Nửa đêm sực tỉnh . Mở Facebook. Một tin choáng váng: 3giờ15 phút ngày 4-3-2017, nhà văn Nguyễn Quang Thân đột ngột từ trần.
Không thể tin được. Không muốn tin. Vì mới Tết Đinh Dậu vừa rồi ông vừa đăng trên trang cá nhân bức ảnh cùng các cháu nội ngoại đón tết tại căn phòng thân thuộc tầng lầu 225 lô II cư xá Thanh Đa. Và trước nữa ít ngày, 6 -1- 2017 ông cùng đại gia đình vui đón tác phẩm vừa mới ra lò “ Người yêu dấu và những truyện khác”của người vợ yêu: nhà văn Dạ Ngân, tại hội chợ sách Sài Gòn đón xuân Đinh Dậu.
Một nhà văn lực điền cả về sức viết, sức sáng tạo, cả về thể chất, cường tráng tưởng không muốn già ngay ở tuổi bát thập, như con ngựa Mãn Châu, tưởng còn mãi rong ruổi đường trường. Vậy mà…
Bỗng ào ạt hiện về những kỷ niệm của trại viết Vũng Tàu, tháng 2 năm 1982 ấy. Một trại sáng tác đầu tiên ở phía Nam do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức, tập hợp hầu hết các cây bút phía Nam mà ngay lúc đó nhiều người đã thành danh. Và tới mười năm sau nữa, họ đã thành những cây bút chủ lực trên văn đàn: Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Nhật Ánh, Chu Hồng Hải, Lý Lan, Dạ Ngân, Đinh Thu Vân, Thùy Mai,Trà Giang, Biên Hồ… Được ăn theo dịp đó, phía bắc có bốn nhà văn: Chu Văn Mười, Nguyễn Quang Thân, Chính Tâm và Hoàng Minh Tường. Một trại viết vừa nổi tiếng vừa tai tiếng với sự kiện hai nhà văn chủ tịch và phó chủ tịch Hội nhà văn Hải Phòng ( Chu Văn Mười và Nguyễn Quang Thân), thay mặt anh em văn nghệ sĩ đất cảng tổ chức lễ truy điệu nhà văn Nguyên Hồng, tại biệt thự Tuấn Tú bên đường Võ Tánh ( giờ là đường Hạ Long, bãi Dứa, Vũng Tàu). Sự kiện nhà thơ Trần Mạnh Hảo đọc bài thơ “Khóc Nguyên Hồng”, hay khóc cho thân phận kẻ sĩ và bao thuyền nhân trôi dạt trong mùa gió chướng…, trở thành một sự kiện chấn động giới văn nghệ cả nước.
Riêng Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân, trại sáng tác Vũng Tàu chính là nơi gặp gỡ định mệnh. Một người đàn ông tuổi ngoại tứ tuần và một người đàn bà vào tuổi đang xoan, đều đã yên ổn gia đình, hai người đã có tới năm đứa con, bỗng như bị sét đánh, bị trời đày, hút lấy nhau bởi một hấp lực thiên định, không thể lý giải nổi, ngoài sức tưởng tượng của tiểu thuyết. Một mối lương duyên tiền định đã buộc họ vào nhau, để rồi hơn mười năm sau, với biết bao nhiêu khê sóng gió, bao nhiêu vật vã cách trở mà chỉ có tình yêu vượt mọi thời gian không gian mới đủ giúp họ vượt qua hết thẩy để đến với nhau. Thời gian đó, Nguyễn Quang Thân đang viết “Ngoài khơi miền đất hứa”, ( đã dịch sang tiếng Pháp: Au Large De la Terre Promise ) một tác phẩm quan trọng khảng định đời văn của ông, sau tập truyện cho thiếu nhi “Chú bé có tài mở khóa” được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng thời gian này, Dạ Ngân, từ một cây bút trẻ hăm hở vào nghề, nhờ tiếp lực của tình yêu, bỗng thăng hoa và đầy bản sắc Nam Bộ với truyện ngắn “Con chó và vụ li hôn” đăng trên báo Văn Nghệ.
