kỷ niệm 140 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Công Trứ ( Cụ sinh ngày 1/1 năm Mậu Tuất nhằm ngày 19/1/1878
Trích Chương 5 phần IV tiểu thuyết Thông reo Ngàn Hống
…Trống điểm canh hai, trong dinh Phủ doãn Phủ Thừa Thiên đèn nến sáng trưng. Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh ngồi trên một tấm chiếu lớn cạp hồng, quanh một mâm rượu chén đĩa bằng sứ Giang Tô. Trên bàn, dọc chân tường, hàng chục bình rượu lớn, nhỏ đủ các kiểu, các màu men khác nhau nhưng bình nào cũng phủ lụa hồng. Đó là những bình rượu mà bầu bạn và một số quan viên thân thiết đem đến tặng quan Phủ doãn Nguyễn Công Trứ nhân dịp ngài đáo thất tuần. Các thuộc hạ trong Phủ cũng như nhiều người cứ nghĩ một người nổi tiếng hào hoa, tài tử, biết ăn chơi như ngài Phủ doãn thì lễ mừng thọ chắc sẽ lớn lắm. Mê hát ca trù như ngài thì ít ra cũng phải vài đêm tưng bừng.Thế nhưng, gần đến ngày sinh của ngài mồng 1 tháng 11 mà không thấy động tĩnh gì cả. Thự Phủ doãn hỏi thì ngài nói: “Đa thọ đa nhục, việc gì mà mừng!” Thế là mọi người không dám chuẩn bị gì .
Sáng ngày 30 tháng 10, ngài bảo thuộc hạ: chuẩn bị sẵn một ít đậu phộng, ai đến rót rượu uống. Ngài dặn “tuyệt đối không được nhận bất kỳ một lễ vật nào.” Mọi người không hiểu tại sao? Thành thử ngày hôm nay có vài chục người đến mừng, ngài chỉ nhận mấy bình rượu mà thôi. Tối nay, ngài dặn thuộc hạ: không tiếp khách, chỉ dành cho Thị độc học sĩ Nguyễn Văn Siêu, Hàn lâm viện kiểm thảo Cao Bá Quát, Hàn lâm viện trước tác Nguyễn Hàm Ninh. Giờ thì cả bốn người đang hàn huyên với nhau trong phòng khách của Phủ doãn. Nguyễn Công Trứ đầu đội khăn đóng, áo dài gấm Quảng Đông màu gạch nung, ngồi tựa trên chồng gối cao, cặp mặt sáng trên khuôn mặt quắc thước tươi tỉnh nhìn những người bạn thân thiết của mình. Họ vừa nhấm nháp rượu hồng đào xứ Huế, vừa nhâm nhi đôi hạt đậu phộng, vừa sôi nổi chuyện trò. Họ đem những bài thơ mừng thọ, những bài thơ họa của mọi người ra bình phẩm một cách hào hứng. Cao Bá Quát vừa nhìn Nguyễn, vừa nhìn chiếc đàn nguyệt nâu bóng treo trên tường. Hình như nó cũng bẽ bàng vì phải im hơi lặng tiếng trong cuộc vui hiếm có này. Cao không hiểu tại sao một người ham chơi, thích chơi, dám chơi vang tiếng cả Bắc Trung Nam như huynh ấy mà giờ lại lặng lẽ vậy. Tối nay, trọn 70 năm ngày sinh của huynh ấy, đại lễ của cả một đời người, đương chức Phủ doãn Thừa Thiên mà lại không tổ chức một cuộc hát ca trù. Quát, Siêu, Ninh mời hai nhóm hát đến mừng, quyết một đêm thức trắng cùng sênh phách cho huynh ấy vui, thế mà huynh ấy từ chối. Hai nhóm hát cũng rất háo hức: họ biết được hát mừng cho người sành ca trù nhất trong đám tài tử lại là vị quan đứng đầu của Phủ Thừa Thiên thì mừng lắm. Ai ngờ, huynh ấy mời mọi người trà nước xong rồi từ chối. Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Hàm Ninh nói mãi mà huynh ấy cũng không đồng ý. Gặng mãi, huynh ấy mới nói:" Dân tình phủ ta giữa tháng vừa rồi bão lụt nặng nề, mấy chục người chết, gần một ngàn nhà bị đổ, ta làm Phủ doãn, trách nhiệm chưa tròn, làm sao mà lại đàn hát mừng ta được." Huynh ấy đã nghĩ thế, bọn Quát đành chịu.
