(Đọc tập truyện ngắn “Thư ở cuối chân trời”, Nxb Dân Trí, 2023 của Văn Thành)
Văn Thành là cây bút đã thành danh với 4 tập truyện ngắn “Lát nữa trời bình minh” (Nxb Văn học 2004), “Sơn dương trắng” (Nxb Dân Trí 2018), “Đồng đội” (Nxb Văn học 2018) và “Thư ở cuối chân trời” (Nxb Dân Trí 2023). Truyện của anh đăng ở nhiều tờ báo và tạp chí văn chương sáng giá, trong đó “Lũ tiểu mãn” còn được tuần báo Văn nghệ xếp vào topten năm 2022. Ngoài “Thư ở cuối chân trời” Văn Thành vừa gửi tặng, tôi đã đọc khá nhiều truyện của anh, hiểu đặc trưng phong cách, đồng thời cũng nhận diện được những thay đổi đáng kể trong cấu trúc văn bản mà phần cốt lõi là diễn biến cốt truyện như một cách chuyển dịch hệ hình thẩm mỹ.
Viết được một truyện ngắn hay đã khó, viết một tập truyện ngắn hay càng khó. Bởi lẽ, khác với thơ, ngoài sự trải nghiệm, người viết truyện ngắn phải thật sự có tài. Tài năng ở đây được hiểu như tố chất trời cho, một điều kiện cần thiết để tiếp thu học vấn và sau đó là nền tảng văn hóa. Lịch sử văn học đã chứng minh, dù nhà văn có thực tài nhưng thiếu một nền học vấn cơ bản và phông văn hóa mỏng anh ta sẽ bị hẫng hụt sau khi đã sử dụng hết vốn “tự nó” trong khi chưa kịp bổ sung cái “cho nó”. Nói theo lý thuyết Dịch, cái trời cho là “tiên thiên” nhưng nó chỉ có hạn, người sáng tác, cần phải chú ý cái “hậu thiên” bằng cách liên tục học tập rèn luyện để duy trì phong độ. Thời nay, người viết truyện ngắn khá đông đảo nhưng truyện ngắn hay, giàu sự sáng tạo lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Điều này được phản ánh khá rõ trên các tờ báo và tạp chí văn chương, không ngoại trừ cả những cuộc thi rầm rộ, nhưng kết quả cuối cùng lại làm người đọc thất vọng.
Có thể nói, “Thư ở cuối chân trời”, Văn Thành đều tìm được cốt truyện hấp dẫn với bố cục hợp lý, trình tự diễn giải lớp lang, mạch văn phát triển tự nhiên gắn liền với số phận thăng trầm từng nhân vật. Bởi đó là bi kịch nhân sinh của những thân phận éo le trong hoàn cảnh chiến tranh. Nói cách khác, hầu hết truyện của Văn Thành đều phát triển trên nền tảng chiến tranh. Chiến tranh được hiểu như là không gian lịch sử tạo nên chiều kích tư tưởng và quan điểm nghệ thuật. Tuy nhiên, lấy chiến tranh làm bối cảnh tác phẩm, cũng như hầu hết các tác giả đương đại thường chịu ảnh hưởng của hệ hình thẩm mỹ cũ. Họ bị chi phối bởi lối tư duy nhị nguyên, nhân vật chia thành hai phe thiện và ác, tuyệt nhiên không có thành phần thứ ba dẫn đến hiện tượng các truyện cứ na ná nhau như cùng đúc ra từ một khuôn. Loại văn chương đồng phục như vậy, chỉ cần đọc mấy dòng đầu đã biết ngay kết thúc ra sao. Đây là một vấn đề nan giải, nó còn tồn tại và sẽ còn tồn tại lâu dài nếu người viết không chịu thay đối lối tư duy mòn sáo ấy.
Tuy nhiên, đọc kỹ một số truyện tiêu biểu trong tập này, tôi nhận ra, Văn Thành đã có sự chuyển dịch đáng kể từ kiểu tư duy nhị nguyên sang tư duy đa nguyên cho dù anh vẫn chưa thể đoạn tuyệt với phương pháp sáng tác cũ. “Cho tôi về Mù Cang Chải’, “Ba người đi trên bờ biển”, “Bến mẹ”, “Mây bay về quan họ”, “Sông Lục chảy xuôi” và “Lũ tiểu mãn” là những truyện thuộc khuynh hướng trên. Với “Cho tôi về Mù Cang Chải”, nếu chỉ lướt qua, ta có cảm giác motif này đã gặp ở đâu đó bởi cốt truyện không mới, trong khi đó phần kết cũng nằm trong công thức chung theo phương châm “bi kịch lạc quan”, nhân vật Biểu nhập ngũ cùng đồng đội hành quân vào Nam chiến đấu và hy sinh trên chiến trường.
