Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHÙNG THANH VÂN đọc sách CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ của NGUYỄN NHẬT ÁNH

Phùng Thanh Vân
Thứ hai ngày 25 tháng 2 năm 2019 9:16 PM



đọc sách
CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ của Nguyễn Nhật Ánh.

Cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ mà tôi có, đã được NXB Trẻ tái bản lần thứ 46, năm 2015, với số lượng 10.000 cuốn. (Xuất bản lần đầu năm 2008). Cuốn truyện có 211 trang, gồm 12 chương, kể lại những ngày trẻ thơ của bốn bạn thân: thằng cu Mùi, Hải cò, con Tý sún và con Tủn; chúng đều tám tuổi, đang ở tuổi nhi đồng.
Ngay từ đầu cuốn truyện, tác giả đã để cho cu Mùi, nhân vật chính của truyện kể về mình:
- “Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt.
Năm đó tôi tám tuổi” (Tr. 10)
Mở đầu cái ngày buồn chán và tẻ nhạt của cu Mùi như thế này:
- “Ăn xong phần ăn buổi sáng (chả sung sướng gì), tôi vội vàng truy lùng sách vở để nhét vào cặp, nhặt trên đầu ti vi một quyển, trên đầu tủ lạnh một quyển khác và moi từ đống chăn gối một quyển khác nữa, dĩ nhiên bao giờ cũng thiếu một quyển gì đó rồi ba chân bốn cẳng chạy vù ra khỏi nhà. (…) Tôi toàn phải chạy. Vì tôi luôn luôn dậy trễ, luôn luôn làm vệ sinh trễ, luôn luôn ăn sáng trễ và mất rất nhiều thì giờ để thu gom tập vở cho một buổi học.” (Tr. 14)
Rất sinh động. Rất thực. Cứ như ta vừa bắt gặp “thằng cu Mùi” ngay trong nhà mình hay trong nhà ai đó mà mình đã đến. Nhưng đấy lại là một “cu Mùi” không ngoan của thời nay. Còn thằng cu Mùi cách đây đã trên 50 năm, không biết nó có hư thế không? Không biết nó có coi việc ăn sáng là chả sung sướng không? Và nhất là nhà nó đã có ti vi, tủ lạnh chưa?
Trang HÌNH ẢNH VIỆT NAM Giới thiệu Việt Nam xưa và nay
“…Sắm ti vi trở thành niềm mơ ước của nhiều gia đình miền Nam. Máy truyền hình đã xuất hiện tại Việt Nam lần đầu tiên năm 1966. Một chiếc Denon 12 inches giá 16.500 đồng; một chiếc 19 inches giá 30.000 đồng….”
Theo tính toán từ các nhân vật trong truyện và cách đặt tên con của cha mẹ trước đây thì năm sinh của cu Mùi là năm 1955, tức là năm Ất Mùi; cho nên, năm cu Mùi tám tuổi là năm 1963. Như thế là nhà cu Mùi có ti vi trước khi miền Nam có cái ti vi đầu tiên 3 năm.
(Chi tiết lầm lẫn về ti vi này, tôi sẽ phân tích cùng chi tiết lầm lẫn về điện thoại di động ở trang sau.)
Cu Mùi ở lớp:
- “Trong lớp, tôi luôn luôn ngồi ở bàn chót. Ngồi bàn chót thì tha hồ tán gẫu, cãi cọ, cấu véo hay giở đủ trò nghịch ngợm mà không sợ bị cô giáo phát hiện, nhưng điều hấp dẫn nhất ở vị trí tối tăm đó là ít khi bị kêu lên bảng trả bài.(…) Ngày nào cũng như ngày nào tôi ngồi đó, vừa xì xầm trò chuyện vừa cựa quậy lung tung và mong ngóng tiếng chuông ra chơi đến chết được” (Tr.18)
Thằng cu Mùi hư quá! Cha mẹ vất vả ngày đêm, kiếm từng đồng để lo cho nó ăn học. Thế mà ở lớp, ngày nào cũng như ngày nào, luôn luôn ngồi ở bàn chót để tha hồ tán gẫu, cãi cọ, cấu véo hay giở đủ trò nghịch ngợm ít khi bị kêu lên trả bài; không chú ý lắng nghe cô giảng mà chỉ mong ngóng tiếng chuông ra chơi đến chết đi được.
Chi tiết này không thực.
Trong lớp, học sinh phải ngồi theo sự sắp xếp của giáo viên chủ nhiệm; các cháu không được phép tự do chọn chỗ ngồi theo ý mình. Tính cách như thằng cu Mùi thì tôi tin là không có giáo viên chủ nhiệm nào lại để cho nó luôn luôn ngồi bàn chót. Viết như thế, vô hình trung tác giả đã không hiểu trách nhiệm của giáo viên Tiểu học; cho dù cái lớp học “ngày ấy” của cu Mùi cách đây đã trên 50 năm.
Cu Mùi ra chơi:
- “Trong những năm tháng mà người ta gọi một cách văn hoa là mài đũng quần trên ghế nhà trường (tôi thì nói thẳng là bị giam cầm trong lớp học), tôi chẳng thích được giờ nào cả, từ giờ toán, giờ tập viết đến giờ tập đọc, giờ chính tả. Tôi chỉ thích mỗi giờ ra chơi. (…) Ra chơi có nghĩa là được tháo cũi xổ lồng. (…)
Suốt những năm đi học, tôi và lũ bạn đã sử dụng những khoảnh khắc tự do hiếm hoi đó vào việc đá bóng, bắn bi, nhưng thường xuyên nhất và hăng hái nhất là những trò rượt đuổi, đánh nhau hay vật nhau xuống đất cho đến khi không đứa nào còn ra hình thù một học sinh ngoan ngoãn nữa mới thôi, tức là lúc khuỷu tay đã trầy xước, mắt đã bầm tím, chân đi cà nhắc và áo quần thì trông còn tệ hơn mớ giẻ lau nhà.”(Tr.19)
Nếu bảo học sinh dù ở lứa tuổi nào mà không thích giờ ra chơi là không đúng thực tế. Nhưng nếu học sinh mà chẳng thích giờ nào cả, từ giờ toán, giờ tập viết đến giờ tập đọc, giờ chính tả; chỉ thích mỗi giờ ra chơi để… hăng hái nhất là những trò rượt đuổi, đánh nhau hay vật nhau xuống đất cho đến khi không đứa nào còn ra hình thù một đứa học sinh ngoan ngoãn nữa mới thôi… không phải một ngày, hai ngày mà Suốt những năm đi học thì giáo viên chủ nhiệm ở đâu, khán trường ở đâu mà lại để cho bọn cu Mùi biến trường học thành nơi đùa dỡn, nghịch ngợm như vậy? Nếu cả lớp cu Mùi, cả trường cu Mùi đều ra chơi “kiểu cu Mùi” thì chả có bãi chăn trâu, chăn bò nào sánh kịp. Cho nên, tôi có thể khẳng định: Mùilũ bạn là những học sinh cá biệt. Và, việc mang chuyện của những học sinh cá biệt viết thành sách với thái độ hào hứng, thích thú chứ không phê phán để cho trẻ em đọc thì tôi hoàn toàn không ủng hộ. Tuy nhiên, tôi vẫn không tin trường học “ngày ấy” ở quê hương cu Mùi lại nhốn nháo thế. Mà dù trường học ở quê hương cu Mùi “ngày ấy”có nhốn nháo thế thật thì tác giả cũng nên đậy lại chứ đừng phô ravừa để bạn đọc nghĩ xấu về quê hương “ngày ấy” của cu Mùi vừa để cho trẻ em ngày nay vô tình hùa theo.
Cu Mùi ra về:
- “Tại sao tôi không kể giờ ra về ở đây. Vì ra về có nghĩa là rời khỏi một nhà giam này để đến một nhà giam khác, y như người ta chuyển trại cho các tù nhân, có gì hay ho đâu.”(Tr. 19).
Ở thời điểm ngày nay, trong các thành phố và chỉ để đùa vui thôi thì Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có thể cho cu Mùi ví mình là tù nhân và coi nhà trường và gia đình nhà giamnhưng phải để các từ tù nhân, nhà giam trong ngoặc kép.
