Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THÁNG TƯ, VỀ NGUỒN

Nhà văn Hà Lâm Kỳ
Thứ hai ngày 6 tháng 3 năm 2017 11:24 AM



Năm 2010, tháng tư lịch sử, nhân dịp Chi hội nhà văn Sông Chảy (gồm các nhà văn Việt Nam ba tỉnh: Tuyên Quang, Yên Bái, Lao Cai) tổ chức Hội thảo tại tỉnh Tuyên Quang, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Yên Bái tổ chức cho đoàn giáo viên là những đảng viên trẻ và Đoàn thanh niên "nhập hội" với các nhà văn về Chiêm Hóa thăm Di tích lịch sử Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951. Thật ý nghĩa, trong chuyến về nguồn này có cả nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông đã nhận lời mời của nhà văn Hà Lâm Kỳ - Chi hội trưởng, làm trưởng đoàn hành hương.

Tuyên Quang, quê hương của thủ đô kháng chiến, tháng Tư này, rợp nắng ngày xuân, vẫn như phảng phất đâu đó bóng dáng tiền nhân, cho hôm nay con cháu thừa hưởng hạnh phúc, non sông một giải. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Vũ Thị Bích Việt hào hứng nói về những ngày Bác Hồ và Trung ương ở An toàn khu, từng phút, từng giờ chỉ đạo kháng chiến. Bí thư huyện ủy Chiêm Hóa Mai Đức Thông ngoài ba mươi tuổi, rất trí thức, trực tiếp giới thiệu cho các nhà văn và các đảng viên, giáo viên trẻ về Kim Bình - một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt nơi Bác Hồ đích thân chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951.

Từ tháng 1 năm 1949, khi Trung ương quyết định triệu tập Đại hội II (Đại hội I vào tháng 3 năm 1935 tại Ma Cao), Bác Hồ chỉ thị, công việc chuẩn bị cho Đại Hội phải ở một nơi khác, đầu năm 1950, Bác, Trung ương Đảng, Chính phủ chuyển đến làm việc tại xã Kiên Đài. Tại đây Bác chủ trì nhiều Hội nghị, trong đó có việc soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị do Người trực tiếp chỉ đạo và sửa chữa, Bàn về Cách mạng Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo. Mấy vấn đề cốt yếu của Chính quyền nhân dân do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn thiện. Đồng chí Lê Văn Lương - Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự thảo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Hoàng Quốc Việt xây dựng báo cáo Củng cố khối đoàn kết, đồng chí Tố Hữu chắp bút Công tác tư tưởng và tuyên huấn của Đảng... Thời gian này đoàn chuyên gia Trung quốc do đồng chí La Quý Ba làm trưởng đoàn, đoàn cán bộ cách mạng Lào do Hoàng thân Xuphanuvong làm trưởng đoàn, cùng đến Kiên Đài. Trong khi đó ở Kim Bình, công việc chuẩn bị cho Đại Hội vẫn âm thầm khẩn trương, Bác dặn kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp (người được giao nhiệm vụ thiết kế Tổng công trình Đại hội II): "- Trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì". Xã Kiên Đài cách xã Kim Bình gần 20km, nhưng quá trình thi công địa điểm họp, Bác Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã nhiều lần trực tiếp đến kiểm tra, động viên công trường.

Các nhà văn và cán bộ giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái lặng lẽ thắp hương trước "Nhà tưởng niệm các đồng chí đã hi sinh" mà kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp đã thiết kế. Theo ý kiến của Bác, trước khi vào Đại hội, Bác Hồ, Bác Tôn, Tổng bí thư Trường Chinh và các đại biểu đều đứng trước nhà tưởng niệm này cúi mình tưởng nhớ đồng bào, đồng chí cả nước đã hi sinh vì Tổ quốc.

Toàn bộ khu vực Đại hội gồm nhà tưởng niệm, Hội trường, lán Bác Hồ ở, làm việc và tiếp khách quốc tế, nhà trưng bày, nhà Ban tổ chức Đại hội, nhà ở của các đại biểu, của khách mời, cảnh vệ, báo chí, tất cả đều được làm bằng tranh tre nứa lá. Bên cạnh hội trường có một chiếc hầm kiên cố trông như quả gò xanh um cây lá. Các đại biểu khen: khu vực Đại hội được thiết kế gọn, kín, thoáng đẹp và liên hoàn.

