1. Một nhánh họ liên tục chuyển cư và có quan hệ thông gia, bằng hữu với nhiều cự tộc, danh sỹ xứ Nghệ
Họ ta vốn dòng thế gia nho học, đời đời theo nghiệp thi cử– đó là câu mở đầu bản phả họ Nguyễn - Uy Viễn. Cụ tổ đầu tiên của dòng họ là Nguyễn Anh Mại, hiệu là Nam Hiên tiên sinh, “vì binh hỏa di cư tới thôn An Phúc, xã Bạch Đường, huyện Nam Đường” (xã Bạch Đường nay là xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, nhiều người nhầm xã Bạch Đường nay thuộc huyện Nam Đàn – VHH chú). Truy tìm các tư liệu khác cũng không cho ta biết thêm thông tin gì về dòng họ này trước khi đến Bạch Đường; chỉ biết cụ tổ Anh Mại sinh ra cụ Nguyễn Công Huy, còn có tên khác là Nguyễn Minh Kinh (theo gia phả, tự Cảnh Trực, hiệu Hối Trai, thụy Chất Nghị tiên sinh). Cụ Công Huy nhà nghèo nhưng học giỏi nên lấy được con gái thứ 5 của Liêu quận công Đặng Sỹ Vinh là Đặng Thị Thiệp, sau đó chuyển cư về quê vợ ở Uy Viễn, Nghi Xuân và sinh ra Nguyễn Công Tấn, bố của Nguyễn Công Trứ. Đặng Sỹ Vinh là hậu duệ đời thứ 10 của Quốc công Đặng Tất ở làng Tĩnh Thạch, huyện Thiên Lộc (nay là Can Lộc), con ông là Đặng Chủng (em Đặng Dung) lánh nạn về Tiên Điền và trở thành vị Tổ của họ Đặng huyện Nghi Xuân – một cự tộc uy danh sánh ngang họ Nguyễn – Tiên Điền thời bấy giờ. Đặng Sỹ Vinh đỗ Hoành từ năm Bính Tuất (1706), làm Tri huyện Đông Thành, Tri phủ Thuận Thiên, là nhạc phi của Xuân quận công Nghiễm (Nguyễn Nghiễm có hai bà vợ đều là con gái của Đặng Sỹ Vinh, bà Đặng Thị Dương là mẹ Nguyễn Khản, bà Đặng Thị Duyệt là mẹ Nguyễn Điều) nên sau khi mất được giao phong Đô ngự sử, tước Thiếu bảo, Liêu quận công. Trong dòng họ Đặng ở Nghi Xuân có Hải nhân hầu Đặng Nộn (đời thứ 5) lập nghiệp ở thôn Trung Lữ Vạn, xã Bạch Đường; có thể cụ tổ Anh Mại khi lánh nạn về Bạch Đường đã được cụ Đặng Nộn giúp đỡ và mai mối cho con trai (Nguyễn Công Huy) lấy con gái của Đặng Sỹ Vinh. Chị gái của vợ Nguyễn Công Huy, bà Đặng Thị Phương là chính thất của Thái Bộc Tự khanh Đặng Sỹ Bàng, cũng quê ở Uy Viễn, đậu thi Hương khoa Mậu Tý (1708), tiếp đó đỗ Hoành từ, từng giữ nhiều chức vụ, đã từng dịch bộ sách Kinh Dịch ra diễn ca Quốc âm. 5 cô con gái của Đặng Thái Bàng và bà Đặng Thị Phương lần lượt được gả cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Tri phủ Phan Huy Diễn, Thái nhạc quận công (không rõ tên), Tri phủ Tiên Hưng Nguyễn Công Tấn (bà Đặng Thị Tần) và Tam giáp Tiến sĩ Nguyễn Khản. Như vậy, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Công Tấn (bố Nguyễn Công Trứ) và Nguyễn Khản (anh trai Đại thi hào Nguyễn Du) là bạn đồng hao, có bố vợ là Thái Bộc Tự khanh Đặng Thái Bàng, ông nội vợ (cũng là bố vợ Nguyễn Nghiễm) là Liêu quận công Đặng Sỹ Vinh.
