Malaysia sáng trước ta một giờ. Nghĩa là khi đồng hồ ở Kuala Lumpur điểm 6 tiếng chào mặt trời thì ở ta lúc đó mới 5 giờ sáng.
Sáng trước nhưng dân Kuala Lumpur lại thức khuya hơn và ngủ dậy cũng muộn hơn. Từ tầng 13 của khách sạn Grand Season nhiều đêm nhìn xuống qua cửa kính tôi vẫn thấy thành phố còn rực rỡ ánh đèn và nhộn nhịp xe cộ tới 2 giờ sáng. Chủ yếu là xe ô tô con.
Kuala Lumpur là một Thủ đô hiện đại vào loại nhất nhì Đông Nam Á. Tính quy hoạch của thành phố hiện ra rất rõ ở sự hòa hợp giữa từng tòa nhà, từng khu biệt thự, tháp đôi tới nét lượn mềm mại của một cây cầu vượt trên một bãi cỏ, một rừng cây xanh nhỏ bên đường.
Tôi chưa được đến nhiều nơi trên thế giới nhưng vẫn thấy trong khu vực đây là một thành phố đẹp và hoành tráng.
Phải chăng phong cách kiến trúc hoành tráng ấy đã ảnh hưởng tới tư duy của người Malaysia hiện đại hay lối tư duy hiện đại mà người Malaysia học được từ các nước tiên tiến đã giúp họ xây dựng thủ đô hiện đại của mình?
Trước ngày đặt chân tới Malaysia, tới Kuala Lumpur tôi hầu như chưa biết gì, đúng hơn là chưa để ý nhiều đến đất nước này – cả con người lẫn văn học – hay giống như nhiều người Việt thiển cận khác tôi vẫn chỉ quen hướng cái nhìn của mình tới những Matxcova, Pari, London ,Newyork ,hay Tokio ,Bắc Kinh…
Tôi chỉ biết qua các câu chuyện mà bác tôi hay kể cho tôi hồi nhỏ về những người Chà Và sang ta làm công cho các hãng buôn Sài Gòn, thường là gác cổng.
Đó là những người làm thuê nước ngoài nghèo khổ, vất vả và đen đủi cả về màu da lẫn số phận.
Mã lai khi ấy với tôi là xa lắm, nằm tận sát đường xích đạo và rất nóng. Đúng là dịp này khí hậu ở Kuala Lumpur rất nóng, nhưng suốt một tuần ở đây thì có tới 80 – 90% thời gian tôi sống trong không khí đã được điều hòa. Từ nhà ga hàng không khổng lồ tới giảng đường đại học Putra, Viện văn học và ngôn ngữ, trên ô tô hay một phòng làm việc nhỏ v.v. Tạm chưa bàn tới việc quen hay không quen và lượng điện tiêu dùng tôi vẫn cảm thấy rằng hình như chính điều ấy đã góp phần tạo ra môi trường làm việc hiệu suất hơn, tạo ra một tác phong công nghiệp, một nếp sống văn minh lịch sự và tạo ra cả những phố xá không xác chuột ném ra đường, những quảng trường không có bụi và rác.
Malaysia giành được độc lập từ năm 1957. Trước kia, dưới thời thuộc địa của Anh, kinh tế Mã lai chủ yếu cũng dựa vào nông nghiệp như ta. Đất đai chủ yếu là đồi núi. Malaysia có dừa, cọ, ca cao và cao su. Từ giữa thế kỷ 19, người Hoa mang vào thêm cây tiêu. Đến nay Malaysia đã là nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực nhưng dân số vẫn còn ít, hơn 22 triệu, nên rất thiếu lao động. Chính nhu cầu ấy đã mở cửa cho dòng người nước ngoài tới tìm kiếm việc làm, trong đó có Việt Nam.