(Tôi có một đứa cháu đích tôn, năm nay bảy tuổi, học lớp một. Trong một lần đi đón cháu từ trường về, tôi cũng đã nói đùa cháu: “Cháu không được tự do; cháu bị quản lý suốt ngày: Sáng, bố cháu chở cháu đến lớp, giao cháu cho cô giáo; chiều, ông đến trường, cô bảo mẫu giao cháu cho ông; cháu đi bơi, đi tập bóng rổ…, bác giúp việc đi theo cháu; cháu ở nhà, bà nội canh cháu…”. Cháu tôi bảo: “ Ngày thứ bảy, ngày chủ nhật, cháu được tự do.”. Tôi lại trêu: “ Thứ bảy và chủ nhật, bố mẹ cháu cũng quản lý cháu: Cháu đi công viên, đi siêu thị hay đi du lịch… bố mẹ cháu cũng đi theo.”. Thấy cháu im lặng, có vẻ căng thẳng, tôi vội giải thích: “ Ông nói đùa đấy. Không phải cháu bị quản lý đâu mà cháu được bố mẹ, ông bà, cô giáo và mọi người thân bảo vệ cháu. Thế là cháu rất quan trọng với mọi người. Cháu phải vui và tự hào vì ai cũng thương, cũng quý cháu nên cháu phải ngoan và chăm học, nghe chưa!”)
Đó là tình trạng các cháu nhỏ ngày nay ở thành phố. Còn “ngày ấy”, cách đây đã trên 50 năm, dù ở đâu, những cháu tuổi như cu Mùi vẫn thoải mái đi học mà không cần sự đưa đón của người lớn thì sao cu Mùi lại tự coi mình là tù nhân? Và, tám tuổi, chắc cu Mùi chưa biết nhà giam tù nhân là gì đâu; tác giả để cho cu Mùi nghĩ như thế là gượng ép và hoàn toàn không có lợi. Bởi vì, khi nghĩ đến nhà giamtù nhân, người ta đều nghĩ đến những điều không thích, đáng tránh. Nếu cu Mùi lại coi bản thântù nhân; coi nhà trường gia đìnhnhà giam thì cu Mùi thích ở đâu?
Hơn nữa, khi đọc những dòng trích dẫn trên, các em nhỏ có thể sẽ bị lây cái hư hỏng, cái chán nản từ cuộc sống tẻ nhạt vô bờ bến của thằng cu Mùi; sẽ thấy nếu mình có những hành vi hư hỏng, những ý nghĩ sai trái thì cũng bình thường; chả cần sửa chữa, thay đổi gì cả vì dù cu Mùi hư hỏng như thế nhưng nó vẫn được viết thành sách cho mình đọc đấy thôi!
Cho nên, bạn đọc như tôi sẽ vui khi tác giả cho cu Mùi thấy tự hào vì mình có một mái ấm gia đình hạnh phúc; thấy sung sướng khi mình có một mái trường yên vui để từ đó, cu Mùi sẽ rèn luyện và tu dưỡng mà ngày càng thêm yêu cuộc sống; muốn được góp phần làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, khi đã lớn chứ không chán nản:
- “…rồi từ phòng tắm đi thẳng đến bàn học để làm một công việc chán ngắt là học bài hoặc làm bài tập” (Tr. 23)
- “Chơi một lát, tôi lại phải vào ngồi ê a tụng bài tiếp, càng tụng càng quên, nhưng vẫn cố tụng cho mẹ tôi yên lòng đi nấu cơm.”(Tr. 24).
Và cu Mùi kết luận:
- “Bây giờ thì các bạn hình dung ra một ngày của tôi.
Tôi chỉ kể một ngày là đủ, không cần phải kể thêm những ngày khác.
Đơn giản là ngày nào cũng giống như ngày nào. Một ngày như mọi ngày.” (Tr. 28)
- “Từ giờ này trở đi thì cuộc sống của tôi tẻ nhạt vô bờ bến” (Tr.24)
Khi nhớ về tuổi thơ, người ta thường nhớ đến những ngày tươi vui, lung linh, trong sáng, đẹp đẽ hơn mơ. Nhưng ở Cho tôi một vé đi tuổi thơ, tác giả lại cho thằng cu Mùi đem cái cuộc sống tẻ nhạt vô bờ bến của nó in thành sách cho lớp trẻ đọc. Như vậy, có nên chăng?
Ngày cu Mùi tám tuổi (1963), tuy quê hương của nó đang dưới chính quyền Sài Gòn nhưng qua truyền thông và bạn bè, tôi được biết ở Miền Nam ngày ấy cũng nhiều trẻ em có tuổi thơ rất đáng tự hào như em Trị ở thôn Tân Thanh, xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, Bình Định; mặc dù bị địch bắt vào đội “Thanh niên chiến đấu”, phải canh gác ban đêm cho ấp trưởng ngủ nhưng em đã thông minh, dũng cảm đặt mìn hẹn giờ, nhằm tiêu diệt tên ấp trưởng ác ôn. Hay như chuyện các em đã học tập cách của Trạng Quỳnh, bỏ châu chấu lẫn chất thải vào ống nứa để quan chức Ngụy tưởng mìn, mở ra, bị châu chấu nhảy tứ tung, làm thất bại buổi văn nghệ do chúng tổ chức. Trong một buổi lễ, em nhỏ được gọi lên kéo cờ đã nhanh trí thót bụng cho quần tụt xuống để phản đối mà chúng không hạnh họe được em… Rồi: “Hồi em ở Thiện Chánh chỗ quê ông Tùng Bí thư huyện ủy Hoài Nhơn đó, có con nhỏ 12 tuổi tên là Nhung, cha nó là cơ sở. Một hôm chúng em đang ở công sự trước nhà Nhung, bọn địch tới, nghi có hầm bí mật, chúng bắt con nhỏ đánh tàn tạ, đòi chỉ chỗ có hầm. Nghe nó khóc la, chúng em đứt ruột nhưng vì chúng em đang ém quân cho một trận đánh lớn sắp tới, xông ra lúc này thì hỏng hết. Chúng đổ nước xà phòng vô miệng rồi giẫm giày đinh lên bụng cho phụt nước ra, con bé ngất xỉu tưởng chết, chúng bỏ đi. Lúc lũ lính đi rồi, Nhung mở mắt nhìn chúng em. Nó cười!”
Có lần chúng em hành quân, thấy mấy cô gái nhỏ cõng gạo trên hành lang, quai gùi đứt, gạo đổ, nó ngồi bình thản hốt vô rồi lượm từng hạt rơi dưới đất. Xong lại đứng lên đi, hai tay chống nạnh, miệng vẫn hát, vẫn cười.” (Nữ nhà báo chiến trường của Lệ Thu NXB Quân đội Nhân dân - 2015).
Nhưng cu Mùi và ba bạn thân “ngày đó” lại có những “hoạt động” như thế này:
1 - Trò chơi thứ nhất: Đóng vai ba mẹ.
“Ba” Mùi:
- “Giờ này mà học bài hả? Đồ lêu lổng!”
“Con” Hải cò:
- “Học bài là lêu lổng?”
- Chứ gì nữa! Không học bài làm bài gì hết! Con ngoan là phải chạy nhảy, trèo cây, tắm sông, đánh lộn.” (Tr. 33)
“Ba” Mùi:
- “Đồ khốn! Đánh nhau mà không rách áo, trầy chân, bầm mặt mà cũng gọi là đánh nhau hả?” (Tr. 35).
- “Đánh nhau mà quần áo sạch sẽ thế này thì có nhục cho tổ tiên không kia chứ!”(Tr.36).
Đến lượt Hải cò làm “ba”:
- “Học với chẳng hành! Mày giữ gìn tập vở sạch sẽ như thế này mày không sợ thầy cô bảo ba mẹ mày không biết dạy con hả, thằng kia?”
“Con” cu Mùi “hân hoan nhận lỗi:
- Thưa ba, lần này con trót dại. Lần sau con không dám giữ gìn tập vở kỹ lưỡng như thế nữa.” (Tr. 38)
“Ba” Hải cò mắng “con” Tý sún:
- “Mày có điên không vậy con! Đến giờ cơm là ngồi vô ăn chỉ có kẻ không được giáo dục đến nơi đến chốn mới làm như vậy, hiểu chưa?
- Dạ, chưa hiểu. Con Tý sún thật thà - Chứ kẻ có giáo dục thì đến giờ cơm họ làm gì hở ba?
- Họ đi chơi chứ làm gì - Hải cò khoa tay như một diễn giả - Họ đi bơi, họ chơi bi da, họ câu cá, họ chơi rượt bắt hoặc đánh nhau, nói chung họ có thể làm bất cứ chuyện gì để người khác phải đợi cơm trừ cái việc hết sức vô văn hóa là ngồi vô ăn.
“Mẹ” Tủn tỉnh bơ đế vô:
- “Ba con nói đúng đó con. Chỉ có bọn hư hỏng mới ăn cơm đúng giờ thôi.”(Tr. 41).
Bây giờ đến lượt “Mẹ” Tý sún dạy “con” Hải cò:
- “2 lần 4 là mấy?
- Dạ, là 8.
- Sao lại là 8 hả con? Thật uổng công mẹ cho con ăn học!
Hải cò chớp mắt:
- Chứ là mấy?
- Là mấy cũng được nhưng không phải là 8.