Tiễn các đào nương ra về, bốn người quây quần quanh chén rượu. Không có đào nương kém vui nhưng chuyện trò lại thật đầm ấm. Trong nhóm ba người, Nguyễn Văn Siêu nhiều tuổi hơn nên được giao làm chủ chòm chúc mừng và bình thơ họa. Hiểu rõ tài năng xuất chúng về nhiều mặt của Nguyễn, cốt cách phong lưu làm được, chơi được và cả những đắng cay suốt cuộc đời Nguyễn, mọi người thấm thía từng câu từng chữ trong bài “Thất thập tự thọ” mà trước đây chừng hai tháng Nguyễn gửi cho một số người:
"Tôi nay tuổi vừa 70, nhớ lại 69 năm về trước, đói khổ ốm đau, rừng sâu nước độc, xiết bao cay đắng. Câu nói " thọ lắm nhục nhiều" đối với tôi thật là đúng lắm.Trong những điều tôi đã học được từ khi ra đời, tôi tìm tòi ra được 56 chữ chép thành một bài thơ luật để tự thọ. Nếu các vị có lòng thương đến xin cho một bài họa để con cháu cất làm của quý trong nhà.
Nhất đối nhi tào tự giải di,
Kim ngô bất tự cố ngô thì.
Tùy cơ khối lỗi cung nhân tiếu,
Trục kỷ niên hoa giới cổ hy.
Lão thực bất kham trang diện mục,
Anh hoa an dụng nhiễm tu tì.
Tự tàm tiền lệt hào vô trạng,
Quái sát Hồng Sơn hữu thị phi.
Ngày cùng lũ trẻ cợt đùa chơi,
Quả thực ta nay khác trước rồi!
Múa rối mấy hồi rằng giúp nước,
Sống lâu bảy chục cũng ơn trời!
Thân già bao quản khoe mình đẹp,
Tóc bạc xin đành kém vẻ tươi!
Những thẹn bất tài không báo bổ,
Non Hồng thôi mặc tiếng trên đời (Bản dịch của cụ Lê Thước )
Trước khi đến đây, cả ba người ngồi ở nhà Siêu bàn đến bài thơ của Nguyễn. Siêu nói:
- Huynh ấy đúng là đã khác trước. Đến tuổi này, huynh ấy đã nhìn lại cả cuộc đời mình, cảm nhận sự cay đắng đè nặng, còn ánh hào quang của những chiến công lẫy lừng “làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”, bỗng kém phần rực rỡ, chỉ còn là “tùy cơ khối lỗi cung nhân tiếu” (ta theo thời mà làm như con rối chỉ để thiên hạ cười). Phải chăng huynh ấy chán nản, nói ngược lại những điều mình đã nghĩ, đã làm ?
Quát nghĩ khác:
- Chưa chắc đã phải vậy. Có lẽ huynh ấy viết vậy là để cười vào mặt những kẻ mũ cao áo rộng, nói như ông Cao ông Quỳ, vơ mọi công lao vào mình mà thực ra chẳng làm được gì cho dân nước, chỉ biết khư khư giữ ghế nơi trướng phủ.
Hàm Ninh lại chú ý câu kết: Tự tàm tiên liệt hào vô trạng...
- Huynh ấy mà không có công trạng ư? Không. Huynh ấy đệ nhất công thành, không ai bì kịp. Huynh ấy nói vậy là chứng tỏ không thèm công huân, không thèm danh lợi. Huynh ấy cũng không thèm nghĩ đến lời tiếng thị phi. Huynh ấy đứng trên cả danh-lợi, vinh-nhục, thành-bại, được-mất, khen-chê của người đời.
Siêu nghe hai người nói mà lòng vui: hai đệ ấy cũng nghĩ như mình, tri âm như thế mới là tri âm, bèn nói:
-Các đệ nói đúng. Con người ấy tự biết mình là ai, không cần khen, không sợ chê.Ta khen, chê là ta chưa hiểu và thiếu tôn trọng huynh ấy. Cứ theo ý của huynh ấy mà họa”.