Chiều 30.9, trên sân bay Nội Bài, chúng tôi đã gặp hàng trăm người lao động chúng ta đi xuất khẩu lao động như vậy. Họ xếp hàng làm thủ tục, đứng ngồi trong phòng chờ với lỉnh kỉnh vali và nồi cơm điện. Đủ cả, chỉ vốn tiếng Anh là không có. Họ là những thanh niên hoặc người đã cứng tuổi ở Thái Bình, Hải Dương. Sông Đà… tạm xa nhà ba bốn năm đi kiếm tìm hạnh phúc. Họ giống nhau ở những nét vất vả và chỉ khác nhau ở màu mũ đội trên đầu – vàng hay trắng – hoặc dòng chữ in sau lưng áo. Mỗi công ty tuyển chọn đã cấp cho họ một dấu hiệu riêng để khỏi nhầm lẫn.
Nhìn họ, những người đồng hương và bay cùng một chuyến bay ấy, không hiểu sao tôi lại nhớ tới những người Chà Và trong các câu chuyện của bác tôi. Có điều hình như họ đông hơn hẳn.
Biểu tượng của Ngày hội đọc thơ Quốc tế lần thứ 9 tổ chức tại Kuala Lumpur năm nay có hai màu xanh trắng với hình quyển sách mở và cây bút. Hình chim bồ câu trắng đặt ở giữa làm nền cho toàn bộ biểu tượng bày tỏ lòng mong mỏi hòa bình, hòa hợp và công bằng cho thế giới. Chữ P, chữ cái đầu tiên của từ tiếng Anh Poetry – thơ, nghệ thuật thơ – đặt ở một góc quyển sách như muốn khẳng định vai trò của thể loại nghệ thuật này trong khát vọng chung cao đẹp ấy.
Cứ hai năm Hội được tổ chức một lần. Chủ đề của hội thảo và đọc thơ năm nay là Thơ trong cuộc sống hiện đại với đại biểu của 19 nước ở cả 5 châu lục tham dự. Đông nhất là các bạn Malaysia, Indonesia. Nhiều nước chỉ có một đại biểu như Canada, Oman, Russia, Korea, Slovakia, Kazacxtan… Đoàn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tôi.
Tiếng là đi dự Festival thơ nhưng không có đêm nào trong suốt cả một tuần lễ chúng tôi được đi ngủ trước một giờ sáng. Còn trưa thì dứt khoát là không có chuyện được ngả lưng đánh một giấc như ta. Chương trình rất sít sao. Ăn nhiều bữa nhưng làm việc cũng rất nhiều nơi. Nghĩa là luôn di chuyển. Một nhịp độ sống nhanh và mạnh mẽ cuốn tất cả chúng tôi vào guồng máy của nó. Nhịp độ sống của một thế giới mới.
Mệt thì mệt thật nhưng cũng chưa ở đâu tôi thấy thơ được tôn vinh như thế nào và nhà thơ cần thiết như thế nào trong cuộc sống hiện đại.
Các bạn Malaysia và Indonesia có lẽ là những người say đắm nhất. Từ tâm hồn, ngôn ngữ và toàn bộ cơ thể họ, thơ luôn luôn muốn bùng phát ra như hỏa diệm sơn. Nhưng các nhà thơ hiện đại Malaysia và Indonesia vẫn rất đời trong khi cách biểu diễn thơ truyền thống mà tôi đã được nghe hai nữ ca sĩ Ma lai biểu diễn thì lại có gì rất linh thiêng và thần thánh. Trong quá khứ, văn học Malaysia và Indonesia từng có chung một dòng chảy.
Các nhà thơ nước chủ nhà “bốc lửa”- kể cả các nhà thơ nữ- khiến các nhà thơ nước ngoài cũng “bốc lửa”, theo như lời nhà thơ già Sung Chan Kyung của Hàn Quốc đã 70 tuổi đến từ nơi lạnh giá. Vừa tới Malaysia ông đã có ngay một bài thơ về Malaysia lên đọc trước hội trường và phô tô ra nhiều bản để tặng bạn bè.