Tuy nhiên đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, hình như tác giả chỉ mượn câu chuyện có sẵn để nói đến một vấn đề lớn hơn, ý nghĩa khái quát hơn như là tư tưởng của tác phẩm. Ở thời điểm lịch sử ấy, tinh thần thời đại được hệ ý thức độc nhất chi phối, người ta hiểu cuộc sống trong đó bao gồm những cá thể của cộng đồng theo một thang giá trị khác. Do đó, ngay cả các giá trị nhân văn, nhân đạo liên quan đến quyền con người chỉ là thứ yếu so với sự tồn vong của dân tộc. Chúng ta ghi nhận sự phản tỉnh và buồn thương về sự hy sinh của Biểu, nhưng ít ai nghĩ đến hệ lụy của chiến tranh ý thức hệ mà Văn Thành đã ngầm chỉ ra như một lời cảnh tỉnh. Bởi lẽ, phía sau Biểu là hai người đàn bà góa và hai đứa trẻ mồ côi. Đó là gì nếu không phải những thân phận người sống mòn mỏi, lay lắt trong sự tuyệt vọng? Cái chết từ từ hành hạ cả thể xác lẫn tâm hồn khủng khiếp hơn nhiều so với cái chết tức thì chốn sa trường.
Chiến tranh luôn là mẫu số chung tạo ra những bi kịch nhân sinh, vì thế cũng nó cũng là nguồn cảm hứng để Văn Thành viết về thân phận con người. Nếu như ở “Miền hát”, “Lời của chim gù”, “Cho tôi về Mù Cang Chải” hay “Ba người đi trên bờ biển” ít nhiều còn chịu ảnh hưởng của lối tư duy nhị nguyên, cấu trúc văn bản vẫn mang tính công thức của kiểu truyện cổ tích mang đậm chất sử thi, các tuyến nhân vật khá đơn giản của thể loại văn chương minh họa thì đến “Mây bay về quan họ”, “Sông Lục chảy xuôi”, “Lũ tiểu mãn” và nhất là “Vĩnh biệt Salyva” đã có bước chuyển đáng kể về phương pháp sáng tác. Như một sự đương nhiên, tuy phong cách không thay đổi nhưng khi đã chuyển dịch hệ hình thẩm mỹ, những truyện ngắn sau này của Văn Thành mang một diện mạo khác, một tâm thế khác, thay đổi hẳn về bản chất một khi anh xác định lại điểm nhìn nghệ thuật của mình. Đó là điểm nhìn dưới con mắt biện chứng lịch sử và biện chứng tâm hồn. Do đó, văn bản của anh chẳng những hàm chưa tư tưởng thời đại mà còn có yếu tố đa thanh. Hơn thế nữa, cách kể của Văn Thành không phải lúc nào cũng tuyến tính mà thường biến đổi theo hoàn cảnh cùng tình huống truyện. Một trong những thủ pháp tạo nên sự khác biết ấy là hồi cố, bình luận ngoại đề và huyền thoại hóa bằng cách làm nhòe mờ bối cảnh. Tuy nhiên, ở lớp truyện đã chuyển dịch hệ hình thẩm mỹ này, theo tôi, điều đáng chú ý nhất là anh đã nhận ra bản chất của cuộc xung đột ý thức hệ kéo dài một phần ba thế kỷ bằng sự mẫn cảm của người cầm bút mà không lệ thuộc vào quan điểm chính thống. Có lẽ vậy nên, thay vì miêu tả những anh hùng liệt sĩ chiến công lừng lẫy, anh tìm đến những thân phận lạc loài bên lề cuộc chiến như bà phó Nguyên, cô Mầu, cô Tý, anh lái đò Chương (Bến mẹ), Bùi, Nhạn (Mây bay về quan họ), chú Nhận (Sông Lục chảy xuôi), Thao, cô giáo Hân, Mến (Lũ tiểu mãn), và sau hết là “Salyva” với những cảm nghĩ về nhân tình thế thái khiến ta phải suy ngẫm: …Điềm nhớ rằng cuộc chiến đã qua từ lâu. Vết tích những cuộc giao tranh, những hố bom pháo…, giờ tuy đã được cỏ cây phủ lấp nhưng trong những vạt rừng, khe suối, lèn đá…, bao nấm mồ của đồng đội anh, của các binh sĩ anh em người Việt bên kia chiến tuyến vẫn còn đó. Những chàng trai, cô gái mặt tươi