Siêu nói vậy. Quát và Ninh nghĩ đi nghĩ lại thấy ý vậy là thích hợp. Cao múa bút viết ngay:
PHỤNG HỌA KINH DOÃN NGUYÊN CÔNG TRỨ THẤT THẬP TỰ HỌA VẦN
Quần sơn Nam vọng độc chi di
Dao tưởng tiên sinh vị lão thì
Tự cổ anh hùng ngộ thường dị
Tức kim xỷ đức kiến chân hy
Bão thường thế vị chung tu tửu
Đoạn cấm sương hoa bất thướng tỳ!
Văn đạo Hồng phong dục hồi thủ
Khởi ưng lục thập cửu niên phi.
Dịch thơ:
Một mình lặng ngắm núi Nam xa,
Nghĩ lại tiên sinh lúc chửa già.
Tự cổ anh hùng nhiều khác lạ,
Tuổi cao đức lớn mấy ai là.
Nếm đủ mùi đời còn thêm rượu,
Tóc râu sương gió bén đâu mà.
Ngóng đợi Non Hồng ngày trở lại,
Sáu mươi chín trước há sai a!
Khi rượu đã ngà ngà, thơ bình đã nhiều, Quát mới đưa tặng. Nguyễn đọc xong, nhìn Siêu, nhìn Ninh rồi nhìn Quát, mỉm cười:
- Cảm ơn các đệ đã rất hiểu ta.
Bấy giờ Nguyễn Văn Siêu mới lấy trong tay áo ra bài thơ họa của Nguyễn Quý Tân gửi vào cho Nguyễn. Nguyễn vội cầm lấy đọc. Ba người chăm chú nhìn, cố xem thử tâm trạng Nguyễn ra sao. Hình như Nguyễn không vui. Nguyễn đặt xuống trước mặt, vê điếu thuốc lào, bỏ vào nỏ điếu bát, cầm ống, rít một hơi dài.
- Đêm nay thiếu Nguyễn đệ, thật là tiếc!Thế nhưng, sao đệ ấy lại đưa ta mà so với Lý Bạch, Vương Hy. Chuyện xưa là của ngày đã qua, chuyện của Tàu là chuyện của Tàu, người Việt có chuyện của người Việt, ta có chuyện của ta.
Siêu nhìn Quát, đúng như Siêu đã nói: đọc đến hai câu: “Rượu tỉnh, thơ say hồn Lý Bạch/ Trúc cười, hoa cợt thú Vương Hy” Nguyễn huynh không vui đâu. Nguyễn Hàm Ninh lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa, vừa văn vỏ hạt lạc, vừa mỉm cười. Chợt một tên lính chạy vào hướng về Nguyễn Công Trứ:
- Bẩm quan. Có người bên phủ Cơ mật viện đến ạ.
Nguyễn và mấy người ngạc nhiên. Có việc gì khẩn cấp chăng? Nguyễn nói “mời vào” rồi đứng dậy, đi ra phía cửa. Một người mặc quan phục bước tới, Nguyễn nhận ra ngay thư ký của Cơ mật viện đại thần Trương Đăng Quế.
-Bẩm quan.Trương đại nhân cho tiểu nhân sang thưa với ngài: hôm nay là ngày trực, nên Phụ chính đại thàn không sang chúc mừng ngài được, giao cho tiểu nhân chuyển đến tận tay ngài bài thơ này.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Tiễn khách ra về, Nguyễn quay lại cùng bạn của mình, đưa thơ Quế cho Quát. Siêu im lặng. Hàm Ninh tủm tỉm cười. Quát đọc:
“Ông Hy Văn người Hoan Châu (Nghệ Tĩnh) cùng đậu khoa thi Ất Mão với tôi. Lúc làm quan cùng tôi rất quen thân. Tài khí của ông lỗi lạc hơn tôi nhều lắm. Khi ở triều, khi ở tình ngoài, trải hơn ba chục năm khó nhọc vất vả không phải là ít. Năm nay tuổi đến bảy mươi, đương chức Phủ doãn, làm thơ tự thọ bảo tôi họa lại. Tôi xem bài thơ của ông giống khóc, giống cười, lời lẽ phóng khoáng, quật cường, không khác thời ông còn trẻ. Nhân theo các vần họa lại một bài để ghi lại chút tình quen biết nhau lâu năm. Thơ hay dở chẳng cần bàn đến.
