Ta hát lên. ngợi ca Pháo Đài Đồng Đăng
Ta hát lên. tên anh Hoàng Quý Nam.
Trước quân thù sống bất khuất. hiên ngang
Vì nhân dân chết anh dũng vẻ vang. Kỳ II - Cuộc phòng thủ huyền thoại và bi hùng.
1- Ngày 17-2-1979:
5 giờ sáng ngày 17-2-1979, một trận pháo kích kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ chụp lên các chốt phòng thủ của quân ta ở Đồng Đăng. Vì chỉ cách biên giới khoảng 2 km nên Pháo Đài đã hứng chịu hang nghìn viên đạn trái phá các loại, từ đạn cối 81mm, 120 mm đến đạn pháo 85 mm, 122 mm và cả đạn pháo tầm xa 130 mm.
Ông Nguyễn Dụy Thực nhớ lại: “Đúng lúc mọi người vừa thức dậy đang chuẩn bị tập thể dục thì bất ngờ từ phía bên kia biên giới, cách chỗ lán trại có vài km, tiếng pháo bắt đầu nổ ùng oàng. Ánh chớp sáng rực góc trời. Những quả đạn pháo liên tiếp vượt qua Pháo Đài và rơi xuống thị trấn Đồng Đăng. Không ai bảo ai, mọi người đồng thanh hô to: “Tàu đánh rồi”. Tất cả chúng tôi chạy vào kho quân khí, mỗi người cầm 1 khẩu súng và tức khắc lao lên các chốt phòng thủ.”
Pháo Đài là điểm chốt đầu tiên bị bộ binh Trung Quốc có xe tăng yểm hộ tấn công. Đại đội 42 đã kiên quyết giáng trả. Trung đội bộ binh chốt tại 4 mỏm phía Bắc đã chiến đấu đến người cuối cùng, đến viên đạn cuối cùng, đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của quân Trung Quốc, diệt hàng trăm tên.
Ông Trần Bá Hồng cho biết: “Sau màn rót pháo, chỉ trong phút chốc, quân Trung Quốc đã rầm rộ tiến vào Đồng Đăng. Đi đầu là xe tăng, bò lên bắn vào các cao điểm, phía sau là quân Trung Quốc tiến lên đủ chủng loại, kẻ chạy bộ, kẻ đi ngựa, kẻ ngồi trên xe quân sự tiến lên. Trung đội trưởng Thức phóng một quả đạn B-40 xuống đám lính đầu tiên tiến gần đến pháo đài. Cả tiểu đội dịch tan xác. Những tên gần đó tóc tai cháy xém, mặt mũi lộ vẻ kinh hoảng, ngần ngừ không dám tiến. Ngay tức khắc, chúng bị những tên đi sau bắn chết, rồi cả biển người lầm lũi tiến lên, bất chấp súng đạn”
Trong các trận đánh buổi sáng ngày 17-2, Chính trị viên Nguyễn Bát hy sinh. Học viên sĩ quan Ngô Trí Khán nắm quyền chỉ huy đơn vị. Chiếc máy bộ đàm 2W bị đạn pháo địch phá hủy, liên lạc với Tiểu đoàn 4 bị cắt đứt. Ngô Trí Khán vẫn bình tĩnh chỉ huy các trung đội bám giữ các chiến hào, tiếp tục chống trả hàng chục đợt xung phong cường tập của địch.
Ông Phạm Hồng Minh cho biết: “B-40, ĐKZ, RPD, AK bắn đỏ cả nòng súng cũng không xuể trước chiến thuật biển người của quân Trung Quốc. Không có thời gian đi lấy nước làm mát, anh em phải đi tiểu lên nòng súng cho nguội rồi bắn tiếp.”
Chiều 17-2-1979, với ưu thế vượt trội về binh lực, hỏa lực, quân Trung Quốc chiếm được 4 mỏm phía Bắc đồi Pháo Đài và cắt đứt con đường món phía Nam nối Pháo Đài với Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 4. Ngô Chí Khán tranh thủ lúc địch ngừng bắn để ăn cơm chiều cho các chiến sĩ co cụm về mỏm Pháo Đài, chốt phòng thủ chính, củng cố lại các công sự và giao thông hào, kiểm diện lại quân số, đưa các thương binh xuống tầng hầm sâu để cứu chữa. Trong ngày đầu tiên, đã có hơn 30 chiến sĩ ta thương vong.