như hoa, tay hiền như nụ… bị thời thế lôi kéo vào cuộc chém giết. Để kẻ trước, người sau nối nhau ngã xuống trong cuộc tương tàn bi thương kéo dài mấy chục năm trời. Lòng người Việt có thể đã nguôi ngoai thù hận. Mắt người Việt cũng nhìn rõ lỗi lầm của nhau để ân hận, thứ tha… Nhưng thế gian đầy biến động ngoài kia, khi cái tham vọng điên cuồng chiếm đoạt, thống trị… đang khiến hành tinh xanh vẫn chìm đắm trong cơn cuồng sát (Vĩnh biệt Salyva). Có thể nói, một khi dòng tư duy nghệ thuật cộng hưởng với cảm xúc về những nhân vật này, ngòi bút Văn Thành như diều gặp gió, không phải ở lối đại ngôn toàn trị dạy dỗ nhân quần mà là những trang văn trữ tình giàu sắc thái biểu cảm ám ảnh người đọc. Viết như vậy đồng nghĩa với việc nhà văn đã tiếp cận chân lý như nó vốn có mà một thời gian dài, vì những lý do nào đó người ta cố tình lãng quên…
Đọc “Bến mẹ”, “Sông Lục chảy xuôi”, “Mây bay về quan họ” và “Lũ tiểu mãn” chúng ta nhận ra ngay bố cục gọn gàng, mọi chi tiết, tình tiết cũng như các “nút thắt” đều hợp lý nếu xét dưới góc độ của lý thuyết toán tối ưu. Mọi tình huống trong tiến trình khai triển văn bản, cho dù được biểu đạt dưới hình thức hiển ngôn mang tính tự sự cao nhưng Văn Thành vẫn tìm được một “khoảng lặng” gián cách đủ để tạo nên sự mờ nhòe, nửa thực nửa hư kết hợp với bình luận ngoại đề khiến người đọc phải căng óc tìm lời giải mà trong lòng vẫn bán tín bán nghi. Thao tác này ít nhiều được thể hiện trong “Bến mẹ”, “Mây bay về quan họ” nhưng rõ rệt nhất phải là “Lũ tiểu mãn” hay “Vĩnh biệt Salyva”. Điều này chứng tỏ, rất có thể các tình huống truyện nhiều lúc không nằm trong “kịch bản” bởi đã xảy ra hiện tượng đột biến, thậm chí còn “bẻ ngoặt” cốt truyện theo một hướng khác hẳn với dự kiến ban đầu. Điều này đã được chứng minh qua các chi tiết cô Mầu biến mất sau trận càn, hai mẹ con Nhạn chết trong căn hầm bí mật, Thao gặp lại Mến ở hội Sloong hao tìm lại viên bi ve mắt mèo dưới hồ, và nhất là cuộc hội ngộ giữa Điền với một biến thể khác của Salyva trong vai trò nữ thần tộc Hời…
“Thư ở cuối chân trời” có nhiều trang văn đẹp, không chỉ đẹp ở cảnh vật mà còn đẹp ở tình người hiển hiện qua dòng cảm xúc bất tận của tác giả trong khoảnh khắc hóa thân vào nhân vật: Có tiếng hươu nai thảng thốt. Nhưng hình như không phải, đó là những tiếng trầm đục của trâu nghé gọi đàn. Tiếng của mái chèo nhọc nhằn rời bến, giờ nhẹ nhàng lướt nhanh bên bờ cỏ mịn màng… ướt át. Bền bỉ và thuần khiết. Háo hức mà dịu dàng. Cơn lốc tình chợt vươn đôi cánh bay cao. Vượt qua cửa ải tù túng chật hẹp, nó vùng lên quyết liệt theo những cơn gió ban mai còn ướt đẫm sương rừng (Cho tôi về Mù Cang Chải). Còn đây, mây trời sông nước bến Cẩm La, vừa là ký ức chiến tranh nhưng cũng là hiện thực khi người con trai muốn tìm lại hình ảnh mẹ mình: “Trừ gốc bàng có quán hàng nọ thì bến Cẩm La cây cỏ lưa thưa, cằn cỗi. Dưới bến, lá cây cùng bùn đất ngập đầy. Vài hòn đá lô nhô vừa đúng bằng bàn chân người khi bước xuống thuyền. Bên kia sông, một vùng đất thê lương, cây cối vàng quạch. Ba bề bốn bên không một bóng người, chỉ thấp thoáng một đường mòn đá lổn nhổn, ngoằn ngoèo, khuất dần sau chân núi Con Phương” (Bến mẹ).