Học thiền chung nhật tọa chi di,
Đồng khế tương phùng thoại cựu thi
Thất thập lão ông thi tự thọ
Bát thoa danh thủ họa lai hi
Phong tình lịch duyệt hoa kinh nhãn
Hoạn huống thăng trầm tuyết mãn tỳ
Thế sự nan tòng tâm sở dục
Hữu vân tạc thị tiếu kim phi.
Văn minh điện Đại học sĩ Trương Đăng Quế di họa
Dịch thơ:
Đọc kinh thôi lại chống cằm ngồi,
Bạn cũ gặp nhau kể chuyện chơi.
Bảy chục xoa tay thơ tự thọ,
Thơ hay cùng họa được bao người.
Phong tình đẹp đẽ như hoa rụng,
Bể hoạn thăng trầm bạc tóc mai.
Sự đời đâu có như lòng muốn,
Chớ cho trước đúng bảo nay sai!
Đọc xong, Quát đưa cho Nguyễn. Nguyễn cầm lấy đặt xuống chiếu. Nguyễn Văn Siêu cầm lên xem. Nguyễn Hàm Ninh uống cạn chén rượu, nói:
- Chuyện văn chương hay dở thì không cần bàn nhưng chuyện cốt cách con người thì thấy rõ. Đúng là giọng lưỡi của một kẻ cầm quyền chuyên quyền khôn ngoan mà hèn nhát. Sao lại “thế sự nan tòng tâm sở dục.” là đúng với nhiều người, còn anh ta thì thế sự luôn theo ý anh ta đấy chứ. Có làm được một số việc, khôn khéo chiều theo ý vua Minh Mệnh, ba mươi chín tuổi vừa là Binh bộ Thượng thư vừa Cơ mật viện đại thần, được ủy thác việc lớn. Từ Thiệu Trị nguyên niên đến nay đều là “Cố mệnh lương thần,” đứng đầu Cơ mật viện, thâu tóm mọi quyền lực vào tay mình, một mình quyết mọi việc của giang sơn theo ý mình, đẩy huynh và Nguyễn Đăng Tuân xa kinh kỳ, đưa thân tín của mình như Nguyễn Tri Phương, Vũ Văn Giải, Lâm Duy Thiệp về triều, đánh tráo ngai vàng, chuyện gì anh ta chẳng làm được. Láo!
Quát nói:
- Ông ta nói điều đó trong thơ họa với Nguyễn huynh, ý muốn nói: mọi việc bất công với Nguyễn huynh ông ta không thể cứu giúp vì không thể được. Thật là dối trá đến ghê tởm! Ngọc Dao đã kết luận Nguyễn huynh không hề buôn lậu, thế mà không để yên làm Tuần phủ An Giang lại bắt đi làm lính thú. Ông ta lúc ấy đã là Thự văn minh điện Đại học sĩ, Thượng thư bộ Binh, Cơ mật Viện đại thần, Cố mệnh lương thần, được Thánh tổ (Minh Mệnh) dặn Hiến Tổ (Thiệu Trị) “nói gì cũng phải nghe”. Nếu muốn giúp Nguyễn huynh, thì chỉ nói một lời là Nguyễn huynh đâu phải đày đi làm lính thú. Thật là tráo trở và hèn nhát.
Nguyễn vẫn im lặng không nói gì. Nguyễn Văn Siêu bấy giờ mới thong thả:
- Các đệ đừng gay gắt quá thế. Đọc thơ của già Trương, ta thấy ông ta cũng là người trung thực. Đường đường một Văn minh điện Đại học sĩ, hàm Quận công, Thượng thư bộ Binh, đứng đầu Cơ mật viện đại thần mà giấy trắng mực đen tự ghi “Tài khí của ông lỗi lạc hơn tôi nhiều lắm”, biết thế, dám nói thế xưa nay cũng hiếm. Thứ nữa, thơ tự thọ của Nguyễn huynh ý tứ thâm trầm sâu xa, đọc thì thấy buồn, mà ông ta vẫn nhận được “lời lẽ phóng khoáng, quật cường, không khác thời ông còn trẻ” đó cũng là điều đáng phục. Đối với Nguyễn huynh, kỳ thất thập này cũng có thêm một kẻ tri kỷ đó chứ.