Theo gia phả (GP), cụ Nguyễn Công Tấn và chính thất ((Từ Tuệ nhụ nhân Đặng Thị Tần) có 4 người con, hai trai hai gái. Cụ Tấn có 3 vợ, hai bà người họ Đặng và một bà họ Nguyễn (là mẹ của Nguyễn Công Trứ). Anh trai cụ là “quan viên tử triều Lê, quản Tiền quản kiện đội, tước Mai Lĩnh bá, kiêm Thông huyện bản huyện, hiệu Anh Lãng, tự Cương Nghị phủ quân”. Một người em trai của cụ là “Lê triều quan viên tử Nguyễn nhị lang, tự Đĩnh Đạt, hiệu Thanh Hiến”.
Các thế hệ cũng đều có quan hệ thông gia với một số họ lớn trong vùng như chị gái của Nguyễn Công Trứ, bà Nguyễn Thị, hiệu Diệu Điển thiền sư làm dâu họ Nguyễn – Tiên Điền (vợ của Trang tiết hiệu úy Nguyễn Đống); vợ cả của Nguyễn Công Trứ, bà Đặng Thị là cháu gái của Thái Bộc tự khanh Đặng Thái Bàng; hai cô con gái của ông Hy Văn được gả về họ Trần ở Đan Phổ - bà Nguyễn Thị Sương lấy ông Trần Trọng Kiên[3], chú ruột học gia Trần Trọng Kim, bà Nguyễn Thị Quyên (con gái út của ông Hy Văn) lấy Tú tài Trần Văn Ý...
Dòng họ này cũng có quan hệ mật thiết với danh tộc Lê Sỹ ở xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, nơi có hai anh em Lê Sỹ Triêm, Lê Sỹ Bàng cùng đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn, năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736)[4]. Nên sau khi cụ Đức Ngạn hầu qua đời, Nguyễn Công Trứ được gửi vào học tại đây, được danh nho Lê Sỹ Lạng, tằng tôn Lê Sỹ Triêm trực tiếp dạy dỗ và nhận làm con nuôi.
2, Một gia đình với nhiều người cương trực, nghĩa liệt, được nhân dân kính trọng, tôn thờ
Mẹ mất sớm, thuở nhỏ Nguyễn Công Tấn được bà nội chăm nuôi ăn học, “sinh kế trong nhà tạm đủ”, trúng Hương giải năm 24 tuổi, sau đó trúng tứ trường kỳ thi Hội, sơ thụ Giáo thụ phủ Anh Sơn; sau được bổ làm Tri huyện Quỳnh Côi, Thái Bình, được thăng Tri phủ Tiên Hưng – coi dân như con nên được dân coi như cha mẹ..., đi đến đâu cũng đều làm cho dân được yên ổn, hòa thuận (GP). Ông được đặc ban Tham tán Sơn Nam xứ bộ đạo, chức Nhung vụ, tước Đức Ngạn hầu. Khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc, kinh thành thất thủ, vua Lê Chiêu Thống rời Thăng Long xuất hịch Cần Vương, ông “được lời trung nghĩa kích động, bèn thông cáo cho con em cố gia thuộc hạ trong quận cùng các vị thổ hào sở tại đem quân ứng nghĩa” (GP). Sau khi thế cùng lực kiệt, cũng không kịp theo đoàn vua tôi Lê Chiêu Thống chạy về Vạn Ninh rồi sang cầu viện nhà Thanh[5], Đức Ngạn hầu trở về quê Uy Viễn thì nhà cửa đã bị phá sạch, “ông bèn dựng lại, thu nhận học trò mở trường dạy học. Tây Sơn mời năm lần bảy lượt nhưng không chịu ra, an bần lạc đạo cho đến trọn đời” (GP). Theo “Nghi Xuân huyện thống chí”, ông có mấy câu thơ Nôm: Năm đấu tham chi lộc Tống; Một vuông cởi được ấn bành; Cửa liễu gió trăng mát mẻ; Dằm hoa gai góc cũng đành... Ông được người thời đó ngợi khen là trung tiết vẹn toàn.
