Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KÝ ỨC VỀ NGƯỜI ANH CÙNG HỌC

Hà Lâm Kỳ
Thứ sáu ngày 28 tháng 7 năm 2017 9:41 AM



Năm 1968 tôi vào học lớp 8 tại Trường phổ thông cấp 3 Nghĩa Lộ. Lúc bấy giờ đang chiến tranh, trường sơ tán về Khe Ao Bon, rồi lại chuyển sang Khe Diễn (xã Chấn Thịnh). Khối 8 có hai lớp, tôi ở lớp 8A do Trần Văn Bình làm lớp trưởng. Lớp 8B là Lê Anh Tuấn, cô Hoàng Quang Thiệu làm chủ nhiệm. Anh Tuấn là người Hiền Lương (Hạ Hòa Phú Thọ), cùng Ngô Tùng Thanh, Nguyễn Thị Thanh, Lê Đăng Công, Trương Hiền...vào học. Nhóm học sinh Đại Lịch có Hoàng Văn Xuyên, Nguyễn Thị Ngọc, Bùi Chi Lăng, Hà Đình Ngự cùng tuyến đường, cứ trưa thứ 7 là tất cả đi bộ trên đoạn đường, vượt dốc Lũng Bũm, trở ra Đại Lịch. Các bạn lớp 8B đi qua Đại Lịch, qua Việt Hồng, lên con đò đầm nước Vân Hội rồi về Hiền Lương, cả thảy có tới ba chục cây số.
Lê Anh Tuấn cao to, trắng, rất thư sinh. Tính anh hiền lành, nói chuyện chỉ rủ rỉ, không bao giờ nghe anh to tiếng với ai. Tình bạn học trò ngày ấy rất biết nghe nhau, thương nhau, một phần, nhờ ở người lớp trưởng. Có lẽ tôi hợp với cái “tạng” của anh nên anh em nhanh chóng kết thân, và từ việc tôi thân với anh Tuấn nên tôi và Ngự cũng kết thân với Ngô Tùng Thanh, Nguyễn Thị Thanh, Công, Hiền, và tôn Tuấn làm “anh cả” của nhóm. Về tuổi tác, Lê Anh Tuấn hơn bọn tôi đến hai, ba tuổi. Tôi nhớ, khi tôi và Nguyễn Hữu Chỉnh được kết nạp vào Đội Thiếu niên thì anh và Ngô Tùng Thanh đã đeo huy hiệu Đoàn, đến dự buổi lẽ. Anh là đoàn viên Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, một mơ ước của cả đám học trò đeo khăn quàng đỏ ở trường cấp 3 Nghĩa Lộ thời chiến tranh.
Lê Anh Tuấn ít nói, nhưng đã nói là chắc, giọng anh trầm trầm, sức thuyết phục cao. Lớp 8B có Mạnh rất ngang tính, cả lớp gọi là “Sừa Mạnh” (sừa, hiểu là gỗ cứng, có vỏ xù xì). Sừa Mạnh không được vào Đội mà sau này hết tuổi đội, “lên thẳng” thanh niên! Có lần Mạnh nói với cô Thiệu: - “Em cũng nể lớp trưởng Tuấn mà đi làm thôi” (tức là đi lao động). Mạnh là người ở nông trường Than Uyên về học, nhà nghèo nên có tính tự lập, ít chơi với bạn bè. Ở ký túc xá, ai nấy tự nấu ăn, Mạnh trồng được mấy luống rau cải xanh và nuôi vài con gà, cô Thiệu và anh Tuấn rất khen, khuyến khích cả lớp làm theo.
