“ Bây giờ thời tiết thật quái đản “- Bà ta nói với phóng viên báo “ Helsingin Salomat” về tình thế chính trị hiện tại.
Ngày ghi hình bà dành cho cuộc phỏng vấn này thời tiết rất giá buốt . Tại Moskva là 11 độ âm.
Nhưng một trong số những nhà văn hiện đại Nga được kính trọng nhất- bà Ludmila Ulistkaia vẫn chịu ra đứng ở ban công tầng 6 để chụp ảnh. Và cuối cùng phía dưới bắt đầu khoát tay và kêu to: Xin cám ơn, chụp được rồi.
Bà Ulistkaia trở vào phòng. “ Tôi không bao giờ chụp ảnh mà run rảy như thế “. “ Điều này thật hiếm khi xẩy ra “- Nữ văn sỹ cười kết thúc cuộc đàm đạo giữa chúng tôi.
Ludmila Ulistkaia hứa trả lời cuộc phỏng vấn của chúng tôi nhân dịp ra mắt tập truyện ngắn mới của bà với tựa đề “ Về cái xác của phần hồn “ với bản dịch tiếng Phần Lan. Tập sách này sẽ được phát hành vào tháng Hai tới bởi nhà xuất bản “Ailtala”.
Vật cản trở cuộc phỏng vấn chính là virut Covid. Ulistkaia đã 77 tuổi, còn chồng bà Andrei Crasulin-86 tuổi. Chính vì vậy chúng tôi không thể trực tiếp gặp được bà. Phỏng vấn qua điện thoại thì Ulistkaia không tán thành.
Đại diện của nữ văn sỹ gợi ý lối thoát duy nhất là ghi lại bằng bưu điện điện tử. Các phóng viên hoàn toàn không hài lòng với cung cách ấy mà cũng không tìm ra giải pháp nào khác. Nhưng đó không phải là phỏng vấn. Không có sự tiếp xúc trực tiếp, sống động làm sao có thể hoàn toàn tin được rằng đang trả lời những câu hỏi của bạn là chính người bạn muốn nói chuyện.
Ấy vậy mà ngay trong bức thư đầu tiên Ludmila Ulistkaia đã viết bà đợi những câu hỏi tiếp và nói với tôi số điện thoại của bà.
Như vậy trước chúng tôi vẫn là cuộc trao đổi bằng chữ giữa hai người, đôi khi có bổ xung thêm những lời qua lại bằng phương tiện điện thoại. Cuộc trò chuyện tuyệt nhiên không phải do người đại diện của nữ văn sỹ hay những thành viên của một hội đồng nào đó thực hiện. Tác giả biết rõ tập truyện được chia làm hai phần.
“ Nói cho chính xác hơn đó là có hai quyển sách chung nhau một tờ bìa – Ulistkaia khẳng định- Nhà xuất bản có thói quen như thế này:nếu sách giành cho người lớn, họ không bao giờ in ra thứ sách nhỏ, mỏng. Ví như việc xuất bản do tôi quyết định, tôi sẽ cho in 2 cuốn riêng lẻ. Nhưng vấn đề này thuộc quyền nhà xuất bản “.
Nữ văn sỹ Ulistkaia cũng đã đạt tới đỉnh cao khi tên tuổi của bà đã xuất hiện trong bảng danh sách những ứng viên cho Giải Nobel văn chương. Tại Phần Lan bà đã có số người đọc của riêng mình và dịch giả Arja Pikkupeura chuyên chăm chú theo dõi và dịch các tác phẩm của bà.
Nhưng tựa như thời đại của tiểu thuyết đang đi vào ngõ cụt.Ludmila Ulistkaia nói rằng chính bà cũng không còn thích viết và đọc những cuốn sách dày nữa.
“ Có cảm tưởng, tôi cũng như toàn thể nhân loại bây giờ có rất ít thời gian. Cần phải cố làm sao để chuyển tải những ý tưởng của mình một cách cô đọng. Thời gian gần đây tất cả các truyện ngắn của tôi có dung lượng chỉ dưới một trang “.
Cũng còn có những đổi thay khác. Với tuổi tác bà bắt đầu quan tâm tới những gì có thể gọi bằng cái tên “ sự không hợp lý ”.Đây là một trong những ưu thế của tuổi già-nữ văn sỹ quan niệm như thế. Thị và thính lực suy giảm, nhưng “ khi con người ta đang xích gần tới đoạn đường cuối của cuộc đời, bỗng nhiên họ cảm thấy mẫn cảm hơn với những mặt thần bí của cuộc sống “.
“ Tôi có thể nhận ra nhiều điều mà trước đây chúng lẩn tránh ánh mắt tôi
Giống như một tấm gương xưa kia bụi bẩn phủ kín, nay đã được rửa sạch. Bây giờ qua tấm gương đó có thể nhận ra những gì xưa kia không thấy “.
Phần thứ hai của tác phẩm mới kể về tâm hồn và những khía cạnh của đời sống vật chất và đời sống tinh thần không phải lúc nào cũng giống nhau.
