Viện trưởng Viện Bảo tồn tiếng Việt (ĐH Duy Tân) Nguyễn Đăng Hưng bên tấm bia
tưởng niệm Giáo sĩ Alexandre de Rhodes
Xin giáo sư cho biết về ý tưởng làm tấm bia tưởng niệm Ngài Alexandre de Rhodes và chi phí cho công việc này, đóng góp của cộng đồng?
Gần đây, có những tác động tiêu cực liên tục tấn công vào chữ Quốc ngữ. Thay vì phản bác liên tục, có khi nặng nề, tôi cho rằng sẽ tích cực hơn nếu ta vinh danh chữ Quốc ngữ và việc nên làm ngay là tri ân những bậc tiền bối đã tham gia cống hiến cho sự ra đời và phát triển chữ Quốc ngữ.
Tôi đã đưa ý tưởng này lên mạng xã hội, từ đấy dẫn đến dự án đặt bia tri ân ngài Alexandre de Rhodes tại Isfahan, Iran, nơi ngài mất ngày 5/11/1660, 5 năm sau khi ngài được Đức Giáo Hoàng gửi sang hành đạo, thay vì cho phép ngài trở lại Đại Việt. Tháng 5/2018, tôi đã bỏ tiền túi tổ chức đi tiền trạm sang Isfahan, tìm hiểu thực tế và giải quyết các thủ tục cần thiết với chính quyền địa phương và nhà thờ. Tôi may mắn có mối liên lạc tốt với người bản xứ và chuẩn bị kỹ lưỡng trước, các vướng mắc về thủ tục đã được vượt qua nhanh chóng! Rất may tôi cũng được sự ủng hộ sốt sắng của các Mạnh Thường Quân người Việt cho nên chi phí khắc và dựng bia đã được tài trợ. Chi phí di chuyển và ăn ở của đoàn chúng tôi 20 người lần này sang khánh thành bia cũng được các cá nhân tham gia tự nguyện lo liệu.
Với tư cách là Viện trưởng Viện Vinh danh chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt của Đại học Duy Tân, xin cho biết những đánh giá của ông với Alexandre de Rhodes, người đã đóng góp rất nhiều cho công trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, và là người cho xuất bản 3 cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên?
Sự ra đời và phổ biến của chữ Quốc ngữ có công sức của nhiều người: Các giáo sỹ Bồ Đào Nha (Francisco De Pina, Gaspar De Amaral, Antonio Barbosa…, các cộng tác viên người Việt, các học giả người Việt: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh…), vinh danh và tri ân cha Alexandre De Rhodes, không thể bỏ qua sự đóng góp của họ.
Tuy nhiên, khi cho in chính thức tại Roma năm 1651 cuốn từ điển Việt – Bồ – La, cho xuất bản các sách đầu tiên dùng chữ quốc ngữ, cha Alexandre de Rhodes đã có công hoàn thiện, công bố quốc tế cho sự ra đời của chữ quốc ngữ. Công của ngài là rất to lớn!
Xin ông cho biết sau sự kiện này, Viện của ông sẽ tiếp tục làm gì để vinh danh và phát triển chữ Quốc ngữ?
Dựng bia tri ân chỉ là phần mở đầu!
Nhiệm vụ quan trọng sắp tới, có lẽ khó khăn nhất của Viện là vận động gây quỹ để xây dựng một không gian vinh danh chữ quốc ngữ, tri ân những bậc tiền bối người nước ngoài cũng như người việt đã góp phần khai sinh, hoàn thiện, và phổ biến chữ quốc ngữ để ngày nay cách viết này và tiếng việt đã hòa quyện cùng nhau, trở thành phần hồn của dân tộc Việt Nam.
Dự tính địa điểm của không gian này sẽ không xa trấn Thanh Chiêm nay thuộc xã Điện Phương gần Hội An, nơi đã xuất hiện lần đầu tiên những áng văn chữ Quốc ngữ.
