Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ NGÔ MINH

Trần Phương Trà
Thứ tư ngày 5 tháng 12 năm 2018 6:19 PM



Kết quả hình ảnh

Ngày 26 tháng 11 năm 2018 được tin nhà thơ Ngô Minh bị đột quỵ phải vào Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật,tôi thực sự lo lắng.Mấy hôm liền vào facebook Mai Văn Hoan,tôi mong chờ điều tốt lành đến với anh.Chiều mồng 3 tháng 12 qua các facebook Tô Nhuận Vỹ,Nguyễn Quang Lập,tôi đau đớn biết tin anh đã từ giã gia đình và bè bạn..
Ngô Minh tên thật là Ngô Minh Khôi sinh ngày 10 tháng 9 năm 1949 ở làng Thượng Luật,xã Ngư Thủy Trung huyện Lệ Thủy,tỉnh Quảng Bình.Tốt nghiệp trường Đại học Thương mại Hà Nội tháng 9 năm 1972,vào bộ đội ngày 25 tháng 9 năm 1972 rồi vào chiến trường Đông Nam Bộ.Tháng 6 năm 1976 ra quân ,về Huế ,làm báo sau đó làm Trưởng đại diện báo Thương mại tại miền trung cho đến lúc nghỉ hưu.
Ngô Minh là hội viên Hội văn nghệ Bình Trị Thiên,Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1087,hội viên Hội Nhà báo Việt Nam năm 1978,Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiêp văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế các khóa 9 (2000-2005) và khóa 10 (2005-2010).
Trong 40 năm cầm bút,Ngô Minh đã xuất bản 14 tập thơ,14 tập bút ký,phóng sự,tiểu luận ,phê bình,với hàng chục giải thưởng văn chương và báo chí.Năm 2015 đã xuất bản bộ sách "Ngô Minh tác phẩm" gồm 5 cuốn với 2500 trang sách.
Tôi và Ngô Minh cùng tuổi sửu.Tôi sinh năm Đinh Sửu (1937) hơn Ngô Minh Kỷ Sửu (1949) đúng một giáp.Chúng tôi gắn bó với nhau bằng nhiêu kỷ niệm.
Tại đại hội nhà văn Việt Nam ,Ngô Minh chạy đi tìm các nhà văn quê Quảng Bình để tôi chụp tấm ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.Ngô Minh rất vui khi gọi được đông đủ anh chị em.Ngô Minh la một cộng tác viên gần gũi của chương trình phát thanh văn học Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhà thơ Ngô Minh đã viết hơn 1200 bài thơ.Là người con quê cát,Ngô Minh luôn nhắc đến quê hương với tình yêu mãnh liệt :
Đứa con của cát,mắt quen mở ngang tầm gió sắc
Để nhận trong mắt biển một chân trời
Kết tinh thành hột muối hồn tôi
Tặng anh trai Ngô Tấn Ninh,nhà thơ viết bài Sẹo biển :
Trên bờ cát trắng mịn màu thiên đường
Anh tôi là vết chém của sóng
Sự lựa chọn nào đã sinh ra anh với chiếc thuyền nan
Chiếc vỏ trấu nghìn đời không thể lớn
Anh và thuyền nan-biển chơi trò tung hứng
Phận cá là anh mắc lưới trời
Ngô Minh có ba đoạn thơ khắc trên bia mộ mẹ nói được tình yêu của anh vơi mẹ nơi làng cát:
Con xin dựng biển làm bia mộ
Mạ một đời sóng gió dễ gì ghi
Đôi mắt buồn dẫu khép vào lòng cát
biển vẫn nhắc con lối đi về
Anh đã giành nhiều tình cảm chân thành cho các văn nghệ sĩ tài năng của đất nước bằng những khắc họa khá thành công.Trong bài Lạy cụ Nguyễn Du,Ngô Minh không ngần ngại nói về những điều tâm sự thầm kín của mình:
lạy này xin cụ đánh roi
trăm năm báo oán mà đời oán dâng
lũ Tú Bà,Mã Giám Sinh
nhung nhúc Ưng Khuyển,Sở Khanh nảy nòi
lạy này xin cụ ngậm cười
văn chương trần thế chín mười đơn sai
chữ tâm rơi rớt dặm dài
chữ tài liền vói chữ tai...Thôi thì...
