Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DẠY SÁNG TÁC THƠ

Nguyễn Thành Phong
Chủ nhật ngày 5 tháng 3 năm 2017 9:16 PM




Cu Thơ lắp bắp đầy hứng khởi: “Vâng, vâng… Em… tâm huyết lắm… Lại quán triệt rất kỹ những điều anh truyền thụ cho”, rồi ngân nga đọc:
“Tặng em chiếc chậu nhỏ này...



Bạn mình, mấy ông nhà văn, làm thêm việc dạy học, oai phết.

Ông Lập (Nguyễn Quang Lập) dạy viết kịch bản, có nhiều học trò thành danh viết nhiều kịch bản dựng thành phim trên tivi khá hay. Ban đầu, ông Lập được đi học một khóa viết kịch bản, Tây dạy cho. Ông học rất nhanh, viết rất nhanh, nhuận bút vừa nhanh vừa to. Thấy làm ăn được, thương mình lơ ngơ tiền bạc, ông liền nghĩ ra việc dạy mình, mà dạy rất bài bản, tận tình… Mình tiếp thu cũng khá nhanh rồi tự nguyện nhận là học trò điện ảnh xuất sắc của thầy Lập. Gần đây, thầy Lập còn mở lớp dạy viết kịch bản online, rồi thầy ra hẳn sách giáo trình đại cương. Nể quá!

Ông Tiến (Phạm Ngọc Tiến) mở lớp dạy chữa nói ngọng. Mà ông này cực tài ở ý tưởng mở lớp và chiêu sinh nhé. Thấy báo với mạng nói chuyện một vị thượng thư thời nay nói ngọng lộn xộn n, l, thế là ông lên phây phân tích tầm quan trọng của việc học để nói khỏi lẫn lộn, rồi tự giới thiệu mình giỏi, xin được dạy và tuyên bố mở lớp, học viên đăng ký học qua phây. Cũng khai giảng, bế giảng, kỷ cương lắm. Đang ngồi với bạn rượu, sắp đến giờ là ông cắp đít chạy về để dạy. Kết thúc lớp học, thầy chụp ảnh với học trò, thấy lấp ló chai rượu học trò biếu, loại khá lạ, chắc là rượu ngon, lại to vật vã... Kinh thế!

Ông Thái (Đại tá, nhà văn công an Nguyễn Hồng Thái) thì dạy võ. Hồi ông mới là trung tá, mình đến chơi, thấy cổng nhà ông có biển đề ngay ngắn: "Nguyễn Hồng Thái - Trung tá công an. Nhận dạy võ ngoài giờ". Mình ngồi một lúc, thấy có mấy người dẫn con đến xin học, ông Thái cứ lắc đầu quầy quậy, hết chỗ rồi, hết chỗ rồi, nhé! Ai nằn nì thế nào cũng không nhận. Khách buồn bã ra về... Sau, hỏi sao thì Thái bảo, chỉ dạy vài đường cơ bản cho con cháu trong nhà, tuần có nửa tiếng, cùng lắm là một tiếng thôi. Hỏi tiếp: “Sao lại treo biển thế?”. Vẻ bí hiểm, Thái tủm tỉm cười, đáp: “Để cho bọn trộm cắp, đầu gấu ở khu này nó biết mà tránh nhà mình ra. Đề thế, nó sợ, còn thằng nào dám xớ rớ vào nhà mình nữa, nhỉ?”. Dạy học như là chơi vậy, mà giữ được an ninh, an toàn cho nhà mình, lại còn đóng góp vào phong trào an ninh trật tự cơ sở ở khu dân cư nữa. Ghê thật!

Thấy các ông ấy làm thầy oai thế, mình cũng thèm lắm. Chưa kể còn tận mắt chứng kiến các ông khác, đi dạy chính quy hay đi thỉnh giảng thực sự, đi truyền thụ văn học và báo chí cho nhiều nơi, cho nhiều lớp học trò, như các ông Chu Văn Sơn, Văn Giá, Phạm Xuân Nguyên, Hồ Bất Khuất… Đi đâu cũng thấy ríu rít người gọi, người xưng, thưa thầy, thưa thầy, rồi tranh nhau đưa rước, đãi đằng… Mình thèm thế nên cũng đã có vài lần tính bỏ báo, bỏ văn để chuyển nghề dạy học.

Nhưng rồi nhớ lại…

Kết quả hình ảnh cho dậy làm thơ

Mình cũng đã đi dạy, dạy sáng tác thơ. Lâu rồi, hồi sinh viên năm thứ ba ĐH Bách Khoa Hà Nội, cách đây gần 40 năm...