Trong ba người con gái của Nguyễn Công Tấn, đặc biệt có bà Nguyễn Thị Muội, hiệu Diệu Điển thiền sư, là “người có nhan sắc lại thông tuệ, từng thiệp liệp kinh sử, giỏi văn thơ, được mọi người ví như Thái Cơ, Tạ Uẩn” (GP). Năm 16 tuổi, bà lấy chồng là Trang tiết Hiệu úy Nguyễn Đống, con trai cả của quan Tham chính, cháu ông Tham đốc họ Nguyễn ở xã Tiên Điền, sau ba năm bà sinh con gái nhưng rồi chống mất, con gái cũng chết, bà đã toan chết theo chồng con nhưng được mọi người ngăn cản lại. Lúc bà 20 tuổi, quân Tây Sơn bình định miền Bắc, thân thích nhà chồng chạy loạn hết (dinh cơ họ Nguyễn – Tiên Điền cũng bị đốt phá, thiêu rụi), bà làm nhà cạnh nhà cũ của chồng, suốt ngày đóng cửa cài then. Có viên Trấn thủ Nghệ An là Trần Thận biết được phẩm hạnh của bà, cho người đến mai mối. Gia phả ghi câu trả lời của bà: “Thân góa bụa chưa chết này thường nghe: người phụ nữ thờ chồng cho đến chết, nay chồng vừa mất, đã không chết được theo chồng lại “ôm đàn tỳ bà qua thuyền khác” thì còn mặt mũi nào đứng ở trong đời. Nhờ nói giùm tôi như vậy. Nếu bị ép buộc, tôi chỉ còn đường trẫm mình xuống dòng nước xanh mà kết liễu cuộc đời thôi”. Viên Trấn thủ biết không lay chuyển được nên ngay đêm ấy đem quân bủa vây nơi ở; nghe có biến, bà sai người hầu mang áo dài trùm kín lẻn ra ngoài. Mấy tháng sau người nhà mới biết bà đã trốn vào chùa Đỗ Phật ở xã Thuần Chân, huyện Thiên Lộc (nay là xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc), cắt tóc đi tu. Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), bà được ban cờ Tiết nghĩa, ban sắc “Trinh tiết khả phong”. Lúc bấy giờ Nguyễn Công Trứ (em trai bà) đang làm Tổng đốc Hải Yên đã xuất tiền lệnh cho bản xã sửa lại chùa Viên Quang[6] ở quê đón bà về trụ trì; còn biển vàng vua ban thì bản xã dựng ngôi nhà ngói phía tây treo lên “để làm rõ ân điển triều đình”, ngôi nhà này được nhân dân địa phương gọi là Đình Trinh Tiết. Sau khi bà Diệu Điển mất (năm Thiệu Trị thứ 2, 1841), chùa và đình đều bị hư hại nặng; năm Tự Đức thứ 28 (1875, lúc đó Nguyễn Công Trứ cũng đã qua đời), con cháu mới tìm địa điểm mới dựng lại am và đình, trong am có câu đối: Dương dương chính khí từ vân hợp; Hách hách trinh tâm bạch nhật huyền (Rỡ ràng chính khí mây từ hội; Son sắt lòng trinh giữa đất trời). Bài Đề từ trong am cũng khá dài, có đoạn: Lúc sống được ban cờ tiết, mất đi còn mãi tiếng thơm; chính khí cùng Hồng Lam sống mãi; thanh danh cùng trung hiếu vẹn tròn. Do vậy, sau trăm năm tiếng thơm vẫn hưng khởi lòng người, chứ đâu phải tán dương mà được vậy...
Tên tuổi bà và chùa Viên Quang, Đình Trinh Tiết đã được sách Nghi xuân địa chí của Lê Văn Diễn ghi chép, trong mục Liệt nữ, Chùa chiền, Đình[7]và nhiều sử sách đề cập đến.
Sách này cũng ghi chép về bà Đặng Thị Minh, người vợ cả gắn bó với Nguyễn Công Trứ lúc hàn vi tại quê nhà Uy Viễn (cưới năm 1796, lúc NCT 18 tuổi). Bà là con gái lớn của Phấn Lực tướng quân, tước Duệ Xuyên bá Đặng, là cháu gái của Đặng Thái Bàng, về với ông Hy Văn khi nhà rất nghèo khổ, hạt muối mắm đều nhờ ở bà – “Buổi mai, đội thúng không úp thay nón đi vay, đến trưa vay được gạo và thức ăn, lại ngửa thúng đội về. Giữa khoảng mùa hè sang mùa thu giáp hạt, bà đi làm thuê nhổ cỏ ruộng, chạy gạo từng bữa, không một lời oán thán. Bạn bầu qua lại, bà ân cần khoản đãi, đêm không có đèn, bà rút phên làm đuốc thắp lên soi sáng để khách ngồi chơi. Bởi vì ông Hy Văn giao tiếp rộng nên nhiều bầu bạn. Đến khi hiển đạt, bà thành mệnh phụ, nhưng vẫn cần cù không hề lười nhác, bà lại sắp xếp khuyên răn các bà vợ thiếp nàng hầu có khuôn phép nên mọi người không dám khinh lờn. Bà thương yêu con vợ thiếp như con mình sinh ra”[8]. Bà sinh được 2 con trai là Hi Cát, Hi Khương.