Salim bin Said, nhà thơ người Oman cũng vậy. Trong khi các nhà thơ Inđô thích chụp ảnh và xin chữ ký thì Salim bin Said lại thích đi “phân phát” thơ của mình – những tờ thơ rời đã được phô tô nhiều bản – cho tất cả mọi người. Có bài anh tặng tôi tới hai lần. Dáng cao to với nước da nâu, râu quai nón và chiếc áo choàng trắng, anh là người đàn ông luôn nổi bật giữa đám đông. Còn Elena Tavena, nữ thi sĩ Nga với váy áo rất Nga thì hễ có dịp là lại xung phong lên múa và hát. Đã 56 tuổi nhưng giọng chị vẫn trong trẻo, cuốn hút và những bài hát Nga được hát bằng chính tiếng Nga, dù chẳng mấy ai hiểu hết nội dung của chị đã chinh phục hầu hết những người nghe. Chị chinh phục bằng sự hồn nhiên, trẻ trung và niềm đam mê của chính mình.
Không khí luôn rạo rực như vậy nhưng tôi để ý, trong tất cả những buổi hội thảo, những đêm thơ, những bữa tiệc ấy không bao giờ có rượu hoặc bia. Chỉ nước khoáng và nước khoáng, thi thoảng thêm một thứ đồ uống có chút kích thích nhẹ là trà nhưng lại có vị ngọt của dừa và vị thơm của cà phê.
Những tách cà phê, những cây hoa giấy, những chùm dừa, những bữa ăn với nhiều tôm cá biển, các cô gái chàng trai trong trang phục lễ hội Mã lai, những động tác múa và giai điệu kỳ lạ của tiếng kèn tiếng trống gendang là những hiển hiện mạnh mẽ sức sống của một Malaysia cổ xưa trong hiện tại.
Tiếng trống đưa tôi ngược về cuộc sống của những người thổ dân trên đảo này từ hàng trăm năm trước. Còn tiếng kèn ngỡ như biến tôi thành em bé lần đầu tới một phiên chợ ở vùng Trung Á để xem chú rắn hổ mang đang ngóc đầu lên múa theo tiếng kèn của một đạo sĩ.
Malaysia là một đất nước mà lối sống hiện đại xen với một đời sống cổ xưa rất gần gũi với thiên nhiên. Một thiên nhiên của nắng xích đạo, rừng nhiệt đới và biển xanh ngăn ngắt.
Tua du lịch mà ban tổ chức cho chúng tôi tham dự ở làng Kampung Kuantan cũng là một tua du lịch độc đáo mang màu sắc đó. Du lịch xem đom đóm.
Đêm ấy, khi trời tối hẳn, cứ bốn người chúng tôi xuống một chiếc thuyền nhỏ như kiểu thuyển độc mộc của ta. Vừa mặc áo phao chúng tôi vừa được người phụ trách du lịch nhắc nhở những quy định trên thuyền như không nói to, không cử động mạnh và nhất là không được chụp ảnh. Thuyền lặng lẽ trôi sát bờ sông trong tiếng mái chèo khua nhẹ. Tôi nhớ tới những đêm giao liên vượt sông Thu Bồn ở Quảng Nam trong chiến tranh. Nhưng không phải ánh xanh lè của pháo sáng hay tiếng đề - pa của cối khiến tôi hồi hộp mà là ánh sáng nhấp nháy của hàng ngàn con đom đóm trong những bụi cây ven bờ đã làm tôi thích thú. Ở ta hình như đom đóm ít khi đậu, chúng luôn bay, còn ở đây đúng là hàng ngàn con bám trong các bụi cây hai bên bờ và thi nhau nhấp nháy làm sáng lên cả một mảng sông. Nữ thi sĩ Ma lai ngồi cùng thuyền với chúng tôi nói cứ sáng như vậy suốt bốn mươi cây số dọc bờ sông.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ngay đêm đó đã viết được một bài thơ. Anh nói các nhà thơ đêm nay cũng phải tỏa sáng và thơ “cần dựng một con đường xuyên qua bóng tối”.