Như phần trên đã nói, những sáng tác gần đây của Văn Thành đã có sự dịch chuyển về hệ hình thẩm mỹ. Anh đã dần dần “chia tay hoàng hôn” với loại truyện mang màu sắc sử thi tư duy nhị nguyên vốn là sản phẩm của thứ văn chương đồng phục để xác lập cho mình cách viết văn bản đa thanh mà một trong số đó là thân phận con người trong những cơn “biến động nhân gian”. Có điều, đề tài về thân phận con người trong mối quan hệ với chiến tranh hay các thế lực hắc ám mang tính vĩnh cửu và gần như ai cũng có thể viết được. Vấn đề là, anh viết như thế nào, giải quyết vấn đề ra sao mới là điều người đọc cần biết. Văn Thành đã giải quyết được vấn đề này ở bảy trong mười bảy truyện, cho dù không phải truyện nào cũng hoàn hảo. Viết về thân phận con người dường như là sở trường của anh là bởi mỗi nhân vật đều được đặt vào cảnh lịch sử cụ thể trong mổi tương quan với các nhân vật khác. Điểm nhấn ở tính cách các nhân vật bi kịch của Văn Thành là anh khai thác ở chiều sâu đồng thời được soi chiếu dưới nhiều góc độ để tìm ra “bản lai diện mục”. Họ đều là những phận người bằng xương bằng thịt như nó vốn có hàng ngày hàng giờ hiện diện trong những hoàn cảnh cụ thể được người viết tái tạo thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Chính vì vậy, các nhân vật như Bùi, Mầu, Tý, Nhận, Salyva…, đều là những hình tượng văn học mang tính cá biệt ít nhiều có ý nghĩa khái quát.
Cấu trúc truyện của Văn Thành còn một đặc điểm đáng chú ý nữa là nhân vật “người kể chuyện”. Người kể chuyện lúc hóa thân vào truyện, đồng hành cùng số phận nhân vật nhưng cũng có khi lại sự gián cách tường thuật diễn tiến câu chuyện như một người ngoài cuộc. Nhìn chung, cả hai cách trên đều hướng đến mục đích tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ. Vì thế, với tư cách người kể chuyện, nhân vật “tôi” của Văn Thành thường kết hợp được quá trình phân tích diễn biến tâm lý với bình luận ngoại đề tạo nên những trang văn sinh động lại thấp thoáng triết lý nhân sinh mà ấn tượng nhất là anh chuyển hóa được cái thực vào cái hư làm cho hình ảnh bị mờ nhòe: Đó là dòng sông Cầu trong xanh, lững lờ soi bóng những nương dâu xanh ngăn ngắt. Sông Cà Lồ nhộn nhịp bến đò Lo. Nhộn nhịp chợ Chờ. Nhộn nhịp liền anh, liền chị. Những nón thúng quai thao, áo the khăn xếp. Dẫu chỉ tháng giêng mới có hội hát quan họ (…). Giờ đây hồn cô cất cánh bay lên cao tít tầng mây. Sau lại bất ngờ chao nghiêng, bay là là mặt đất, để ngắm nhìn những cánh đồng lúa bạt ngàn xanh vô tận. Những ngọn núi xuân về nở ngàn hoa. Núi Tượng phía Quả Cảm. Núi Dinh phía Đáp Cầu, núi Voi, núi Dạm, núi Thiên Sơn…, cao ngất bao quanh các làng quan họ (Mây bay về quan họ). Tuy nhiên, phải đến hai truyện cuối là “Lũ tiểu mãn” và “Vĩnh biệt Salya” sự mông lung huyền ảo mới đạt đến cảnh giới cao nhất khi mà mọi khái niệm về không gian, thời