Theo Gia phả, Nguyễn Công Trứ sinh vào giờ Thìn ngày 01 tháng 11 năm Mậu Tuất, tức ngày 19/12/1778 tại xã Địa Linh, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam Hạ (nay là huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) khi Nguyễn Công Tấn đang làm Tri huyện tại đó. Mẹ ông là bà kế thất Nguyễn Thị Phan (hiệu Từ Dụ nhụ nhân), thứ nữ của Nguyễn Quý công (không rõ tên), làm Quản nội thị nhạc bá, quê xã Phượng Dực, huyện Nhị Phúc, trấn Sơn Tây (có tài liệu dịch là huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam, nay là huyện Thường Tín, Hà Nội, vì tra trong tư liệu cũ trấn Sơn Tây không có huyện Nhị Phúc?). Ông có 13 vợ, 28 người con, 14 trai, 14 gái. Trong số con cháu của ông, nổi lên ba nhân vật sau đây.
Đó là hai chú cháu Nguyễn Công Huân, Nguyễn Công Trường tham gia phong trào Cần Vương từ rất sớm. Nguyễn Công Trường là con của Nguyễn Công Ngạc (con trai thứ ba của Nguyễn Công Trứ; Ấm sinh Quốc Tử Giám, đỗ Tú tài, sung Thừa biện khảo hiệu bộ Công), tên tự là Tôn Hoằng, hiệu Thủ Trai, có khiếu thư - hoạ (viết và vẽ) và sở thích về cơ khí. Từ năm Quý Dậu (1873), sau ngày thành Hà Nội bị đánh chiếm, ông được cử nhân Dương Doãn Hài quê huyện Quỳnh Lưu tiến cử làm Bang biện; năm 1883, Tuần phủ Nguyễn Quang Bích lại tiến cử ông làm quyền Lĩnh tri huyện huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.Đầu năm 1884, tỉnh thành Phú Thọ thất thủ, ông tạm lánh vào các làng quê, do không hợp thuỷ thổ, lại nghe tin ở Nghệ Tĩnh phong trào Văn Thân nổi dậy rất mạnh, nhà còn có mẹ già, nên ông cương quyết trả ấn về quê.Hưởng ứng chiếu Cần Vương,ở Đức Thọ, Ấm sinh Lê Ninh đứng ra tổ chức lực lượng, lập đại đồn Trung Lễ; Cử nhân Nguyễn Lương Cận cùng với cha là Tế tửu Nguyễn Liên tổ chức lực lượng ở huyện Can Lộc; Nguyễn Công Trường là một trong những người đầu tiên ở huyện Nghi Xuân đứng ra tổ chức lực lượng, quyên góp tiền gạo, tập luyện nghĩa binh, sẵn sàng chờ lệnh.
Nguyễn Công Huân là con trai thứ của Nguyễn Công Trứ. Từ Ấm sinh, xuất thân nghề võ, làm Hiệp quản cơ tỉnh thành Hà Tĩnh. Khi triều đình đã kí hàng ước với Pháp, ông ngán ngẩm bỏ về quê. Lúc Nguyễn Công Trường đứng ra tổ chức lực lượng Cần Vương ở Nghi Xuân, ông đã giúp cháu trong việc tuyển mộ, phiên chế, tập luyện. Chưa đầy một tháng, nghĩa binh gia nhập đã có hàng nghìn người. Tháng 10 năm ấy, một cuộc xung đột nổ ra giữa lực lượng kháng chiến với bọn phản động chống phá kháng chiến ở vùng Châu Sơn – Can Lộc. Bên phía địch có quân Pháp và lính ma tà giúp sức. Bên phía lực lượng kháng chiến có sự hợp đồng nghĩa quân hai huyện Can Lộc và Nghi Xuân. Trong cuộc xung đột ấy, nghĩa quân Cần Vương lâm vào thế bất lợi; khi rút quân, bị địch phục kích. Cả hai chú cháu Thương biện Nguyễn Công Trường và Hiệp quản Nguyễn Công Huân đều hi sinh; Bang biện Nguyễn Lương Cận cũng bị tử trận. Nghìn thu nghĩa khí vẫn đường đường – đó là câu thơ các sĩ phu hồi đó ca ngợi những danh sỹ đầu tiên đã gan dạ hi sinh trong phong trào Cần Vương cứu nước[9].
