Lau nước mắt đi nào, em của anh
Khóc thế đủ rồi còn mẹ già con dại
Em hãy đứng lên đi, anh mong em vững chãi
Phía trước đường còn xa ngái phải không em?
Lau nước mắt đi nào em thân yêu
Hãy mỉm cười thật tươi và bước về phía trước
Anh ở lại nơi đây giữa mênh mông sóng nước
Vẫn trong lòng mẹ Việt Nam ta
Lau nước mắt đi và đừng mãi xót xa
Anh không thể bên em khi phong ba bão táp
Nên anh muốn em như xương rồng trên sa mạc
Để anh yên lòng hóa sóng giữa trùng khơi
Lau nước mắt đi và bước dưới mặt trời
Bằng những bước chân vô cùng kiêu hãnh
Hãy sống cả phần anh chưa kịp sống
Để anh biết là em đã rất yêu anh.
(Tuổi trẻ- số chủ nhật, 26/6- 2016)
LỜI BÌNH
Vào trung tuần tháng 6 năm 2016, trên đất nước ta đã ra xẩy hai sự cố tai nạn máy bay quân sự liên tiếp: ngày 14/6, máy bay SU-30MK2 do 2 phi công lái bay luyện tập, rơi trên biển, một chiến sĩ đã không trở về. Cách một ngày sau, 16/6, máy bay CASA-212 chở 9 chiến sĩ gồm lính phi công và không quân đi tìm cứu đồng đội, cũng bị nạn rơi trên biến, cả 9 chiến sĩ không sống sót một người nào! Mất người, mất của, một tổn thất rất lớn. Mất của thì còn có thể mua sắm, còn mất người, mất đi cùng một lúc 10 người con ưu tú của quân đội thì biết lấy gì thay thế, bù đắp nổi…!
Thi phẩm này của nhà thơ Trần Thị Lam đã ra đời trong bối cảnh đó. Kiểu thơ trữ tình nhập vai, hóa thân vào linh hồn người đã khuất nói với người đang sống, tuy hiếm nhưng cũng đã từng có. “Người ta chỉ thực sự chết, khi không còn sống trong lòng những người đang sống” (Lỗ Tấn). Người chồng ở đây đã kịp “trở về” với vợ lúc chị cần có anh. Bình sinh, mỗi khi vợ buồn khóc, anh cứ để cho nàng khóc tự nhiên, thoải mái… rồi chỉ việc lấy khăn mu soa lau nước mắt hộ nàng. Nhưng bây giờ thì không thể… Hơn ai hết, anh đồng cảm với người bạn đời đang trong cú sốc tinh thần, bàng hoàng đau xót, đột ngột nhận hung tin: anh đã ra đi mãi mãi. Điệp ngữ “Lau nước mắt đi nào…”, “Lau nước mắt đi…” mở đầu cả bốn khổ thơ, như không thể có lời an ủi nào khác hơn, cứ xoát sâu, làm thổn thức tâm can người đọc. Anh an ủi chị đừng khóc nữa, hãy “ghì lòng”, tĩnh tâm để nghe anh nói. Em “đừng mãi xót xa” vì “Anh ở lại nơi đây giữa mênh mông song nước/ Vẫn trong lòng mẹ Việt Nam ta”. Câu thơ gợi lên sự gần gũi, ấm áp và thiêng liêng. Hồn thiêng của anh vẫn giữa trời xanh mây trắng, giữa biển biếc bao la, đâu khác gì có phần mộ ở trên đất liền.. Ở đâu cũng trong lòng Tổ quốc! Và cao cả hơn: “Để anh yên lòng hóa sóng giữa trùng khơi!”. Hình tượng “sóng giữa trùng khơi”, cách nói khiêm nhường nhưng biết bao ý nghĩa. Sóng vỗ về ôm ấp đất Mẹ quê hương, cho đẹp thêm biển trời Tổ quốc. Nhưng khi cần, sóng sẽ cồn lên dữ đội, quật đổ và dìm đáy biển sâu mọi kẻ thù…! Với sứ mệnh của người lính, còn gì cao quý hơn trung với Nước hiếu với Dân, trung- hiếu đến có thể chết vì lẽ sống ấy. Em hãy tự hào và “Hãy mỉm cười thật tươi và bước về phía trước”. Nếu không phải là anh, thì ai có đủ tư cách, dám khuyên lời này khi ngươi ta đang khóc nấc lên, tuôn dài nước mắt, đầy đau khổ?
