biên tập sách Văn nghệ,khi đó chú là Phó Trưởng phòng.Ngay ngày đầu tiên, ông nói với tôi, người làm sách như con tằm nhả tơ, muốn có kén cho tằm ăn,tằm phải bền bỉ ăn lá … Người biên tập sách cũng vậy, kiến thức là vô tận. Đọc bản thảo của các cộng tác viên viết sách, muốn góp ý bản thảo, anh không thể ỷ vào cái quyền “tự quyết” của nhà xuất bản, anh phải có kiến thức, chính kiến của anh khiến người ta phải thừa nhận việc cắt bỏ hay sửa theo góp ý của mình là hợp lý. Nhất là với sách văn nghệ, mỗi người viết là một tiểu vũ trụ đấy! Phòng ta từng chia tay không ít các biên tập viên vì không đáp ứng được chuyên môn, cũng có khi là vì những áp lực vô hình khác…Qua lời ông tâm sự, tôi không có cảm giác hoang mang, mà ngược lại, tôi thấy hứng thú và đôi chút tò mò muốn tìm hiểu ,trải nghiệm… Nói xong, ông đứng lên đi về phía tủ gỗ, lấy ra một tập bản thảo lưu, bản thảo sách đã in và đưa cho tôi, ông dặn, cháu về đọc và coi những chỗ biên tập viên đã chữa trong bản thảo. Sau này, khi đã là biên tập viên chính, tôi vẫn giữ thói quen này.Tôi nghĩ, đấy là cách thực hành độc đáo của người biên tập sách mà không một trường lớp nào có thể dạy cho người học theo cách này được. Ông còn nói thêm, người biên tập giỏi còn phải biết viết nhận xét bản thảo khi trình duyệt, người duyệt in chỉ cần đọc những dòng nhận xét bản thảo, sẽ biết công sức của người biên tập đã bỏ ra với bản thảo đó thế nào, nghĩa là, anh không qua mắt được người khác nếu anh không thật sự hiểu và cảm nhận được những trang viết rút ruột của người sáng tác…Từ chính cuộc đời của ông và thế hệ ông, vì chiến tranh, ít có điều kiện học qua trường lớp như chúng tôi, các ông đã học từ thực tiễn cuộc sống, từ trong sách, có nghĩa là bằng con đường tự học, tự trang bị kiến thức cho mình để có một nền tảng tri thức thức vững chắc trên cương vị công tác ở một cơ quan văn hóa trong quân đội. Họ đã là tấm gương cho chúng tôi, thế hệ hậu sinh noi theo. Về sau, tôi càng thấy may mắn với sự lựa chọn nghề làm sách, thấy hạnh phúc khi được đồng hành với các ông, nhất là khi ông “ bàn giao” tôi cho nhà văn Ngọc Tự, một biên tập viên cự phách, người cùng phòng kèm cặp và trực tiếp phân việc (về nhà văn,biên tập viên cao cấp Ngọc Tự, tôi có viết ở một bài viết riêng trong tập sách). Tôi học được nhiều từ những người thầy đầu tiên như thế!

2. Thời kì sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, dòng văn học viết về chiến tranh đã bổ sung thêm một đội ngũ những cây viết trẻ, những nhà văn “trung úy” vừa từ “trong rừng” ra, công bố hàng loạt tác phẩm còn nóng hổi hơi thở cuộc sống chiến trận. Nhà xuất bản tổ chức các trại sáng tác ở các vùng miền, quy tụ các cây bút trẻ về trại viết. Phòng biên tập sách Văn nghệ được giao nhiệm vụ trực tiếp mở trại, phát hiện và bồi dưỡng những tác giả tiềm năng, trong số họ sau này trở thành các học viên khóa 1 của Trường viết văn Nguyễn Du như: Hữu Thỉnh, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi, Trần Nhương,Phạm Hoa… Những năm sau đấy, đa số các cây bút học nghề từ các lò đào tạo quân đội đã trở thành các nhà văn sung sức, từ “bệ phóng” Nhà xuất bản Quân đội cho ra đời hàng loạt tác phẩm nổi tiếng, họ trở thành những cây bút chủ lực của văn học chiến tranh và cách mạng. Một số nhà văn chuyển ngành ra các cơ quan bên ngoài trở thành những người lãnh đạo văn nghệ bản lĩnh và có nhiều đóng góp tâm huyết trên cương vị công tác của mình. Chắc chắn họ không quên những người họ đã từng gặp, từng nâng niu những trang viết của họ từ các trại viết văn một thời. Chính các ông là những người đã “rước chữ” đưa sáng tác của họ đến với bạn đọc!

