Công ty “Phahoaimoitruong” của nước ngoài tên viết tắt là FM có nhà máy rất to đóng đô ở huyện Kì Quặc, tỉnh Hà Tiện. Nhà máy của họ đã xả thải một lượng cực lớn hóa chất độc hại ra biển làm cá chết hàng loạt, nổi thành đống lớn thối hoắc dọc bờ biển mấy tỉnh liền kề. Thảm họa môi trường vô cùng khốc liệt, di hại có thể kéo dài tới 50 năm sau. Biển nhiễm độc, không còn cá, ngư dân, diêm dân thất nghiệp. Ngư cụ, dụng cụ sắm ra để đánh bắt và sản xuất đành bỏ xó hoặc vứt đi. Đời sống bỗng nhiên khó khăn, điêu đứng. Dân chúng vô cùng phẫn nộ, gào khóc thảm thiết, chửi bới, xỉa xói vào mặt cái bọn chủ trương giết biển, thủ tiêu chỗ sinh nhai của họ và bọn tham tiền cho thuê đất làm nhà máy. Còn người đến thuê đất thì khẳng định chắc nịch với lý lẽ rất thuyết phục “đã cho thuê đất lấy tiền thì thôi ăn cá chứ không thể chọn cả hai”. Khi này những kẻ cho thuê đất mới tá hỏa điều quân khiển tướng nhẩy bổ vào điều tra, đấu tố kẻ gây tội ác. Trước chứng cứ không thể chối cãi kẻ giết hại môi trường đành cúi đầu nhận tội và hứa sẽ bồi thường một số tiền có thể đủ để xây dựng vài cái tượng đài, vài cái trụ sở cơ quan công quyền. Vài kẻ bên bị hại nhảy cẫng lên sung sướng. Từ nay bỏ được nghề ra khơi vào lộng lam lũ, bỏ được nghề phơi muối đội thúng cực nhọc… để chuyển sang nghề khác nhờ khoản tiền hỗ trợ đền bồi của đối tác làm ăn. Còn bên thuê đất thì mở cờ trong bụng. “Thế là từ nay chúng mày phải bỏ biển, biển nghiễm nhiên trở thành của tao, ha ha!” Rồi hắn sẽ tiếp tục xả thải chất độc ra biển, có trời mà kiểm soát nổi, vì biển không còn cá để chết, người ăn hải sản nhiễm độc thì chết từ từ khó mà quy kết cho kẻ đầu độc…
Mặc dù bị cướp mất cái cần câu, cướp mất chỗ sinh nhai, lại chỉ được bồi thường một con cá cỏn con nhưng có vài kẻ nhân danh lãnh đạo bên bị hại đã rất hí hửng, vui mừng ra mặt khi mới nghe tin sẽ được bồi thường tiền. Họ bàn nhau khuyến khích dân bỏ biển, chuyển đổi nghề. Nhưng biết làm nghề gì bây giờ? Đã gắn bó với nghề biển từ lọt lòng đến lúc về chín suối dễ gì mà chuyển đổi? Phải có học hành đào tạo, phải có cơ sở vật chất hạ tầng v.v…và phải có thời gian chuẩn bị chu đáo với sự hỗ trợ của nhà nước mới làm được chứ! Thôi thì muôn vàn khó khăn bày ra trước mắt. Xưa nay mọi việc dân không được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, nhưng đến việc này thì phải đem ra cho dân bàn để thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chín người mười ý, ồn ào như chợ vỡ kéo dài hàng tuần mà chưa tìm ra được giải pháp nào khả thi. Khi không khí sôi động tạm lắng xuống, mọi người tỏ ra thất vọng thì có ý kiến của một vị sếp vừa mãn nhiệm được mọi người hưởng ứng. Ông ta đứng lên dõng dạc: “ Thưa bà con! Với danh nghĩa một người tử tế, có tâm huyết, với kinh nghiệm nhiều năm trên chính trường, tôi xin đưa ra giải pháp. Nước là một phần tất yếu của cuộc sống, nước duy trì sự sống trên hành tinh của chúng ta, là tài nguyên thiên nhiên có sẵn, ở đâu cũng có. Chúng ta sẽ chuyển đổi nghề, chúng ta chỉ việc khai thác nước lên để bán. Trong tương lai ở vùng ta nước sạch sẽ ngày càng khan hiếm vì công ty FM đã thông đồng với bên tài nguyên môi trường của ta vụng trộm chôn giấu chất thải độc hại xuống đất với số lượng rất lớn. Biển chết rồi, nguồn nước trong nội địa rồi cũng sẽ bị ô nhiễm nặng. Cho nên chúng ta chuyển sang kinh doanh nước sạch, hay gọi tắt là nghề “bán nước” !” Cả hội trường tâm đắc, tán thành bằng những tràng pháo tay rất dài, cho đó là ý kiến tuyệt hay vì nghề này mất ít vốn mà lãi rất “khủng”. Đây đúng là ý kiến hay của nhà lãnh đạo thiên tài. Mọi người cùng đứng lên đồng thanh “ Nhất trí! Nhất trí, từ nay chúng tôi xin chuyển đổi sang nghề…bán nước!” VQT