Hi sinh cho nghĩa lớn cao nhất là hi sinh tính mệnh. Nghĩa nước anh đã trọn, nhưng tình nhà còn dang dở. Hơn ai hết, anh biết cái gia cảnh của vợ mình “còn mẹ già con dại”. Người xưa cho rằng, ở đời có ba điều bất hạnh lớn: “ ú niên thất phụ mẫu/ Trung niên thất phu thê/ Lão niên vô phụng dưỡng…”.Tất cả gánh nặng từ ba thế hệ: bố mẹ già, con thơ mồ côi bố, bản thân góa bụa, đều đè lên đôi vai gầy của người vợ trẻ. Ta bắt gặp người lính Nga trên mặt trận chống phát xit trong “Đợi anh về” của Simonov, cũng nhắn gửi về người vợ ở hậu phương những lời như thế: “Như em từng đã biết/ Nỗi đau cần phải quên/ Hãy nhìn vào mẹ hiền/ Và các con thơ dại/ Nếu anh không trở lại…”(Hồng Thanh Quang dịch).
Cái hay của bài thơ còn ở thủ pháp hóa thân- nhập vai “kép”. Lơi an ủi của người chồng mang đậm chất lính, nhẹ nhàng, đằm thắm, thiết tha mà rắn rỏi đầy nghị lực. Đó cũng chính là lời “tự tình”, lòng tự dặn lòng, để tự động viên an ủi mình của người vợ. Rằng, chồng ta đã vì sự nghiệp bảo vệ đất nước mà hi sinh giữa tuổi đời trung niên. Thương anh, tiếc anh, dù có khóc đến cạn khô nước mắt, nào anh có sống lại! Rằng, “phía trước đường còn xa ngái…”, ta phải đứng lên vững chãi “bước dưới mặt trời”, vượt qua mọi “phong ba bão táp”, đi tiếp “Bằng những bước chân vô cùng kiêu hãnh”. Rằng, ta phải trọn việc nước việc nhà, chăm sóc mẹ già “lo tròn chữ hiếu”; ta sẽ vừa làm mẹ vừa làm bố thay anh, nuôi dạy con ta trưởng thành, ta sẽ sống cho ta, vui vẻ, lạc quan, yêu đời…Bằng sức mạnh của ý chí và tình cảm, ta sẽ sống hiên ngang “như cây xương rồng trên sa mạc” theo lời di nguyện của anh:
Hãy sống cả phần anh chưa kịp sống
Để anh biết là em đã rất yêu anh.
Những từ ngữ, hình ảnh thơ đẹp ở đây không hề sáo cũ, mà nó đã xua át đi phần gam màu bi thương, làm sáng tươi lên bức chân dung tâm hồn lạc quan của những người phụ nữ có chồng hi sinh vì Dân vì Nước.
Bài thơ mang tính thời sự nhưng không phải là loại “thơ phong trào”, “thơ nhân dịp”, nặng tính ca vè cốt để tuyên truyền như một thời trước đây.
Nhờ đứng vững trên tư cách cách của một người công dân yêu nước, để cho hồn thơ phát sáng, thăng hoa, có thể nói, nhà thơ kịp đến “lau nước mắt” cho những người bạn cùng giới, cùng trang lứa có chồng vừa mới hi sinh và góp phần chia sẻ nỗi đau khôn cùng với các gia đình liệt sĩ. “Lau nước mắt đi nào, em của anh!” xứng đáng đứng trong hàng ngũ những bài thơ hay về đề tài Thương binh Liệt sĩ.
Phạm Văn Chữ