- Mẹ ơi, theo bản cửu chương thì 2 lần 4 là 8.
- Mày là con vẹt hả con? Bản cửu chương bảo gì, mày nghe nấy là sao?
“Con”Hải cò hối hận:
- Lần sau con sẽ không nghe theo bất cứ ai nữa, dù đó là bản cửu chương hay thầy cô giáo…” (Tr. 41)
Cuối cùng, thằng cu Mùi thốt lên:
- Câu nói của Hải cò được coi như tuyên bố chung của cả bọn, kết thúc một thời kỳ tăm tối chỉ biết dựa vào sự bảo ban của người khác. Ôi, cuộc sống kể từ lúc đó mới thật đáng sống làm sao!” (Tr. 43).
Sau khi đọc những trích dẫn trên, chắc đa số bạn đọc cũng đồng ý với tôi là câu chuyện “đóng vai ba mẹ” của bọn cu Mùi, dù chỉ là trò chơi nhưng vẫn không thể chấp nhận được. Nó phản khoa học, phản giáo dục; nó làm cho sự nhận thức vốn còn non yếu của lớp trẻ rối tung, rối mù lên; không phân biệt đâu là đúng, đâu là sai; nó phủ nhận vai trò của gia đình và nhà trường. Lần sau con sẽ không nghe bất cứ ai nữa, dù đó là bản cửu chương hay thầy cô giáo.Thế thì Hải cò nghe theo ai? Và quan trọng hơn, tác giả đã để cho thằng cu Mùi “tổng kết” cái trò chơi nhố nhăng ấy: kết thúc một thời kì tăm tối chỉ biết dựa vào sự bảo ban của người kháccuộc sống kể từ lúc đó mới thật đáng sống làm sao!
(Ngày nhỏ, tôi sống ở làng Lim, quê hương Thanh Hóa. Đã nhiều lần, tôi trông thấy mèo mẹ dạy mèo con bắt chuột. Hay lắm! Mèo mẹ nằm phủ phục, đuôi quất bên này, quất bên kia. Mèo con bất thình lình chồm tới, vồ đuôi mèo mẹ. Động tác ấy lặp lại nhiều lần rồi mèo mẹ bỗng vùng chạy cho mèo con đuổi theo. Lại nằm phủ phục và quất đuôi; lại vồ… Có khi mèo mẹ còn tha một con chuột nhắt đang sống về cho các con vờn. Mèo mẹ ngồi canh chừng; hễ con chuột nhắt bò ra xa là nó liền ngoạm, tha lại cho các mèo con vờn. Con mèo con nó cũng cần sự bảo ban của mẹ nó đấy.)
Tôi không tin là Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại có “ẩn ý sâu sắc” trong câu văn trên. Nhưng chả lẽ tuổi thơ của thằng cu Mùi có sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ, của thầy cô lại làmột thời kỳ tăm tối? Và, chả lẽ không có sự bảo ban của người khác thì cuộc sống mới thật sự đáng sống làm sao!
Tôi cũng không tin bọn cu Mùi tám tuổi mà tám tuổi cách đây đã trên 50 năm, lại có những “ý nghĩ sâu xa, người lớn” như thế.
Tuy nhiên, vì đang chơi, bọn cu Mùi tám tuổi có thể nói sai, nghĩ sai nhưng lẽ ra, những nói sai, nghĩ sai ấy của bọn cu Mùi phải nhận được sự chỉnh sửa, uốn nắn của người lớn mà cụ thể ở đây là tác giả, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
2 - Trò chơi thứ hai: Đặt tên cho Thế giới.
Cu Mùi rủ bạn:
- “Này, tụi bay! Kể từ hôm nay, tụi mình không gọi con gà là con gà, con chim là con chim, cuốn tập là cuốn tập, cây viết là cây viết nữa…”
Hải cò nheo mắt:
- “Thế gọi cái nóncuốn tập, cái đầucái chân có được không?
- Được. Mày muốn gọi cái đầucái mông cũng được.” (Tr. 49).
- “À, có nghĩa là từ nay chúng ta sẽ gọi cái miệngcánh tay. Hay đấy!” (Tr. 53)
- “Tối rồi, tao về nhà đi chợ đây. (đi ngủ - PTV)
- Mẹ tao mới mua cho tao một cái giếng mới vào ngày sinh nhật.” (cái cặp sách - PTV) (Tr. 54)
- “Nhất là bọn tôi có vẻ như dần dần nhiễm những từ ngữ mới đến mức khi ba con Tý sún bảo nó tắt quạt máy thì nó lại tắt ti vi cũng như con Tủn hàng chục lần chạy ra đường chỉ đi kiếm con Vện trong khi mẹ nó mỏi mòn chờ nó mang cái bàn ủi vô” (Tr. 54).
Bọn cu Mùi đã thú nhận: bọn tôi đã dần dần nhiễm những từ ngữ mới.
Chơi trò này một lúc rồi quên đã không nên rồi; chơi đến mức nhiễm các từ ngữ mới như trên thì quá nguy hiểm!. Nếu cái trò chơi “Đặt tên cho Thế giới” này mà lan tỏa trong lớp học, trong trường học, trong quê hương cu Mùi và trong toàn quốc thì tác hại do cái trò chơi thiếu văn minh, không khoa học này gây ra, hẳn không phải là nhỏ! Tác giả còn cho bọn cu Mùi gọi đó là những từ ngữ mới. Khi nói đến từ ngữ mới, người ta thường nghĩ đến sự sáng tạo từ ngữ, góp phần làm cho tiếng Việt thêm phong phú, thêm trong sáng. Ở đây, những từ ngữ mà bọn cu Mùi gọi là mới thực chất là thứ tiếng lóng vô nghĩa; cần phải phê phán vì nó làm cho tiếng Việt tối tăm, mù mịt đi.
Cô giáo kêu Hải cò đọc một đoạn văn trong sách tập đọc. Nó thản nhiên cầm lên cuốn sách toán.
- Thế sách tập đọc của em đâu?
Hải cò lúng túng lôi cái nón vải nhét trong túi quần ra, đặt lên bàn.
- Em đùa đấy à! Em theo cô lên văn phòng gặp thầy hiệu trưởng ngay!
- Thưa cô, thầy Hiệu trưởng hôm nay không đi học. Hôm qua thầy Hiệu trưởng đánh nhau với em, sáng nay còn nằm rên hư hừ ở nhà ạ.” (Tr. 56)
“…thế giới của bọn tôi đầy ắp những âm thanh hoan hỉ như thế này:
- Thầy Hiệu trưởng, hôm nay tôi làm mẹ, thầy Hiệu trưởng làm con nhé? (Tr. 57).
Cu Mùi ma lanh ghê! Nó cùng các bạn đánh tráo khái niệm lung tung một hồi để rồi dẫn đến thầy Hiệu trưởng đánh nhau với em hôm nay tôi làm mẹ, thầy Hiệu trưởng làm con nhémột cách hợp lí, kiểu “đúng quy trình”.
Tôi đoán đoán thôi chắc cu Mùi căm thầy Hiệu trưởng lắm.
Và, nếu để ý, bạn đọc sẽ nhận ra đoạn văn trên không thật; nó sường sượng thế nào. Cho dù nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò thì cũng thứ ba ở đâu chứ ngay trong lớp học mà lại lớp học cách đây đã trên 50 năm thì học trò càng không dám mang chức danh thầy Hiệu trưởng ra đùa cợt trước mặt cô giáo chủ nhiệm như thế. Ấy là tôi nói học trò trên 50 năm trước ở ngoài Bắc. Trong tác phẩm Cho tôi một vé đi tuổi thơ, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mô tả học trò trên 50 năm về trước ở trong Nam. Nhưng năm 1976, sau ngày giải phóng miền Nam, tôi có vào Sài Gòn và tới một số tỉnh miền Tây Nam Bộ thì cảm nhận được học sinh miền Nam ngày ấy ngoan lắm, không giống bọn cu Mùi trong Cho tôi một vé đi tuổi thơ. Tuy vào Nam ngày ấy, với tư cách là người vừa học xong khóa Bảy, trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam và cũng là một giáo viên phổ thông của miền Bắc nhưng phải thú thực, khi tới thăm một số trường học của miền Nam, tôi có cảm tưởng thèm muốn: cơ sở vật chất đầy đủ; những bộ đồng phục và những tà áo dài trắng thướt tha, duyên dáng; những cái cúi đầu và khoanh tay lễ phép; những bước đi thong thả và những nụ cười hồn nhiên luôn nở trên môi các cháu. … Tất cả vẫn còn lưu giữ trong tôi đến tận ngày nay!
Thế mà cu Mùi lại kể về năm nó tám tuổi (1963) như trên. Tôi không tin!
Lớp trẻ em lên tám “ngày ấy” ở miền Nam, hiện nay đã là ông là bà; tôi tin rằng, nếu đọc đoạn văn trên, các ông bà ấy sẽ ủng hộ tôi.