Một người con gái của Nguyễn Công Trứ là bà Nguyễn Thị Quyên (1830-1897) được gả cho Tú tài Trần Văn Ý ở xã Đan Phổ, huyện Nghi Xuân, nên thường gọi là bà Tú Ý. Bà rất thông tuệ, có tài thơ, nhưng rất tiếc hầu hết các tác phẩm đã bị thất lạc. Trong sách “Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ”[10] chỉ ghi chép lại được 5 bài thơ của bà, phần nào thể hiện tâm sự uất ức trước cảnh nguy biến của đất nước, chí khí muốn hành động... Bài “Thế sự như nay”...
Thế sự như nay đã đổi rồi
Đá vàng âu cũng đổ mồ hôi
Nom lên Hồng Lĩnh mây tuôn ngược
Ngó xuống Lam Giang nước chảy xuôi
Còn nước, còn non, còn vũ trụ
Có trời, có đất, có vua tôi
Ai về nhắn với phường hào kiệt
Phải tính răng đây há lẽ ngồi?
Hoặc đoạn cuối trong bài “Khóc chồng”:
Hầu dễ vàng phai cùng đá nát
Nhớ khi rượu sớm với trà trưa
Chon von Hồng Lĩnh lòng son thắm
Trải mấy năm trời những nắng mưa...
Một người chị của bà, bà Nguyễn Thị Sương lấy ông Trần Trọng Kiên (chú ruột của học giả Trần Trọng Kim) cũng ở xã Đan Phổ đã tần tảo chăm lo gia đình, động viên chồng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp; ông Kiên đã hi sinh trong trận đánh ở Phú Gia, Hương Khê, được dân địa phương tôn làm Thành hoàng làng...
*
* *
Tuy có quan hệ thông gia, bằng hữu với nhiều cự tộc, danh sỹ; trong gia đình cũng có nhiều người hiển đạt giữ các trọng trách lớn nhưng gia cảnh họ Nguyễn Công ở quê hương Uy Viễn, Nghi Xuân lại hết sức thanh bần. Hoàn cảnh gia đình khi Nguyễn Công Trứ chưa đỗ đạt làm quan thì đã rõ – Kìa ai, bốn bức tường lau, ba gian nhà cỏ/ Trên kèo mọt trổ vẽ sao, trước cửa nhện chăng màn gió/ Phên tre ngăn nửa bếp nửa buồng..[11]. Khi hưu quan về quê, gia sản ông cũng chẳng khá hơn gì; đặc biệt sau khi ông mất, con cháu phiêu dạt nhiều nơi, những người ở lại quê đời sống rất nghèo khó. Gia phả có chép lại Tờ tấu của các quan trong phủ Phụ chính, đề ngày 25 tháng 6 Duy Tân năm thứ 7 (1913), trong đó có đoạn: “Bọn chúng thần đã trực tiếp xem xét quê quán của viên quan ấy (chỉ Nguyễn Công Trứ - VHH) hiện chỉ còn 4, 5 người cháu đích tôn đều nghèo khó. Từ đường tre nứa vài gian, hương khói thê lương. Ông cha họ có công vì dân khai phá đất đai mà con cháu cơ nghiệp không có tấc đất cắm dùi...”