Nhưng nữ văn sỹ Ulistkaia vẫn tiếp tục hiện hữu như trước đây là “ một cây bút theo khuynh hướng tự nhiên “. Lúc còn trẻ Ulistkaia nghiên cứu trong lĩnh vực gen học và bắt đầu con đường công danh của mình tại Viện nghiên cứu về gen mang tên N.I Vavilo thuộc Viện Hàn lâm Nga.
“ Tôi không có chút tiếng tăm nào về mặt khoa học “- Nữ văn sỹ luôn luôn khẳng định như thế.
Sau hai năm công tác bà bị buộc phải thôi việc vì đã truyền bá những cuốn sách tự in, tức là bản copy những cuốn truyện ngắn, tiểu thuyết bị cấm tại nước Nga thời Xô Viết. Đến đây thì con đường tiến thân bằng khoa học của bà cũng chấm hết.
Sau đó bà theo đuổi nghiệp văn. Nhưng tác phẩm đầu tiên bà cho in khi bà cũng đã 50 tuổi.
“ Nếu giả như bây giờ tôi phải lựa chọn nghề nghiệp, một lần nữa tôi sẽ chọn việc nghiên cứu gen “.
Phong cách vẫn còn đó , tuy một số truyện ngắn đã mang tính thách đố. Đối với Ulistkaia cốt truyện sắm vai trò rất quan trọng. Tác giả tỏ ra truy đuổi tới cùng các nhân vật của mình. Vắng hẳn yếu tố phân tích tâm lý của các nhân vật.
“Tôi viết những gì tôi quan tâm, những gì khiến tôi bất an và đôi khi buộc tôi phải hoài nghi. Tôi không thể làm khác thế được “.
Đề tài không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhưng phải chấp nhận điều đó. Bởi lẽ cuộc sống là như vậy mà. Cuộc sống ấy luôn có chỗ cho những gì nặng nề và rủi ro. Mặt khác, cái cười và sự nghiêm chỉnh luôn thế chỗ nhau trong các truyện ngắn của bà. Nụ cười và giọt nước mắt luôn luôn là những người láng giềng trong cuộc đời, nữ văn sỹ Ulistkaia nhận xét. Bà nói, bà rất thường chứng kiến sự đụng độ của hai yếu tố này.
“ Cái cười –đó là một thứ vũ khí linh diệu. Cái cười không chỉ có khả năng bảo vệ con người khỏi sự ngu dốt, mà còn bảo vệ con người khỏi điều ác. Cái cười có thể chiến thắng nỗi khiếp hãi “.
Phong cách của Ludmila Ulistkaia tựa như nằm ngoài thời gian. Điều này giải thích vì sao bà nổi tiếng trong giới trẻ.
Tự bản thân, bà coi bà là nhà văn của Thế kỷ 20. Chính những năm tháng này đã gắn với những niềm quan tâm của bà và cung cấp cho bà kinh nghiệm sống. Nhưng trong thời buổi bà sống trải cũng có nhiều điều bất ngờ mà bà không thể nào hiểu nổi.
“ Có thể vì bạn đọc của tôi trẻ hơn tôi , bởi thế họ rất chú ý xem cha mẹ, ông bà của họ sống ra sao “.
Ludmila Ulistkaia nói bà thích nhiệm vụ bà tự đặt ra cho mình: quan tâm về tính kế thừa. Không chỉ mang tới ý tưởng mà còn phải chuyển giao kinh nghiệm. “ Mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình gen của mẹ và cha, nhưng kinh nghiệm sống thì không được chuyển tải qua gen. Kinh nghiệm ấy được chuyển tải qua văn hóa “.
Mặt khác, có nhiều đề tài mang tính vĩnh hằng, thậm chí hành động diễn ra trong một thời gian cụ thể. Trong tác phẩm mới Ulistkaia dành nhiều sự quan tâm cho tình yêu và tâm hồn.
“Văn học có nhiều nhiệm vụ. Một trong số nhiệm vụ ấy là tìm tòi cái nhìn mới cho những đề tài mới “- Ulistkaia thừa nhận.
Như vậy các nhân vật không nhất thiết phải liên quan chỉ với thế hệ của mình.
“ Trước hết đó phải là năng lực thông hiểu cuộc đời. Mà cuộc đời không chỉ có một thước đo. Có cuộc đời của một thế hệ, cuộc đời của dòng họ, một dân tộc và còn có cuộc đời của toàn nhân loại nữa “.
Nhưng dẫu sao thì các sự kiện cũng cần phải trú ngụ trong khoảng thời gian nào đó. Với nữ văn sỹ Ulistkaia thì đó là “ ngày hôm qua và ngày hôm nay “. Ngày hôm qua – là thời kỳ Xô Viết mà nhiều người Nga còn tỏ ra luyến nhớ. Nhà độc tài Xô Viết Iosif Stalin có được tiếng tăm lớn lao.
Những người ruột thịt của bà Ulistkaia đã bị trấn áp, còn bản thân bà thì bị đuổi việc. Bởi vậy trong bà vẫn còn đọng lại những ký ức có thật về thời Xô Viết. “ Bây giờ nỗi buồn tiếc những năm tháng Xô Viết chủ yếu chỉ còn ở những ai không sống qua những năm tháng đó “.