2- Ngày 18-2-1979
Không thực hiện được ý định chiếm Pháo Đài ngay trong ngày đầu, rạng sáng ngày 18, các chỉ huy quân Trung Quốc quyết định lấy các mỏm phía bắc làm bàn đạp, kết hợp với các cánh quân phía tây và phía đông đánh lên Pháo Đài quyết liệt hơn. Suốt ngày hầu như lúc nào cũng có tiếng súng nổ trên hai mỏm cuối cùng của Pháo Đài. Không chi viện được cho Pháo Đài bằng xung lực, Trung trưởng Trung đoàn 12 ra lệnh cho các trận địa pháo và các điểm tựa Thâm Mô, 339 thay nhau sử dụng các loại hỏa lực bắn vào các cánh quân địch, phối hợp với các chiến sĩ từ trên Pháo Đài đánh xuống. Địch dùng xe tăng dẫn đầu bộ binh xung phong nhưng đều bị ĐKZ-75 và súng cối 120mm của ta tiêu diệt. Địch kéo pháo 85mm tới phía bắc Pháo Đài ngắm bắn trực tiếp vào công sự của ta nhưng cũng bị pháo bắn thẳng và pháo bắn cầu vồng của ta phá hủy. Trong ngày 18-2 các chiến sĩ của Pháo đài Đồng Đăng đã đánh lui hơn chục đợt tấn công của địch.
Lịch sử Sư đoàn 3 Sao Vàng đã ghi lại chiến công diệt xe tăng của liệt sĩ Nguyễn Đình Đức, một chiến sĩ của Đại đội 42 phòng thủ tại Pháo đài Đồng Đăng: “Ở trung đội Nguyễn Đình Đức, sau khi địch bỏ chạy, thấy một chiếc xe tăng chúng mắc kẹt ở đoạn suối sâu. Tranh thủ thời cơ, Đức ra lệnh cho chiến sĩ yểm hộ rồi nhảy khỏi công sự trườn xuống chân đồi, chui vào gầm xe buộc chùm lựu đạn bốn quả vào xích ở gần khoang máy. Một tiếng nổ dậy đất vang lên. Bọn giặc hốt hoảng bật nắp xe tăng lao ra ngoài bỏ chạy. Nhưng trên đường trở về, bọn địch ở mỏm đồi phía bắc đã phát hiện thấy Đức và anh bị hy sinh bởi một loạt đại liên của chúng”.
Đêm 18-2-1979, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 Nguyễn Văn Thu cùng một số cán bộ, chiến sĩ thông tin, vận tải luồn lách qua các cụm quân địch tới Pháo Đài kiểm tra trận địa, tiếp đạn, lương thực, thực phẩm, nối dây điện thoại và vận chuyển thương binh về phía sau. Tiểu đoàn trưởng nói với cán bộ, chiến sĩ Đại đội 42 rằng tuy địch cố bao vây chia cắt nhưng trận địa phòng ngự của Trung đoàn 12 vẫn đứng vững. Các trận đánh phòng ngự sẽ còn khó khăn do lực lượng ta có hạn nên phải tổ chức chặt, bám chắc trận địa và phối hợp thật tốt với các đơn vị không cho chúng chiếm Pháo Đài.
Cũng trong đêm 18-2, gần 100 chiến sĩ Công an Nhân dân vũ trang thuộc Đoàn Thanh Xuyên sau những trận đánh ác liệt ngay trên biên giới đã tìm đường về Pháo Đài với những khẩu súng chỉ còn lại vài viên đạn. Một số đồng bào ta ở Đồng Đăng cũng tìm lên Pháo Đài. Người nào cũng lấm đầy bùn đất, áo quần rách nát nhưng tất cả đều ánh lên niềm vui sướng được gặp bộ đội. Họ kể cho các chiến sĩ Đại đội 42 nghe những hành động giết chóc, bắn phá, bắt bớ, đánh đập dã man của lính Trung Quốc đối với đồng bào ta ở Đồng Đăng.
Ông Nguyễn Duy Thực nhớ lại: “Một chiến sĩ Công an Nhân dân vũ trang kể lại với tôi rằng, anh ấy chứng kiến phía sau đội hình tấn công của lính Trung Quốc là một đám dân binh rất đông đi theo để vận tải đạn dược. Thực chất, chúng là đội quân ô hợp đi theo để hôi của. Chúng vào nhà dân bắt gà cắt tiết, bắt lợn chọc tiết, lội cả xuống ao bắt cá... Đám quân ô hợp ấy còn đặt bộc phá giật đổ nhà cửa của nhân dân. Trên đường tìm về pháo đài, anh ấy đã lia tiểu liên tiêu diệt thêm mấy tên lính Trung Quốc. Khi chạy qua đám xác chết, anh ấy nhìn thấy một tên chết trong tư thế hai tay còn ôm chặt bao tải khoai lang”.
