Có lẽ nhiều người đều biết một danh ngôn của sử gia nổi tiếng Lord Acton: « Quyền lực thì có xu hướng suy đồi và quyền lực tuyệt đối thì suy đồi tuyệt đối » (Power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely).
Kết luận bất hủ này được lịch sử chứng minh là đúng với hầu hết các trường hợp đã xảy ra. Sự kiện Đảng Cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa của siêu cường Liên Xô tan rã là một ví dụ điển hình về xu hướng suy đồi của quyền lực, cho dù Đảng và nhà nước này từng được vũ trang bằng hệ tư tưởng được chúng ta coi là tiên tiến nhất thời đại, và Liên Xô từng là một trong hai siêu cường toàn cầu, mạnh toàn diện về kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự và văn hóa giáo dục nghệ thuật. Dường như riêng Đảng Hành động Nhân dân tại Singapore (People’s Action Party, PAP; 人 民 行 动 党 ) lại là một trường hợp khác : cho tới nay đây là chính đảng liên tục sử dụng quyền lực tuyệt đối để lãnh đạo quốc gia trong thời gian lâu nhất thế giới (hơn nửa thế kỷ) nhưng chưa hề xảy ra suy đồi, tham nhũng biến chất.
Trường hợp hy hữu này trong lịch sử loài người rất đáng để chúng ta nghiên cứu tham khảo, nếu ta muốn nước mình tiến nhanh như họ.
Hơn thế nữa, Đảng Hành động Nhân dân còn được coi là chính đảng cầm quyền thành công nhất thế giới : chỉ sau vài chục năm ngắn ngủi, Đảng đã biến Singapore từ một xứ sở nghèo khổ lạc hậu trở thành một nước phát triển giàu có và văn minh hàng đầu thế giới, một trong những trung tâm kinh tế tài chính toàn cầu. Hiện nay thu nhập đầu người Singapore vượt xa Anh Quốc (năm 2020 bằng 93.400 so với 45.000 USD), « mẫu quốc » thực dân từng chiếm Singapore làm thuộc địa. Năm 1973 Tổng thống Mỹ Nixon ca ngợi: « Singapore là quốc gia được quản lý tốt nhất thế giới ».
Đảng Hành động Nhân dân thành lập ngày 21/11/1954, thành phần ban đầu là những trí thức Singapore từng học ở Anh Quốc về.
Một trong số 3 người sáng lập Đảng là luật sư Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew; 李 光 耀 , 1923-2015) được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên. Mới đầu Đảng có xu hướng cực tả, liên minh với các nghiệp đoàn theo chủ nghĩa cộng sản nhưng về sau dần dần coi nhẹ ý thức hệ, chuyển sang theo quan điểm thực dụng, chủ yếu xét hiệu quả hành động là chính và chủ trương Đảng « đại diện lợi ích của nhiều bên trong nước ». Điều lệ Đảng Hành động Nhân dân sửa đổi năm 1982 không nói Đảng theo chủ nghĩa gì ; người vào Đảng không cần nói mình theo hệ tư tưởng nào.
Trong hơn nửa thế kỷ lãnh đạo Đảng Hành động Nhân dân, Lý Quang Diệu đã biến tư tưởng của ông thành tư tưởng của Đảng, trở thành lãnh tụ tinh thần suốt đời của của Đảng Hành động Nhân dân và người cha của nước Cộng hòa Singapore, được dư luận quốc tế coi là nhà chính trị thành công nhất châu Á. Tổng thống Nixon từng so sánh Lý Quang Diệu với các chính khách thần kỳ như Bismarck, Disraeli, Churchill. Tổng thống Obama ca ngợi « Lý Quang Diệu là một trong những nhân vật huyền thoại của châu Á thế kỷ XX và XXI ».
Trong thời gian học tại Anh, Lý Quang Diệu chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ của nhà lý luận mác-xít người Anh Laski (1893-1950), một trong ba nhà tư tưởng lớn của Anh Quốc thế kỷ XX. Tuy vậy Lý Quang Diệu trọng thực dụng, không câu nệ vấn đề ý thức hệ mà chỉ quan tâm hành động, hiệu quả, ít bàn lý luận. Ông chủ trương kết hợp các giá trị phương Đông với các giá trị phương Tây, kết hợp chủ nghĩa xã hội dân chủ với chủ nghĩa tư bản. Ông từng nói : Không có một bức trường thành giữa chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội. Đại tá Giải phóng quân Trung Quốc Lưu Minh Phúc, tác giả sách « Giấc mơ Trung Quốc » nói thành công của Singapore là kết quả của sự bổ khuyết và hoàn thiện lẫn nhau giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản. Do chịu ảnh hưởng của ông Lý, sau này Đặng Tiểu Bình đề ra thuyết « Mèo trắng mèo đen » dẫn dắt thành công sự nghiệp cải cách mở cửa ở Trung Quốc.