Tháng 9 năm 1969, Trường đã chuyển từ Khe Diễn ra chân đèo Bẳn ở làng Mỵ. Ngày mùng 9, cả trường tập trung dưới cờ rủ làm lễ truy điệu Bác Hồ. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Bào đọc thông cáo của Trung ương, học sinh Hoàng Văn Xuyên được trường chọn đọc bài thơ “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu. Thầy cô, học trò khóc rưng rức. Ngay ngày đó Lê Anh Tuấn làm bài thơ “Thương nhớ Bác Hồ”. Tối, anh vào phòng chúng tôi: “- Kỳ sang anh”. Tôi đến, Tuấn đọc, rồi lấy khăn mùi xoa lau khóe mắt. Sau này, Nguyễn Phi Đoàn, bạn cùng lớp, ít tuổi hơn Tuấn, học rất giỏi, Lê Anh Tuấn rất quý, Đoàn nói được đọc bài thơ từ sổ tay, còn nhớ hai câu: Thương nhớ Bác, đi theo đường của bác / Giữ lòng son, con Lạc cháu Hồng. Nguyễn Văn Bạch bạn cùng lớp nói: “Mình đã ngâm bài thơ của Tuấn mấy lần, lần nào cũng xúc động”.
Những ngày sơ tán ở Khe Diễn, rồi khe Đèo Bẳn. Thầy trò sống rất khó khăn, mà cũng rất gắn bó. Mỗi lần leo núi Diễn, núi Bẳn chặt nứa về rĩa phá lợp nhà, Lê Anh Tuấn to cao nhưng không khỏe bằng đám bạn trai kém tuổi. Nhìn anh kéo nứa, đào hầm tránh bom hay khiêng vác, có phần chậm chạp hơn mọi người. Ấy vậy mà anh vẫn lặng lẽ làm, không phàn nàn nhờ vả ai. Đám con gái trêu: “- Kết nạp anh Tuấn vào nhóm”, anh cười hiền lành.
Rồi một hôm Vương Đức Nhị tồ tồ nói với tôi và Chỉnh: - Hình như cái Tùng Thanh có cảm tình với Lê Anh Tuấn chúng mày ạ! Tôi và Chỉnh mới được đeo khăn quàng đỏ, chả để tâm, nhưng Đoàn Mạnh Khôi lại chen ngang: “- Không phải từ cái Tùng Thanh, mà anh Tuấn cảm tình với nó”. Đang tếu táo thì lớp trưởng lớp A Trần Văn Bình ở đâu bất ngờ vỗ vào vai Nhị: “- Đoàn viên cả rồi, đi bộ đội được rồi, chúng nó có cảm tình với nhau thì cũng được chứ sao? Mà thôi, dẹp, dẹp chuyện của người khác đi!” Đoàn Mạnh Khôi, Vương Đức Nhị im thít. Sau này, Lê Anh Tuấn đi bộ đội rồi, một lần gặp Thanh, tôi có nhận xét về Tuấn, Tùng Thanh tỏ ra buồn buồn, rồi bất ngờ: “ - Nói thật với Kỳ, từ ngày anh Tuấn có giấy gọi nhập ngũ, mình thấy thương anh nhiều lắm”.
Ngô Tùng Thanh dáng cao, có chiếc răng khểnh rất duyên, luôn cười kín đáo, là một cô gái bản lĩnh và thông minh. Thanh học giỏi, sống được lòng cả cánh bạn bè khó chiều. Suốt ba năm học cấp ba Nghĩa Lộ, Tùng Thanh làm lớp phó phụ trách học tập “kiêm” giảng toán cho cả lớp như lời Vương Đức Nhị.