3- Ngày 19-2-1979
Từ sáng sớm, thay cho trận pháo kích như trong hai ngày qua là tiếng loa phát ra giọng nói tiếng Việt lơ lớ từ phía Ga Đồng Đăng vọng đến. Địch gọi hàng các chiến sĩ ta. Trung đội phó Phạm Văn Chiến rê mũi súng bắn tỉa SVD về phía có tiếng loa bắn liền ba phát. Tiếng loa im bặt. Chỉ một phút sau, một trận pháo kích dữ dội chưa từng có của pháo binh địch từ nhiều hướng chụp lên quả đồi nhỏ bé. Mấy khẩu pháo 85mm được quân Trung Quốc bí ật kéo lên điểm cao 440 trước mắt Pháo Đài đã nã đạn trực diện vào các trận địa ta phối hợp với hỏa lực ĐKZ từ Đồi không tên và mỏ Bắc đồi Pháo Đài bắn thẳng vào các cửa hầm. Trận pháo kích đã làm cho các chiến hào vành ngoài sập đổ. Hơn 30 chiến sĩ của Pháo Đài hy sinh. Một số khác bị vùi trong đống đổ nát, được đồng đội moi lên và đưa xuống tầng giữa cứu chữa, băng bó.
Pháo Đài vẫn đứng vững. Thông tin hữu tuyến đã được nối lại với Tiểu đoàn 4 và Trung đoàn 12 nên các trận địa pháo sư đoàn, trung đoàn và đơn vị bạn xác định tọa độ khu vực bắn chặn và kiềm chế hỏa lực địch chính xác và đúng thời cơ. Bọn địch tiến công từ phía đông thì bị các khẩu đội cối 120 và súng máy của Đại đội 6 ở điểm cao 339 bắn vào lưng. Địch tiến công từ phía đông và phía nam bị Đại đội 2 ở Thâm Mô bắn tạt sườn. Những tốp địch tiến vào gần Pháo Đài bị các chiến sĩ ta dùng lựu đạn, tiểu liên tiêu diệt. Trong cả ngày 19-2, dù đã tổ chức đến 12 đợt xung phong nhưng địch vẫn không chiếm được Pháo Đài, mặc dù một số cánh quân của địch đã đi vòng qua Pháo Đài và Thâm Mô, bao vây Điểm cao 339 và cắt đường 1B ở Con Khoang, Khôn Làng.
Đêm 19-2, đại đội trưởng Đại đội 42 Hoàng Quý Nam và trung đội trưởng Phạm Hồng Minh cùng mấy chiến sĩ trinh sát dẫn đường đã về tới Pháo Đài. Mọi người phấn khởi xúm quanh Nam và Minh, ai cũng thấy vững vàng hơn vì họ biết rõ về những cán bộ ưu tú của mình. Sau một chút thoáng buồn vì thấy đại đội chỉ còn có dăm chục người, đại đội trưởng Nam nói với các chiến sĩ: “Tôi xin lỗi các đồng chí vì không về được sớm hơn do phải đánh địch dọc đường. Nhưng còn Pháo Đài, thế trận của trung đoàn ta còn đứng vững. Địch ở quanh ta nhưng trung đoàn, sư đoàn ta lại ở xung quanh địch”. Niềm lạc quan của người chỉ huy đã tăng thêm lòng tin cho từng chiến sĩ. Đêm đó, đồng chí Nam đi khảo trận địa, điều chỉnh lực lượng; thống nhất phương án, thống nhất chỉ huy với các chiến sĩ Công an Nhân dân vũ trang và Cảnh sát cơ động.
4- Ngày 20-2-1979.
Không chiếm được Pháo Đài bằng lối đáng cường tập. các chỉ huy Sư đoàn 165 của quân Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật, dùng cách đánh vây lấn để chia cắt Pháo Đài với các đơn vị của ta, chiến từng đoạn chiến hào của ta. Chiếm được đến đâu, chúng dùng hỏa lực bắn chế áp các hỏa điểm của ta và cho quân sửa chữa, củng cố đến đó. Ngày 20-2, quân Trung Quốc đã tiếp cận Tam Lung. Cụm cứ điểm Pháo Đài, Thâm Mô, Điểm cao 339 như một mũi tên cắm sâu vào đội hình địch phía trước trận địa phòng ngự của Sư đoàn 3 Sao Vàng. Pháo Đài Đồng Đăng chính là đỉnh của mũi tên ấy. Xe tăng, xe kéo pháo chở bộ binh địch từ cột mốc 16 (cũ) theo đường 4A, từ Hữu Nghị Quan theo đường 1A đổ về Đồng Đăng, tăng quân tiến công lên Pháo Đài, Thâm Mô và Điểm cao 339.
