Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VAI TRÒ CỦA DỊCH THUẬT VĂN HỌC TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Nhà văn Hoàng Hữu Đản
Thứ bẩy ngày 4 tháng 3 năm 2017 9:36 PM






Có một thời gian, người ta quan niệm dịch giả văn học chỉ là người phiên dịch, nhà

“ chuyển ngữ”, chứ không phải là nhà văn; vì thế mức nhuận bút dịch thuật cũng thấp hơn so với mức nhuận bút sáng tác. Trong khi đó thì tác phẩm dịch lại được độc giả ưa thích và tìm đọc nhiều hơn so với tác phẩm trong nước, lý do: Đây là những kiệt tác của những nhà văn vĩ đại thế giới được các dịch giả uyên bác dịch ra tiếng Việt: Những người khốn khổ của Victor Hugo, Tấn trò đời của Honoré de Balzac, Đỏ và Đen của Stendhal, Bà Bovary của Gustave Flaubert, Truyện ngắn của Guy de Maupassant, Không gia đình của Hector Malol, Aivanho của W. Scott, kịch Ham let, Macbet, Othello của Shakespeare, Tarass Boulba, Những linh hồn chết của Gogol, Chiến tranh và Hoà bình , Phục sinh của Léon Tolstoi, Thép đã tôi thế đấy của Nicolas Ostrovski, Con đương đau khổ của Alexis Tolstoi, Bác sĩ Zivago của B. Pasternak…Nghịch lý đó đã dần dần thay đổi được phần nào cái quan niệm sai lầm về vai trò của dịch giả văn học.

Xã hội loài người ngày càng mở rộng sự giao lưu và hội nhập văn hoá thì vai trò của dịch giả văn học càng quan trọng, và dịch thuật văn học cũng trở thành một trong những phương tiện nhanh nhất và hiệu quả nhất của sự giao lưu. Phải qua các dịch giả văn học, người Việt Nam mới tiếp xúc được với văn hoá thế giới, điều đó ai cũng biết. Nhưng có một điều mà người ta dễ dàng không quan tâm lắm là Việt Nam cũng phải chọn lọc và giới thiệu ra với thế giới những tác phẩm ưu tú, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam - Một trong những yếu tố tinh thần quan trọng bậc nhất làm nên, và duy trì sức mạnh quật cường, truyền thống của dân tộc ta. Nếu ta chỉ quen nhập của người, cái tốt lẫn cái chưa tốt như ngày hôm nay, mà không xuất của ta, thì sẽ xảy ra tình trạng “ nhập siêu văn hoá”, kết quả là chính cái bản sắc văn hoá dân tộc của ta có nguy cơ sẽ bị suy yếu dần. Cho nên nguyện vọng tha thiết và có lẽ cũng là yêu cầu của tình hình đối với chúng ta hiện nay là:

1/ Nên có một cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có ngân sách để điều hành toàn bộ công việc chọn dịch và xuất bản tại Việt Nam những tác phẩm có giá trị của văn học nước ngoài và xuất bản ra nước ngoài những tác phẩm có giá trị của văn học Việt Nam.

2/ Nên tiến hành đào tạo ngay “ một đội ngũ dịch giả văn học hai chiều hoàn chỉnh” có trình độ , khả năng và nhiệt tình để kế tục sự nghiệp dịch thuật của lớp đàn anh đi trước nay còn lại không nhiều lắm.

Dưới đây là những tiêu chuẩn mà một dịch giả văn học bình thường phải đạt để có thể làm tốt công việc của mình:

- Trước hết , dịch giả văn học phải là một nhà văn có khả năng làm chủ được ít nhất là hai thứ tiếng- tiếng mẹ đẻ và tiếng mình dịch- có nghĩa là suy tư, viết, nói, tranh luận, sinh hoạt bằng cả hai thứ tiếng một cach thành thạo, và không phải chỉ là tiếng nói phổ thông chung chung mà là tiếng nói văn học ở mọi thể loại: tự sự, trữ tình, hùng biện, sử thi, sân khấu, và ở mọi phong cách bác học, bình dân, nghiêm trang, châm biếm…

- Thứ hai, phải có một trình độ kiến thức, càng sâu càng tốt về mọi mặt, đặc biệt về khoa học xã hội: lịch sử, địa lý, triết học, dân tộc học, xã hội học, âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc…là những môn khoa học liên quan trực tiếp và thường xuyên đế văn học, mà văn học chính là bức tranh phản chiếu cuộc sống vật chất, tinh thần và tình cảm toàn diện của con người, muôn thủa, muôn nơi. Không có một trình độ kiến thức như vậy đừng nên đi vào con đường dịch thuật khó khó khăn và đầy chông gai này.

