Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI BA CÂU CHUYỆN Ở MÈO VẠC THỜI CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI

Vũ Xuân Tửu
Thứ sáu ngày 22 tháng 2 năm 2019 8:45 AM





Thượng Phùng

Thượng Phùng được gọi là Cửa gió của huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Thượng Phùng còn gọi là Thèn Phàng, hoặc Tìa Kính; nghĩa là Bãi Cỏ Tranh.

Nơi đây, cao hơn mặt biển một ngàn bảy trăm ba mươi lăm mét và cách đường Chí tuyến Bắc không xa. Một vùng bao la, chỉ có núi và núi. Núi ngập chìm trong sương mù. Núi dầu dãi trong nắng gió. Núi bất khuất trong lửa đạn...


Tôi đến đồn Biên phòng Săm Pun, trong lúc bị mây mù bao phủ. Nhưng chỉ chốc lát, những trận gió dữ dội đã đẩy dạt cả biển mây, mở ra một khoảng trời thoáng đãng. Rồi lập tức, một trận gió khác lại mang mây mù từ dưới sông Nho Quế ào lên, ngụy trang kín cả núi đồi. Gió dữ đến nỗi, những căn nhà dã chiến dựng bằng khung thép và vách cót ép không chịu nổi, bộ đội phải thay bằng tường đất thâm thấp, vừa tiện quan sát, vừa để tránh gió. Đến vùng cao nguyên này, ai cũng biết câu phương ngôn: "Bọ chó Đồng Văn, gió Thượng Phùng".

Mỗi khi trời quang mây tạnh, đứng ở đây có thể nhìn thấy đồng lúa chín vàng bao quanh huyện lỵ Đồng Văn. Kia là những dãy núi lô xô miền Ma Lé, Lũng Cú- vùng Cực Bắc của Tổ quốc. Trở ngược về phía Đông là vùng Xín Cái, Sơn Vĩ của huyện Mèo Vạc, nằm bên tả ngạn sông Nho Quế. Và ngay dưới chân điểm cao Một nghìn bảy trăm ba mươi sáu là Mỏ Pàng, một xóm của xã Thượng Phùng, bị đối phương gặm nhấm, nuôi dưỡng toán phỉ Lý Nhè Lùng. Bọn chúng hay lén lút mò sang gài mìn đánh xe ô-tô khách và xe tải trên đèo Mã Pì Lèng.

Cách đây trăm năm, khi phân vạch cắm mốc biên giới theo Hiệp ước Pháp-Thanh, một người nước ngoài đã nói: "Người Trung Quốc kết hợp giữa lòng dạ đen tối và ngu dốt về kỹ thuật để lấn chiếm các điểm cao biên giới".


*

Chúng tôi viết thư, gửi người vượt biên mang sang cho toán phỉ. Toán phỉ này được phía địch mệnh danh là "Đội du kích Hoàng Văn Hoan":

Mèo Vạc, ngày 14/11/1984

Gửi ông Lý Nhè Lùng

Trước đây, ông đã có tội với đồng bào, nhưng biết hối cải, nên đã được Nhà nước Việt Nam khoan hồng, giáo dục cải tạo cho ông thành công dân.

Nhưng rồi, ông lại hoang mang lo sợ mà chạy theo Trung Quốc, phạm thêm tội lỗi với đồng bào. Kẻ địch chỉ sử dụng ông làm bia đỡ đạn, lại không thể tin ông, mà lại vừa dùng vừa nghi.

Nay chúng tôi kêu gọi ông sớm nhận biết lẽ phải, tổ chức đưa đồng bào và anh em ở Mỏ Pàng về, sẽ được đối sử tử tế, không sợ trả thù. Thực tế, những người anh em của ông ở Việt Nam vẫn sinh sống yên ổn.

Nếu ông trở về, hãy thông báo thời gian, địa điểm cho chúng tôi đón tiếp.

Chào ông.


Và thư gửi Dương Mí Sàng, đồng chỉ huy toán phỉ Mỏ Pàng:

Mèo Vạc, ngày 14/11/1984

Gửi ông Dương Mí Sàng

Chúng tôi biết rất rõ những việc làm của ông. Tuy ông phải theo địch, nhưng có lúc vẫn nhớ về quê hương đất nước Việt Nam.

Một người am hiểu thời thế, thì phải biết thức thời, dấn thân quá sâu vào con đường tội lỗi là có hại cho bản thân.

Trước đây, bọn phản động người Hán đã tàn sát người Mông, khiến dân tộc ông phải chạy đến Mèo Vạc làm quê hương mới. Ngày nay, bọn chúng lại muốn lợi dụng người Việt Nam để đánh người Việt Nam. Tuy làm chỉ huy, nhưng ông cũng chỉ là tay sai của chúng mà thôi.

Chúng tôi mong ông sớm nhận ra lẽ phải, cùng những người chỉ huy và anh em, đồng bào ở Mỏ Pàng trở về, sẽ được đối sử tốt.