- “Các bạn cũng biết rồi đó, bọn tôi đặt cho cái nón cái tên mới là cuốn tập, ti viquạt máy, đi ngủđi chợ. Và cũng thật là tuyệt khi bọn tôi gọi môn toán là môn tập đọc, lịch sửtập viết, môn đạo đứctập vẽ, và hằng hà những cuộc cách tân táo bạo khác.”(Tr. 59).
Không nên cho thằng cu Mùi gọi cái trò chơi nhố nhăng, phản khoa học, thiếu đạo đức trên là những cuộc cách tân táo bạo.
Tôi cũng vừa đọc trên mạng:
“Vừa qua, chiều ngày 04 6 2017, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng sở Khoa học và Công nghệ, sở Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố đã tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên Thành phố lần thứ Mười hai 2017.
Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 02 giải nhất, 01 giải nhì, 03 giải ba và 20 giải khuyến khích.
Ở bảng học sinh Tiểu học, giải nhất thuộc về nhóm tác giả: Nguyễn Thị Quỳnh Châm, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Võ Ngọc Lan, trường Tiểu học Bình Mỹ, huyện Cần Giờ với mô hình Áo Phao Cứu Sinh…”
Không cần dẫn thêm những cách tân táo bạo nhưng trong sáng, lành mạnh của lứa tuổi học trò trên khắp cả nước.
Mùi ơi! Bọn cháu không có cuộc cách tân táo bạo nào thì thôi. Ai khảo mà cháu phải xưng các trò nhố nhăng, phản khoa học, thiếu đạo đức ấy của bốn đứa ra rồi gọi đó là những cuộc cách tân táo bạo? Không có ban Giám khảo nào lại công nhận những trò chơi nhốn nháo ấy của các cháu là những cuộc cách tân táo bạo đâu, Mùi nhé!
3 - Trò chơi thứ ba: Nhắn tin điện thoại.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Khi ngồi vào bàn viết bao giờ tôi cũng có cảm giác có những đôi mắt vô hình của bạn đọc đang nhìn vào trang viết của mình nên tôi không giám qua loa…”. “Anh khai thác Internet như là một công cụ hỗ trợ cho nghề nghiệp (…). Điều này không chỉ thể hiện thái độ nghiêm túc mà còn thể hiện cái tâm của tác giả trên hành trình thực hiện sứ mệnh của người cầm bút viết cho thiếu nhi…” (Nguyễn Nhật Ánh - Người giữ lửa cho Văn học Thiếu nhi - PGS TS Lã Thị Bắc Lý)
Đúng quá và hay quá! Không chê vào đâu được! Nhưng…
Thằng cu Mùi mượn điện thoại của chú Nhiên rồi sẵn các tin nhắn chú Nhiên gửi cho cô Linh, nó liền nhắn cho con Tủn (Tủn mượn điện thoại của mẹ nó):
- “Chiều nay chúng ta đi dạo một chút chăng? Buồn ơi là sầu!” (Tr. 79)
- “Chiều nay chúng ta lai rai một chút chăng? Buồn ơi là sầu!” (Tr.81)
- “Chiều nay chúng ta lên giường một chút chăng? Buồn ơi là sầu!” (Tr.81)
Cu Mùi còn đang ở tuổi nhi đồng, thấy tin nhắn trong điện thoại của chú Nhiên thì cứ nhắn chơi thôi; nó chả hiểu “chiều nay chúng ta lên giường một chút chăng?” là gì. Tuy nhiên, tác giả không nên đưa cái tin nhắn này vào tác phẩm dành cho trẻ em vì cái tin nhắn ấy có nội dung không lành mạnh; trẻ em đọc nó, không có lợi.
- TIN TỨC 29 7 2014:
Tiến sĩ Martin Cooper là người đã dành nhiều năm nghiên cứu để phát minh ra chiếc điện thoại di động đầu tiên vào ngày 03 4 1973 ở New Yok, Mĩ…”
- Báo điện tử VN số 97 ngày 15 - 8 - 2011:
…Đến năm 1993, Bưu điện Hà Nội được giao lắp đặt và vận hành thử nghiệm mạng di động GSM đầu tiên. Khi đó thiết bị đầu mối cực kì khan hiếm vì lô hàng đầu chỉ có 71 máy, vừa to vừa nặng; sau đó, thêm 114 máy nữa. Vào thời điểm này, ai sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) được coi là VIP. Khan hiếm máy đã đành, tiền thuê bao và cước cuộc gọi cũng rất đắt. Thuê bao 20 USD/ tháng; cước liên lạc 8.000/ phút…”
Cho tôi một vé đi tuổi thơ ra đời năm 2008, khi đó Hải cò đã là ông Giám đốc này; cái Tủn đã là bà Hiệu trưởng kia; cu Mùi đã thành ông Nhà văn nọ và con trai của cu Mùi đã có người yêu:
Bây giờ con tôi cũng hay hỏi tôi về tình yêu. Tự nhiên tôi nhớ đến con Tủn và nói:
- Tình yêu là một cuộc rượt bắt nhưng trong nhiều trường hợp ta cố rượt theo người này nhưng rốt cuộc lại bắt được người khác, con à.
Con tôi may mắn hơn nhiều người. Nó đã bắt đúng người mà nó rượt”.(Tr. 172) và như trên tôi đã tính, năm cu Mùi tám tuổi là năm 1963. Thế mà năm 1963, ở quê hương cu Mùi, điện thoại di động đã phổ biến, đến mụ đàn bà như mẹ con Tủn cũng có và bọn cu Mùi tám tuổi cũng đã biết nhắn tin bằng điện thoại di động, trong khi chiếc điện thoại di động đầu tiên trên Thế giới ra đời ngày 03 - 4 - 1973 và nước ta có điện thoại di động đầu tiên là năm 1993; nghĩa là ở địa phương cu Mùi “ngày ấy” đã có ĐTDĐ trước chiếc ĐTDĐ đầu tiên trên Thế giới 10 năm và trước những chiếc ĐTDĐ đầu tiên ở nước ta 30 năm:
- “…Tôi chạy qua nhà con Tủn:
- Mày có điện thoại di động không?
- Mình không có nhưng mẹ mình có.
Tôi mừng rơn:
- Lát nữa mày mượn mẹ mày chiếc điện thoại đi. Ăn trưa xong, tao sẽ nhắn tin cho mày”(Tr. 79 80.)
Không biết cu Mùi đã biết số điện thoại của mẹ con Tủn chưa mà nhắn được tin? Buồn ơi là sầu! (Chữ của NNA)
Có người sẽ nói: Nhà văn có quyền tưởng tượng, hư cấu. Không sai! Nhưng tưởng tượng, hư cấu hoàn toàn khác với phịa. Hơn nữa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, đâu phải là truyện viễn tưởng!
Cho nên, chi tiết điện thoại di động này và chi tiết ti vi bên trên có trong tác phẩm Cho tôi một vé đi tuổi thơ thì sai thật rồi nhưng có điều, tôi thông cảm với Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:
- Có thể tuổi thơ “ngày ấy” của cu Mùi không có gì đáng viết ra nên cu Mùi đành “mượn” hình ảnh một cậu bé tám tuổi ngày nay ở thành phố rồi “lắp ghép” vào thằng cu Mùi tám tuổi “ngày ấy” để hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi.
Tuy thế, tôi vẫn coi vụ ti vivụ điện thoại di động trên chỉ là những sự cố nghề nghiệp cần rút kinh nghiệm, không chỉ riêng cho Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà còn cho cả tôi.
(Chính tôi, sau 22 năm làm Nhà vườn, đến 2012, trở lại với công việc sáng tác văn học, tôi cũng đã có một sự lầm lẫn rất ngờ nghệch khi viết cuốn Cún Con Thương Mẹ (NXB Kim Đồng 9 2013). May mà cháu Lê Vũ Trinh Uyên, học sinh lớp, sáu trường THCS Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu đã phát hiện giúp, khi tôi nhờ cháu đọc bản thảo. Nhớ lời Thầy Tuân Tử dạy: Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, tôi đã mua một con vịt sứ xinh xắn, nhờ cô giáo Lê Thúy Hằng, phụ trách Đội của trường đưa tặng cháu Trinh Uyên để cảm ơn. Tôi coi cái lầm lẫn nhỏ ấy là một bài học lớn cho công việc viết văn của mình. Nếu Nhà văn lại coingười chê ta mà chê phải là “kẻ thù của ta”; người vuốt ve, nịnh bợ ta là “thầy của ta” và thấy sai, Nhà văn không chịu sửa; có kém, Nhà văn không chịu nhận thì liệu những tác phẩm của Nhà văn như thế có xứng đáng để cho bạn đọc học tập và noi theo hay không? Tôi còn tự răn mình: Sáng tác văn học cho thiếu nhi có rất nhiều yêu cầu nhưng một yêu cầu không kém phần quan trọng là phải đúng. Bởi vì như Bác Hồ đã dạy: …Học trong sách... Nếu sách lại nói không thành có; nói sai thành đúng; nói xấu thành tốt thì nó đi ngược lại mục đích giáo dục lớp trẻ của xã hội loài người; loại sách đó không nên phổ biến, thậm trí không nên có.)