- Có kiến thức, trình độ tài năng, người ta có thể dịch đúng, nhưng muốn dịch hay cần phải được trời phú cho một tâm hồn nhạy cảm, say mê và những năng khiếu đặc biệt của một nhà văn, một nhà thơ đích thực luôn luôn được nuôi dưỡng và được khơi dậy bởi ngọn lửa nhiệt tình, kiên trì và nhẫn nại…

- Sau nữa, dù tài giỏi cũng nên khiêm tốn biết liệu sức mình mà giới hạn tham vọng của mình. Thà có ít tác phẩm chuyên về một thể loại mà hay thì hơn là dịch đủ mọi thứ thể loại và mọi đề tài mà dở.

Bởi vì, ai cũng biết, dịch văn học không phải là cứ tra Từ điển mà dịch từng chữ, từng câu, từ đầu cho đến cuối cuốn sách, mà trước hết là phải hiểu sâu sắc tác phẩm nước ngoài ấy được viết ra trong những hoàn cảnh chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội nhất định nào, hiểu được từng chi tiết của nội dung và của nghệ thuật, phân tích được một cách sâu sắc: tác giả đặt ra vấn đề gì và giải quyết nó như thế nào, vì sao, và nhằm mục đích gì, có đáp ứng được yêu cầu của thời đại hay không và đáp ứng đến mức độ nào…Thấm nhuần tác phẩm rồi, nhiệm vụ của dịch giả là viết lại y nguyên cái nội dung của tác giả đó bằng tiếng nước mình và theo phong cách riêng của mình.

Có một số vấn đề nên chú ý:

- Nói về nguyên tắc cơ bản thì tác phẩm dịch phải trung thành với bản gốc về cả nội dung lẫn hình thức diễn đạt, nghĩa là thơ dịch ra thơ, văn xuôi dich ra văn xuôi- thơ dịch ra văn xuôi là “ phản bội tác giả”.

- Về việc dịch thơ, nên hiểu đúng sự trung thành như sau : về nội dung, cảm xúc thì phải trung thành tuyệt đối và về hình thức nghệ thuật thì trung thành đến mức tối đa. Ví dụ như thơ của Malherbe, Lamartine thường gồm những khổ 4 câu dài, ngắn xen nhau một cách đều đặn, có thể dịch thành thơ 6-8 là hay và được nhất. Thơ Victor Hugo thường là những khổ 6 câu cấu trúc như sau:

+Câu 1 và câu 2: liền vần “cái”,

+ câu 3,4,5 và 6: Vần ôm: Câu 3: vần “đực”

Câu 4: vần “ cái”

câu 5: vần “ cái”

Câu 6 : vần “ đực”.

Đọc một bản dịch theo cấu trúc đó, độc giả có học nhận ra ngay là thơ Victor Hugo cả về nội dung lẫn hình thức và thấy thú vị hơn là một bản dịch toàn câu 7 chữ vần liên “ trắc”, “ bằng” từng cặp xen nhau. Tất nhiên, hay nhiều, hoặc ít là do chính tài năng của dịch giả biết chọn hình thức dịch nào phù hợp nhất với nội dung và cảm hứng của tác giả. Chẳng hạn như bài Lòng ta chôn một mối tình của Khái Hưng dịch bài Sonnet của Arvers, bằng bốn khổ thơ lục bát, trong khi nguyên tác là một thể thơ đặc biệt gồm hai khổ đầu 4 câu, vần ôm lặp lại của nhau, tiếp theo là hai khổ 3 câu có hai câu đầu vần “ cái” khác nhau và câu thứ ba vần “ đực” giống nhau. Hay bài Tỳ Bà Hành của Phan Huy Vịnh dịch thơ Bạch Cư Dị- nguyên tác câu 7 chữ, vần liền- hay Chinh phụ ngâm - cả hai bản của Phan Huy Ích và của Đoàn Thị Điểm dịch của Đặng Trần Côn ( nguyên tác câu dài, câu ngắn tuỳ hứng xen nhau), đều theo thể Song thất lục bát rất hợp với nội dung buồn của hai bài thơ trên, là những bản dịch tuyệt vời, hàng đầu, không riêng của văn học Việt Nam.

Rõ ràng, nhiệm vụ của dịch giả văn học khó khăn hơn và đòi hỏi cao hơn nhiệm vụ của nhà văn. Chính vì vậy mà qua mấy ngàn năm văn học của dân tộc và thế gới, sáng tác hay thì có hàng ngàn tác phẩm, còn tác phẩm dịch hay mà nổi tiếng thì may ra chỉ tính bằng con số hàng chục.

Xu hướng hội nhập văn hoá là một tất yếu lịch sử trong giai đoạn phát triển hiện nay của xã hội, trong đó vai trò của dịch thuật văn học là rất quan trọng. Đào tạo một đội ngũ đông đảo những dịch giả văn học mới- chứ không phải là những người chuyển ngữ - có chất lượng và trình độ không ngừng được nâng cao, là một điều kiện không thể thiếu để đất nước chúng ta đường hoàng hội nhập với thế giới mà vẫn giữ nguyên sự trong sáng, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc .//

Thành phố Hồ Chí Minh, 10/2002

Nhà văn Hoàng Hữu Đản