Quát ngắt lời:
- Tri kỷ gì mà tri kỷ? Thà không biết người tài, không dùng. Còn anh cầm quyền điều hành nơi triều đình, biết người khác”lỗi lạc hơn tôi nhiều” chẳng những không dùng mà còn loại bỏ, còn đẩy đi nơi xa, giành toàn quyền cho mình, thì rõ ràng là kẻ tầm thường chỉ nghĩ lợi cho mình mà làm hại cả giang sơn đó thôi!
Nguyễn vẫn bình thản nghe, lấy một hạt lạc bỏ vào miệng nhai, chợt kêu “á” lên: răng vừa cắn vào lưỡi. Nguyễn Văn Siêu nhìn Nguyễn Hàm Ninh cùng cười vui. Nguyễn ngạc nhiên. Quát cũng ngạc nhiên, hỏi:
- Sao nhị huynh lại cười?.
Siêu thủng thẳng:
- Cứ hỏi đệ ấy thì rõ.
Bấy giờ Nguyễn Hàm Ninh mới ngồi thẳng dậy, nói:
- Chiều hôm qua, hoàng thượng cho gọi mấy vị trong Tao đàn và cả đệ đến đàm luận thơ văn rồi ở lại dùng cơm. Vô ý, hoàng thượng răng cắn phải lưỡi, đau mà ngài cũng cười, mọi người cười theo. Cao hứng, ngài bảo: các khanh làm bài thơ về chuyện này xem sao. Để cho mấy vị tán ngon, tán ngọt, đệ vẫn im lặng.Thấy vậy, ngài nhìn ta:”Hàm Ninh. Ta nghe phụ hoàng và nhiều người khen thơ khanh hay, sao không làm được?” Bấy giờ đệ mới thưa: “Bẩm hoàng thượng. Thơ của kẻ quê mùa này thô kệch, sợ không lọt tai hoàng thượng và các vị, nếu được tha tội thì thần mới dám đọc.” Hoàng thượngvui vẻ:“Đây không phải là buổi thiết triều, mà là cuộc vui đàm đạo của thi nhân mặc khách. Khanh cứ đọc. Hay, sẽ có thưởng.” Bấy giờ đệ mới đọc:
Sinh ngã chi sơ, nhị vị sinh
Nhi sinh vi hậu, ngã vi huynh
Nhất đường cọng hưởng trân cam vị
Hà nhẫn tương thương cốt nhục tình.
Dịch thơ:
Ta ra đời trước, chú chưa sinh
Chú phận làm em, ta phận anh
Ngọt bùi sao chẳng cùng san sẻ
Mà nỡ đau thương cốt nhục tình.
Vừa nghe đến đây, Quát vỗ tay: Hay! Nguyễn Công Trứ nhìn Ninh khâm phục:
- Trước mặt hoàng thượng và nhiều kẻ thân cận, dám đưa chuyện em giành ngai vàng của anh mà trách, thế mà ngài không chém đầu đệ ư?
- Không. Ngài là một quân vương thương người, độ lượng.
Siêu nhìn Nguyễn, nhìn bạn:
- Đúng vậy. Người vừa ra lệnh tha tội cho con cháu Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất cho Nguyễn Văn Toại, Lê Văn Diên, Lê Luận làm cai đội ở các quân. Đợt rét vừa rồi, đình thần xin đình cấp áo rét cho lính vì ngân khố thiếu tiền, vua vẫn không nghe, sai ban cấp đầy đủ.