Có nhiều hãng xe hơi trên Thế giới đã thu hồi sản phẩm lỗi để sửa chữa như Audi ở Đức thu hồi 1.270.000 cái ngày 01 8 - 2017; Toyota ở Nhật thu hồi 228.000 cái ngày 27 4 2017; Mercedes Benz ở Đức thu hồi 1.008.000 cái ngày 03 - 3 - 2017…; mặc dù lỗi của các sản phẩm tiêu dùng ấy là rất nhỏ.
Ngay cả chiếc ốp lưng điện thoại Iphone chỉ vì gây ngứa da người dùng mà cũng được thu hồi 274.800 cái để tu bổ…
Ai cũng biết: Sản phẩm tiêu dùng lỗi chỉ gây hại cho một người, một số người và trong thời gian nhất định. Tác phẩm văn học lỗi sẽ gây hại cho nhiều người, thậm chí nhiều lớp người trong thời gian dài khó tính được.
Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng có lương tri, mặc dù đã nhập tiền của khách hàng vào tài khoản của họ rồi nhưng họ vẫn có trách nhiệm với những sản phẩm lỗi của mình; cho dù để thu hồi hàng triệu sản phẩm lỗi rải rác ở các nước về sửa chữa như thế, chắc chắn họ phải tốn kém lắm nhưng họ đã không phải xấu hổ khi nhận tiền thật của khách hàng mà lại giao hàng lỗi cho khách hàng theo kiểu Sống chết mặc bay; tiền thầy nhập tài khoản! Họ thật sự đáng được mọi người khâm phục!
4 - Trò chơi thứ tư: Ăn và uống kiểu “mới”.
Thằng cu Mùi lại bắt cuộc sống của nó đi theo cái cách mà nó chợt nghĩ ra:
Khi khát nước, tôi không thèm rót nước vô ly nữa. Tôi rót nước vô chai xá xị (…). Tôi uống nước trong chai, thấy thú vị làm sao.
Hôm sau, Hải cò cầm chai nước chạy qua nhà tôi, mặt hiu hiu tự đắc:
- Mày xem! Hôm qua đến giờ tao uống nước bằng cái chai này nè.” (Tr. 98).
Tới bữa ăn, trước ánh mắt sửng sốt của ba mẹ tôi, tôi đổ cơm và thức ăn vào chiếc thau nhôm, trộn lên như một món thập cẩm. Rồi bưng cái thau ra ngoài hè, tôi ngồi xổm nhìn ra đường vừa lấy muỗng xúc cơm tọng vô miệng, cảm thấy cuộc sống vô cùng tươi đẹp.
Trông tôi ăn cơm trong thau rất giống con heo nhà tôi ăn cơm trong máng, nhưng Hải cò vẫn tấm tắc:
- Hay quá! Kiểu mới à?
- Ừ, kiểu mới! Thích lắm!
Hôm sau, Hải cò lại háo hức đi tìm tôi, chỉ để khoe:
- Tao vừa ăn cơm trong thau.” (Tr. 100).
Trong văn học, có khi Nhà văn dùng thủ pháp nhân hóa để biến con vật thành “người”. ỞCho tôi một vé đi tuổi thơ, sao cu Mùi và Hải cò lại tự biến mình thành “vật” khi trông tôi ăn cơm trong thau rất giống con heo nhà tôi ăn cơm trong máng? Vẫn biết chỉ là trò chơi, chỉ là nghịch thôi nhưng chơi và nghịch trong tác phẩm văn học cho tuổi thơ cũng cần phải có khoa học, phải có văn hóa, phải có giáo dục. Tôi luôn nghĩ như thế.
Con người vốn có bản năng bắt chước. Nếu hàng triệu trẻ em đã đọc tác phẩm này mà lại bắt chước cu Mùi và Hải cò, cũng uống nước và ăn cơm theo “kiểu mới” như thế thì Buồn ơi là sầu! (Chữ của NNA)
Trẻ em, với bản năng, lúc còn nhỏ có khi còn bày ra nhiều trò chơi lạ lẫm, ngây ngô hơn thế. Để xây dựng tính cách nhân vật hoặc phục vụ chủ đề tác phẩm, Nhà văn vẫn có thể sử dụng những chi tiết lạ lẫm, ngây ngô ấy. Nhưng tác giả cần giúp các em xa lánh, loại bỏ những trò chơi vô bổ ấy chứ không nên vô tư kích thích bản năng tiêu cực của tuổi trẻ.
5- Trò chơi thứ năm: Đi tìm kho báu. (Tác giả đặt tên cho chương 8 này là: Chúng tôi trở thành lũ giết người như thế nào. Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt khi đọc đầu đề của chương 8 này!)
Cu Mùi rủ Hải cò, Tý sún và Tủn hăng hái đào xới khu vườn sau nhà Hải cò:
- “Nếu không hì hục xới tung khu vườn lên để tìm kho báu thì cuộc sống của chúng tôi không biết sẽ buồn tẻ đến nhường nào. Ăn, ngủ và học, ba cái món chán ngắt đó hổng lẽ chúng tôi cứ phải chất lên cuộc đời mình và kéo lê chúng hết ngày này qua ngày khác như những con ngựa thồ ngu ngốc” (Tr. 144).
Tôi luôn tâm niệm, trẻ em được ăn, ngủ và học là sự ao ước và niềm tự hào của người lớn; là niềm vui và hạnh phúc của tuổi thơ. Trẻ em phải biết ơn những người đã mang lại niềm vui và hạnh phúc ấy cho mình; phải gắng sức học hành, mong có ngày đền đáp lại công ơn đó mới phải. Sao cu Mùi lại coi ăn, ngủ và học ba cái món chán ngắt trong khi Bác Hồ đã viết:
Trẻ em như búp trên cành;
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan…
(Báo Việt Nam độc lập, số 106, ra ngày 21 - 9 - 1941)
Ở đất nước mình và cả các đất nước khác trên trái đất này (trái đất khác thì tôi không biết- Chữ của NNA.) vẫn còn biết bao trẻ nhỏ không được ăn no, không được ngủ ngon, không được học hành hoặc phải vượt lên số phận, phấn đấu học giỏi.
Chỉ cần hỏi Google: Những tấm gương vượt khó trong học tập là có ngay danh sách nhiều chục em. Ví dụ:
- Trần Trà My Nhà văn không đầu hàng số phận.
- Nguyễn Sơn Lâm chàng trai nghị lực vươn lên cuộc sống.
- Nguyễn Thảo Vân Nữ giám đốc giàu nghị lực vươn lên số phận.
- Lê Đình Nguyên Người đạt điểm khối A cao nhất Thanh Hóa.
- Nguyễn Thị Thùy cô bé thủ khoa sợ không có tiền đi học.
- Nguyễn Thị Kim Ngân Nữ thủ khoa rửa bát thuê.
Và những em bé “Chim cánh cụt” ham học:
- Cậu bé Hồ Hiếu Hạnh sinh ra không có đôi tay nhưng đã rèn luyện hai chân để làm mọi việc: cầm bút để viết, nấu cơm, rửa chén, gõ máy tính đến đạp xe đi học.
- Không có tay cũng không có chân nhưng cô bé Hoài Thương vẫn sống rất mạnh mẽ, lạc quan. Sau nhiều năm rèn luyện, bây giờ thì Hoài Thương đã có thể viết nhanh hơn tất cả các bạn trong lớp và vẽ bằng cánh tay giả. Em mơ ước trở thành bác sĩ giỏi.
Tôi cũng vừa đọc trên mạng: Tin tức 24h, ngày 26 - 01 - 2018: Cuộc sống địa ngục của cô bé 11 tuổi bị gã chủ xát ớt vào vùng kín:
Nhà quá nghèo nên mới 11 tuổi, cô bé ấy phải xa cha mẹ đi làm giúp việc (…) Ngày hôm qua, cô đã bị ông chủ xát ớt tươi lên cơ thể và cả bộ phận sinh dục (…). Thường mỗi khi hành hạ cháu bé, chủ nhà mở nhạc thật lớn (…). Cứ như thế, em đã bị chủ tra tấn suốt cả năm trời
Đấy là bây giờ, chứ cái thời bọn cu Mùi tám tuổi, cách đây trên 50 năm thì việc được cha mẹ cho đi học, phải là niềm vui sướng của trẻ em mới đúng. Cu Mùi có thể phân bua: Ai vui sướng thì kệ người ta. Tôi kể về tuổi thơ buồn chán và tẻ nhạt vô bờ bến của tôi nên tôi thấyăn, ngủ và học là ba cái món chán ngắt. Kệ tôi!