Người Bắc kẻ Nam, anh ở Hải Phòng, chị ở Cần Thơ, hơn mười năm đằng đẵng nhớ thương, đủ chín và nỗng nã và khắc khoải để Dạ Ngân chiu chắt từng trang viết đẫm nước mắt cho tiểu thuyết “Gia đình bé mọn” sau này. Tiêu đề của tiểu thuyết dường như được nảy sinh tại căn hộ khiêm tốn trên tầng hai khu tập thể Kim Giang, mà suốt bao năm hai vợ chồng tích cóp từ những đồng nhuận bút còm cõi, đã mua được. Thời kỳ này, từ năm 1997, Dạ Ngân về biên tập ở Tuần báo Văn Nghệ, lại được Nguyễn Quang Thân khích lệ, trở thành cây viết đắt khách của nhiều tờ báo trong nam ngoài bắc. Viết báo để nuôi văn. Hai vợ chồng suốt ngày ôm hai máy chữ, tuần nào cũng có bài trên các báo Tiền Phong, Phụ nữ, Tuổi trẻ, Thanh Niên... Nhuận bút một bài báo có khi bằng cả một cuốn tiểu thuyết. Nguyễn Quang Thân, sau mấy năm đóng cửa phòng văn, một mình một gian nhà tạm trong trụ sở Hội Văn Nghệ Hải Phòng, ăn cơm gạo lức, ép xác đêm đêm để viết “Con ngựa Mãn Châu”, “Cây bạch đàn vô danh”, “ Người không đi cùng chuyến tàu”, Vũ điệu của cái bô”…, khi được sống chung với vợ ở Hà Nội, càng thỏa sức tung tẩy viết cho các nhà xuất bản, các báo và tạp chí. Anh viết kịch bản cho 1000 năm Thăng Long, viết tiếp tiểu thuyết “ Hội Thề”… Tình yêu chắp cánh, phả vào trang văn của họ nỗi đau nhân thế, khát vọng nhân văn, và quan trọng hơn, họ dường như đã tìm thấy nhau, cùng hòa vào nhau trong hành trình dâng hiến cho văn chương và bạn đọc.
Không ai khác ngoài Nguyễn Quang Thân, anh quá thấm nỗi đau, nỗi xa xót, khắc khoải, thiếu hụt của Dạ Ngân trong tiểu thuyết “ Gia đình bé mọn” của chị. Khi Dạ Ngân vừa hoàn thành cuộc đời công chức, họ nhanh chóng chuyển vào sinh sống tại Sài Gòn, để Dạ Ngân gần các con, bù đắp cho các con những mất mát. Căn phòng mua lại tại cư xá Thanh Đa trở thành tổ uyên ương lý tưởng cho hai người, thành nơi gặp gỡ bạn văn mọi miền đất nước. Ở đây, họ quy tụ được cả con anh con em, của cả hai bên nội ngoại. Và họ như càng hối hả sống, hăm hở sống và viết. Nguyễn Quang Thân, tuổi thất thập, rồi bát thập, vẫn sung mãn như đương trai. Ông mua căn hộ ở Vũng Tàu để muốn được cùng Dạ Ngân sống lại những ngày cuối mùa khô năm 1982 thần tiên ấy, để hằng ngày đi dọc mép cát, sải mình trên sóng nước mặn mòi. Sức bơi của ông rất đáng nể: xa ngoài phao cứu sinh, trườn mình trên sóng mấy giờ liền.
Những ngày ở Sài Gòn, mỗi chiều, sau khi viết xong một bài báo, đọc vài trang sách, viết cho bạn bè trên facebook, chiều nào ông cũng quần sooc, áo phông đi bộ ra bể bơi, bơi hai giờ liền để thư giãn.
Và rồi, buổi đến bể bơi cách đây bốn ngày, nào ngờ là những vòng bơi cuối cùng của Nguyễn Quang Thân…
Hình như Dạ Ngân đã linh cảm. Chị giành nhiều năm nghiền ngẫm, trăn trở, để viết tặng anh cuốn tiểu thuyết ấp ủ cả đời văn: NGƯỜI YÊU DẤU.
Nguyễn Quang Thân, người yêu dấu của Dạ Ngân và là nhà văn tài năng, đáng kính đáng trọng về nhân cách và phẩm hạnh người cầm bút của độc giả mọi thế hệ và bè bạn văn chương.
Hà Nội, 4-3-2017