Nhằm ngăn chặn địch tập trung quân cường tập cụm cứ điểm Nam Đồng Đăng và đột phá xuống Tam Lung, các cỡ pháo của Sư đoàn 3 Sao vàng được lệnh bắn cấp tập và đội hình hành quân của quân Trung Quốc dựa trên tọa độ xác định vật chuẩn từ thông tin của đài quan sát trên đỉnh Pháo Đài Đồng Đăng và các “mắt pháo” khác. Các trận pháo kích của pháo binh ta đã làm cho quân Trung Quốc phải dừng lại hàng giờ để củng cố đội hình.
Sau trận pháo kích, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Sao Vàng quyết định mở những trận phản kích đánh vào cánh quân vu hồi từ Khôn Làng đến Con Khoang, Thâm Mô, buộc địch phải dồn quân đối phó. Các chiến sĩ trên Pháo Đài vừa chặn đánh các cánh quân tiến công lên trận địa của mình, vừa chủ động phối hợp dùng hỏa lực của mình bắn vào phía sau đội hình địch đang tràn lên Điểm cao 339 và Thâm Mô. Kết thúc 14 trận đánh trong ngày, các chiến sĩ của Pháo Đài Đồng Đăng đã phá hủy 2 xe tăng, 1 xe kéo pháo, tiêu diệt hàng trăm tên địch.
Tuy vậy, tình thế của Pháo Đài Đồng Đăng vẫn rất hiểm nghèo. Địch bao vây bốn phía. Lương thực, thực phẩm, nước uống vốn chỉ giành cho khoảng 200 con người dung trong 3 ngày nay phải chia cho hơn 500 người đã gần như cạn kiệt. Dòng suối gần đó đã bị quân Trung Quốc chặn mất. Chỉ còn mấy vũng nước đọng bẩn thỉu, đen ngòm trong pháo đài. Số nước ấy phải nhường cho những thương binh. Những người khỏe mạnh cố gắng chịu đói, chịu khát cầm cự.
Người lớn có thể chịu đói, chịu khát, chịu rét nhưng trẻ em thì không thể chịu được. Các tầng hầm của Pháo Đài tối om và ngột ngạt bởi mùi tử khí, mùi máu me và tiếng trẻ con khóc không thành tiếng vì khát nước, khát sữa. Địch bao vây cắt mọi ngả đường tiếp tế lên Pháo Đài và không ngớt bắc loa gọi hàng. Thương binh ngày một nhiều hơn nằm la liệt dưới sàn hầm ẩm thấp. Những túi thuốc cứu thương, những cuộn bông băng cuối cùng cũng đã được dùng hết. Từ phía thị xã Lạng Sơn, tiếng pháo ì ầm vẫn vọng đến, thắp lên những tia hy vọng nhỏ nhoi cho những chiến sĩ đang chiến đấu và những người dân đang tá túc trong Pháo Đài.
5- Ngày 21-2-1979.