Đúng! Kể về chuyện gì là quyền của thằng cu Mùi. Nhưng thằng cu Mùi lại đem cái tuổi thơ buồn chán và tẻ nhạt vô bờ bến của mình in thành sách cho trẻ em đọc thì tôi thấy không nên!
Dưới đây là kết quả của “sáng kiến” đi tìm kho báu của nhóm “tác giả” cu Mùi:
Sau mười ngày, đã xuất hiện trong vườn những hục hang và vài cái hố sâu hoắm.
Tới ngày thứ mười một, toàn bộ cây cối nói lời từ giã cuộc sống. Cành khô đi, lá rủ xuống và những trái mận quắt lại” để đến nỗi mẹ thằng Hải cò phải “rên lên:
Ôi, lũ giết người!” (Tr.147)
Với mấy cái cuốc của người lớn, dù có hì hục cả năm, bốn đứa trẻ tám tuổi cũng không thể làm cho toàn bộ cây cối nói lời từ giã cuộc sống. Cành khô đi, lá rủ xuống và những trái mận quắt lại chứ không phải chỉ sau mười một ngày… (Đúng ra phải viết theo quy luật tự nhiên: lá rũ xuống, trái quắt lại và cành mận khô đi.)
Tác giả còn viết: “Công việc khai quật này được ba mẹ Hải cò ủng hộ hết sức nồng nhiệt. Họ nghĩ chúng tôi là những thợ làm vườn tự nguyện, nghĩa là những đứa trẻ ngoan”.
Tôi không tin ba mẹ Hải cò lại vô tâm đến thế. Theo lẽ thường, những ba mẹ có trách nhiệm với con cái sẽ ngăn chặn bọn nhỏ từ đầu chứ không ủng hộ hết sức nồng nhiệt nghĩ chúng tôi là những thợ làm vườn tự nguyện, có nghĩa là những đứa trẻ ngoan. Hoặc giả, thằng cu Mùi có thể cãi bừa: “Ba mẹ Hải cò ủng hộ bọn tôi và nghĩ như thế thật mà!” thì cái chi tiết “thật” ấy cũng gượng gạo, cá biệt; không thể đưa vào tác phẩm văn học một cách vô tư.
6 - Trò chơi thứ sáu: Phiên tòa xử ba mẹ
Trong vòng vài phút, bọn tôi kinh ngạc nhận ra ba mẹ của bọn tôi khuyết điểm đầy rẫy, có lẽ nhiều hơn bọn tôi cả chục lần” (Tr.154)
Ngay sau khi kể tội các bậc làm cha làm mẹ, chúng tôi cảm thấy cần phải thành lập một phiên tòa.” (Tr.157)
Và phiên tòa không giống ai đã bắt đầu:
Hải cò nện lọ mực xuống mặt bàn đánh “cốp”, mặt khó đăm đăm:
- Ba đi đâu mà giờ này mới về? Ba có biết giờ này là mấy giờ rồi không?
Tôi lí nhí:
- Ờ, ba gặp mấy người bạn… vui miệng làm mấy ly…
- Tuần trước ba say rượu, ủi xe vô gốc cây, phải đưa đi cấp cứu, ba hổng nhớ hả?
Tôi tặc lưỡi:
- Nhớ chứ sao không.
- Nhớ sao ba còn tiếp tục say rượu? Rủi ba có mệnh hệ gì thì vợ con bỏ cho ai nuôi?” (Tr. 158)
“ Con” Tủn bắt đầu kể tội “mẹ”Tý sún :
- Mẹ còn cái tật nói dai nữa”. (Tr. 162)
“Phiên tòa hôm đó kéo dài khá lâu và kết thúc trong niềm hân hoan của cả bốn đứa. Chúng tôi cảm thấy đã lấy lại được sự công bằng, đã xả được bao nhiêu là uất ức, đã tưởng tượng ra được cảnh người lớn chân thành xin lỗi trẻ con về bao nhiêu là khuyết điểm mà nếu trẻ con không vạch ra thì người lớn không bao giờ nhận thấy.
Hôm đó chúng tôi sống trong mơ. Một giấc mơ có lẽ mọi trẻ con trên trái đất này đều ao ước.” (Tr. 163).
Trẻ em, đúng ra phải có ước mơ trở thành người có ích cho xã hội; làm vẻ vang cho gia đình, dòng tộc và quê hương. Đằng này, cu Mùi lại suy diễn và vơ đũa cả nắm: Mọi trẻ em trên trái đất này đều ao ước được lập phiên tòa xử tội ba mẹ. Buồn thay cái ao ước của cu Mùi!
Bố Mẹ cũng là Con Người. Các Đấng Sinh Thành không tránh hết những lỗi lầm, sai trái. Ngày nay và mãi mãi mai sau, với sự tiến bộ không ngừng về mọi mặt của xã hội, các lớp Cha Mẹ già nua chắc chắn luôn lạc hậu với các lớp con cái đã trưởng thành. Điều đó thật đáng mừng! Và, vì xã hội luôn không ngừng phát triển; các lớp con cái trưởng thành kế tiếp nhau luôn không ngừng tiến bộ cũng đồng nghĩa với các lớp Cha Mẹ già nua kế tiếp nhau luôn không ngừng lùi sau con cái. Do đó, sự kém cỏi, thiếu sót, sai trái… của các lớp Cha Mẹ diễn ra một cách bình thường, khách quan, theo quy luật tự nhiên. Nhưng trước những lạc hậu, thiếu sót, sai trái… của Cha Mẹ, con cái trưởng thành phải hết sức thông cảm, bình tĩnh và tế nhị tìm cách giải thích, góp ý, ngăn chặn sao cho việc giải thích, góp ý, ngăn chặn của mình vừa đạt yêu cầu nhưng cũng tỏ ra mình là người có văn hóa, có giáo dục, có đạo đức đang tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của Dân tộc: Nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của Cha Mẹ; chứ không nên ỷ là mình khỏe mạnh hơn, hiểu biết hơn, nhiều tiền hơn mà hắt hủi, xỉ nhục, khinh thường Cha Mẹ già nua. Đó là người tốt. Trong thực tế, để làm người tốt không dễ dàng, đúng như Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trả lời phỏng vấn về Ngày xưa có một truyện tình: “Làm người tốt khó hơn làm người xấu. Làm người xấu dễ lắm…”. Khi thấy Cha Mẹ nhầm lẫn, thiếu sót, sai trái … người xấu chẳng cần đắn đo, cân nhắc gì cả; người xấu cứ thoải mái nặng mặt, nặng lời, tự do xả cơn tức giận; người xấu không biết rằng từng lời nói từ miệng mình văng ra đang làm cho dòng nước mắt của Cha Mẹ già nua chảy ngược vào tim! Người xấu nên biết rằng trước mặt mình không phải là những đống thịt vô tri, vô giác mà là những người trước đây ba bốn chục năm đã sinh hạ ra mình; đã bú mớm cho mình; đã “Trời mưa, trời gió ầm ầm Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn!” (Ca dao). Vì vậy, người xấu không nên coi bố mẹ già nua là một gánh nặng mà hãy coi việc chăm sóc cha mẹ già nua, không những là bổn phận mà còn là vinh dự.
(Bản thân tôi, khi được tin Mẹ ốm nặng, tôi đã nghỉ học lớp bốn rồi cùng Cha đi bộ vượt núi, trèo đèo gần 200 cây số từ Thanh Hóa ra Hà Nội để được cơm dâng nước rót cho Mẹ gần một năm trời. (Đầu năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của ta chưa chấm dứt. Muốn đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội, phải đi bộ qua tỉnh Hòa Bình). Còn khi Cha già yếu, học xong cấp Hai, tôi đã không đi thi chuyên nghiệp, tự nguyện làm Thầy giáo làng để được ở nhà chăm sóc Cha. Đến khi Cha trút hơi thở cuối cùng, tôi đã vật vã mấy ngày, coi việc ra đi của Cha là Nỗi Buồn Bất Tận! (1962).
Cho đến bây giờ và trước khi nhắm mắt xuôi tay, Cha Mẹ mãi mãi vẫn còn trong trái tim tôi!)
Người xấu còn cần nhớ rằng: Những lớp con cái trưởng thành, tiến bộ hiện tại, không bao lâu nữa, họ lại trở thành những lớp Cha Mẹ già nua, lạc hậu với những lớp con cái trưởng thành của họ. Đến khi đó, họ có muốn con cái họ hắt hủi, xỉ nhục, khinh thường và lập tòa án để xử tội họ không? Cho nên, việc con cái lấy Bố Mẹ làm đối tượng chơi đùa; lập tòa án để xử tội Bố Mẹ thì tôi không thể chấp nhận, nhất là bọn cu Mùi mới 8 tuổi, còn đang ở tuổi nhi đồng.
