Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ MỘT PHÁO ĐÀI BREST CỦA VIỆT NAM

Tâm Minh Nguyễn
Chủ nhật ngày 5 tháng 3 năm 2017 9:19 PM




Trong cuộc Chiến tranh bảo vệ chủ quyền ở biên giới phía Bắc năm 1979, tôi chiến đấu ở mặt trận Lào Cai. Đây là một trong hai hướng chiến lược và quân Trung Quốc tiến công xâm lược nước ta khi đó. Hướng kia là Lạng Sơn. Hàng trăm trận đánh lớn nhỏ đã diễn ra suốt dọc hai bên dải thung lũng sông Hồng từ Bát Xát, Mường Khương, các thị xã Lào Cai, Sa Pa qua Cam Đường, Bản Phiệt, Làng Giàng xuống đến tận Phố Lu. Sau 30 tháng chiến đấu, trên hướng Lào Cai, 11.500 quân địch đã bỏ xác trên các trận địa, 225 xe tăng, xe bọc thép, xe quân sự bị phá hủy, 4 trung đoàn quân Trung Quốc mất sức chiến đấu.
Sau khi chiến sự tạm lắng xuống, qua thông tin trên báo, đài của ta và lời kể của các đồng đội, tôi được biết hướng Lạng Sơn còn ác liệt hơn. Địch chiếm thị trấn Đồng Đăng và một nửa thị xã Lạng Sơn phía Bắc sông Kỳ Cùng. Những câu chuyện về cuộc phòng thủ kéo dài 5 ngày của quân và dân ta tại Pháo đài Đồng Đăng đã khiến cho nhiều người trong chúng tôi liên tưởng đến cuộc phòng thủ huyền thoại của Hồng quân Liên Xô tại Pháo đài Brest, một cứ điểm tiền tiêu lúc bấy giờ của Liên Xô giáp biên giới Ba Lan (hiện nay nằm trên lãnh thổ Belarus).
Và thế là câu chuyện về cuộc phòng thủ bi tráng của quân và dân Lạng Sơn tại Pháo đài Đồng Đăng dần dần hiện ra.


Kỳ I: Trở lại chiến trường xưa.

1- Pháo đài Đồng Đăng.

Những lớp người thuộc thế hệ sau sống tại Đồng Đăng ít biết đến địa điểm này. Có người bảo rằng đó là lô cốt ta xây để chống Trung Quốc. Có người bảo rằng đó là những căn hầm tránh máy bay do người Trung Quốc xây trung những năm họ giúp ta đánh Mỹ. Sự thực thì công trình này đã tồn tại suốt gần 80 năm tính đến ngày nay.

Vào những năm 1938-1940 của thế kỷ trước, để phòng thủ Đông Dương, chống lại phát xít Nhật khi đó đã chiếm gần trọn miền duyên hải giàu có của Trung Quốc, thực dân Pháp đã xây dựng một hệ thống pháo đài, lô cốt, boong ke trên dọc tuyến biên giới Việt Nam với Trung Quốc (biên giới theo Hiệp ước Pháp – Thanh 1883). Người Pháp gọi đó là tuyến “Maginot Đông Dương” để ví nó với tuyến phòng thủ Maginot trên biên giới Pháo – Đức.

Pháo đài Đồng Đăng là một cứ điểm quan trọng đối diện với Ải Nam Quan, cách cửa khẩu Hữu Nghị ngày nay chừng 2 km. Nằm trên một ngọn đồi cao, Pháo đài Đồng Đăng án ngữ bốn con đường gồm Quốc lộ số 1A (cũ) từ cửa khẩu Hữu nghị về xuôi, Quốc lộ 1B từ Lạng Sơn đi Thái Nguyên, Quốc lộ 4B từ Lạng Sơn đi Cao Bằng và con đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng nối thông với ga Bằng Tường bên Trung Quốc.