Chào ông.


Cả hai thư, đều được viết tay, trên giấy khổ nhỏ 13,1 cm x 7,5 cm, cho dễ cuộn lại, giắt vào xà cạp của cô gái Mông xinh đẹp.

1984


Khi Pha Cu Nhia

Sáng sớm, lợi dụng sương mù từ dưới sông Nho Quế dâng lên khe núi, chúng tôi mặc quần áo tà pủ, đội mũ nồi, lặng lẽ vào chợ đường biên Khi Pha Cu Nhia.

Chợ họp dưới dưới khe suối, cạnh bãi mìn, Phia trên núi là cột mốc biên giới số 19, gần xóm Mỏ Pàng, do bọn phỉ Lý Nhè Lùng đang đóng quân và kề bên là ngọn Sư Tử Sơn, trên đỉnh có cái lô cốt, lính Trung Quốc chiếm giữ.

Năm 1983, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Biên phòng cũng đã vào bản Thín Ngài, làm bàn đạp vận động dân Mỏ Pàng trở về, nhưng không kết quả, mà bốn chiến sĩ đã phải hi sinh. Nên khi biết chúng tôi vào Khi Pha Cu Nhia, bà mẹ người Tày bản Thín Ngài lại lo âu, nhắc nhở: "Mà khoải lố" (nghĩa là: Về nhanh nhé).


Đây là chợ bất hợp pháp, do những người lén lút vượt biên giữa hai bên biên giới hợp thành. Chợ họp tuần ba phiên, vào buổi sớm các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu, hằng tuần. Người đi chợ chủ yếu là đàn bà. Chúng tôi thấy có người Mông, người Tày ở Thín Ngài, Mỏ Pàng và bên kia có người Mông, người Choang chở hàng sang. Ai cũng mang theo cái liềm, vờ cắt cỏ ngựa, nhưng vẻ nháo nhác, nhìn ngược ngó xuôi. Hàng đựng trong quẩy tấu và bao tải, nào là vải vóc, quần áo trang phục dân tộc Mông và áo len xanh, đỏ... Người dân hai bên biên giới quen biết nhau, nên tiền hàng thường không trả hết, để có hẹn cho phiên chợ sau, lại đi nữa.


Chúng tôi thấy một bà người Mông ở Thín Ngài, mua cái áo len đỏ của một người phụ nữ Mông Trung Quốc, rồi dẫn Sùng Thị Mỷ ở Mỏ Pàng, về đổi một cục thuốc phiện, lấy hai cái vỏ chăn màu đỏ in hoa hình con công sặc sỡ. (Chúng tôi biết, Mỷ là vợ của Sè Páo- Trung đội trưởng toán phỉ Mỏ Pàng).


Mấy người Mông ở Mỏ Pàng, hẳn là đã nhận được thư bí mật của chúng tôi, kêu gọi trở về, cũng trà trộn trong số người đi chợ này. Chúng tôi thấy thằng bé tên là Sùng Mí Chính, mới ba tuổi cũng đòi về. Người ta kể, bố nó uống rượu say, nôn ra máu mà chết, mẹ nó thì lăng nhăng, nên nó buồn. Mẹ nó biết ý, giấu quần áo, không cho về, nhưng nó trốn theo bà con. Trên đường mòn lởm chởm đá tai mèo, mà nó bước đi thoăn thoắt. Trẻ con sinh ra trên đá có sức đề kháng rất cao và thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh thiên nhiên, để tồn tại và trưởng thành. Tôi bèn ghé vai cõng nó xuống núi. Chợt nhìn thấy dòng sông Nho Quế và đường đèo Mã Pì Lèng, nó đòi tụt xuống tảng đá, hai tay đút túi quần, đứng khùng khuỳnh, ngơ ngác; nom thấy thương thương, tồi tội. Chúng tôi bố trí cho nó ở nhà bà con, rồi bảo bọn trẻ cho theo chăn bò. Nó tỏ ra thích thú, trở lại vẻ thơ ngây.

1984


Phụ lục:


Mèo Vạc, thứ hai, ngày 4 tháng 12 năm 1984


Kính gửi: Đồng bào Mỏ Pàng


Được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc và theo nguyện vọng của đồng bào muốn trở về, chúng tôi sẵn sàng đón tiếp.

Bước đầu, đồng bào có thể ở nhờ các nhà anh em xóm Thín Ngài, thuộc xã Thượng Phùng. Đồng bào cố gắng mang theo đồ đạc gọn nhẹ, nếu không thì chỉ về người cũng được. Huyện Mèo Vạc sẽ đón tiếp và giúp đỡ.

Thời gian trở về, kể từ nay cho đến thứ năm, ngày 7 tháng 12 năm 1984.

Chào đồng bào!


Huyện Mèo Vạc


(Thư này, chúng tôi nhờ một phụ nữ người Mông Trắng đã luống tuổi,

khéo ăn nói, mang theo trong một chuyến vượt biên.)


VXT