Xin bạn đọc cho tôi được nhắc lại: Cái thời cu Mùi tám tuổi, cách đây đã trên 50 năm. Trên 50 năm về trước, ở ngoài Bắc, quyền uy của Cha Mẹ đối với con cái lớn lắm. Tôi không tin ở quê hương thằng cu Mùi “ngày ấy”, dù đang sống dưới chính quyền Sài Gòn, trẻ em lại hư đốn thế.
Hơn nữa, cái kết luận bên trên của thằng cu Mùi làm tôi khó hiểu: … người lớn phải chân thành xin lỗi trẻ con… Thế đến khi trẻ con trở thành người lớn, lập gia đình, có con cái thì con cái của lớp người lớn mới này lại xử tội bố mẹ chúng, tức là xử tội lớp trẻ con trước à? Và lớp trẻ con ngày trước lại phải chân thành xin lỗi con cái chúng? Thật luẩn quẩn, loanh quanh!
Buồn thay, Người Lớn trong nhận thức của thằng cu Mùi!
Cu Mùi còn viết:
- “Có lẽ trên cõi đời này không có đứa trẻ nào chưa từng oán trách cha mẹ” (Tr. 157).
Khi để cho cu Mùi viết như thế, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có ý đúng; đôi khi suy nghĩ và hành động của trẻ trái ngược và cảm thấy không vừa lòng với cha mẹ. Bởi vì, lúc này trẻ chưa trưởng thành cả về mặt tâm sinh lý cũng như nhân cách của mình. Tuy nhiên, tác giả cần giải thích cho trẻ em biết những điều trẻ em không vừa lòng với cha mẹ, đa số lỗi là do trẻ em. Ví dụ: Buổi tối, trẻ em xem ti vi, chơi máy tính khuya; sáng mai đến giờ đi học, cha mẹ gọi trẻ em dậy thì trẻ em oằn oại và gào thật to “Buồn ngủ! Buồn ngủ!...”. Hay đến bữa cả nhà ăn cơm, trẻ em cứ ngồi dán mắt vào ti vi, máy tính; cha mẹ phải kéo trẻ em lại thì trẻ em giậm chân thình thịch và hét toáng lên: “Không ăn cơm! Con ghét ăn cơm!...” v.v. và v. v. Những lúc như thế, do nhận thức còn quá non nớt, trẻ em có thể oán trách cha mẹ. Nhưng lẽ ra, tác giả không thể đồng tình với sự oán trách cha mẹ một cách vô lý của trẻ em mà phải tìm cách giải thích cho trẻ em thấy sự oán trách cha mẹ như thế là trẻ em sai, cần sửa chữa và trẻ em phải biết ơn cha mẹ khi cha mẹ ép mình làm việc đúng; mặc dù vì hiểu biết còn non dại, trẻ em có thể không thích những việc đúng ấy chứ trẻ em không được oán trách cha mẹ ước mơ thành lập phiên tòa xử tội cha mẹ để mong muốn người lớn phải chân thành xin lỗi trẻ con ba mẹ của chúng tôi khuyết điểm đầy rẫy, có lẽ nhiều hơn bọn tôi cả chục lần; nếu trẻ con không vạch ra thì người lớn không bao giờ nhận thấy.(!)
Trong cuộc sống, có khi vì một lý do khách quan nào đấy mà cha mẹ có thể làm trẻ em không vừa lòng khi trẻ em đúng. Ngay cả những trường hợp như thế, trẻ em cũng không đượcoán trách cha mẹ mà phải thông cảm với cha mẹ hoặc chờ dịp thuận tiện nào đấy, thanh minh cho cha mẹ biết là cha mẹ đã quở phạt oan mình. Bởi vì:
Công Cha như núi Thái Sơn;
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ Mẹ, kính Cha;
Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con!
(Ca dao)
(Nhà tôi đông anh chị em. Khi đã lớn, chúng tôi không bao giờ oán trách cha mẹ; dù có khi vì nóng giận, bức xúc, bố mẹ đã đánh chửi, quở phạt chúng tôi một cách vô cớ. Bản thân tôi đã có một lần bị Cha đánh đòn vì Cha chưa biết lý do chính đáng của tôi khi đã khuya mà chưa về nhà để Cụ phải đi khắp làng tìm kiếm, hò gọi đến gần một giờ sáng. Khi về nhà, tôi vẫn tự giác nằm sấp trên giường, duỗi thẳng chân tay, áp mặt sát chiếu theo lệnh của Cha để nhận ba roi vào mông. Tôi không oán trách Cha. Tôi thấy có lỗi khi để Cha đã ngoài bảy mươi còn phải vất vả tìm kiếm mình giữa đêm khuya. Chắc chắn Cha đã phải lo lắng về tôi lắm. Tôi coi những roi đòn của Cha là lời dạy dỗ cụ thể, là biểu hiện tình thương vô bờ của Cha đối với mình. Cho nên, tôi không hề oán trách Cha; mặc dù sau đó, Cha đã biết lý do chính đáng khiến đêm đó, tôi phải về muộn. Cho đến bây giờ, đã U80 rồi nhưng mỗi khi nhớ lại trận đòn đó, lòng thương Cha vẫn khiến nước mắt tôi ứa ra. Các anh chị tôi cũng thế; khi đã lớn, chúng tôi chỉ ngoan ngoãn nghe lời Cha Mẹ, luôn cố học chăm, gắng làm giỏi; chỉ mong Cha Mẹ được vui lòng để đáp lại công lao sinh thành, dưỡng dục của Cha Mẹ mà thôi.)
Vừa qua, trong khi đi khám bệnh ở bệnh viện Thống Nhất, tôi có chụp được ba bức ảnh cảm động: Một tấm chụp một ông trung niên, chắc đã ngoài 50 tuổi, khom mình, đút cháo cho mẹ già ngồi trên xe lăn; một tấm chụp ông Trần Văn Tuyên, 49 tuổi ở khu phố Bảy, quận Mười Hai, đẩy xe lăn cho ông ngoại Mai Số đã 88 tuổi chờ vào phòng khám và một tấm là người con gái út Trang Cẩm Hồng, 42 tuổi, ở xã Trung Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đẩy xe lăn chở mẹ đẻ là cụ Ngô Thị Chậm, 94 tuổi đến phòng siêu âm. Chắc chắn có nhiều câu chuyện con cháu tận tâm chăm sóc Cha Mẹ, Ông Bà già nua, ốm yếu trong cuộc sống ngày nay ở xã hội ta còn cảm động hơn thế rất nhiều.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy trên mạng lan truyền cảnh con trai tống, đá, đạp, chém Cha đẻ rất dã man; con gái chửi Mẹ đẻ không tiếc lời, tát Mẹ đẻ không nương tay nhưng tôi không đủ can đảm nhắc tên hoặc đưa ảnh những cảnh vô luân của những “con vật hình người” ấy ra đây. Cúi xin được chia sẻ sự thất vọng và đau lòng, đứt ruột của các bậc Cha Mẹ bất hạnh ấy!
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng: Cá biệt vẫn có những cha mẹ thiếu hiểu biết, không gương mẫu, chỉ say sưa cờ bạc, rượu chè; sẵn sàng làm những việc trái đạo đức, vi phạm pháp luật… Những cha mẹ như thế thì không những bị con cái oán trách mà còn bị dư luận tiến bộ của xã hội lên án và bị luật pháp trừng trị nghiêm minh. Tôi cho rằng những cha mẹ như thế thì tuổi thơ của họ khó được nhận sự giáo dục đúng đắn.
Bây giờ đến chương 7 với tựa đề: Tôi ngoan trong bao lâu. Và, sự ngoan của cu Mùi như thế này:
- “Tôi học bài như điên, tôi vùi đầu vào tập không cả ăn cả chơi…
Tôi học như thể ngày mai tôi sẽ chết.
Tôi ngốn ngấu những con chữ như ngốn mì gói.” (Tr.121)
Suốt ngày này, tháng nọ, cu Mùi tám tuổi chỉ toàn đầu têu bày trò nghịch ranh; có được ít thời gian chú ý đến việc học thì nó lại học sai phương pháp. Và dù là sai phương pháp nhưng nó vẫn chán học ngay:
Tôi chán học giỏi.
Tôi chán thuộc bài.