Trong bài thơ Nhớ Thu Bồn,người đọc thú vị với mấy nét của nhà thơ đưa ra:
Thu Bồn
lực lưỡng sông quê phù sa bồi đắp
thời gian áo lính bạc màu
sống đến tận cùng
quyết không làm kẻ khác
viết như say
như khát
như cuồng
Nhà thơ nhà giáo Ngô Kha từng dạy ở trường Quốc học Huế.Năm 1973,ông bị bắt và bị thủ tiêu.Ông được truy phong liệt sĩ.Ở Huế có một con đường mang tên Ngô Kha. Kết thúc bài thơ "Ngô Kha,chào anh",Ngô Minh viết:
Ngô Kha ,chào anh
ngắm sông Hương biết anh đang buồn
trường Quốc học nghe anh đang trên bục giảng
giọng như khóc như cười
như con ngựa say tình bên lá cỏ
Vâng,40 năm rồi,về đi Ngô Kha ạ
nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu
mà thôi,cuộc đời chẳng thể vui hơn
Ngô Minh đã viết về nhà thơ Phùng Quán, người mà anh kính phục và rất mực yêu thương;
Phùng Quán
ngất ngưỡng Bắc Trung Nam
thơ rong
một mình một mốt
mồ hôi râu mặt trời lóng lánh
sang sảng ngân
những câu thơ lý lịch đời mình!
Phùng Quán
ấy là khi
anh thành
Nước mắt nhân dân
Ngô Minh đã sưu tầm và biên soạn cuốn sách "Nhớ Phùng Quán "(Nhà xuất bản Trẻ ,2003) Ngô Minh cùng chị Vũ Bội Trâm vợ nhà thơ Phùng Quán sưu tầm biên soạn cuốn "Phùng Quán còn đây",nhà xuất bản Văn nghệ 2007.
Năm 2010,Ngô Minh cùng một số bạn bè ở Huế lo vận động xây lăng mộ cho vợ chồng Phùng Quán-Bội Trâm Nhiều người ủng hộ việc làm tình nghĩa ấy.Khu lăng mộ được hoàn thiện.Gia đình nhà thơ Phùng Quán đã đua di hài vợ chồng nhà thơ về cải táng ở thị xã Hương Thủy,tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sáng sớm ngày 8 tháng 1 năm 2011,tôi xuống nghĩa trang Văn Điển bái lạy tiễn đưa anh chị về quê kèm theo bài thơ "Đời đời yên nghỉ giữa quê hương."Bài thơ này đã được ban tổ chức đọc trong lễ cải táng.. Năm 2017 trong cuốn sách Nặng lòng với Huế ( NXB Hội nhà văn ) tôi đã đăng lại bài thơ này bên cạnh hai bài viết về Phùng Quán và Vũ Bội Trâm .Bài thơ có đoạn :
... Một câu thơ đọng trong nhiều trí nhớ
"Em là cây thập tự của đời anh!''
Triệu người yêu thương anh sống trung thực hiền lành
Chỉ một lời Ngô Minh hô góp thêm chút cát
Ước nguyện về quê nay thành sự thật
Mấy trăm triệu đồng xây lăng mộ Phùng Quán-Bội Trâm
Số tiền xây lăng mộ còn lại,Ngô Minh cùng các bạn ở Huế giành làm giải thưởng vă học bổng mang tên Phùng Quán.
Khi đọc tin nhà thơ Ngô Minh qua đòi,Phùng Đỗ Quyên,con gái nhà thơ Phùng Quán từ thủ đô Viêng Chăn (Lào )tối 3.12.2018 đã viết trong facebook của tôi "Cháu xin chia buồn sâu sắc và thành kính: với cô Tâm và các em ạ! Đột ngột quá,cháu vô cùng thương tiếc chú Ngô Minh_một nhà thơ tài ba và hết lòng vì bạn bè."