Cao Bá Quát mai mỉa:
- Thương lính, cấp quần áo là quý nhưng tiền không có thì mai đây lấy gì mà cấp. Thế mà ngày tết đầu tiên khi làm vua, dâng mẹ 100 lượng vàng 1000 lượng bạc. Suốt cả năm, cứ ngày chẵn sang hầu mẹ, ngày lẻ mới bàn việc nước thì xưa nay chưa thấy bao giờ. Ngài đã quá lo làm tròn chữ hiếu của một người con mà quên mất cái đại hiếu của một ông vua là lo cho cả thiên hạ. Việc làm cho dân no, làm cho quân đội mạnh để giữ được giang sơn, ngài không biết.
Nguyễn Văn Siêu nói:
- Ngài cũng chăm lo chữ hiếu cho thiên hạ đấy chứ. Tháng 2 thưởng cho sáu người thọ 100 tuổi. Tháng 6 vừa qua thưởng cho Nguyễn Văn Danh ở Quảng Ngãi giết hổ trả thù cho cha, thưởng cho Đoàn Thị Quang, Đoàn Thị Lưu ở Hưng Yên biết tử tiết theo chồng đó chứ…
Bấy giờ Nguyễn Công Trứ mới nói:
- Tặng quà mẹ, thưởng cho dân, lo áo ấm cho lính -rất tốt. Các đệ còn quên một chuyện: ngài rất lo cho quan. Ngay mới ngồi lên ngai vàng, thăng quan thăng tước cho đại thần Trương Đăng Quế, Vũ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiệp- những người làm cho mình trở thành hoàng đế đó sao?
Nhìn nét mặt nghiêm nghị có vẻ căng thẳng của Nguyễn, ba người bạn chí thân nhìn nhau không hiểu ý của huynh ấy ra sao. Chợt Nguyễn hỏi:
- Tam đệ còn nhớ chuyện Thập Bi trả lời Ngụy Vương đấy chứ?
Ba người nhìn nhau, nhìn Nguyễn, gật đầu. Chuyện ấy đã học sách thánh hiền ai mà không nhớ.
Huệ Vương hỏi quan đại thần Thập Bi:
- Khanh nghe dư luận bên ngoài nói về trẫm thế nào?
Thập Bi thưa:
- Nhiều người nói bệ hạ là người nhân từ, độ lượng, hay làm ơn.
Huệ Vương rất vui:
- Như vậy, khanh cho công đức của quả nhân như thế nào?
Thập Bi nói thong thả:
- Công đức của bệ hạ chỉ đến như thế thì sẽ mất nước đó thôi!
Huệ Vương ngạc nhiên:
- Nhân từ và hay làm ơn, lo việc thiện mà cũng mất nước là nghĩa lý gì?
Thập Bi nói rành rõ:
- Vua mà nhân từ thì ngại trừng phạt, thích làm ơn thì hay ban thưởng. Như vậy kẻ có tội không bị trừng trị, kẻ xu nịnh thì được thăng quan. Làm vua mà để kẻ có tội không bị trừng phạt thì loạn ngày càng to, kẻ không công mà được thưởng thì triều đình không có người tài, không có người giỏi lo nổi việc nước thì nước mất.
Nguyễn nhìn ba người giọng trầm xuống:
- Ta nay ở tuổi 70 sống qua bốn đời vua, làm quan suốt ba đời, chưa bao giờ thấy triều đình bất lực như ngày nay. Ngày xưa, trải qua bao cay đắng, khi lên ngồi trên ngai vàng, điều tránh đầu tiên của đức Gia Long là không lập Hoàng hậu, không cho đàn bà tham gia chính sự. Nhờ đó mà giang sơn vững bền. Còn nay, vua chỉ cúc cung thờ mẹ, nghe mẹ, giang sơn nằm trong tay người đàn bà chỉ muốn giành đứa con cho riêng mình, mà không hiểu chuyện trị nước, trăm họ đi về đâu? Ta đau xót vô cùng. Đêm nay có các đệ, ta có vui nhưng lại càng đau, càng buồn…
Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh nhìn nhau rồi nhìn Nguyễn Văn Siêu. Siêu hỏi:
- Sao đại huynh nghĩ vậy?