Chiến tranh ngày một ác liệt, kháng chiến chống Mỹ càng thêm sôi động. Phong trào ba sẵn sáng, năm xung phong, đã sâu vào các đoàn viên thanh niên nhà trường phổ thông. Tháng 5 năm 1970, Trường cấp ba Nghĩa Lộ lần đầu tiên nhận nhiệm vụ tuyển học sinh nhập ngũ. Đợt một này, Lê Anh Tuấn đang học lớp 10 cùng hai đoàn viên trúng tuyển. Cả trường xôn xao, kỳ nghỉ hè lại sắp đến, thầy trò, bạn bè vui buồn trộn lẫn. Có lẽ tôi và Ngô Tùng Thanh là số ít bạn học được Tuấn ưu ái tặng ảnh (ngày đó ảnh rất hiếm). Đêm trăng sáng ấm áp, anh kéo tôi ra mỏm đá ven suối ngồi tâm sự. Dĩ nhiên tôi chỉ biết lặng lẽ nghe anh thủ thỉ. Rồi bất ngờ anh lấy trong túi áo ngực ra tấm ảnh nhỏ: “ – Mấy ngày nữa anh lên đường rồi, tặng em tấm ảnh làm kỷ niệm”. Tôi nhẹ nhành đón và lựa lời cảm ơn.
Sáng 30 tháng 5 năm 1970, toàn trường làm lễ bế giảng năm học lồng gắn nội dung đưa tiễn học sinh nhập ngũ tại sân Hội trường sơ tán (khe Đèo Bẳn làng Mỵ). Thầy Hán Chính Quang, bí thư Chi bộ, giọng quê Bình Định xúc động:
- Đi đi các em, đi đi các em. Đất nước đã gọi, đồng bào miền Nam đang chờ...
Nhóm các bạn gái lớp mười lên hát bài hát Trường Sơn Đồng - Trường Sơn Tây, đến câu “Trường sơn tây anh đi...”, Nguyễn Thị Thanh ôm mặt khóc nức nở, bỏ chạy khỏi tốp ca. Lễ tiễn đưa kết thúc thì cũng là những ngày cuối cùng của năm học. Hôm sau khối lớp 8, lớp 9 bắt đầu nghỉ hè. Tôi, Hà Đình Ngự, Hoàng Văn Xuyên, vẫn có Lê Anh Tuấn và các bạn Hiền Lương cùng đi bộ đoạn đường dài, rồi nắm chặt tay nhau, nắm chặt tay Lê Anh Tuấn ngay trên mảnh đất quê Đại Lịch. Chào các bạn Hiền Lương, chào anh Tuấn. Chúng tôi rẽ vào làng. Nghỉ hè. Ngày mai ôn thi đại học. Xa mọi người, nhất là xa Lê Anh Tuấn, anh về Hiền Lương chờ ngày giao quân, biết bao giờ mới được gặp lại anh. Một cái buồn mênh mang thăm thẳm.
Rồi, chiến tranh. Rồi, cao trào các Trường Đại học tạm đóng cửa, ra trận...!
Khoảng tháng 10 năm 1974, tôi là y tá Quân y Cục hậu cần Mặt trận Tây Nguyên, được tăng cường xuống phục vụ tại một đơn vị an dưỡng của Mặt Trận đóng ở bờ sông Sa Thầy, Công Tum. Nói là “an dưỡng” nhưng thực chất là lớp bồi dưỡng chính trị cho sỹ quan từ Đại đội đến cấp Trung đoàn để chuẩn bị vào chiến dịch lớn. Sau khi tiêm thuốc B12 (loại vitamin bổ máu) cho một đại đội trưởng, anh giữ lại thân tình trò chuyện.
- Quê chú ở đâu?
- Em ở xã Đại Lịch tỉnh Nghĩa Lộ.
- Anh biết Nghĩa Lộ rồi. Nghĩa Lộ có trường cấp ba, em có học ở đấy không?
- Em có, học từ năm học 68 đến 70 (1968 – 1970). Rồi vào Đại học Sư phạm Việt Bắc.
- Thế em có biết ai ở Hiền Lương, Lâm Lợi vào cấp 3 Nghĩa Lộ học không?
- Nhiều anh ạ. Chỉ riêng khóa em đã có Lê Đăng Công, Trương Hiền, Lê Anh Tuấn, Ngô Tùng Thanh...
