Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SUY NGẪM VÊ MỐI QUAN HỆ NHÀ VĂN VÀ CUỘC SỐNG

Vũ Xuân Tửu
Thứ năm ngày 6 tháng 12 năm 2018 8:58 AM




Ngày 30/11/2018, tại thành phố Yên Bái, Chi hội Nhà văn Sông Chảy đã tổ chức hội thảo, với chủ đề: "Nhà văn với cuộc sống hôm nay".
11/16 nhà văn thuộc chi hội đã đến dự, có 10 bản tham luận trình bày tại hội thảo.
Cách đây chừng một tháng, Nhà văn Đoàn Hữu Nam- Chi hội trưởng Nhà văn Sông Chảy thông báo, chủ đề tọa đàm năm nay là "Nhà văn và Cuộc sống", biên độ rộng mở, khiến tôi rất đỗi hào hứng. Bởi rằng, vốn dĩ nhà văn gắn liền với cuộc sống. Cuộc sống xã hội đối với nhà văn, khác nào nước đối với cá và cũng như bầu trời đối với chim vậy. Nhìn ra văn học thế giới, không phải vô tình mà nhà văn Pa-téc-nhắc đặt tên nhân vật chính trong tiểu thuyết nổi tiếng của mình là Zhivago. Người ta giải thích, từ "Zhivago", tiếng Nga có nghĩa là "Cuộc sống".
Cuộc sống là tổng thể những hoạt động của con người, hay xã hội. Xã hội là đối tượng miêu tả, vừa là môi trường nuôi dưỡng nhà văn.
Con người kia chính là nhân vật của nhà văn. Xã hội này là bối cảnh để nhà văn miêu tả. Việc nhìn nhận, đánh giá về nhân vật và bối cảnh thế nào, tùy thuộc vào sự quan sát và khả năng lao động nghệ thuật của mỗi nhà văn.
Có nhà văn tâm sự, viết về cái đương thời khó lắm thay.
Đúng vậy đấy, cho nên các nhà văn khắc phục bằng nhiều cách, có thể nhà văn thoát ra ngoài thực tại, mượn xã hội xưa cũ để nói cái bây giờ. Lấy chuyện viễn tưởng trên Mặt Trăng, hay dưới m phủ để dãi bày nỗi lòng đau đáu với cõi nhân gian. Ta có thể đọc chuyện cổ tích về Chú Cuội trên cung trăng của Việt Nam, hay trường ca Thần khúc của Đan-tê bên xứ I-ta-li-a, đều thấy rõ như vậy. Nếu nhà văn có tâm và có tầm thì chẳng có rào cản nào ngăn nổi ngòi bút phản ánh cuộc sống xã hội đương thời. Có lúc người ta đề cao công việc sáng tác văn chương, nên đã gọi nhà văn là thư kí của cuộc sống-xã hội. Vậy, nhà văn viết về cái đương thời, hay quá khứ lịch sử cũng là lẽ thường tình. Quá khứ hồi sinh trong bóng hình cái đương thời và cũng thấp thoáng phía tương lai.
Trong thời gian vừa qua, có những nhà văn đầy tài năng và dũng khí đã đối mặt với cuộc sống, viết ra tác phẩm gây bão dư luận xã hội. Nhưng tôi đọc, cảm thấy có những chi tiết và sự kiện miêu tả còn thiếu chất văn chương, nặng về các sự kiện chính trị, kinh tế, đạo đức, xã hội... Những điều đó, báo chí đã giải quyết cả rồi. Nếu nhà văn dừng lại một nhịp để sửa chữa, tu chỉnh kĩ càng trước khi xuất bản thì hay biết bao. Nhà văn dùng nghệ thuật ngôn từ để sáng tạo ra thế giới mới; trong đó, thân phận con người là trung tâm. Nói đến đây, sực nhớ chuyện Nhà văn Lép Tôn-xtôi, chỉ đọc cái tin trên báo, thấy có một phụ nữ bị chết tai nạn giao thông. Thế mà nhà văn xây dựng thành hai tập tiểu thuyết An-na Ka-rê-ni-na sáng giá. Bởi thế, chất liệu rất quan trọng đối với sự hình thành tác phẩm văn học, nhưng không phải quyết định tất cả. Đắm mình trong cuộc sống và suy tưởng, bằng lao động nghệ thuật phi thường, nhà văn khiến tác phẩm thăng hoa, như một ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời văn học.
Một lần, tôi được nghe Nhà thơ Nguyễn Đình Thi nói chuyện. Ông kể, thời tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ban đêm nhìn xuống thung lũng Mường Thanh thấy chỗ nào cũng phát sáng lập lòe. Hỏi chiến sĩ xung kích mới hay đó là đom đóm, hằng hà sa số đom đóm. Và, ông liên hệ, các nhà văn trẻ của chúng ta bây giờ cũng vậy. Lúc đó, ngẫm mà thấy ngượng ngùng, bởi trong ấy có mình. Nhà văn cần bứt phá bằng chính tác phẩm của mình. Nhưng muốn bứt phá, trước hết, cần đổi mới tư duy.
Cách đây hai chục năm, góp ý vào bản Văn kiện Đại hội IX, của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết, đại ý rằng, bây giờ đã đến lúc cần phải tự do tư tưởng... Vấn đề tự do tư tưởng, đối với những người cầm bút quan trọng biết nhường nào. Không có tự do tư tưởng trong sáng tác thì không có tác phẩm hay và cũng không có tác phẩm đỉnh cao. Nhà văn có bản lĩnh phải tự tìm lấy khoảng trời tự do cho chính mình, để mà tung tẩy nghĩ, tung tẩy viết và như Pa-téc-nhắc sẵn sàng tung tẩy đi Xi-bê-ri...
*
Để kết thúc bản tham luận này, tôi xin trích đọc bài thơ Về một nhà văn của Nhà thơ Vũ Từ Trang, đăng trên Tuần báo Văn nghệ, số 28, ngày 9/7/2016:
"rũ bỏ bon chen thường nhật
bỏ hạnh phúc nhỏ nhoi như manh áo chật
bỏ hết khen chê
để sống đúng mình
muốn viết về cái đẹp không bao giờ khuất phục
(...)
và chịu hệ lụy bởi con tim đa cảm của mình.
có lúc tôi tự hỏi
mình dám sống như ông
hoặc cuộc đời xô đẩy như ông
liệu có biết bỏ qua nỗi đau điềm nhiên đứng dậy
tôi tự thấy mình là người hèn kém".
(...).
Bài thơ này, tôi chép tay, treo trong giá sách để tự răn mình. Tôi lấy làm lo sợ, nếu một ngày nào đó, mình trở thành kẻ hèn kém, không dám dấn thân thì sẽ ra sao?
VXT