gian, lịch sử đều bị chuyển đổi: Một đám mây trắng có hình vẩy con tê tê bị thiếu gió nên sa xuống mặt đất. Một đụn mây sà xuống đảo Chè ngay sát chân hai người. Đôi trẻ ngỡ ngàng nhận ra mây thực ra là bông, họ liền bước vào ngồi trên đụn bông êm mượt ấy. Giây lát, một cơn gió lốc nâng vút họ lên tận trời xanh. Từ trên cao nhìn xuống, hồ Cấm nhỏ dần…” (Lũ tiểu mãn). Với Thao, viên bi ve mắt mèo và hình ảnh bé Mến, con gái cô Hân theo anh suốt cuộc đời. Nó là điểm bắt đầu và cũng là kết thúc cho một bi kịch gia đình: “Đảo vẫn như xưa với những lùm cây cao thấp nhấp nhô. Giờ nhìn tựa một người ngồi thu lu trên mỏm đất giữa hồ đang phó thác số phận mình cho mây nước. Trong lơ đãng, Thao buông tiếng thở dài. Nhưng thật bất ngờ vào lúc ấy, anh bỗng nhỏm người bật dậy, chớp chớp mắt bởi chính anh nhìn thấy trên đảo Chè một vật vừa lóe sáng. Đúng vậy, một tia sáng lạ kỳ. Trái tim anh bỗng quặn thắt, rồi vỡ òa trong một ý nghĩ cũng lóe nhanh như tia chớp. Đúng rồi, phải chăng đó chính là viên bi mắt mèo của em đã thất lạc trong tiết tiểu mãn năm nào. Sau cuộc ú òa buổi hoa niên, bi ve mắt mèo vẫn nằm cô đơn trên đảo. Bao năm trằn trọc, khắc khoải chờ đợi người về, giờ cất tiếng gọi anh (Lũ tiểu mãn).
Trong số 17 truyện, ngoài “Lũ tiểu mãn” ở phần cuối đã có sự thay đổi đáng kể về bố cục văn bản qua hình ảnh viên bi ve mắt mèo ở không gian hồ Cấm và đảo Chè, riêng “Vĩnh biệt Salyva”, Văn Thành có lối kể mang đậm phong cách sử thi Tây Nguyên với thủ pháp tạo ra thời gian và không gian ảo, từ đó liên kết các sự kiện xã hội, những xung đột cộng đồng thành hệ giá trị như là hằng số lịch sử về thân phận người Hời còn lưu giữ trong ký ức dân tộc này qua hình tượng Salyva: Điềm khiếp sợ ngồi dậy, một lần nữa anh định chạy lại phía nàng nhưng không thể. Có một ranh giới vô hình đã ngăn cách hai người. Đó là một làn sương dày đặc bốc ngùn ngụt từ một vực sâu thẳm trước mặt Điềm khiến anh rùng mình. Anh hiểu rằng hôm nay cô gặp lại anh không phải để hiến thân (…). Nàng là ai, là người hay là đấng thần tiên. Hẳn vậy, rõ ràng nàng không phải là thôn nữ, không phải là cô gái chăn dê. Hẳn nàng là một thế lực chứ không phải phàm nhân (Vĩnh biệt Salyva). Tuy vậy, trong mạch cảm hứng vô tận của mình, khi viết “Vĩnh biệt Salyva”, Văn Thành phóng bút một cách tùy hứng dẫn người đọc vào mê hồn trận lịch sử hình thành và suy tàn của vương quốc Champa thành ra thiên truyện rườm rà, có đoạn gây ức chế.
“Thư ở cuối chân trời” là văn phẩm đáng đọc, chẳng những hàm chứa thông điệp nghệ thuật mà nó còn giàu chất thơ. Nói cho công bằng, chỉ với “Cho tôi về Mù Cang Chải”, “Bến mẹ”, “Mây bay về quan họ”, “Sông Lục chảy xuôi”, “Lũ tiểu mãn” và nhất là “Vĩnh biệt Salyva cũng đã đủ tư cách làm nên diện mạo Văn Thành, một cây bút truyện ngắn miền Kinh Bắc.
Chí Linh, 20/5/2023
Đ.V.S.