Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN MINH VÀ NHÂN ÁI CHIA SẺ YÊU THƯƠNG

Bích Nga
Thứ năm ngày 27 tháng 7 năm 2017 2:30 PM


Con Người là tạo vật quí giá nhất của trái đất. Bởi thế sinh mạng của con người luôn luôn được trân trọng. Ở nhiều nước, chính sách xã hội phục vụ con người được nhà nước quan tâm và luật hóa. Song hành với những chính sách của nhà nước, nhiều tổ chức phi chính phủ và cá nhân đóng góp cả về vật chất và tinh thần để Con Người xích lại gần nhau, yêu thương nhau. Các nước càng văn minh thì thân phận con người càng được chú ý chăm sóc. Sự sẻ chia không chỉ dừng lại ở cơm, áo, gạo, tiên mà họ còn chia sẻ một phần cơ thể cho nhau, sẻ chia cả đời sống tinh thần và cả trái tim nhân hậu cho nhau. Người cho và người nhận có sự cảm thông và biết ơn sâu sắc.
Có một câu chuyện cứu người ở Mỹ, được viết lại như sau:
Một bé gái gốc Việt tên là Trish Trần, 12 tuổi, sống ở một thị trấn nhỏ ở California, mắc chứng bệnh hiểm nghèo, một chứng rối loạn máu có tên là Aplastic Anemia, bệnh này khiến cơ thể không sản xuất đủ máu, chỉ sống được vài tháng nếu không kịp tiếp máu và tiếp tiểu cầu. Trish luôn luôn phải đi bệnh viện truyền máu. Nếu xảy ra chảy máu thì khó có thể cứu chữa. Bệnh của em chỉ có thể cứu được là cấy tủy của người hợp máu cho em. Cha mẹ của em cũng chỉ hợp được 50%. Chỉ có những người ruột thịt và cùng một dân tộc dễ hợp tủy với nhau và mới ghép tủy cho nhau được. Cha mẹ em vận động những người gốc Việt và nhiều tổ chức khác giúp đỡ nhưng nhiều ngày chưa tìm được người hợp để ghép tủy. Cái chết cận kề Trish. May sao, có tổ chức AADP ( hội ASIAN AMERICAN DONOR PROGRAM) vận động khắp nơi trên đất Mỹ đã tìm được người hợp tủy với cháu bé, tới 97%, là anh Conrado Calanoc, lính hải quân Mỹ, đóng ở Seattle Washington đang nghỉ mát ở California. Anh là người Mỹ gốc Philippines 23 tuổi. Cháu bé được cứu sống. Sau 400 ngày hiến tủy, theo luật y tế Mỹ, hai người mới được gặp nhau. Carado nói: “ Đó là một cảm giác mà tôi không bao giờ quên được. Tôi rất vui vì nhờ một đóng góp nhỏ bé của mình mà cứu được một con người !” Anh nói thêm : “ Nếu sau này Trish cứu sống được người khác nữa thì đây là một chuyện rất đẹp”. Mẹ cháu bé nói: “ Tôi mong rằng Trish sẽ sống một cuộc đời rất xứng đáng để đền đáp lại phép lạ này”. Còn Trish thì nói: “ Em sẽ học ngành bác sĩ nhi khoa và đi đến các nước nghèo để giúp trẻ em ở đó”.
AADP có trang Web là www.aadp.org, là một tổ chức bất vụ lợi, chuyên tìm người hiến tủy cho người cần tủy giúp nhiều người gốc Á châu mắc bệnh hiểm nghèo thoát chết. Jonathan Leong, sáng lập viên AADP nói: “ Nhiều năm làm việc với bệnh nhân, lúc nào chúng tôi cũng hồi hộp khi chứng kiến cảnh người hiến tủy gặp người nhận tủy”. Trong số 816 000 người ghi danh hiến tủy chỉ có 4% người gốc Việt vì thế họ mong tăng cường con số này để nhiều người gốc Việt bị ung thư máu có cơ hội sống sót. Địa chỉ liên lạc của họ là Sally Douglas Arce qua Điện thoại: 510-525-9552, email: sdarce@lmi.net. ( tham khảo bài viết của Đằng Giao)
Có rất nhiều tổ chức và cá nhân ở Mỹ, Anh, Úc, châu Âu…đã sang các nước đang phát triển, còn đói nghèo để giúp họ về vật chất, động viên họ về tinh thần để họ hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Không vụ lợi , không cầu danh, với những tấm lòng cao cả, hết lòng vì Con người, những tổ chức từ thiện và cá nhân đến cả những nơi nguy hiểm để làm từ thiện, có nhiều người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ này ở những nơi có chiến tranh.
Ở Việt Nam, có một người mẹ có con chết não đã hiến tạng của con mình cho 6 người đang thập tử nhất sinh để họ lấy lại sự sống. Trái tim, lá gan và đôi mắt của anh Trịnh Đình Vàng , con bà Cấn Thị Ngần ở xóm 6, xã Tuyết Nghĩa, huyện quốc Oai Hà Nội, sau khi bị tai nạn chết não đã được bà mẹ nén thương đau hiến tặng cho 6 người đang chờ đợi được ghép tạng. Một vị bác sĩ đã nói với bà, nếu phần tạng của anh Vàng hiến tặng thì một phần cơ thể của anh ấy sẽ vẫn sống ở 6 con người, anh ấy không mất đi, không tan vào tro bụi. Phải yêu thương và cảm thông lắm người Việt mới dâng hiến một phần cơ thể của con mình cho người cần để cứu sống họ. Họ phải vượt lên những lời đàm tiếu để cứu người, vì không phải ai cũng cảm thông được việc hiến tạng người thân của mình cho người khác, họ cho rằng làm như thế là đã để con mình chết không toàn thây. Một người mẹ nông dân đã làm điều nhân ái đó, thương người như thể thương thân, rất văn minh và rất cao quí.