Nguyễn xót xa:
- Thập Bi dám nói điều đó với Huệ Vương. Còn ở Đại Nam ta, không có đại thần nào biết nói với nhà vua như vậy. Bốn anh em chúng ta biết vậy mà cũng không dám nói ra, không thể nói ra! Chúng ta chỉ biết nói với nhau, than thở với nhau, để cho các quân vương ngày càng bất lực, dân tình ngày càng khốn khổ, giang sơn Đại Việt ngày càng suy yếu. Cái họa mất nước đang đến gần…
Giọng Nguyễn như lạc đi. Và từ đôi mắt sáng một nỗi buồn mênh mông dâng đầy, tối thẩm lại. Hai giọt nước mắt ứa ra, rồi đọng lại, không tan được. Ba người lặng đi. Họ không ngờ trong lòng Nguyễn niềm lo và nỗi buồn lại chất chứa và dồn nén đến vậy. Nguyễn Văn Siêu an ủi:
- Thôi mà huynh. Huynh đã làm tốt suốt cả đời mình rồi.
Hàm Ninh, rót rượu đầy bốn chén, đặt một chén vào tay Nguyễn rồi nói với hai người bạn:
- Nào “khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu/ dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu”.
Mấy người cùng cạn chén. Nguyễn đặt chén xuống, gật gù:
- Phải. Khuyên người cứ uống thêm một chén rượu, cùng ta xóa hết nỗi sầu vạn cổ. Đúng! Mượn rượu làm vui. Nào đưa bút giấy lại đây.
Một người lính hầu mang nghiên bút và giấy đến. Nguyễn Hàm Ninh trải giấy ra, giữ lấy một mép. Siêu cũng xích lại giữ mép bên kia. Nguyễn nhúng bút vào nghiên, rồi đưa tay viết. Từng chữ, từng hàng khỏe khoắn mà bay bướm hiện ra:
MƯỢN RƯỢU LÀM VUI
Nhân sinh thích chí
Chẳng gì hơn mượn rượu làm vui.
Việc tày trời khi say đoạn cũng thôi,
Một trận phá thành, sầu lũy não.
Tửu trái tầm thường hành xú hữu
“Nhân sinh thất thập cổ lai hy”
Danh mà chi, lợi nữa mà chi,
Mượn ba chén dập dìu trăng gió.
Nghìn vàng hết, hết rồi lại có
Chén còn, không, không, có để làm chi?
Bên tai gác tiếng thị phi
Màn trời, chiếu đất dẫu khi ngang tàng.
Mơ màng trong cõi túy hương.
Nguyễn gác bút. Lại cầm chén rượu lên uống. Cao Bá Quát đỡ bài thơ từ tay Ninh chuyển cho, vừa đọc vừa gật gù. Đọc xong, Cao trả bài thơ cho Nguyễn.
- Bài ca huynh viết hay quá. Khoản ca trù này của huynh đệ bái phuc.
Nguyễn tay cầm bài thơ, tay nâng chén rượu lên dốc cạn, rồi nhìn quanh:
-Đào nương đâu?
Ba người ngạc nhiên nhìn nhau. Siêu nói:
- Đệ mời hai đào nương đến, huynh đã cho họ về cả rồi!
Nguyễn chuyếnh choáng:
- Láo! Ta cho đào nương về lúc nào? Sao lại về?
Cả ba người mỉm cười: Nguyễn say rồi. Nguyễn lại nhìn quanh, nhìn ba người, nhìn lên chiếc đàn treo trên vách:
- Có bạn hiền, có rượu ngon, có thơ hay, có đàn tốt mà không có người đẹp thì còn ra đếch gì nữa.
Nói xong, dơ tay xé nát bài thơ, ném xuống mặt chiếu. Nguyễn nghiêng người, chống khuỷu tay lên mặt gối, một tay dơ lên, chĩa ngón trỏ chỉ vào mặt ba người bạn, giọng nhòe đi mà vẫn âm vang:
- Giang sơn điên đảo, điêu linh thì kẻ sĩ sống mà làm chi!?
Nguyễn ngã hẳn người trên mặt chiếu, đầu kê lên gối, nhắm mắt lại. Cao Bá quát đỡ người Nguyễn, rồi ngẩng đầu nhìn hai người bạn. Nguyễn Văn Siêu chợt bắt gặp một thứ ánh sáng khác lạ bùng lên trong mắt Cao.