Tôi nhớ có lần nghe ông Hựu kể thời chiến tranh, cơ quan đi sơ tán, dù còn nhiều khó khăn, chính ông đã thay mặt nhà xuất bản về tận nhà các tác giả vẫn đang ở ngoài mặt trận, mang theo nhuận bút về quê giao cho thân nhân các gia đình. Ông kể mà mắt như nhòe lệ… nhiều gia đình khi thấy một sĩ quan đứng tuổi, đi xe ô tô biển đỏ (biển xe quân đội) về giao tiền,cứ ngỡ đấy là tiền…tuất, ông cố gắng giải thích về tiền tác giả, tiền nhuận bút…nhưng quả thật không dễ ,vì với người ở quê,thứ tiền giải thích theo gốc từ Hán Việt ấy sẽ chẳng mấy người hiểu! Những kỉ niệm với các gia đình tác giả, sau này, chính các nhà văn được gia đình kể lại cũng còn cảm thấy nghẹn ngào, xúc động vì tình cảm của những người làm sách nơi hậu phương đã dành cho họ và gia đình họ. Chuyện như tôi kể ở đây, trên đời này chắc cũng chỉ thấy ở cơ quan làm văn hóa trong quân đội mà thôi…

3.Văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng thật phong phú, đa dạng về thể loại, nhiều phong cách thể hiện. Làm sao vẫn có thể công bố và giới thiệu tới công chúng, tìm cách vượt qua được những “vùng kiêng kị”, (bây giờ người ta gọi là”vùng cấm”)? Có một lần tôi hỏi ông, ông cười và nói: sự “nhạy cảm” ấy thời nào chẳng có, nếu cả hai (ý nói người viết và người biên tập) có cùng “tần số” sẽ dễ gặp nhau. Đọc bản thảo văn học, phải biết đọc giữa các dòng chữ họ viết ra, nhận ra được tư tưởng nơi họ, chứ chỉ dựa vào lời thoại của nhân vật sẽ không hiểu được họ! Mà thế giới nhân vật của họ đa diện, đa màu sắc… Ông nhắc tới một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, đó là Tám Hàn, một cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn, sau này do dao động đã “chiêu hồi”, nhân vật này có “nguyên mẫu” ngoài đời. Chẳng lẽ, bởi nhân vật này “quay xe” mà bản thảo phải gác lại vì “nhạy cảm chính trị”?(cũng có ý kiến để nhân vật ở cấp thấp hơn,cấp tiểu đoàn chẳng hạn,như thế sẽ bớt đi “độ” nhạy cảm…) Thế hệ các ông đi qua hai cuộc chiến tranh giữ nước, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, đối mặt với cái sống và cả cái chết. Nhiều đồng đội đã không trở về sau chiến tranh. Các ông biết cái giá của chiến thắng hơn ai hết. Chiến tranh thử thách lòng kiên trung ở mỗi người lính: lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân không dung thứ kẻ dao động, hèn nhát, bội phản…Văn học mang sứ mệnh cao cả ấy! Khi đọc duyệt bản thảo, ông ủng hộ tác giả, quyết định giữ lại hình tượng nhân vật này, ông trực tiếp gặp và thuyết phục giám đốc nhà xuất bản để bảo vệ chủ kiến của mình. Cuốn sách ra mắt bạn đọc và không thấy có ý kiến nào “phản ứng”... Và cũng có rất nhiều tác phẩm khác, nhờ bản lĩnh của người biên tập như các ông đã đi qua vùng cấm “nhạy cảm” mà vẫn suôn sẻ… Cũng bởi vậy, phòng biên tập sách Văn nghệ dưới bàn tay chèo lái có tâm và có tầm của ông đã là địa chỉ, là bến đỗ tin cậy của các nhà văn trong và ngoài quân đội. Họ tin tưởng và yên lòng vì họ nghĩ, bản thảo họ gửi đến địa chỉ này sẽ chẳng bao giờ phải chịu cảnh ”cô đơn” trước khi thành sách! Cũng cần biết thêm, có cả những tác giả tưởng chừng đã không thể gắng gượng được nữa vì “tỳ vết”, nhưng với sự nâng đỡ của ông, đã trở lại con đường văn chương và có những tác phẩm có giá trị giới thiệu với bạn đọc...