Có thể tóm tắt đường lối chính trị của Lý Quang Diệu là kết hợp các ưu điểm của chủ nghĩa tư bản với các ưu điểm của chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường tự do với kinh tế kế hoạch tập trung ; thực hiện dân chủ có hạn chế (limited democracy), từng bước mở rộng dân chủ, kết hợp nhân trị (đức trị) của phương Đông với pháp trị của phương Tây. Ông áp dụng đường lối đối ngoại khôn ngoan tận dụng được sự ủng hộ của các cường quốc.
Với quan điểm « nhân tài trị quốc », ông Lý cho rằng khi dân trí còn rất thấp thì trong một số trường hợp, các phần tử tinh hoa cầm quyền có thể tự quyết định các chính sách hệ trọng cho dù dân chúng vì chưa hiểu mà phản đối (ví dụ chính sách nhập cư lao động nước ngoài để bổ sung tình trạng thiếu nhân công hiện nay ở Singapore đang bị phản đối).
Với đầu óc thực dụng, tuy chủ trương đánh đuổi thực dân Anh nhưng ông giữ lại hệ thống pháp trị của người Anh cũng như giữ lại tiếng Anh làm ngôn ngữ hành chính. Do hiểu được tầm quan trọng của pháp trị, ông cực kỳ coi trọng việc giữ trật tự an ninh công cộng trong xã hội, tới mức chịu mang tiếng là độc tài. Ví dụ chế độ phạt tiền nặng tệ vứt rác, nhổ bậy, đánh roi người vẽ viết bậy nơi công cộng (từng có một thiếu niên Mỹ bị phạt roi, tới mức dân Mỹ tức giận nói Singapore là nước độc tài, Tổng thống Clinton phải can thiệp). Quy định lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ hành chính nhà nước cũng bị một số người phê phán là độc đoán, là « giết chết » văn hóa dân tộc, nhưng hiệu quả lâu dài lại quá to lớn khiến ai cũng phục tầm nhìn xa của ông Lý.
Năm 1959, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau khi Singapore được thực dân Anh cho hưởng chế độ bang tự trị, Đảng Hành động Nhân dân thắng lớn và do đó được quyền tổ chức Chính phủ, Tổng Bí thư Đảng Lý Quang Diệu được Đảng cử làm Thủ tướng liên tục cho tới ngày từ chức. Tháng 8/1965, Singapore tách ra khỏi Liên bang Malaysia thành một nước độc lập, suốt từ đó tới nay Đảng Hành động Nhân dân đều thắng tuyệt đối trong 12 kỳ tổng tuyển cử và do đó độc quyền lãnh đạo nước này, cho dù Singapore theo chế độ dân chủ đa đảng.
Vì sao Đảng Hành động Nhân dân giành được tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân Singapore ?
Nguyên nhân chủ yếu là do đảng có đường lối lãnh đạo đúng đắn, có chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thích hợp nhất và tổ chức thực hiện tốt nhất đường lối, chiến lược đó, chỉ sau vài chục năm đã biến Singapore từ một nước nghèo khổ lạc hậu trở thành giàu có văn minh hàng đầu thế giới. Một nguyên nhân nữa là Đảng Hành động Nhân dân luôn luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, một lòng phục vụ nhân dân, thực sự là đội ngũ tiên tiến nhất ưu tú nhất trong xã hội, tuyệt đối không quan liêu, tham nhũng suy thoái.