Hồi đó mình hay đăng thơ trên các báo Hà Nội mới, Nhân Dân, QĐND... Toàn báo dán bảng thông tin trường. Có nhuận bút, bài thường 7 đồng, bài cao 10 đồng, bằng già nửa học bổng sinh viên 18 đồng/tháng quy thành phiếu cơm nhà ăn sinh viên, mình mua mấy cái chân giò lợn khao mấy đứa bạn thân. Ăn xong, chúng ra chỉ vào bảng tin nói oang oang, thơ thằng Phong lớp tao đây này, nó được nhiều nhuận bút lắm, toàn mua cho bọn tao chén chân giò lợn luộc. Đang đói ăn, nghe chân giò lợn luộc, bọn đứng nghe vừa thèm muốn vừa ghen tỵ... Mình nổi tiếng toàn trường. Rồi mình cùng mấy anh em lập ra câu lạc bộ thơ “Vòm cửa Xanh”, rồi tổ chức đêm thơ ở Hội trường chính C2 của trường. Được các nhà thơ như Quang Huy, Võ Văn Trực, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Trọng Tạo... đến thăm chơi, đàm đạo.

Sau đó, có mấy thằng sinh viên cùng trường tìm đến mình, khẽ khàng thưa, anh ơi, xin anh dạy cho bọn em làm thơ, không cần nổi tiếng như anh, chỉ cần... Mình bảo, chỉ cần làm thơ hay, tán gái được là ổn chứ gì? Vâng, vâng, tán gái, chiếm được cao điểm tình yêu mà không tốn một viên đạn thuyết phục là nhất ạ!

Mình nghĩ một lúc, rồi, OK, tôi sẽ dạy... Mình chọn ba thằng, không nói tên thật, tạm gọi là Nhân, Ái, Thơ (người yêu thơ) để mở lớp. Vì đang thể nghiệm nên mình giấu, không cho Nguyễn Quang Lập, Hà Đức Hạnh, Lê Quang Sinh với bọn nhóm thơ “Vòm cửa Xanh” biết. Cũng nghĩ, nếu thành công, lớp sau sẽ chiêu sinh đông, đặt ra quy định học phí và sẽ tính thu, chi đàng hoàng. Lúc đó sẽ mời Lập, Hạnh, Sinh tham gia dạy, gọi là thỉnh giảng thơ.

Lớp thể nghiệm, chưa lấy tiền, mình chỉ nhẹ nhàng bảo ba trò chia ra, thay nhau đãi mình phở buổi sáng, uống trà quán cóc buổi chiều. Sướng! Tuần đầu, mình giao ba đứa phải học thuộc mười bài thơ của thầy, là mình. Tuần thứ hai, dạy lý thuyết lẫn lý luận, đại khái, tài năng là 1% năng khiếu cộng với 99% lao động, rồi bắt chúng nó đọc mấy cuốn phê bình thơ mà mình mua từ lâu, đọc nát ra rồi. Tuần thứ ba, bắt đầu giao đề tài sáng tác. Thay vì văn mẫu, mình nghĩ ra thơ mẫu, tức là thao tác mẫu khi làm một bài thơ tán gái. Đại thể, anh chọn tặng bạn gái một món quà gì đó, rồi từ đó, anh viết một bài thơ hoàn chỉnh về món quà đó, bằng nghệ thuật ngôn từ thơ ca mà làm bật lên được cái ý tặng để làm gì, mong ước gì khi tặng quà ở bạn gái, ở mình. Thơ sẽ được mình bình, chấm điểm, nếu đạt thì sẽ gửi kèm theo món quà cho bạn gái. Tối hôm trước sang trại viết Vân Hồ, được gặp mấy nhà thơ quân đội đàn anh, như Hữu Thỉnh, Nguyễn Hoa, nghe lỏm họ nói chuyện nghề, cứ đi đến tận cùng cá thể của mình thì sẽ gặp nhân loại, mình “chế” thành câu dặn dò: “Phải chọn quà tặng bạn gái càng độc đáo, càng mang tính cá thể của mình càng tốt, mong ước càng cụ thể, càng chân thành thì thơ càng hay, càng xúc động, càng có tầm… Lưu ý sử dụng các thể thơ truyền thống của dân tộc mà các bạn đã học kỹ.

Một tuần sau gặp lại, mình khoan khoái ngồi nghe học trò trình bày bài tập thơ sáng tác theo mẫu mà mình đã dạy.

Cậu Nhân hồ hởi xin đọc đầu tiên. Bài thơ được mang tiêu đề “Chiếc lược”:

“Anh tặng em chiếc lược
Để chải mái tóc dài
Mái tóc em óng mượt
Thuôn dài trong mắt ai?”