Nhiều lần ông nói với tôi, người biên tập nếu là nhà văn hay dịch giả sẽ thuận lợi khi làm việc với cộng tác viên, dễ đồng cảm,”tương tác” với nhau hơn! Khi phân công tôi làm thêm công việc biên tập mảng sách dịch, ông dành thời gian trong giờ cho tôi dịch sách, tạo điều kiện học thêm ngoại ngữ. Như thế tôi vừa có điều kiện để thêm thu nhập và trau dồi chuyên môn. Sau này, ông còn có những sự ủng hộ tích cực để đơn vị cử tôi sang làm chuyên gia Tiếng Việt tại Liên Xô (cũ) trong chương trình hợp tác văn hóa giữa hai nước, những mong tôi có điều kiện học hỏi, nâng cao nghiệp vụ xuất bản và trau dồi vốn Tiếng Nga. Điều này tôi cảm nhận được khi chứng kiến các cơ quan khác thường đưa những người cao tuổi như một cách giải quyết chính sách trước khi họ nghỉ chế độ!

Còn nhớ một chi tiết khá lạ, khi tôi biên tập một tự truyện của một vị tướng cao cấp, ông là người Nam Bộ, có kể câu chuyện về lại chiến trường xưa thăm một bà má, thời chiến tranh ác liệt, ông bị thương nặng phải nằm lại, chính má là người chăm sóc và nuôi ông dưới căn hầm bí mật ngay trong nhà cho tới ngày ông tìm đường về đơn vị. Có thể do chiến tranh và điều kiện công tác trên cương vị mới sau ngày hòa bình, ông chưa có dịp về thăm lại má. Nhiều năm sau ông về gặp lại. Người má năm xưa giờ đã già,tóc đã bạc phơ. Lúc chia tay, ông hỏi riêng điều má muốn lúc này, má cười, nheo nheo đôi mắt, má nói bằng một giọng tỉnh queo: má muốn gì ư? Má chỉ muốn thằng giặc xưa nó trở lại, và khi ấy má chắc lại được gặp các con nhiều hơn! Tôi đọc chi tiết này mà thấy gai người! Tôi qua gặp ông Hựu, kể lại với ông chi tiết này và tham vấn ý ông, nên để hay tạm gác lại? Ông thừ người, một lúc sau, nói với tôi, chi tiết này nói nên khá nhiều điều khiến người đời phải suy nghĩ…nhưng cũng thuộc diện “nhạy cảm” đấy, có thể phải tạm gác lại, chờ một dịp khác, khi hoàn cảnh cho phép sẽ sử dụng.Thời điểm đó Mỹ chưa xóa bỏ vẫn cấm vận với ta…

4. Ông là người luôn lo việc cho người ngoài mà ít chú ý tới bản thân. Quanh năm, ngày tháng, tôi để ý thấy ông chỉ vận quân phục, từ đi làm, dự tiệc, đi đón con, đi chợ, tiếp khách….hình như với ông, bộ quân phục là một cái gì thiêng liêng mà thật gần gũi, thân quen.Thấy ông như vậy, mọi người lại thấy bình thường, giả như một ngày đẹp trời, ông làm khác, chắc khi đó họ lại thả sức suy diễn này nọ cũng nên! Ông ghét những ai hay đưa ra những nhận xét dễ dãi, có tính giễu nhại “vô tưởng, vô phạt”, nói”sau lưng” người khác, với ông, đấy là dạng phát ngôn “thiếu trách nhiệm” .Đối với mọi người trong cơ quan, ông thường dành những sự quan tâm hết mực, từ chuyện gia cảnh, chuyện học hành của con cái, chuyện ốm đau của người này, chuyện vui,buồn của người khác… Nếu giúp được ai việc gì, ông luôn sẵn lòng, bởi thế, mọi người đều yêu quý ông và coi ông như người thân trong gia đình vậy! Tôi nhớ mãi một chuyện, bữa ông gọi tôi vào phòng, ông giao cho tôi và nhà văn Dương Duy Ngữ đi “tiền trạm” việc hòa giải “bước một” của cặp vợ chồng một cán bộ trong phòng mà hôn nhân đang có dấu hiệu rạn nứt. Nói tiền trạm vì ông muốn chúng tôi đi làm công tác dân vận trước, tiếp sau, ông sẽ trực tiếp tiếp cận”đối tượng”: người vợ của người đồng chí trong phòng. Người mà chúng tôi sẽ gặp, cả hai chúng tôi đều chưa một lần giáp mặt vì đồng nghiệp chưa một lần giới thiệu! Tôi cũng cảm thấy hồi hộp, vì