Trong thời gian 1960-2011, GDP Singapore tăng từ 0,7 tỷ USD lên tới 260 tỷ USD, tức tăng 370 lần; GDP đầu người từ 428 tăng lên tới 50.123 USD (số liệu : Singapore Department of Statistics). GDP đầu người tính theo sức mua năm 2011 bằng 60.500 USD, cao nhất châu Á, thứ 5 thế giới (so sánh: Mỹ 49.000 ; Anh 36.600 ; Nhật 35.200 ; Trung Quốc 8500 ; Việt Nam 3400. Số liệu lấy từ CIA The World Factbook ngày 15/9/2012). [Bổ sung: Số liệu năm 2020: Singapore 93400 ; Mỹ 60200 ; Anh 42000 ; Nhật 39900 ; Trung Quốc 16300 ; Việt Nam 15500 USD] .
Đời sống xã hội hài hòa ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp, chênh lệch giàu nghèo không lớn ; 30 năm nay không có biểu tình, bãi công. Mức sống được nâng cao rất nhiều, toàn dân được hưởng những dịch vụ tốt hàng đầu về nhà ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, môi trường. Singapore là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện 80% hộ gia đình đều có nhà ở mua bằng tiền của mình, thành sở hữu của mình.
Singapore đạt được các thành tựu về khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, bảo vệ môi sinh vào hàng tiên tiến nhất châu Á. Xã hội nước này đạt trình độ văn minh hàng đầu thế giới, ngang ngửa với các nước Bắc Âu đi trước cả thế kỷ.
Theo công bố ngày 31/1/2023 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), chỉ tiêu Liêm khiết năm 2020 của một số nước như sau : Đan Mạch 90 điểm, liêm khiết nhất thế giới ; Singapore và Thuỵ Điển cùng được 83 điểm, thứ 5 ; Trung Quốc 45 điểm, thứ 65 ; Việt Nam 42 điểm, thứ 83; Nga thứ 139; Bắc Triều Tiên thứ 170 trong số 176 nước được khảo sát.
Về chỉ tiêu năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng như về chỉ tiêu phát triển con người HDI, Singapore đều thuộc nhóm có chỉ tiêu cao. Lực lượng quân sự của Singapore cũng rất mạnh, nhất là hải quân, toàn bộ đào tạo ở phương Tây.
Những thành tựu đó đạt được tại một quốc đảo nhỏ bé diện tích 714 km2, có hơn 5 triệu dân, đa sắc tộc, hầu như không có tài nguyên gì, thiếu cả nước sinh hoạt, phải nhập khẩu toàn bộ lương thực thực phẩm.
Nhờ các thành tưu nói trên, Singapore tuy chỉ có hơn 5 triệu dân nhưng lại có vị thế đáng kể trong khối ASEAN và được các cường quốc nể trọng. Điển hình nhất là thái độ đối với Trung Quốc, mặc dù hơn 70% dân Singapore là người Hoa nhưng nước này không vì thế mà thân Bắc Kinh. Ngược lại, Singapore là quốc gia ASEAN cuối cùng công nhận Trung Quốc (17 năm sau khi công nhận Việt Nam) và cũng là quốc gia ASEAN duy nhất tuy không có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc nhưng lại lớn tiếng yêu cấu Trung Quốc phải giải quyết vấn đề Biển Đông theo luật pháp quốc tế và đàm phán đa phương — một chủ trương Bắc Kinh luôn phản đối nhưng mới đây Thủ tướng Lý Hiển Long lại công khai nói trước Tập Cận Bình tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc. Singapore có liên minh quân sự với Australia, Malaysia, New Zealand và cho phép tàu chiến Mỹ được sử dụng cảng nước mình.
Cho tới nay chưa quốc gia nào đạt được sự tiến bộ nhanh chóng toàn diện như Singapore. Đây là lý do khiến Đảng Hành động Nhân dân giành được tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân nước này. Lý Quang Diệu nói « Không có Đảng Hành động Nhân dân thì không có Singapore ngày nay ». Rõ ràng, Đảng Hành động Nhân dân là chính đảng cầm quyền thành công nhất thế giới ; tìm hiểu và học tập đảng này là điều hữu ích, nhất là với những đảng cầm quyền đang có nguy cơ suy thoái biến chất.
(còn nữa)
Ảnh: Huy hiệu Đảng Hành động Nhân dân là một vòng tròn màu lam trên nền trắng, có một tia chớp đỏ cắm xuống chính giữa vòng tròn. Màu trắng tượng trưng sự trong sạch liêm khiết, vòng xanh tượng trưng sự đoàn kết và hòa hợp sắc tộc ; tia chớp — hành động dũng mãnh hiệu quả.
230519NHHFB 10:22AM
Nguồn: FB nguyenhaihoanh