Để Không gian Vinh danh và Tri ân trở thành hiện thực, Viện Bảo tồn tiếng Việt cần:
Một mặt bằng trang trọng thoáng mát với diện tích khoảng 3000 m2 đất. Theo dự tính ban đầu không gian này sẽ có những hạng mục: Một hành lang thoáng mát, rộng rãi xếp đặt những pho tượng, các văn bia trưng bày, ghi chép những cống hiến của các bậc tiền bối đã có công trong việc khai sinh cũng như phổ biến và truyền bá chữ quốc ngữ và kiện toàn tiếng Việt. Phía sau hành lang là một nhà lưu trữ tài liệu, các văn bản sách vở, báo chí liên quan đến chữ quốc ngữ và tiếng Việt. Đây còn là một thư viện để các sinh viên đến học hỏi và tra cứu tài liệu cần thiết khi chuẩn bị luận văn lịch sử, văn học, ngôn ngữ học… Ngoài ra, cũng rất cần một khu vườn rợp bóng cây xanh, thảm cỏ, hương sắc hoa bốn mùa, công viên ghế đá, ẩn hiện những pho tượng của các nhà thơ, nhà văn, học giả tiêu biểu dùng ngôn ngữ Việt.
Không gian này sau khi xây dựng sẽ là một địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như tập hợp các sinh hoạt văn hóa liên quan đến Việt học.
Để làm được việc này cần một quỹ xây dựng tương ứng với thiết kế dự án. Viện sẽ huy động đóng góp từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp Mạnh Thường Quân trong và ngoài nước. Viện sẽ quản lý quỹ này một cách minh bạch sáng tỏ với báo cáo tài chính chi tiết thường xuyên công khai trên trang website của Viện.
Viện sẽ công khai kêu gọi các nhà thiết kế không gian tri ân, đấu thầu các công trình xây dựng thông qua các phương tiện truyền thông chính thức. Viện trưởng sẽ điều hành công việc mà không ăn lương!
Ngoài ra những hướng hoạt động thường trực trong tương lai của Viện là:
1. Nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử của sự ra đời và phổ biến chữ Quốc ngữ, tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia hay quốc tế về lĩnh vực này.
2. Bảo vệ sự thống nhất và tính trong sáng của tiếng Việt.
3. Góp phần duy trì và phổ biến tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, giảng dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc sinh sống tại Việt Nam.
Nhận định của ông về tình hình phát triển chữ Quốc ngữ hiện nay ở VN? Đâu là chiến lược lâu dài cho chữ Quốc ngữ?
Chữ Quốc ngữ đã đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện trong thế kỷ 20! Nó đã gắn liền với tiếng Việt, quyện vào hồn dân tộc Việt Nam! Không ngôn ngữ nào trên thế giới mà không có những chi tiết “bất hợp lý” giữa cách đọc và cách viết. Tôi cho rằng những ngoại lệ chính là nét duyên của ngôn ngữ, cơ sở xác định trình độ hiểu biết của người nước ngoài sử dụng tiếng Việt. Tuy nhiên, ngôn ngữ không bất di bất dịch mà gắn liền với phát triển xã hội, phương tiện truyền thông. Sự uyển chuyển của ngôn ngữ chính là nét phong phú thích nghi của nó. Cho nên có thể có những điều chỉnh, cải tiến nhưng phải thận trọng và dựa trên sự đồng thuận qua thời gian. Đó là sơ thảo chiến lược cho chữ Quốc Ngữ theo sở kiến khiêm tốn của cá nhân chúng tôi, một kẻ ngoại đạo, không phải là nhà ngôn ngữ học. Viện có sự tham gia của các nhà ngôn ngữ học tầm cỡ, sẽ có đóng góp rõ nét hơn về chiến lược này…
Giáo sư còn muốn gửi gắm những ý tưởng gì xung quanh công việc ý nghĩa này?
Sang năm 2019, sẽ là năm kỷ niệm 100 năm ngày vua Khải Định xuống chiếu chấm dứt các khóa học và khoa thi chữ Hán, công nhận chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thức của dân tộc Việt trên toàn cõi Việt Nam.
Viện chúng tôi sẽ đứng ra tổ chức một hội thảo quốc tế về chữ Quốc ngữ và tiếng Việt. Chúng tôi mong có được sự hưởng ứng đóng góp của đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Trân trọng cảm ơn giáo sư.
Nguyễn Thị Bích Hậu