trong đời, công việc như thế này, tôi chưa gặp bao giờ. Chúng tôi phóng xe tới cổng xí nghiệp, đăng kí xin gặp người cần gặp với bác bảo vệ. Ông này dẫn chúng tôi vào phòng tiếp khách của xí nghiệp và đợi. Một lát sau,một phụ nữ còn trẻ, dáng nhanh nhẹn bước vào, cô vẫn vận bộ đồ đồng phục công nhân,vừa bước về phía chúng tôi, vừa tháo đôi găng tay bảo hộ lao động. Cô đứng nghiêm, hai tay chắp trước ngực, lễ phép chào hai sĩ quan - khách quân phục tề chỉnh rồi nhanh nhẹn kéo ghế ngồi. Vừa ngồi xuống, chưa kịp rót nước mời khách, cô đã nhanh nhẩu: em biết các anh tới vì việc gì rồi! Quả là làm phiền các anh, nhưng cũng cho phép em nói gọn thế này, em sống với anh ấy gần 10 năm, đắng cay ngọt bùi cùng nếm trải, em nghĩ đấy là phúc phận…và được sống với anh ấy em xem như được hưởng “lộc giời”…còn từ nay…em xin nhường lại cho người khác! Các cụ nói, “ lộc không…”. Nghe đến đây,chút nữa, như một thói quen nghề nghiệp, tôi định chen ngang, sửa lại câu châm ngôn có âm Hán Việt cho chuẩn, nhưng kịp phanh lại. Phu nhân của bạn đồng nghiệp tôi vẫn như chưa muốn dừng lại vì đang liệt kê những gì cô quan niệm là “lộc giời”, trong đó thấy có màu “kinh dị”... Tôi nghĩ, cơ hội hòa giải giai đoạn 1 mà chúng tôi được phân công xem ra đã không có kết quả như mong đợi ,và không muốn”chịu trận” thêm nữa, tôi vội lấy chân đá vào chân người đồng đội cùng đi, ra hiệu “rút êm”.Như có cùng suy nghĩ, anh cũng như tôi, chẳng kịp nói với chủ nhà được lời nào, cả hai chúng tôi cùng đứng phắt dậy, bắt tay chào cô bạn ra về và nói lời cám ơn vì đã dành thời gian trong giờ vàng tiếp chúng tôi! Trên đường về đơn vị,cả hai chúng tôi cùng im lặng, theo đuổi suy nghĩ của riêng mình.Trong đầu, tôi nghĩ ông bạn cùng phòng xưa nay vốn tháo vát, mọi việc đều tính toán chu đáo,từ việc thay vợ đi chợ lo tương,cà ,mắm,muối… hết thảy đều dành cho vợ,con…vậy thì nguyên nhân nào đã dẫn tới vết nứt chồng vợ, mà nguy cơ “toang” xem ra khó tránh!? Người đàn anh cùng đi cũng im lặng, ông là nhà văn, chắc đang nghĩ tới nhân vật văn học từ “nguyên mẫu” vừa xuất hiện? Và về sau, tên cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong sự nghiệp viết văn của nhà văn này có tên “Lộc giời” (trước nay, chỉ thấy anh viết truyện ngắn) - không biết có liên quan gì với câu nói hay nhất năm của người phụ nữ vừa tiếp chúng tôi trong ngày hôm nay hay không(theo xếp hạng của tôi)? Về cơ quan,chúng tôi báo cáo chi tiết về chuyến đi “hòa giải” với thủ trưởng. Nghe xong, tôi thấy nét mặt ông Hựu như co lại, không nhìn chúng tôi, ông nói: đúng là khẩu khí của vợ biên tập viên sách văn nghệ! Ước sao trong cuộc sống vợ chồng không còn phải gặp lại những chuyện như thế này! Nhưng có ai ngờ, chính cái “điềm” ấy cũng “vận” vào ông, và chính ông cũng không tránh được sự đổ vỡ hôn nhân mà suy cho cùng cũng là vợ chồng không cùng “tần số” vậy! Và sau lần ấy, tôi không thấy ông Hựu nhắc tới việc ông có tham gia việc “hòa giải’ cho cặp vợ chồng người dưới quyền của mình giai đoạn 2 hay không nữa. Người đồng đội của tôi (trong chuyện) ít ngày sau li hôn chuyển công tác ra cơ quan dân sự bên ngoài, cũng không thấy về thăm đơn vị cũ…