Lịch sử Sư đoàn 3 Sao Vàng ghi lại:
“Ngày 21 , địch dồn quân quanh Pháo Đài đông hơn, bắn pháo dữ dội hơn. Hoàng Quý Nam vẫn đứng ở vi trí chỉ huy của mình ở ngay trận địa hỏa lực. Bên phải là trung đội hỗn hợp do Phạm Hồng Minh chỉ huy. Bên trái là các chiến sĩ bộ đội biên phòng do Ngô Chí Khán chỉ huy. Các cụ già, em nhỏ và thương binh nặng được chuyển xuống tầng hầm thứ hai. Như một con thoi, Nam chạy đi chạy lại giữa các tổ động viên bộ đội, tấm vải dù hoa rách toạc từng mảng. Bọn địch bắn tỉa ở mỏm đồi phía bắc mấy lần bắn hụt Nam và các đồng chí chỉ huy trung đội. Nam bố trí bộ phận phục bắn trả lại hạ một số tên. Trận địa DKZ của chúng khống chế gắt gao cửa Pháo Đài nơi thường xuyên qua lại giữa bộ phận chiến đấu và anh em thương binh, cũng là nơi có thể đại đội của anh phải rút về cố thủ. Nam quyết định phải diệt bằng được trận địa hỏa lực của địch. Anh hợp đồng với Khán và các chiến sĩ biên phòng kèm bọn bộ binh, trung đội của Minh kèm bọn xe tăng rồi thận trọng trườn ra hào giao thông bất ngờ đứng dậy bắn liên tiếp hai quả B.41, một quả vào cụm chỉ huy, một quả vào trận địa ĐKZ. Nam là một cán bộ không những chỉ huy giỏi mà còn sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí: AK, M.79, trung liên, đại liên, B-40, B-41 và cả súng cối”
14 giờ chiều hôm đó khi Đại đội trưởng Hoàng Quý Nam đang ngắm bắn một khẩu trọng liên của địch đang phát huy hỏa lực vào trung đội của Phạm Hồng Minh thì một quả đạn cối của địch nổ ngay sườn bên phải anh. Toàn bộ nửa người bên phải của anh dập nát. Hoàng Quý Nam, Đại đội trưởng đại đội 42 hy sinh khi mới 27 tuổi. Ngô Chí Khán bị thương lần thứ hai và Trung đội trưởng Thức cũng hy sinh khi chặn đánh một đợt tấn công của quân Trung Quốc lên mỏm Tây Bắc đồi Pháo Đài. Ngô Chí Khán và Phạm Hồng Minh dẫn quân số còn lại rút vào trụ trong tầng trên cùng của Pháo Đài.
6- Ngày 22-2-1979.
Sau khi đẩy tuyến mặt trận vượt qua Tam Lung và tiến sát thị xã Lạng Sơn, chỉ huy Quân đoàn 55 của địch điều thêm một trung đoàn bộ binh từ Sư đoàn 165 đang ở thê đội 2 lên tuyến đầu, tập trung quân đồng loạt đánh vào cả ba cứ điểm Pháo Đài, Thâm Mô và Điểm cao 339. Sau những trận pháo kích dữ dội, quân Trung Quốc tấn công từ năm hướng vào Pháo Đài Đồng Đăng. Nhiều cuộc chiến đấu giáp lá cà đã diễn ra quanh của Pháo Đài. Có lúc, các chiến sỹ chốt giữ Pháo Đài phải gọi các trận địa pháo của ta bắn thẳng vào trận địa của mình để đẩy lùi các đợt tiến công ào ạt của địch.
Đúng trong thời khắc gay cân đó, máy vô tuyến điện mới được cấp lại bị hỏng và không có cách gì để liên lạc ra ngoài. Các chiến sĩ ta thương vong lớn và chỉ còn giữ hai vị trí chiến đấu ở cửa Pháo Đài. Một sồ thương binh nặng khi tỉnh dậy, nghe tiếng kêu gọi của Phạm Hồng Minh cũng bò lên cửa Pháo Đài tham gia chiến đấu. Mọi người đều xác định: “Thà hy sinh chứ không chịu để quân Trung Quốc bắt sống”.
Nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch. Sau mấy đợt tấn công bằng súng phun lửa, địch đã tràn lên được bề mặt Pháo Đài. Những thất bại suốt năm ngày quanh Pháo Đài làm chúng lồng lên. Sau khi kêu gọi được các chiến sĩ ta đầu hang những chỉ nhận được các tràng đạn và những quả lựu đạn, địch chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi. Các cụ già, em nhỏ sau những ngày đói khát đã kiệt sức, dần dần lả đi ở các căn hầm vòm. Những chiến sĩ bị thương nặng cũng lần lượt hy sinh. Pháo Đài chỉ còn lại Phạm Hồng Minh và một sồ chiến sĩ bị thương nhẹ.