- Có phải Lê Anh Tuấn cao to, trắng trẻo, trông thư sinh, tính tình...
- Vâng, vâng, đúng anh ạ.
Người sỹ quan Đại đội (tôi không còn nhớ tên, mà cũng không được phép hỏi phiên hiệu đơn vị) chững lại giữa câu nói, rồi như buột miệng:
- Lê Anh Tuấn hy sinh rồi. Tuấn cùng trung đội với mình, khi tiến công lên đánh chiếm điểm cao lần thứ hai, Tuấn bị thương, đồng đội chưa kịp đưa xuống thì một loạt pháo địch dập đúng trận địa. Mình bị thương trước Tuấn, anh em đưa về ĐT 25 (Điều trị 25), đến nửa tháng sau mình mới biết Lê Anh Tuấn hy sinh ngay trong trận ấy.
Tôi chớp chớp mắt. Giữa chiến trường Tây nguyên bom đạn, những kỷ niệm về Lê Anh Tuấn - người anh đồng học - bỗng như dội về, lướt nhanh. Tôi hẹn với Đại đội trưởng, lúc rỗi, anh em sẽ nói lại với nhau về Lê Anh Tuấn, về đất Hiền Lương, Hạ Hòa và Nghĩa Lộ. Nhưng rồi chưa kịp. Hai ngày sau, người sỹ quan Đại đội nhận lệnh gấp rút về đơn vị.
Năm 2000, nhân sắp xếp tủ sách cũ, vô tình gặp tấm ảnh Lê Anh Tuấn tặng năm xưa kẹp trong cuốn “Sổ lưu niệm” ngày học Đại học (1971), lòng dạ tôi như nôn nao khi đọc dòng bút tích Liệt sỹ Lê Anh Tuấn ghi phía sau tấm ảnh tròn 30 năm trước:
“Mến tặng Kỳ tấm ảnh / Nhớ mãi ngày gần nhau / Dù mai ảnh phai mầu / Đừng quên anh, em nhé” / Ngày 27.5 năm 1970 / Anh - Lê Tuấn (chữ ký).
Hôm sau, rồi hôm sau nữa. Đọc, rồi đọc, và nhớ lại cuộc trò chuyện với người chỉ huy Đại đội, tôi lấy bút ghi bên góc trái bút tích: “Anh Tuấn đã hy sinh tại Kong Tum tháng 8 năm 1972”. Nếu lời kể của người sỹ quan đại đội là đúng Lê Anh Tuấn lớp 10B trường cấp ba Nghĩa Lộ, thì có nghĩa chỉ sau mấy tháng, từ nhà trường, đến thẳng chiến trường – mặt trận phía Nam, Lê Anh Tuấn đã chiến đấu và hy sinh anh dũng. Chiến tranh thật nghiệt ngã. Chiến tranh, và, học sinh sinh viên – một thời hoa lửa.
Lê Anh Tuấn ơi, sau anh, nhóm bạn xưa đã tiếp bước trên các nẻo đường. Hoàng Thương Lượng, Lê Đăng Công, Lê Quyết Chiến, Hà Đình Lập, Bùi Chi Lăng, Hà Thắng Nhân... cả thầy Rĩnh dạy môn Lý, vào chiến trường. Lò Văn Quảng, Nguyễn Văn Hoan hy sinh. Vương Đức Nhị, Nguyễn Thị Thanh trở thành bác sỹ. Ngô Tùng Thanh là tiến sỹ kinh tế. Hoàng Văn Xuyên, Hoàng Đình Lợi đi học nước ngoài. Phương, Ngự, Khôi, Bích, Yến... cũng đều là kỹ sư. Mọi người gặp nhau vẫn nhắc và tự hào về lớp học trò cấp ba Nghĩa Lộ một thời trong đó có anh - Liệt sỹ Lê Anh Tuấn.
Yên Bái, tháng 5 năm 2015
Hà Lâm Kỳ
(Nhà văn)