Chương trình Trái tim cho em là chương trình do Đài truyền hình Việt Nam và Tập đoàn viễn thông quân đội ( Viettel) tổ chức đã được 8 năm, bằng nhiều hình thức như nhắn tin, truyền hình trực tiếp kêu gọi các nhà hảo tâm giúp tiền để các em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh được mổ cứu chữa. Chương trình được các bệnh viện tim mạch hỗ trợ giải phẫu và sàng lọc bệnh để cứu chữa cho các em. Số tiền quyên góp 8 năm qua đã được trên dưới 10 tỷ VND.
Quĩ Nhân ái Báo Điện tử Dân Trí Việt Nam được thành lập nhiều năm, gần đây đã làm thông báo kết chuyển số tiền 1 391 135 000 VND đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn do các bạn đọc chuyển đến.
Có rất nhiều hình thức sẻ chia với các hoàn cảnh khó khăn của người nghèo, người ốm đau, rủi ro và bất hạnh trên thế giới, từ quốc gia đã phát triển đến những quốc gia thu nhập binh quân tính theo đầu người còn thấp.
Nhiều người Việt ở trong và ngoài nước tham gia công việc từ thiện một cách tích cực. Ở Úc có rất nhiều nơi tổ chức quyên góp từ thiện cho người Việt và những người có hoàn cảnh khó khăn ở đây. Họ tổ chức tại các trường đại học, tại các chùa…bằng những hình thức phong phú. Đến nơi tổ chức ta có thể mua suất ăn buổi tối ( coi như đã đóng góp), đưa thêm tiền tài trợ rồi dự buổi liên hoan văn nghệ. Số tiền quyên góp được giúp sinh viên nghèo nếu tổ chức tại các trường đại học, ở những nơi khác thì số tiền quyên góp sẽ gửi người Việt có hoàn cảnh khó khăn ở Úc và ở Việt Nam. Những Việt kiều ở Úc thấu hiểu việc “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Họ nhớ về quê hương nhưng biết ơn nước Úc đã tạo dựng cho họ cuộc sống tốt. Gần đây, vào ngày 23/6/2017 cộng đồng người Việt tổ chức gây quĩ để sắm thêm thiết bị máy móc cho bệnh viện Fairfield ở Sydney. Một phụ nữ trong đêm gây quĩ đã nói: “Mình ở đây, ăn ở đây, thì mình cũng phải lo cho nơi này, đó là chuyện đương nhiên phải làm. Dù biết rằng mình không đóng góp gì thì chính phủ Úc cũng phải lo, nhưng có được những máy móc do chính cộng đồng người Việt đóng góp, thì tại sao không. Đáng hãnh diện lắm chứ !”( tham khảo bài của Mỹ Linh) .
Không chỉ giúp nhau làm từ thiện về vật chất, nhiều điều ta học được ở nếp sống văn minh của mỗi người, của mỗi nước là lòng nhân ái, niềm vui và sự tận tâm chia sẻ với cộng đồng Con Người. Khi họ mở lòng với ta thì ta biết mình cần làm gì cho xứng đáng với tấm lòng ấy.
Nguyễn Thị Phương Anh, một du học sinh nhận được niềm vui từ sự quan tâm của người dân ở New Zealand. Cô kể lại: “Tôi đi làm thêm từ 6 giờ, chưa có ô tô Bus. Tôi phải đi bộ từ nhà đến chỗ làm. Tôi ngạc nhiên khi bất cứ xe hơi nào chạy ngang qua cũng dừng lại và người chủ mở kính xe hỏi tôi có muốn đi nhờ không”. Sự thân thiện và lòng hảo tâm của những người xa lạ khiến cô trở thành người cởi mở và nhiệt thành hơn ( tham khảo bài của Song Thao)
Ở Việt Nam, chương trình Trái tim cho em, những bữa ăn từ thiện ở bệnh viện, cho người nhà bệnh nhân thuê nhà với giá rẻ, gửi áo rét lên vùng cao, hiến máu nhân đạo, hiến tạng sau khi chết não, . quyên góp ủng hộ người nghèo… ngày càng phát triển. Văn minh và lòng nhân ái đang đồng hành.
Chiến tranh, bất ổn, đói nghèo, bệnh tật… hoành hành nhiều nơi trên thế giới nhưng những con người vẫn xích lại gần nhau , yêu thương, cảm thông và chia sẻ.
Ngày nay cuộc sống của con người ngày càng văn minh. Nếp sống văn minh được hình thành không chỉ qua phương tiện lao động sản xuất, khoa học kỹ thuật…mà nó được hình thành qua nếp sống, nếp nghĩ , qua sự yêu thương và lòng nhân ái. Sống trong nhà lầu cao sang, nghỉ khách sạn 5 sao khi đi du lịch, đi xe hơi đời mới nhất và sang chảnh nhất nhưng vô cảm, không biết sẻ chia hoặc sẻ chia chỉ để lấy danh cũng chưa phải đã có nếp sống văn minh đích thực. Văn minh là đỉnh cao của văn hóa, hướng tới nó không chỉ có trí tuệ. Văn minh còn được trái tim chỉ dẫn, một trái tim đầy ắp sự yêu thương./.
( Bài viết có tham khảo trên Internet và trích dẫn bài viết của một số tác giả đã ghi tên trong bài)