Đại tá Nông Văn Pheo kể lại: “Màu máu tanh tưởi, mùi phân, mùi nước giải hôi thối nồng nặc. Mệt quá, khát quá tôi ngồi dựa lưng vào 1 góc tường, đầu choáng, người ớn lạnh và buồn nôn vô cùng. Bỗng “Ầm…! …Ầm!” 2 tiếng nổ khủng khiếp nối nhau. Pháo đài rung chuyển. Tiếp đó hàng chục, hàng trăm tiếng nổ chói tai rung óc. Hơi khói cay sè, đen đặc cuồn cuộn ùa vào từng căn phòng trong pháo đài. Tiếng trẻ con sặc sụa rồi lặng đi. Mấy đồng chí thương binh kêu rú lên, nấc nấc hai ba cái rồi lịm. Tôi bò sợ soạng lần về lỗ thông hơi để thở nhưng từ ngoài địch nhét lựu đạn cay vào nổ choang choác. Quan ánh lửa tôi thấy đàn bà trẻ em nằm la liệt, co quắp, giãy giuạ. Một thứ khói gì rất lạ ộc vào họng cháy bỏng và lửa cháy bừng bừng. Địch phun hơi độc hoá học và phun xăng xuống đốt, tôi thoáng nghĩ rồi ngất lịm. Tỉnh dậy tôi thấy tức thở quá. Tiếng nổ vẫn ầm ầm. Máu ựa ra từ miệng, từ mũi, từ tai. Tôi bò đi sờ trong đống xác người nằm co quắp ấy xem có ai còn sống không. Tất cả dường như đã chết”.
Quân Trung Quốc cho rằng đã diệt hết được những người còn kẹt lại trong Pháo Đài Đồng Đăng và bỏ đi. Nhưng thực ra, số quân còn lại của đội quân hỗn hợp trong Pháo Đài chỉ còn vẻn vẹn 13 người vẫn tìm cách vè với đơn vị mình. Họ gồm Đảng viên, Bí thư chi đoàn Phạm Văn Chiến, người được chỉ định làm chính trị viên, Thượng sĩ Phạm Hồng Minh, được bầu là chỉ huy trưởng, các chiến sĩ Triệu Văn Điện, Hoàng Văn Liên (Cảnh sát cơ động), Nông Văn Pheo, Hà Văn Chiết, Bùi Duy Thanh (Công an Nhân dân vũ trang), Nguyễn Đoan Hạnh, Trần Cường, Nguyễn Văn Năm, Trần Bá Hồng, Nguyễn Duy Thực (Quân đội). Họ bàn nhau chia làm hai mũi phá vây. Trước khi khởi sự, họ đã chuyển một số thi hài của các tử sĩ và đồng bào ta lên tầng thứ nhất của pháo đài, sửa sang áo quần và tư thế nằm cho thoải mái. Còn những thi hài bị vùi lấp trong đống gạch, đá, bê tông đổ nát thì đành để lại.
Mũi tầng hai do Trung đội trưởng Phạm Hồng Minh và Chính trị viên Phạm Văn Chiến phụ trách đi tìm lối thoát hiểm bí mật mà theo như người dân ở đây kể lại thì nó có từ thời Pháp nhưng đã bị quân Nhật chặn lại. Nhóm này may mắn tìm đúng lối ra thoát hiểm ở tầng 2. Ông Nguyễn Duy Thực và Trần Bá Hồng thoát vây trong nhóm này. Ba ngày sau, họ đã tìm về đơn vị của mình ở thị xã Lạng Sơn, phía Nam sông Kỳ Cùng.
Mũi thứ hai gồm các chiến sĩ Công an do ông Nông Văn Pheo dẫn đầu thoát vây từ tầng 3 và trong thời gian lâu hơn. Vốn là người địa phương nên ông Pheo biết được ở tầng dưới cùng của Pháo Đài, có một đường ống thông hơi từ tầng đó lên mặt đất. Ống được xây bằng gạch, tiết diện khoản 50 x 50 cm cỡ một người chui lọt. Rủi thay, đường ống này cũng bị đất vùi lấp. cả năm chiến sĩ phải thay nhau dùng xẻng bới cho đất tơi ra và sụt dần xuống. Sau 3 ngày đào bới, ngày 25-2-1979, đường ống đã được khơi thông, nhóm chiến sĩ Công an theo nhau thoát ra. Sau mấy ngày lội suối, băng rừng, họ cũng về đến thị xã Lạng Sơn.
Ngày nay, người dân Đồng Đăng nói riêng và Lạng Sơn nói chung đều vẫn nhớ đến những bài hát của một thời. Đó là bài “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” và bài “Pháo đài Đồng Đăng”. Vì bài hát “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” được nhiều người biết đến nên tôi xin dẫn ra đây một đoạn lời trong bài” Pháo đài Đồng Đăng”:
Ta hát lên. ngợi ca Pháo Đài Đồng Đăng
Ta hát lên. tên anh Hoàng Quý Nam.
Trước quân thù sống bất khuất. hiên ngang
Vì nhân dân chết anh dũng vẻ vang.
HẾT.
Fb Tâm Minh Nguyễn