Năm 2008,tôi sưu tầm biên soạn cuốn sách" Nhớ Tuân Nguyễn" ,Nhận được sách biếu,Ngô Minh đã viết ngay bài giới thiệu trên báo:"Nhà văn Trần Phương Trà,người Huế ở Hà Nội vừa gửi tặng tôi cuốn sách Nhớ Tuân Nguyễn do anh sưu tầm và biên soạn (NXB Hội nhà văn ,2008).Cuốn sách 420 trang đây là cuốn sách dày dặn và tập hơp đầy đủ nhất về tính cách sáng tác và cuộc đời đau đớn của nhà thơ Tuân Nguyễn và những kỷ niệm sâu săc của bạn bè về anh.... Đọc xong tập sách,tôi xúc động thẩn thờ.Trong tôi cứ nhói lên một câu hỏi.Sao người trí thức ấy lại lâm vào lao lý oan khiên làm vậy?....
Năm 2013,tôi xuất bản bộ sách Quốc học Huế xưa và nay 2 tập 1600 trang khổ 16x24cm do Trần Phương Trà chủ biên với sự cộng tác của các nhà thơ nhà báo Nguyễn Xuân Hoa,Phạm Khắc Lãm,Trần Hữu Lục,Nguyễn Khắc Mai,Tần Hoài Dạ Vũ.
Tôi thật xúc động khi được các anh Ngô Minh,Nguyễn Khắc Phê,Tường Phong,Phan Hữu Dật.. viết bài giới thiệu..Trong cuốn Từ trường Quốc học Huế do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2017,tôi đăng lại bài "Quốc học Huế xưa và nay,bộ sách lớn về ngôi trường vĩ đại" của nhà thơ Ngô Minh.
Năm 2016,kỷ niệm 120 năm thành lâp trường Quốc học Huế (1896-2016),tôi chủ biên cuốn "Với Quốc học Huế 120 mùa xuân".Sách do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành dày 500 trang khổ 16x24cm.Nhà thơ Ngô Minh có đóng góp bài viết "Có một Đặng Nhật Minh nhà văn"Xin trích mấy dòng của Ngô Minh:
"Con đường thành tựu suốt đời của Đặng Nhật Minh là từ truyện lên phim.Truyện là cái bắt đầu,là cái gốc của phim.Đó là một đặc điểm trong sáng tạo điện ảnh của anh.Nhờ cái gốc văn chương ấy mà phim anh làm luôn sâu đậm chất nhân văn,lay động lòng người,được thế giới công nhận.."
Người con trai Lệ Thủy Quảng Bình đã gắn bó và đóng góp nhiều cho Huế hơn 40 năm nay đã ra đi đột ngột
Mai rồi đời cát bụi vùi quên
Biển còn hột muối nhặt lên,thưa rằng...
Nhà thơ Ngô Minh sẽ về yên nghỉ tại nghĩa trang phường Hương Long thành phố Huế,sau chùa Thiên Mụ.Đây là nơi thân thuộc khi nhiều lần vợ chồng tôi viếng mộ ông bà ngoại,các cậu mợ ,dì dượng,anh chị em... của tôi;viếng mộ ông bà nội các bác,chú thím,o,anh chị em của vợ tôi. Các làng An Ninh Thượng,An Ninh Hạ,Xuân Hòa,Trúc Lâm quanh các chùa Thiên Mụ,Phước Duyên ,khu Văn Thánh... với sông Hương và sông Bạch Yến giữa những thôn xóm xanh tươi mãi mãi gắn bó với anh.. Từ chùa Thiên Mụ theo đường chim bay chưa đầy hai ki lô mét là đến làng Trúc Lâm quê tôi.Trong niềm tiếc thương vô hạn, từ Hà Nội tôi viết vài dòng để tiễn đưa anh về với Rú Vi và Hương Long thân yêu của tôi.
Gió sông Hương nhè nhẹ
Chuông Thiên Mụ ngân xa
Tình Huế luôn đậm đà
Ngô Minh yên nghỉ nhé!
Hà Nội ngày 4 tháng 12 năm 2018
TRẦN PHƯƠNG TRÀ