Sáng ngày 12 tháng 12 năm 1951, Đại hội trang trọng khai mạc, 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 750 ngàn đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương của ba nước Việt Nam, Lào, CamPuChia. Sau lời khai mạc của đồng chí Tôn Đức Thắng, đồng chí Hồ Chí Minh đọc báo cáo chính trị, Tổng bí thư Trường Chinh đọc báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam. Ngày 19 tháng 2 năm 1951, Đại hội thông qua Tuyên ngôn, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng. Đại hội quyết định, tổ chức Đảng ba nước trở về hoạt động độc lập ở nước mình. Đảng lao động Việt Nam tuyên bố ra hoạt động công khai. Ban chấp hành Trung ương mới gồm 29 đồng chí ( trong đó có 10 ủy viên dự khuyết), Bộ Chính trị gồm 9 ủy viên và một ban bí thư. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "- Đại hội II là đại hội đẩy mạnh kháng chiến thắng lợi và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam".

Theo chân đồng chí Bí thư huyện ủy Chiêm Hóa Mai Đức Thông, những vị khách văn hóa bước vào hội trường, đứng bên "đoàn chủ tịch", anh Thông giới thiệu: "- Rất mừng nhờ những bức ảnh này chụp tại Đại hội II còn khá rõ nét mà các ngôi nhà khu vực Đại hội cũng như sự bố trí phía trong được phục chế như nguyên bản.

Tại Hội trường, ngay sau khi kết thúc Đại hội II, từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 3 năm 1951, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt được khai mạc với sự có mặt của các Đảng: Dân chủ, Xã hội và các đoàn thể. Mặt trận Liên Việt được thành lập do cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn làm Chủ tịch danh dự.

Ngày 11 tháng 3 năm 1951 tiến hành Hội nghị Liên minh Việt - Miên - Lào với cương lĩnh chung là đoàn kết chặt chẽ, phối hợp, giành độc lập thật sự cho cả 3 dân tộc. Bác Hồ tham dự Hội nghị với tư cách Chủ tịch Đảng lao động Việt Nam, Chủ tịch danh dự mặt trận Liên - Việt.

Và, tại Hội trường mái lá này, ngày 1 tháng 5 năm 1952 khai mạc Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, ở Đại hội, 7 Anh hùng được tuyên dương, đó là La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Cù Chính Lan, Mạc Thị Bưởi, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh.

Như vậy, nếu tính từ ngày mùng 5 tháng 2 đến mùng 5 tháng 5 năm 1951, ba tháng trọng tâm của một loạt sự kiện chính trị diễn ra tại khu vực rừng Nà Loáng thuộc xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình) huyện Chiêm Hóa, có thể nói đó là một dấu mốc lịch sử đối với Cách mạng Việt Nam và Cách mạng 3 nước Đông Dương những năm 50, 60 của thế kỷ XX. Cũng nên nói thêm, mặc dù kẻ địch ra sức dò la tìm cách phá hoại, thậm chí khủng bố, nhưng lòng dân Kim Bình, lòng dân Chiêm Hóa đã trở thành lưới thép kháng chiến. Chính nhờ vậy mà ba tháng với bao sự kiện chính trị lớn diễn ra trong Khu vực Đại hội nhưng các tù và báo động không phải dùng đến, cửa hầm gò chưa phải mở. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói với các giảng viên trẻ Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật và du lịch Yên Bái: - Đó chính là chiều sâu trong tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ.

Tháng tư lịch sử này, có Đại thắng mùa xuân, có Quốc lễ giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), nhớ lời dạy của Bác Hồ: - Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Nghìn năm Thăng Long đến gần, thế hệ hậu duệ đã làm, đang làm và sẽ làm những gì để Tiền Nhân vui lòng?

Ngày 25 tháng 4 năm 2010