…Trước năm ông nghỉ hưu,lãnh đạo cơ quan đặt vấn đề tìm người thay thế. Có lẽ, là người gần ông, tôi thấy ông mang nhiều ưu tư, theo ông, phòng biên tập sách văn nghệ khi ấy có hai người xứng đáng để giới thiệu thay vào vị trí của ông, cả hai đều là nhà văn – đảng viên, một đồng chí nữ là Đảng ủy viên cơ quan, người đã qua trận mạc, trực tiếp cầm súng ra trận, có tay nghề cao, luôn là người đứng tên biên tập sách của các nhà văn tên tuổi, là một biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định…Người thứ hai là nhà văn đa tài, làm thơ, viết truyện, có năng khiếu hội họa, viết thư pháp, gốc là giáo viên toán, trưởng thành từ đơn vị hậu cần trên các cung đường Trường Sơn huyền thoại… Anh là nam giới, chuyện đi công tác xuống các đơn vị xem ra lại là điểm mạnh. Ông cân nhắc mà quyết định giới thiệu người nào, quả thật là chẳng dễ dàng! Một lần ông nói với tôi: giá như nhà xuất bản có hai phòng biên tập sách văn nghệ! Và sau cùng, trong báo cáo gửi lên về nhân sự “bàn giao” chức trưởng phòng, ông điền tên cả hai người, đề nghị Đảng ủy sáng suốt lựa chọn. Sau việc ấy tôi thấy ông như cởi bỏ được áp lực vô hình…

Những năm tháng ấy, nhân sự phòng Văn nghệ Nhà xuất bản Quân đội đều là những gương mặt sáng nước, họ là lớp các nhà văn thời kì chống Pháp, đều có tác phẩm riêng, đó là Nguyễn Đình Tiên, Vũ Sắc, Tạ Hữu Yên, Minh Giang, Ngọc Tự,Hồng Duệ…sau này là Vũ Thị Hồng, Trần Chiến, Dương Duy Ngữ, Trần Nhương, Nguyễn Quang Tính…của thời kỳ chống Mỹ. Là trưởng phòng, ông Hựu, tuy không là nhà văn (có thẻ hội viên), nhưng có lẽ mọi người phải “ngước nhìn” với cách quản lý văn nghệ là ” không quản lý gì”(nói theo cách nói của nhà thơ Thanh Tịnh). Trong các cuộc giao ban chuyên môn, tôi cảm thấy mọi người tất cả “như một”, chỉ thấy ông nhắc về tiến độ biên tập, những bản thảo đang trên bàn biên tập, bản thảo nào đang ở dưới nhà in để mọi người biết và theo dõi, sắp xếp lịch sửa bông bản in thử, đặt họa sĩ vẽ bìa, dự kiến số lượng in, có một điều ông quan tâm đặc biệt là thang nhuận bút cho sách (thời bấy giờ,chính người biên tập là người trước nhất đánh giá chất lượng bản thảo xếp theo mức nhuận bút A,B,C…ứng với phần trăm x Số lượng X Giá bìa). Biên tập viên đề xuất mức nhuận bút bản thảo mình biên tập và bảo vệ quyết định của mình ở cấp phòng biên tập. Ông luôn nhắc mọi người cần quan tâm đến các tác giả nào khó khăn cần tạm ứng trước nhuận bút… Tôi để ý thấy, trong các buổi giao ban, chuyện có “màu sắc” chuyên môn nhất là khi bàn về xây dựng kế hoạch đề tài xuất bản, đầu tư cho sáng tác, khi phát hiện đề tài: người nào sẽ viết, chọn phân công biên tập viên theo dõi tiến độ đề tài, thời gian hoàn thành tác phẩm…Vì thế hầu như kế hoạch xuất bản sách của phòng đều cán đích đúng như dự kiến ban đầu! Không thể không nói đến “đặc sản” mà chỉ có thể có ở Nhà xuất bản Quân đội là Trại viết văn luôn được tổ chức ở các Quân khu, Quân đoàn, các Tổng cục trong toàn quân,..mà người lên “thực đơn’ và trực tiếp “chế biến” là các đầu bếp - biên tập viên Phòng biên tập sách Văn nghệ. Chẳng ai nhớ được những tháng năm ấy ,cả thời kì chiến tranh, ông và các cộng sự của mình đi mở trại, hướng dẫn cho bao người cầm súng cầm thêm cây bút, đọc và biên tập bao nhiêu trang bản thảo để có những tác phẩm văn học xuất sắc, góp vào dòng chảy của văn học viết về chiến tranh cách mạng!... Ở nhà xuất bản, trong số các cán bộ quản lý cấp phòng, hẳn nhiên, ông là người “nhàn nhã” nhất!? Có thể nói đó là thời hoàng kim của Phòng biên tập sách Văn nghệ mà sẽ chẳng bao giờ có được nữa!