Bản thân sự hiểu biết tồi tệ về lịch sử nước Nga cũng không khiến nữ văn sỹ ngạc nhiên. Bởi lẽ nhiều người không hiểu biết lịch sử của gia đình mình, dù chỉ mới chừng ba thế hệ đổ lại. Theo lời bà trong trường luôn học theo sách giáo khoa được soạn thảo trong sự chỉ đạo “ từ trên “. Nhưng bây giờ mỗi một người đều mong muốn có thể tự bản thân tìm ra những thông tin thú vị, hữu ích.
“ Chính quyền có thể kiểm soát báo chí, nhưng không thể kiểm soát được suy nghĩ của con người. Tôi kính trọng sự am hiểu của cá nhân hơn nhiều lời chỉ dẫn của các quan chức xa ngái. Ai thích đi thành hàng lối, họ có thể làm điều đó. Chính quyền thích như vậy, còn tôi thì không “.
Ludmila Ulistkaia là đại biểu cho tầng lớp trí thức tự do mà cả cuộc đời giai đoạn đã trưởng thành của mình buộc phải đứng sang phía đối kháng. Từ đã lâu rồi bà lên tiếng chỉ trích chính quyền hiện hành. Về phương diện quốc tế bà phê phán hành động của Nga tại Ucraina.
Ludmila nhìn nhận tình hình chính trị hiện nay ra sao ?
“Câu hỏi này của bạn khiến tôi nhớ tới câu bạn hỏi về thời tiết. Thời tiết xấu thì phải mang theo mình cái ô, thời tiết tốt thì không cần. Bây giờ thời tiết cực kỳ quái đản “.
Theo ý kiến của bà Ulistkaia, sự kiện quan trọng nhất trong đời sống chính trị ở nước Nga hiện nay là những gì đang diễn ra ở Belorussia, bởi lẽ ở đó mọi người “muốn thay đổi thời tiết “ . “ Sự chỉ huy của Nga là không ổn và bắt đầu ủng hộ thủ lĩnh địa phương Lacasenko, tuy không hề có điều gì phấn khởi từ phía ông ta cả “.
Đề tài quan trọng thứ hai, đương nhiên là việc đầu độc nhân vật đối lập Aleksei Navalnưi, người mà nữ văn sỹ coi như sứ giả của những ai đang đối đầu với giới lãnh đạo hiện nay. Theo ý kiến của bà Navalnưi còn sống chỉ “ nhờ vào sự tầm thường “ của những kẻ định hạ sát ông ta.
Nữ văn sỹ tin rằng những gì đang diễn ra chỉ củng cố thêm chỗ đứng của Navalnưi. Bà trông đợi những thay đổi lớn ở nứớc Nga, tuy chính quyền tăng cường sự trấn áp, nhưng đất nước Nga ngày càng trở nên một diễn đàn.
“ Nhân dân và quyền lực luôn luôn đối mặt nhau. Và luôn luôn ở mọi phương diện “.
Trong những tác phẩm của Ludmila Ulistkaia những vấn đề chính trị không hấp dẫn người đọc phương Tây. Bà không viết về sự đối lập hay những phản ứng chống đối.
Các nhân vật trong tác phẩm của bà có thể còn có, ví như những đại diện cho số nhỏ ẩn ức tình dục. Trên thực tế, tại một xứ sở có đạo luật cấm tuyên truyền về “ nhưng quan hệ đồng giới “ thì việc làm của bà cũng là một bước mạo hiểm về phương diện chính trị. Trong truyện ngắn đầu ở tập sách mới của bà có một cặp hai người đàn bà đến từ Nagornưi Carabak. Đó là câu chuện về một cô gái Armenia và một cô gái Azerbaijan.
“ Tôi tin rằng con người ta có quyền bất khả xâm phạm yêu cái gì và yêu ai. Giới hạn duy nhất là tuổi tác. Ở nước chúng tôi , 18 tuổi được coi là tuổi trưởng thành. Và đến tuổi ấy, họ muốn sống muốn làm tình với ai là việc riêng của họ “.
Hiện nay Ludmila Ulistkaia chủ yếu sống tại gia. Vì đại dịch Covid bà không ra phố để không mang theo vi rút về nhà.
Giải thoát cho bà là bản danh sách dài thượt những cuốn sách chưa đọc, những bộ phim chưa xem. Cũng có những ý tưởng mới nẩy sinh, bà liền ghi vào nhật ký. Một dự án đã hoàn thiện, một dự án khác “ đang hòm hòm “.
“Tôi đang đứng trước một câu hỏi phức tạp: Liệu tôi có đủ thời gian để hoàn thành những dự án đó không đây ? Ý định đã chín và tôi cũng đã viết ra tất cả những gì tôi muốn. “
“Có lẽ, tôi còn muốn làm điều gì khác nữa. Có được ý muốn ấy, tất nhiên là tuyệt vời rồi, phải không? “.
TÔ HOÀNG
( chuyển ngữ qua tiếng Nga )