Ở Malaysia cây cối còn nhiều và đó là điều kiện lý tưởng cho đom đóm sống và phát triển và tỏa sáng cho con người đến với con người. Thiên nhiên ở Malaysia không những đã được bảo vệ mà còn được chăm sóc kỹ càng. Một loài côn trùng nhỏ bé như vậy thôi cũng trở thành tài nguyên đất nước.
Một tuần lễ trôi qua thật nhanh. Chiều ấy chúng tôi rời Sealgro về Kuala Lumpur khi hoàng hôn mấp mé. Vẫn những bãi cỏ xanh rờn, những khu rừng nhỏ, những cây cầu vượt và những ngôi nhà bên đường như ngày đầu nhưng với tôi giờ đã trở nên thân thuộc. Hình ảnh lá cờ Malaysia cũng khiến tôi chú ý. Rất nhiều nơi có cờ, chỗ treo chỗ sơn. Trên mặt tiền của một khách sạn, mặt tiền một nhà dân, trên đường diềm của chiếc dù che mưa nắng trong quán giải khát, trên bức tường trống của cây cầu vượt hay mặt sau của một món quà…
Có lẽ đấy là ý thức về chủ quyền quốc gia của một dân tộc luôn được nhắc nhớ khi đất rộng người thưa chăng?
Tôi nói ý nghĩ này với một nhà thơ ngồi bên cạnh mình và anh đồng ý. Còn Abdul Ghafar Ibrahim, nhà thơ Malaysia ngồi phía bên kia thì mỉm cười.
Ở cái làng biển vừa rời khỏi khi nãy, các nhà thơ chúng tôi ai cũng đã để lại chữ ký trên lá cờ kỷ niệm của làng. Cạnh mỗi chữ ký là tên quê hương, tổ quốc mình.
Thấy tôi ghi hai chữ Việt Nam bên cạnh chữ ký của mình, bà con dân làng đang đứng vây quanh xem đã ồ lên vui mừng. Lúc đó rôi đã rất tự hào được là người Việt Nam. Ở trường đại học Putra -nơi tôi đứng đọc bài thơ về con sông Hông trên quê hương mình- tôi cũng đã rất tự hào và thấy đầy trách nhiệm khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc hiện lên trên màn hình lớn trong giảng đường bên cạnh cờ của nhiều quốc gia khác. Bất chợt AGI hỏi tôi một câu mà tôi đoán là anh hỏi về cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta (Anh vừa xem kỷ yếu của ngày hội ở phần tôi chắc anh thấy tôi ghi tôi xưa từng ở chiến trường)
Tôi trả lời đại theo kiểu những cuốn sách dạy tiếng Anh trong thời chiến: American go home!
Anh chữa: Run! Và cười. Còn tôi cũng thích thú và thầm cảm ơn anh vì cái động từ run ấy.
Bạn bè Asian, bạn bè trên thế giới nhắc tới Việt Nam thường là mới nhắc tới một Việt Nam đánh Mỹ. Nền văn học giàu truyền thống, đa dạng và phong phú của chúng ta còn ít được biết đến. Bằng chứng là những tuyển tập thơ, văn Asian đã dịch ra tiếng Anh mà tôi có đây chỉ thấy các tác phẩm của các tác giả Malaysia, Indonesia, Philipin, Singapore, Thailand… Có lẽ chúng ta còn bận bịu nhiều việc khác mà ít nghĩ đến việc quảng bá nó ra trong khu vực gần gũi nhất của mình.
Những ngày hội đọc thơ quốc tế lần thứ 9 ở Kuala Lumpur đã qua. Kỷ niệm về một chuyến đi, nhất là lại lần đầu như thế có biết bao bề bộn. Nhưng không phải chỉ có Thơ. Như các cụ nói, đi một ngày đàng học một sang khôn, tôi đã học đã nghĩ được nhiều điều ngoài thơ nữa. Và những điều ấy thật sâu sắc biết bao.
Long Biên 10.2002