Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI NÉT VỀ ÔNG NGUYỄN HỮU ĐANG năm 1952, 1953

Phạm Tố
Thứ sáu ngày 19 tháng 8 năm 2016 3:38 PM


Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tỉnh Thanh Hóa là vùng tự do. Một số địa phương trong tỉnh là nơi đóng của nhiều cơ quan, trường học từ vùng địch hậu tản cư vào. Quanh các phố Đu, phố Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, có các trường Nguyễn Thượng Hiền, lớp Dự bị Đại học, trường Nguyễn Văn Luyện...
Năm 1952, tôi học lớp 6 tại trường Nguyễn Văn Luyện. Nhiều thầy giáo của trường là trí thức từ Hà Nội vào. Do bố tôi có quen biết các thầy nên ngoài giờ ở lớp, tôi gọi các thầy là bác. Thầy Đặng Thúc Hãng nhận đỡ đầu hai anh em tôi, cho ở cùng với thầy trong một nhà dân. Từ đó, chúng tôi được biết ông Nguyễn Hữu Đang ( chúng tôi cũng gọi ông Đang là bác ). Thầy Hãng cho chúng tôi biết vài nét chung chung về ông Đang : Ông là cán bộ cấp cao của Nhà nước, đã từng là Trưởng ban tổ chức Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 - 9 - 1945 tại Hà Nội.
Ông Đang có một tủ sách gửi tại nhà chúng tôi trọ. Ông cho chúng tôi mượn đọc một số truyện nhưng bắt phải ngồi đọc ở bàn, không được nằm đọc, phải giữ gìn sách thật cẩn thận. Tôi hiểu là ông muốn chúng tôi phải quý trọng sách, quý trọng tác giả và quý trọng những điều hay lẽ phải trong sách.
Năm 1953, thầy Hãng tập hợp mấy học sinh quê huyện Xuân Trường (Nam Định) thành một tập thể, dựng nhà cạnh nông giang gần phố Hậu Hiền, trồng rau, nuôi thỏ, phân công nhau tăng gia sản xuất, tự nấu lấy ăn. Thầy cho hai anh em tôi (quê Thái Bình) ở cùng.
Ông Đang cũng ở gần đó. Mỗi tuần lễ, ông dành 2 tiếng đồng hồ để giảng cho chúng tôi về Duy vật lịch sử. Có lúc ông còn viết báo tường cho tờ báo của tập thể chúng tôi, Bài báo của ông có tranh minh họa rất sinh động. Có lần ông ra một vế đối “Gái Hậu Hiền vừa xinh vừa hiền hậu”, chẳng ai đối được. Tôi là thằng nhóc bé nhất ở đấy (15 tuổi), “điếc không sợ súng”, đối nhăng một câu “Trai Xuân Trường đã giỏi lại trường xuân”. Ông bảo :“Cũng khá đấy, nhưng hai chữ ĐÃ và LẠI đối chưa thật chỉnh với hai chữ VỪA”. Thực ra, hôm ấy ông cũng chưa có vế đối lại. Đúng là “Xuất đối dị, đối đối nan” !
Một lần khác, ông “phác thảo” (bằng lời nói chứ không viết ra giấy) vở “Quả dưa hấu”, giao cho anh ruột tôi đóng vai Mai An Tiêm. Nhân dịp có nhà thơ Quang Dũng ghé thăm, ông bảo :“Nhờ Quang Dũng viết cho mấy câu để vai Mai An Tiêm hát cho vui !”. Ông Quang Dũng ngồi viết được bốn câu :
Này đây là luống dưa hồng
Nay mai ta bế ta bồng, dưa ơi !
Nông dân làm chủ cuộc đời
Em ơi, hạnh phúc ở nơi tay mình !
(Hồi ấy, ở Thanh Hóa đã bắt đầu thực hiện “giảm tô giảm tức” nên bốn câu thơ của tác giả “Bài ca Tây Tiến” mới có tính thời sự như vậy. Lúc ấy, tôi chú ý khía cạnh khác của câu thơ. Tôi nghĩ bụng : DƯA HẤU khác hẳn DƯA HỒNG chứ, nhưng chắc là bị bó buộc bởi vần thơ lục bát nên ông Quang Dũng mới viết thế. Tôi nghĩ vậy nhưng không dám nói).
Ở vở kịch ấy, ông Đang đóng vai vua Hùng . Khi diễn, lúc cầm quả dưa ngắm nghía, ông ứng khẩu một câu :“Chà chà ! Đây là loại quả mà già ăn trẻ lại, gái ăn đắt chồng đây !”. Mấy cô gái đứng xem, ôm nhau cười khúc khích !
*
Đầu năm 1954, hai anh em tôi tạm biệt các thầy và các bạn, ra Ninh Bình học lớp 8 tại trường Phổ thông cấp 3 Cù Chính Lan.
Những năm sau, tôi có dịp gặp lại ông Nguyễn Hữu Đang nhiều lần nữa. Tôi cũng đã về xã Vũ Công, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình thăm ông, chứng kiến những cảnh đúng như nhà thơ Phùng Quán đã viết trong “Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập”.
18 - 8 - 2016
Phạm Tố
Ảnh 1 : Ông Nguyễn Hữu Đang (đứng nắm hai tay phía trước), chụp năm 1953 tại Thanh Hóa cùng ba vị trí thức kháng chiến. Các vị đều đã mất.