5. Về cuộc sống riêng của ông, tôi ít thấy ông tâm sự. Qua tìm hiểu, trong cuộc sống hôn nhân và gia đình, tôi biết ông là người luôn chịu thua thiệt mà chẳng khi nào thấy ông kêu ca, phàn nàn. Đời ông đã đi qua ba cuộc tình chẳng mấy suôn sẻ. Người vợ đầu của ông ở quê, nghe nói gia đình tổ chức ăn hỏi khi ông đang ở mặt trận, một cô gái cùng quê, - người bạn đời chỉ nghe tên mà chưa “thấy mặt”… Hòa bình lập lại, ông muốn đưa bà về thành phố nhưng mong ước ấy không thực hiện được,chẳng rõ vì lí do gì! Ông đưa cô con gái lên thành phố, nhập hộ khẩu và xin cho vào trường học nghề, sau xây dựng gia đình riêng. Ông ở với họ một thời gian đến khi ông đến với người vợ sau. Hai người có một cậu con trai, người vợ sau làm văn thư ở một cơ quan văn hóa có trụ sở cùng địa chỉ với cơ quan ông. Cuộc sống hai vợ chồng với người con chung diễn ra bình lặng như bao cặp vợ chồng khác. (Chính ông, bà là “ông tơ ,bà mối” của vợ chồng tôi thời gian này)…Nhưng khi tôi trở lại cơ quan sau một nhiệm kì công tác ở nước ngoài về, cũng là lúc ông chia tay người vợ thứ hai.Tôi ngại hỏi ông chuyện này, chỉ thấy hai người vẫn vui vẻ gặp nhau hằng ngày, cậu con trai ở với mẹ nhưng vẫn qua lại với ông như không có gì xảy ra. Tôi thầm nghĩ về chuyện ông hay nói về “tần số”, và như thế, có lẽ giữa ông và bà đã không còn cùng tần số trong cuộc sống riêng nữa. Mỗi bên lại bắt đầu một hành trình mới, khi cả hai đã không còn là sự lựa chọn của nhau! Trước năm ông nghỉ hưu, nhờ người quen giới thiệu, ông gặp nửa của mình thứ ba. Bà Thuận, tên người vợ ba của ông là kĩ sư thủy lợi. Bà đã có gia đình, bà li hôn với người chồng trước và nhận nuôi cậu con trai, cùng bà mẹ già. Bà cảm thấy mến và đem lòng thương “chú bộ đội” già là ông. Hai người sống những ngày hạnh phúc, chia sẻ những vui buồn ở tuối xế chiều. Tôi thấy ông như trẻ ra. Ông quan tâm dạy dỗ con riêng của bà như con đẻ của mình. Tôi thấy ông là người sống tình cảm,mà cái tình trong ông rất lớn, nên mọi việc như thế với ông hầu như không có rào cản nào. Ngược lại, cô con dâu của ông,bà là một người con hiếu thảo, suốt những năm ông đau yếu, cả những tháng dài ông nằm viện, ngoài bà Thuận, con dâu là người luôn chăm sóc và thương yêu ông như cha ruột vậy. Tôi cũng biết thêm, trước ngày ông mất, chiều theo mong ước của ông, bà Thuận đã bán ngôi nhà đang ở, mua một căn hộ chung cư, dành một khoản tiền về quê ông xây nhà thờ họ… Có người quan niệm: “Cái nóng và cái lạnh ở trên đời này cảm nhận dễ, nhưng thoát khỏi sự lạnh lùng của lòng người mới là khó. Nếu một người có thể thoát khỏi tình yêu, sự thù hận bên trong thì cuộc sống người đó chắc chắn là bình an…”.Tôi nghĩ, ông Hựu là một trong số những người như thế!

Ngày 11 tháng 11 năm 2022,nhà văn,đại tá Đỗ Gia Hựu đã về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 96 tuổi (1927 – 2022). Những gì ông đã làm với tư cách nhà văn hay Truởng phòng biên tập sách Văn nghệ Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, đều sẽ còn lại mãi trong sự tiếc thương sâu sắc của chúng tôi, của mọi người!