Cấu trúc của Pháo đài gồm 3 tầng. Tầng dưới cùng vốn là một cái hang khô (carste) hình thành do xâm thực đá vôi. Hang có độ ẩm khá cao và có nhiều ngõ ngách phức tạp, đi vào hang không có người dẫn đường rất dễ bị lạc. Khi xây dựng pháo đài này, các kỹ sư công binh Pháp đã cho cải tạo lại hang này, bạt bớt các nhũ đá, măng đá và các vách đá tạo thành những căn phòng rộng. Cả tầng dưới và tầng giữa đều có một hệ thống đường ngàm chữ chi khép kín, có tổng chiều dài khoảng 350 m có cửa thông sang các căn phòng rộng. Tầng dưới còn có một đường hầm chạy thẳng ra thị trấn Đồng Đăng

Họ cũng mở thêm một số ngách ngược tạo thành các đường thoát hiểm bí mật. Tầng trên cùng là các khối lô cốt bê tông được bố trí thành 4 lô cốt và 1 nhà mái bằng trấn giữ 5 góc của pháp đài. Lớp bê tông cốt thép ở đây dày đến gần 120 cm, trổ các lỗ hình phễu chữ nhật kích thước 15 cm x 18 cm (phía trong) và 24 cm x 30 cm (phía ngoài). Đây là các lỗ châu mai có thể bố trí hỏa lực từ súng trường đến đại liên, đồng thời là các cửa quan sát kiêm luôn cửa thông gió. Pháo đài có hai cửa. Cửa chính ở phía Đông từ nhà mái bằng và một cửa ở phía Nam.

Nối liền các khối lô cốt, boong ke bê tông ở tầng trên cùng là các lối đi kiểu giao thông hào nửa nổi, nửa chìm rộng khoảng 1,2 m phần nổi được xây bằng đá cao quá đầu người, tạo thành những bức tường thành dày từ 25 cm đến 30 cm bao quanh phần nổi của pháo đài. Trên các bức tường đó cũng trổ nhiều lỗ châu mai cho các ụ chiến đấu. Theo tài liệu của Pháp để lại và lời kể của một số nhân chứng, toàn bộ công trình xây dựng trong 2 năm mới hoàn thành. Năm 1979, để tăng sức phòng thủ, ta đã xây dựng thế ở phía bên ngoài khối 4 lô cốt và nhà mái bằng 6 công sự chiến đấu cấp tiểu đội được bố trí trên 6 mỏm cao nhô lên đột xuất trên mặt đồi bằng phẳng. Đây là hệ thống phòng thủ vòng ngoài của Pháo Đài, được nối với nhau bằng các giao thông hào lộ thiên.

Trong Chiến tranh thế giới thứ II ở Đông Dương, Pháo đài Đồng Đăng chưa hề chứng kiến một giờ chiến đấu nào. Số là ngày 10-5-1940, phát xít Đức tấn công Pháp, Bỉ, Hà Lan. Chỉ trong nửa tháng, Phòng tuyến Maginot, Phòng tuyến Sông Meuse và Phòng tuyến Weygand lần lượt sụp đổ. Ngày 4-6-1940, Liên quân Anh – Pháp – Bỉ bại trận ở Dunkerque và phải rút lên tàu biển tháo chạy sang Anh. Mười ngày sau, phát xít Đức chiếm Paris. Ngày 16-6-1940, Thủ tướng Pháp Paul Reynaud từ chức. Phái chủ hòa ở Pháp do thống chế Phillippe Pétain cầm đầu gồm ngoại trưởng Pière Laval, đô đốc hải quân Darlan và tướng Weygand đã ký hòa ước, thực chất là văn bản đầu hàng phát xít Đức. Ở Đông Dương, Toàn quyền Jean Decoux được Phillippe Pétain cử sang thay thế George Castroux đã ra lệnh cho quân Pháp không giao chiến và ký với Nhật hiệp ước đầu hàng ngày 20-9-1940, “mở cửa” cho phát xút Nhật tràn vào Đông Dương. Hệ thống phòng thủ “Maginot Đông Dương” trở thành thứ đồ chơi vô dụng.