Mặc dù dòng tộc và Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ không để lại cho quê hương, con cháu một công trình cụ thể nào như nhiều dòng tộc, danh nhân khác trong vùng, nhưng gia đình ông đã đóng góp cho đất nước, hậu thế những vùng đất khẩn hoang trù phú ở Bắc Bộ, Nam Bộ, tạo ra những “Kỳ nhân” được người đời ngưỡng mộ, và đặc biệt, một kho tàng di sản văn hóa rất phong phú, đa dạng. Ghi nhận công lao to lớn của ông, ngoài việc lập đền thờ, khắc bia khi ông còn sống (lập Sinh từ) ở Tiền Hải, Kim Sơn, nhân dân hai huyện này trong năm 1913 đã quyên góp được 725 đồng 2 hào 2 xu (GP) để trợ cấp cho con cháu tại Uy Viễn dùng vào việc tu sửa từ đường, mua một ít ruộng lo việc hương khói. Khi ông hưu quan, dân trong vùng nhất mực kính trọng, gọi ông bằng danh xưng “Cố Lớn”; chị gái ông được dân sở tại lập am miếu, đình thờ...
Thiết nghĩ, để lại cho đời và được nhân dân đương thời, hậu thế ứng xử như vậy, hầu dễ có mấy người!
[1] Trần Quốc Vượng (2006), Dặm dài đất nước, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 292
[2]Nghi Xuân Uy Viễn Nguyễn gia thế phả, bản chữ Hán, sao từ bản lưu giữ tại gia đình cụ Nguyễn Công Hoạch, cháu trực hệ của Nguyễn Công Trứ. Ở Thư viện Viện Hán Nôm có Gia phả tập biên, kí hiệu A.3075, mục Nghi Xuân Uy Viễn Nguyễn gia thế phả. Bản chúng tôi dùng là tư liệu lưu trữ tại gia đình, có tham khảo bản dịch thô chưa hiệu đính của Đào Thái Tôn.
[3]Theo Gia phả họ Trần làng Kiều Lĩnh, Đan Phổ thì Trần Trọng Kiên (1841-1885) là em trai Trần Bá Huân (1838-1894) – thân sinh Lệ thần Trần Trọng Kim. Hai anh em cùng tham gia phong trào Cần vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo từ rất sớm, hoạt động ở vùng Phú Yên, Vụ Quang. Trần Trọng Kiên hi sinh ngày mồng 3 tháng Tám năm Ất Dậu, 1885, được dân làng Phú Yên (nay thuộc xã Phú Gia, Hương Khê) thờ làm Thành hoàng. Ông Trần Bá Huân tiếp tục chiến đấu và mất năm Giáp Ngọ, 1894.
[4]Lê Sỹ Triêm là anh trai của Lê Sỹ Bàng. Theo nội dung Văn bia số 67 dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội về Khoa thi Bính Thìn, năm Vĩnh Hựu thứ 2, 1736, Lê Sỹ Bàng đỗ Tiến sĩ xuất thân đệ nhị giáp (chỉ có 01 người), Lê Sỹ Triêm đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân đệ tam giáp (xếp thứ 1/12 người).
[5]Có tài liệu chép ông bị quân Tây Sơn bắt ở chợ Diên Phái, dân trong vùng kéo đến xin cho nên được tha về.
[6]Trong sách Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diễn (Võ Hồng Huy dịch, hiệu đính), Nxb Thanh Niên, H.2010, trong mục Chùa Viên Quang (tr.117) viết: “ở xã Uy Viễn. Khoảng năm Vĩnh Hựu (1735-1740), quan Đặng Hiến Phó đã cho sửa sang lại. Xuân Nhạc công (Nguyễn Nghiễm) viết văn bia giúp, trong đó có câu: Không vàng son mà tráng lệ; Không rừng suối mà vẫn u nhã (Bất kim bích nhi tráng lệ; Bất lâm tuyền nhi u nhã). Năm Canh Tuất (1850) đời Tự Đức, ông Nguyễn Hy Văn (NCT) cho trùng tu lại và đúc một quả chuông”. Có thể đây là lần trung tu sau khi ông mới hưu quan về quê.
[7]Nghi Xuân địa chí, Sđd, tr. 214, 117, 120
[8]Nghi Xuân địa chí, Sđd, tr. 213-214
[9]Dẫn theo Võ Hồng Huy, Non nước Hồng Lam, Nxb Hội Nhà văn, H. 2010, tr.297
[10]Thái Kim Đỉnh, Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ, Nxb Đại học Vinh, 2016, tr. 576-579
[11]Hàn nho phong vị phú, trong sách “Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử”, Nxb Nghệ An và Trung tâm văn hóa Đông Tây, H.2008, tr. 197