Mình ngẫm nghĩ một lát rồi phán: “Tạm được, làm đúng theo mẫu, có phần sáng tạo. Tuy nhiên, chưa thật đặc sắc. Câu chữ chưa có ấn tượng mạnh. Đặc biệt, có chữ, dùng thì đúng, nhưng dễ bị suy diễn, phản cảm, ví dụ chữ “thuôn” trong “thuôn dài”, là từ dùng để chỉ mái tóc, nói bình thường hay trong văn xuôi thì được, nhưng dùng trong thơ, đọc ngân nga lên, người đọc lại bị gợi nhớ đến món “lòng thuôn hành dăm”, trong đầu họ hiện lên món lòng lợn đi cùng mái tóc người yêu, thì thơ thành ra đồ vứt đi ngay”.

Nhân đờ mặt ra nghe như nuốt từng lời, gật gật, lẩm bẩm: “Anh bình chí phải, chí phải. Em sẽ lao động nghệ thuật nghiêm túc hơn nữa để thành tài!”.

Sau Nhân, đến Ái đọc. Bài thơ “Cái gương anh tặng”:

“Anh mang tặng cái gương
Em soi khuôn mặt hường
Đôi mắt em lóng lánh
Sáng bừng ngày yêu thương…”.

Mình phấn khởi, phán: “Khá được đấy chứ! Câu thơ cuối cùng “Sáng bừng ngày yêu thương” là thần bút... Chữ “hường” cuối câu thứ hai, dùng có hơi gượng một chút nhưng lại vần với câu cuối, là chuẩn bị cho việc hé lộ cái thần diệu của thi ca. Bài này thì OK, có thể chép để tặng ngay cho đối tượng”.

Nghe mình khen bài của Ái như thế thì cu Thơ có vẻ sốt ruột, mong nhanh được trình bày.

Trước khi đọc, Thơ còn vòng vèo đít cua một hồi: “Em quán triệt rất kỹ lý thuyết. Em nghĩ mãi mới ra một món quà rất độc đáo tặng bạn gái và vì thế mới có nguồn cảm xúc sâu sắc để viết bài thơ “Bóng hình yêu thương” này, anh ạ!”. Mình giục: “Vậy thì đọc ngay đi thôi”. Cu Thơ vừa đọc xong câu đầu: “Tặng em chiếc chậu nhỏ này”, mình đã thốt lên, chen ngang: “Hay… Độc đáo… Cậu đã có một món quà tặng không thông thường (Mình nghĩ đến cái chậu nhôm Liên Xô nho nhỏ, hồi ấy mua khá đắt tiền, chắc nhà thằng này có điều kiện). Câu thơ có nhịp điệu, thể hiện sự nâng niu, trân trọng. Cậu lại dùng thể loại lục bát, bằng trắc rất chuẩn nữa… Nào, đọc lại từ đầu, đọc chậm thôi”.

Cu Thơ lắp bắp đầy hứng khởi: “Vâng, vâng… Em… tâm huyết lắm… Lại quán triệt rất kỹ những điều anh truyền thụ cho”, rồi ngân nga đọc:

“Tặng em chiếc chậu nhỏ này
Để em dùng nó những ngày hành kinh
Mỗi khi lau rửa cửa mình
Là em lại thấy bóng hình của anh!”.*

Mình bỗng ngồi thừ ra, lẩm bẩm trong đầu: “Mẹ khỉ… Thơ này… Biết nói sao nhỉ? Đúng là độc đáo, đúng là chân thật, đúng là vần điệu… Nhưng bình sao được đây?…”. Rồi mình đứng lên, nói nhỏ sau một hồi yên lặng: “Thơ ông tôi chưa đủ trình nên không thể bình được. Phải suy nghĩ, phải suy nghĩ… Tùy ông nghiên cứu quyết định xem có gửi tặng bạn gái không nhé”.

Rồi mình bảo, cả ba coi như đều xuất sắc, đạt tiêu chuẩn tốt nghiệp và tuyên bố bế giảng lớp dạy thơ. Từ đó, không bao giờ mình dạy làm thơ nữa…

Sau này, đôi khi trong các dịp 8/3, thấy nhiều người trong các cuộc bia rượu, lại mang bài thơ này ra đọc. Chắc cu Thơ sau đợt học ấy vẫn đem bài thơ này đi tặng bạn gái, rồi lan truyền ra…

Hay cũng có thể, thằng cu Thơ này nghe ở đâu đó rồi chép lại, nhận xằng sáng tác, để trả bài cho mình cũng nên…

Nguyễn Thành Phong

(Trích tự truyện, đang viết)

* Thông tin mới và chính xác (từ chính tác giả) - Bài thơ "Cái Chậu", tác giả là nhà thơ Bùi Hoàng Tám