Trong Kháng chiến chống Pháp, Pháo đài Đồng Đăng là một trong các cứ điểm kiên cố nhất của quân Pháp trên “Phòng quyến Đường số 4”. Tại Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950, ta đã đánh sập toàn bộ “Phòng quyến Đường số 4”, đánh tan hai binh đoàn quân Pháp do các trung tá Pháp Mauris Le Page và Pierre Charton chỉ huy ở Đông Khê và Thất Khê. Trước khi tháo chạy khỏi Lạng Sơn, quân Pháp dùng thuốc nổ phá hủy Pháo đài Đồng Đăng nhưng vì lượng bộc phá không đủ nên pháo đài chỉ bị hư hại nhẹ. Ngày 18-7-1953, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chốt giữ Pháo đài Đồng Đăng, đánh tan “Cuộc hành quân Hirondelle” (“Chim Én”) của thực dân Pháp đánh vào các căn cứ ta ở Lang Sơn.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Pháo đài Đồng Đăng được sử dụng làm kho quân sự trong hệ thống kho tàng biên giới của ta, có chức năng cất trữ, trung chuyển các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự và hàng hóa từ các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam qua tuyến đường sắt Liên vận quốc tế Hà Nội - Bắc Kinh – Moskva và đường bộ. Không quân Mỹ không dám ném bom thị xã Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng vì nơi đây sát biên giới Trung Quốc. Chỉ một quả bom lạc sang đất Trung Quốc là “chuyện lớn” sẽ xảy ra. Do đó, Pháo đài Đồng Đăng không phải hứng chịu một trận công phá nào từ trên không.

Núp dưới danh nghĩa sang giúp nhân dân ta chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, quân Trung Quốc đã để tâm nghiên cứu Pháo đài Đồng Đăng. Trước khi rút về nước, chúng phá sập đường hầm ra thị trấn Đồng Đăng, đánh hỏng cửa phía nam và phá hỏng toàn bộ hệ thống dây điện trong Pháo Đài. Tuy vậy Pháo Đài vẫn còn là một vị trí kiên cố có thể chịu đựng được nhiều loại bom pháo trong những cuộc tiến công của địch

Và đến ngày 17-2-1979, Pháo đài Đồng Đăng chứng kiến cuộc phòng thủ bi hùng và huyền thoại của quân và dân Việt Nam chống quân trung Quốc xâm lược.

2- Một chọi hai mươi.

Đã 38 năm trôi qua nên những người biết về cuộc phòng thủ pháo đài Đồng Đăng không còn nhiều. Những người trực tiếp tham gia chiến đấu tại Pháo đài càng hiếm hơn vì sau chiến tranh, có tin rằng tất cả cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trụ lại trong Pháo đài đã bị quân Trung Quốc tàn sát.

Tuy nhiên, các phóng viên của báo An ninh Thủ đô, trang tin VTC và các cán bộ Phòng Chính trị Sư đoàn 3 “Sao Vàng” đã tìm đến một số nhân chứng sống ít ỏi còn lại là những người đã từng trực tiếp chiến đấu tại Pháo đài Đồng Đăng. Đó là Đại tá Cảnh sát Triệu Văn Điện, Anh hùng lực lượng vũ trang, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - Công an tỉnh Lạng Sơn, Thời điểm năm 1979, Đại tá Triệu Văn Điện nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ đọng tỉnh Lạng Sơn. Đó là Đại tá Nông Văn Pheo, Anh hùng lực lượng vũ trang, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng Lạng Sơn. Đại tá Nông Văn Pheo nguyên là chiến sĩ Công an Nhân dân vũ trang thuộc Đại đội 5, Đoàn Thanh Xuyên. Đó là ông Hoàng Văn Liên, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động tỉnh Lạng Sơn. Đó là ông Trần Bá Hồng, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, nguyên là chiến sĩ Đại đội 42, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng là đơn vị phòng thủ Mặt trận Lạng Sơn. Trong đó, Tiểu đoàn 4 trực tiếp phòng thủ cụm chốt Pháo Đài – Thâm Mô – Cao điểm 339 tạo thành thế chân kiềng án ngữ phía Nam thị trấn Đồng Đăng. Đó là ông Nguyễn Duy Thực, nhân viên bảo vệ, hiện cư trú lại Tổ dân phố số 8, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội, cựu chiến binh, khi đó là chiến sĩ Đại đội 42, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng. Đó là trung đội trưởng Phạm Hồng Minh, người chỉ huy cuối cùng của Pháo Đài, cũng là người quyết định cùng hơn 10 đồng đội còn sống sót mở đường máu phá vây để về với “quân nhà”. Và quý giá nhất là cuốn “Lịch sử Sư đoàn 3 Sao Vàng”. Cuốn sách dành hẳn một chương (Chương 9) để ghi lại những trận đánh của Sư đoàn 3 Sao Vàng tại mặt trận Lạng Sơn. Trong đó có mục “Những điểm cao bất tử” tái hiện lại các trận đánh ở Pháo Đài, Thâm Mô và Điểm cao 339.

Lực lượng bảo vệ Pháo Đài chỉ vẻn vẹn có Đại đội bộ binh 42 thuộc tiểu đoàn 4 với quân số khoảng 130 tay súng, được tăng cường một trung đội hỏa lực súng máy Degchiarev 12,7 mm và 3 khẩu đội ĐKZ-75. Tổng quân số vào thời điểm rạng sáng ngày 17-2-1979 khoảng 200 người. Trong quá trình phòng thủ, một đại đội gồm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Công an Nhân dân vũ trang thuộc Đoàn Thanh Xuyên và Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Lạng Sơn từ biên giới rút về về đã tăng viện cho Pháo Đài. Một số tài liệu viết rằng trong Pháo Đài có khoảng 700 quân phòng thủ (tương đương 1 tiểu đoàn tăng cường) nhưng đó chỉ là phỏng đoán và thổi phòng. Trong quá trình chiến sự, có khoảng gần 400 người dân, trong đó hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em không kịp sơ tán đã chạy vào lánh nạn trong Pháo Đài.

Pháo Đài có điện thoại hữu tuyến liên lạc với Ban chỉ huy Tiểu đoàn 4 và Trung đoàn bộ Trung đoàn 12 nhưng các đường dây liên lạc đã bị thám báo Trung Quốc phá hỏng từ đêm 16-2-1979 hoặc bị đạn pháo băm nát ngay buổi sáng 17-2-1979. Phương tiện liên lạc chỉ còn duy nhất một chiếc máy vô tuyến điện 2W có tầm xa không quá 5 km nhưng lại thường xuyên bị quân Trung Quốc phá sóng. Lương thực, thực phẩm dự trữ và nước ngọt cũng chỉ đủ dùng không quá 3 ngày cho khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ.

Để tấn công cụm chốt Pháo Đài, Thâm Mô, Điểm cao 339, các chỉ huy Quân đoàn 55 của Trung Quốc đã ném vào đây Sư đoàn bộ binh 164 gồm 3 trung đoàn, quân số khoảng 15.000 người. Sư đoàn này được tăng cường một trung đoàn thiết giáp gồm 45 xe tăng, xe bọc thép, 1 trung đoàn pháo binh hỗn hợp gồm pháo 85 mm, súng cối 120 và 81 mm, 6 khẩu đội hỏa tiễn H-12. Trực tiếp đối đầu với Đại đội 42 của ta tại trận địa Pháo Đài là một trung đoàn bộ binh Trung Quốc đông đến 4.500 quân, được xe tăng, xe bọc thép và pháo binh yểm hộ. Vào cuối quá trình phòng thủ Pháo Đài, sau khi đã chiếm được các điểm cao Thâm Mô và 339, quân Trung Quốc tập trung quân tấn công vào Pháo Đài với quân số lên đến gần 10.000 người.

Sát trước ngày quân Trung Quốc nổ súng xâm lược Việt Nam, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 3 Sao Vàng triệu tập các cán bộ chỉ huy cấp đại đội và một số cán bộ trung đội đi tập huấn chính trị tại Sư đoàn bộ, trong đó có Đại đội trưởng Hoàng Quý Nam. Vì vậy, đến thời điểm nổ súng, Đại đội 42 tại Pháo đài Đồng Đăng do Chính trị viên đại đội Nguyễn Bát và đồng chí Ngô Chí Khán, học viên Trường Sĩ quan Chính trị đang thực tập tại đơn vị nắm quyền chỉ huy.

Fb Tâm Minh Nguyễn

Xem thêm: