Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÃY ĐỂ ĐƯỢC BÌNH THƯỜNG

Dương Quốc Việt
Thứ bẩy ngày 4 tháng 3 năm 2017 9:47 PM



Lịch sử loài người cho thấy, càng mong manh yếu đuối, rối loạn, thì càng nhiều lý sự rối rắm, chiến tích, danh hiệu, bằng sắc, minh chứng mơ hồ. Bức tường sừng sững với dây leo quanh mình. Một ngày kia dẫu tường có đổ, nhưng dây leo vẫn còn. Ấy là một hiện tượng tự nhiên bình thường. Nhưng chết nỗi là không ít những kẻ giáo điều-lươn lẹo, lại ra công ca tụng cái khí phách và bản lĩnh của dây leo… Ô hay, đã là dây leo thì chúng chỉ cần có chỗ bám là chúng sống được, nhưng nguyên cớ nào người ta lại cứ cố làm cho điều bình thường trở thành phi thường (!?) Hóa ra thiên hạ vẫn luôn tồn tại những thuyết lý về sự trường tồn của dây leo. Dây leo vốn không có hình thù, mà hình thù của chúng phụ họa theo hình thù của vật mà chúng bám. Ấy thế mà nhung nhúc một lũ ăn không ngồi rồi, cứ ra công tô vẽ cho hình thù của nó. Vì thế mới thành ra, tầng tầng lớp lớp những lý thuyết hổ lốn cho hình thù của dây leo, khiến thiên hạ bị nhồi sọ khốn khổ (!)

***

Xin được dẫn lại (chẳng hạn như từ Cổ Học Tinh Hoa) cuộc đối thoại giữa hai nhà tư tưởng cổ đại Trung Hoa dưới đây, đã để lại cho hậu thế nhiều điều suy ngẫm.

Ngày 1 tháng 9 năm 478 trước công nguyên, Lão Tử (93 tuổi) đi về nước Tần. Lúc đi qua cửa Hàm Cốc, quan Lệnh tên là Doãn Hỷ đã biết trước, nên sai người quét dọn đường để nghênh đón. Gặp Lão Tử, Doãn Hỷ nói: “Tiên sinh Ngài muốn ẩn cư, sau này không còn được nghe Ngài dạy bảo nữa, kính xin tiên sinh viết sách để truyền lại cho hậu thế!”. Lão Tử ở Trung Nguyên chưa từng viết ra điều gì. Ông thấy Doãn Hỷ thành tâm, nên tạm dừng lại nơi này một thời gian ngắn, viết ra cuốn: “Đạo Đức kinh”. Sau đó, Lão Tử ra khỏi cửa Hàm Cốc đi về phía Tây, vượt qua vùng Lưu Sa-một vùng sa mạc lớn ở Tân Cương, rồi không ai biết ông đã đi đâu.

Khổng Tử từng đến kinh đô nhà Chu, thỉnh giáo Lão Tử về lễ chế. Một ngày, Khổng Tử cưỡi một chiếc xe cũ do trâu kéo, lắc la lắc lư tiến vào thành Lạc Dương – kinh đô của nhà Chu. Ông đi lần này mục đích là để tham quan “các nguyên tắc trị nước mà các vị tiên vương đã dùng”, khảo sát “nguồn gốc của lễ nhạc”, học tập “các quy phạm đạo đức”. Và sau khi hoàn thành việc khảo sát lần đó, ông đã nói một câu, được lưu truyền rằng: “Trong số rất nhiều học thuyết trên đời, ta chọn theo (học thuyết) của nhà Chu”. Chế độ lễ nghi thời đại nhà Chu là phỏng theo lễ chế thời đại nhà Hạ và nhà Thương, và Khổng Tử chủ trương sử dụng lễ chế của thời đại nhà Chu.

Khổng Tử bái kiến Lão Tử. Lão Tử hỏi Khổng Tử đọc sách gì, ông đáp: “Chu Dịch”-và Thánh nhân đều đọc sách này. Lão tử nói: “Thánh nhân đọc sách này thì được, còn ông vì sao cần phải đọc nó? Tinh hoa của quyển sách này là gì?”. Khổng Tử trả lời: “Tinh hoa của nó là tuyên dương nhân nghĩa“. Lão Tử nói: “Cái gọi là nhân nghĩa, đó là một thứ mê hoặc lòng người, giống như muỗi rận ban đêm cắn người, chỉ có thể làm người ta thêm hỗn loạn và phiền não mà thôi. Ông xem, con chim Thiên nga kia không cần tắm rửa mà lông vũ tự nhiên vẫn trắng như tuyết, Quạ đen hàng ngày không nhuộm lông mà tự nhiên vẫn đen. Trời vốn là cao, đất vốn là dày, mặt trời mặt trăng từ trước tới nay đã phát ra ánh sáng rực rỡ, tinh thần từ trước tới nay chính là đã được an bài có trật tự, cây cỏ từ lúc sinh ra thì đã khác nhau. Nếu như ông tu Đạo, vậy cũng thuận theo quy luật tồn tại của tự nhiên, tự nhiên là có thể đắc Đạo. Tuyên dương những thứ nhân nghĩa để làm gì đây? Chẳng phải điều đó cũng đáng tức cười như việc vừa đánh trống vừa đi tìm một con dê thất lạc hay sao?”

Lão Tử lại hỏi Khổng Tử: “Ông cho rằng tự mình đắc Đạo rồi chưa?”. Khổng Tử đáp : “Tôi đã tìm cầu 27 năm rồi, vẫn chưa đắc được”. Lão Tử mới nói: “Nếu như Đạo là một thứ hữu hình có thể tìm kiếm và dâng hiến cho con người, thì người ta sẽ tranh giành nó đem dâng tặng cho quân vương. Nếu như Đạo có thể đem tặng cho người khác, thì người ta sẽ đem tặng nó cho người thân. Nếu như Đạo có thể giảng rõ ra được, người ta sẽ đem nó giảng giải cho anh em của mình. Nếu như Đạo có thể truyền thụ cho người khác, thì người ta đều sẽ tranh nhau truyền nó cho con cái mình. Song những chuyện như thế là không thể được. Nguyên nhân rất đơn giản, Đạo ấy chính là thứ mà một người bình thường không thể nhận thức một cách chính xác được, Đạo tuyệt đối sẽ không thể nhập vào tâm của người thường được”.

Khổng Tử nói: “Tôi nghiên cứu ‘Thi Kinh’, ‘Thượng Thư’, ‘Lễ’, ‘Nhạc’, ‘Dịch’, ‘Xuân Thu’, giảng nói đạo lý trị quốc của các vị tiên vương, hiểu rõ con đường thành công của Chu Công, Triệu Công. Tôi đã lấy đó để bái kiến 70 quân vương, nhưng họ đều không chọn dùng chủ trương của tôi. Xem ra người ta thật là khó thuyết phục được!”. Lão Tử nói: “Ông nói ‘Lục Nghệ’ ấy tất cả đều là những thứ xưa cũ của thời đại các tiên vương, ông nói những thứ đó để làm gì đây? Thành tựu tu học mà ông đạt được hôm nay cũng đều là những thứ xưa cũ rồi”.

Khổng Tử thỉnh giáo xong lễ chế nhà Chu, liền quyết tâm trở về nước Lỗ khôi phục lại nguyên xi lễ nghi của nhà Chu. Lão Tử đối với việc này vẫn bảo lưu ý kiến. Bởi vì lễ tuy là cần phải có, nhưng muốn khôi phục toàn diện lễ nghi nhà Chu, e rằng không thể làm được. Thời thế thay đổi, chút lễ nghi nhà Chu ấy cũng không thích hợp với tình huống đương thời nữa. Vì vậy Lão Tử nói với Khổng Tử: “Ông theo lời những người đó, xương cốt của họ đều đã mục nát cả rồi, chỉ là những lời bàn luận của họ là còn tồn tại mà thôi. Hơn nữa quân tử gặp được thời cơ chính trị thì liền theo chính, thời cơ không thích hợp thì cũng như cây cỏ bồng kia gặp sao yên vậy. Tôi nghe nói: Người giỏi kinh doanh đem cất giấu của cải hàng hóa, không cho người thác trông thấy, mặc dù giàu có nhưng dường như cái gì cũng không có. Người quân tử Đức cao thường bề ngoài cũng giống như người ngu độn, không để lộ chân tướng ra ngoài. Ông cần phải vứt bỏ tâm kiêu ngạo và dục vọng, vứt bỏ tâm thái và thần sắc mà ông đang có kia đi, vứt bỏ chí hướng quá truy cầu kia đi, bởi vì những thứ này đối với ông chẳng có chỗ nào tốt cả. Đó chính là những gì mà tôi muốn cho ông biết”.

Khổng Tử không biết trả lời ra sao, nhưng vẫn không buông bỏ chí hướng của mình: Đại trượng phu “biết rõ những việc không thể làm mà vẫn làm”. Tham quan xong các vùng đất khác, Khổng Tử cáo từ Lão Tử, mang theo trong lòng những nỗi niềm phấn khởi xen lẫn với thất vọng mà rời kinh đô Lạc Dương của nhà Chu. Phấn khởi là vì học hỏi lễ giáo đã thành công, thất vọng là vì những lời khuyến cáo của Lão Tử. Phía sau lưng ông, một bia đá được dựng lên ghi lại mấy chữ: “Khổng Tử đến đất Chu học hỏi lễ nghi”.

Khổng Tử trở về, 3 ngày không nói chuyện. Tử Cống thấy kỳ lạ, bèn hỏi thầy chuyện là thế nào. Khổng Tử nói: “Chim, ta biết nó có thể bay; cá, ta biết nó có thể bơi; thú, ta biết nó có thể chạy. Có thể chạy thì ta có thể dùng lưới giăng bắt nó, có thể bơi thì ta có thể dùng dây tơ mà câu, có thể bay thì ta có thể dùng cung tên bắn được nó. Còn như con rồng, ta không biết nó làm sao có thể lợi dụng sức gió mà bay tới tận trời cao. Ta hôm nay gặp mặt Lão Tử, ông ấy cũng như con rồng kia thâm sâu không thể đo lường nổi!”.

***

Như dân gian bao đời đã thấy, “rựa mận thịt chó” chỉ có một, nhưng “giả cầy” thì nhiều vô kể. Thậm chí rồi đây món thịt chó có bị tuyệt diệt, thì thị trường của các món giả cầy, chắc vẫn trường tồn (!) Chỉ có điều, giá mà người ta có thể nói rõ là “giả cầy” gì đó hẳn hoi, chứ không nên nhầm lẫn, hay dối trá giả cầy là thịt cầy (!) Nhưng tiếc thay, thói thường, mặc dù thuyết của bọn dây leo chắc chắn là giả cầy, nhưng chúng thì lại không tin là giả cầy, mà chúng tin là thật, bởi có thể chúng chưa biết đến món “rựa mận thịt chó” bao giờ, hoặc giả chúng cố chấp tự huyễn hoặc mình, mà đánh lừa người ?!

Dường như những triết thuyết của những hàn sĩ lao khổ, bất đắc chí thường dễ thoát ly hiện thực, và có vẻ đòi hỏi sự công bằng hơn những triết thuyết của các quý tộc gia có cuộc sống sung túc. Nếu như Đức Khổng Tử ngài sớm được đắc chí, hoặc giả người sinh vào thời thiên hạ phồn thịnh, thì chắc gì hậu thế đã được thụ hưởng giáo lý của người, trong suốt mấy nghìn năm qua như đã có. Để đến tận ngày nay, kẻ khen người chê vẫn không dứt. Nhưng dường như để giữ được sự thăng bằng, bình thường theo dòng chảy của tạo hóa, nhân loại luôn bị trả giá từ những điều bất bình thường, bất tự nhiên, xuất hiện thường trực, bởi cảm nhận được đầy đủ thông điệp của tự nhiên, của tạo hóa, luôn là những thách thức đối với con người.

_________________________

Ghi chú: Lão Tử đã để lại nhiều câu khiến hậu thế luôn phải ngẫm suy.

1. Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì bình.

2. Nếu muốn được tất cả, phải từ bỏ tất cả.

3. Hiểu người là khôn, hiểu được mình mới là khôn thật sự.

4. Nếu biết vạn vật đều thay đổi, thì bản thân không nên cố nắm giữ điều chi.

5. Ai vội vàng tiến lên phía trước đều không thể đi xa.

6. Ai muốn hiển thị mình sẽ tự làm lu mờ bản thân.

7. Ai muốn chứng thực bản thân sẽ không tự biết bản thân mình là ai.

8. Ai muốn ước chế người khác thường không tự ước chế bản thân mình.

9. Không còn sự đối chọi, ma quỷ tự tiêu tan.

10. Nếu biết nhìn vào tâm mình, anh có thể tìm thấy tất cả các câu trả lời.

11. Nhu thắng cương, tĩnh thắng động.

12. Hãy để mọi chuyện tùy kỳ tự nhiên.

13. Nếu người muốn co lại, trước hết hãy cho phép nó duỗi ra.

14. Những khởi đầu tốt đẹp thường được ngụy trang thành một đoạn kết bi thảm.

15. Chú tâm đến sự công nhận của người khác rồi người sẽ trở thành tù nhân của chính họ.

16. Nếu một người có thể nhận ra mình không thiếu thứ gì, cả thiên hạ đã thuộc về người đó.

16. Vô hình vô tướng là niềm an lạc nhất.

17. Bậc trí tuệ là người biết những gì mình không biết.

18. Khi bạn hài lòng đơn giản là chính mình, không so sánh hay cạnh tranh với ai, tất cả mọi người sẽ tôn trọng bạn.

19. Nếu người muốn từ bỏ, hãy cho phép nó nhảy xuất ra.

20. Nếu người muốn có điều gì, trước hết phải cho đi thứ đó.