Tôi bắt đầu lơ là bài vở…” (Tr.128)
Thế mà cu Mùi vẫn khẳng định:
Trong mắt các bậc làm cha làm mẹ khả kính đó, xưa nay chúng tôi vẫn là những đứa con ngoan, nhưng bây giờ khi đọc cuốn sách này họ chợt nhận ra chúng tôi không ngoan như họ tưởng, mặc dù rút cuộc thì những đứa con không ngoan đó vẫn thành đạt trong xã hội, vẫn thành ông Giám đốc này, bà Hiệu trưởng kia, ông Nhà văn nọ…” (Tr.171).
Tôi không tin! Hoặc nếu có thì cũng chỉ là cá biệt. Và, cái ông Giám đốc, cái bà Hiệu trưởng, cái ông Nhà văn nào mà có cái tuổi thơ không ngoan thì cũng khó có những đóng góp tích cực cho xã hội.
Theo tác giả đoạn văn trên thì chương trình Đạo đức, Giáo dục Công dân trong nhà trường; những bảo ban, dạy dỗ của phụ huynh; những nhắc nhở của đoàn thể đối với lớp trẻ, không cần nữa sao? Quá trình phát triển từ khi lọt lòng mẹ đến lúc trưởng thành, trẻ em rất cần sự dạy dỗ, chỉ bảo của người lớn mà đại diện cho người lớn là cha mẹ, thầy cô và những anh chị phụ trách thiếu nhi để cho trẻ em loại bỏ dần những bản năng tiêu cực; xây dựng dần những bản năng tích cực. Trẻ em dù ở bất kỳ đâu và thời nào cũng cần bỏ trên dưới ¼ đời người để tiếp nhận sự giáo dục ấy. Và, ngay cả người đã trưởng thành vẫn luôn phải Học! Học nữa! Học mãi! như lời dạy của Lê Nin; vẫn luôn phải tu thân vì những bản năng tiêu cực có khi còn “trốn” trong tâm khảm mình; chỉ đợi mình thiếu cảnh giác là nó “bung ra phá đám”.
Tác giả để cho cu Mùi viết…Rút cuộc thì những đứa con không ngoan đó vẫn thành đạt trong xã hội…là hoàn toàn không nên.
Cái khẳng định kỳ cục đó của thằng cu Mùi có thể sẽ làm cho một bộ phận trẻ em đã đọc nó, hùa theo; các cháu sẽ chủ quan, thiếu rèn luyện, không phấn đấu.
Tuy ở Cùng bạn đọc, tôi đã nói chỉ bàn đến những điều thuộc về chức năng giáo dụcnhưng đọc xong Cho tôi một vé đi tuổi thơ, tôi không muốn ở tác phẩm này lại có quá nhiều những đoạn văn như đoạn văn trích dưới đây trong cuốn sách mà tác giả mệnh danh là Truyện:
Nhiều người bảo thịt chó rất ngon. Thậm chí có người bảo bên Hàn Quốc có cả một ngành công nghệ chế biến thịt chó. Vì thịt chó là món ăn khoái khẩu của người Hàn Quốc.
Người phương Tây ghê sợ điều đó. Người phương Tây rất yêu quí vật nuôi, đến mức có người bảo rằng ở phương Tây các đối tượng mà xã hội quan tâm được xếp theo thứ tự: trẻ em, phụ nữ, chó mèo, cuối cùng mới đến đàn ông. Đó là lý do vì sao rất nhiều nhân vật nổi tiếng ở phương Tây kịch liệt phản đối khi Hàn Quốc được Liên đoàn bóng đá thế giới chọn là một trong hai quốc gia tổ chức World Cúp 2002.
Lúc tôi đang ngồi viết lại câu chuyện này, trong vòng bán kính một cây số tính từ chỗ tôi ngồi có ít nhất là năm nhà hàng đặc sản, ở đó người ta quảng cáo và bày bán không thiếu một món ăn lạ lẫm nào: nai, chồn, rắn, tê tê, nhím, thằn lằn núi, đà điểu…
Tôi đã thử ăn một vài món trong số đó và thú thật chẳng thấy ngon lành gì, hoặc nếu cảm thấy ngon vì lạ miệng thì cũng không ngon đến mức muốn ăn lại lần thứ hai.
Thực ra, các món ăn ngon nhất luôn luôn vẫn là các thức ăn quen thuộc: các loại thịt heo, bò, gà…Trước khi heo, bò, gà trở thành gia súc, chắc chắn loài người đã có hàng ngàn năm dùng răng và lưỡi sàng lọc các loại thịt trên trái đất. Tổ tiên chúng ta dĩ nhiên đã thử nếm qua các thứ thịt nai, chồn, rắn, tê tê, nhím, thằn lằn núi, đà điểu và vô số các động vật khác (bây giờ gọi là đặc sản) lẫn chó, ngựa, mèo, heo, bò, gà (lúc đó còn là chó rừng, ngựa rừng, mèo rừng, heo rừng, bò rừng, gà rừng) và cuối cùng đã đi đến kết luận: các loại thịt heo, bò, gà là tuyệt nhất. Từ phán quyết đó, heo rừng, bò rừng, gà rừng đã được nuôi dưỡng và thuần hóa để trở thành nguồn cung cấp thực phẩm vĩnh viễn cho con người. Đó là một lựa chọn vô cùng sáng suốt và có giá trị ở mọi không gian và thời gian cho đến nay ba loại thịt trên nghiễm nhiên chiếm một vị trí không thể thay thế trên bàn ăn của mọi gia đình từ Đông sang Tây.
Chó đã không được lựa chọn làm thực phẩm, hiển nhiên có lý do của nó, không chỉ vì nó có khoái khẩu và bổ dưỡng hay không. Loài người thuần hóa ngựa để cưỡi, trâu để kéo cày, mèo để bắt chuột và chó để trông nhà, và quan trọng hơn để làm bạn với con người, đặc biệt là làm bạn với trẻ con…” (Từ Tr. 198 đến hết tr. 200).
Ở đầu cuốn sách, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ghi: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ Truyện.
Đến trang 85, cu Mùi lại viết: “Thực tế đây là một bản tham luận mà tôi định sẽ trình bày trong cuộc hội thảo Trẻ em như một Thế giới do Ủy ban UNECO tại Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục tổ chức …”
Vậy thì cái đoạn văn: “Nhiều người bảo thịt chó rất ngon…” trên đây lại có thể hiểu là một đoạn văn trong bản tham luận chứ không phải trong cuốn truyện. Tuy nhiên, dù cu Mùi có viết thực tế đây là bản tham luận thì bạn đọc như tôi vẫn khó hiểu: Tham luận về “Trẻ em như một thế giới” sao lại bàn về người Hàn Quốc thích ăn thịt chó…?
Những đoạn văn “nghị luận” như thế, có rất nhiều trong bản tham luận Trẻ em như một Thế giới. À, không phải, trong cuốn truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ!
Thế mà trong nghiên cứu Nguyễn Nhật Ánh, người giữ lửa cho Văn học Thiếu nhi của PGS. TS Lã Thị Bắc Lý lại dẫn câu nói của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Khi ngồi vào bàn bao giờ tôi cũng có cảm giác có những đôi mắt vô hình của bạn đọc đang nhìn vào trang viết của mình nên tôi không dám qua loa” (Thảo nào mà ông kể không qua loa về chuyện người Hàn Quốc thích ăn thịt chó như thế.)
Buồn ơi là sầu! (Chữ của NNA)
Tôi còn khó hiểu khi tác giả viết những câu như thế này:
- “Tôi tập tành làm nhà cách mạng bé con, chán nản khi không thay đổi được Thế giới, đã thế còn làm vạ lây cho người khác.”(Tr. 44)
- “Này, tụi mày! - Nhà cách mạng tập hợp đám tàn binh của tụi mình lại - Kể từ ngày nay…” (Tr. 49)
Trong văn cảnh cụ thể, có thể Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không sai khi ông viết hai câu trên. Tuy nhiên, khi nhắc đến cụm từ Nhà cách mạng, người ta thường tỏ lòng tôn trọng chứ không nên đùa bỡn, giễu cợt.
Những điều muốn nói về cuốn truyện này, tôi đã nêu bên trên; mặc dù có thể vẫn chưa đầy đủ. Tuy nhiên, ở trang 68, tôi rất thích câu ngạn ngữ của người Pháp: “Bạn hãy cho tôi biết bạn đọc sách gì, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”.
Tôi thiết tha mong các cháu nhỏ hãy đọc và hiểu kỹ ý nghĩa của câu ngạn ngữ nổi tiếng này. Dẫn câu ngạn ngữ nổi tiếng ấy, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh muốn khuyên các cháu hãy tìm những cuốn sách có nội dung tốt mà đọc. Nếu cứ đua nhau đọc những cuốn sách có nội dung sai trái, độc hại thì người ta sẽ coi các cháu là những người xấu đấy, các cháu nhé!
Và, tôi cũng muốn “chế” câu ngạn ngữ trên như sau: Bạn hãy cho tôi biết bạn viết sách gì, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào.