Tóm tắt
Vũ Xuân Tửu là một trong những tên tuổi nổi bật hàng đầu của văn học Tuyên Quang, thời kỳ đổi mới. Với một sức viết bền và khỏe, ông đã cho ra đời một số lượng khá lớn các tác phẩm văn học, mà dư âm của nó có sức lan toả không chỉ đối với các bạn đọc ở địa phương Tuyên Quang, mà còn với khá đông bạn đọc trong cả nước. Bài viết khái quát đôi nét về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và bước đầu đưa ra một số ý kiến đán giá về quan niệm nghệ thuật và cảm quan nhân thế của nhà văn.
1. Cuộc đời và văn nghiệp
Nhà văn Vũ Xuân Tửu sinh ngày 19 tháng 02 năm 1955, tại Ninh Giang, Hoa Lư, Ninh Bình. Tuy nhiên, từ năm 8 tuổi Vũ Xuân Tửu đã theo gia đình lên khai hoang phát triển kinh tế, tại xã Hùng Đức, Huyện Hàm Yên, Tỉnh Tuyên Quang. Chính vì vậy, miền quê Hoa Lư chỉ còn đọng lại trong ký ức tuổi thơ nhà văn, như một miền quê thanh bình và yên tĩnh. Ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo và nuôi dưỡng tâm hôn nhà văn là quê hương thứ hai, xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang và người mẹ giàu vốn văn hóa dân gian của anh.
Là con cả trong một gia đình nông dân “đặc sệt” có 9 người con, Vũ Xuân Tửu từng chứng kiến bố mẹ anh phải làm đủ các nghề (làm ruộng, đóng cối, thợ mộc) để kiếm sống. Từ năm 1963 đến năm 1974, tại miền đất khai hoang Hàm Yên, vừa tham gia giúp đỡ cha mẹ việc đồng áng, chăm các em, nấu cơm, chăn trâu cắt cỏ... Vũ Xuân Tửu vừa học hết bậc học phổ thông. Với tư chất thông minh và chăm chỉ học hành, năm 1974 sau khi tốt nghiệp phổ thông, Vũ Xuân Tửu đã thi đỗ vào trường Đại học An ninh nhân dân và tốt nghiệp tại đây năm 1979, trở về công tác tại Công an Tỉnh Tuyên Quang.
Trong quá trình công tác tại Công an Tỉnh, nhà văn Vũ Xuân Tửu đã tham gia giữ các chức vụ như Phó Văn phòng Công an Tỉnh, Trưởng phòng Công tác chính trị Công an Tỉnh. Đến năm 2010 Vũ Xuân Tửu có quyết định về hưu. Hiện tại nhà văn Vũ Xuân Tửu sống tại số nhà 537, đường Quang Trung, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Với 30 năm công tác trong ngành Công an, tham gia nhiều bộ phận, công tác tại nhiều địa bàn, tiếp xúc và tìm hiểu nhiều đối tượng khác nhau, Vũ Xuân Tửu đã năm vững phong tục, tập quán, tâm tính của nhiều hạng người trong xã hội, ông có thể hiểu được những suy nghĩ đơn giản, nhưng mang đầy tính cố hữu của những người nông dân, có thể cảm nhận được sâu săc những tính toán, căn cơ trong cuộc sống thường thường bậc trung của lớp cán bộ công chức, rồi cuộc sống của tầng lớp trí thức, quan chức, doanh nghiệp, đến văn nghệ sĩ, giáo viên... Tất cả đã trở thành vốn sống, vốn tư liệu đầy đặn cho những sáng tác của ông sau này.
về đời tư, nhà văn Vũ Xuân Tửu có vẻ như không được như ý với cuộc hôn nhân của mình. Và đây là một trong những nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng tới thế giới quan của nhà văn. Năm 1984 ông kết hôn với một nữ diễn viên của đoàn nghệ thuật tỉnh. Sau 7 chung sống, có với nhau 2 mặt con, nhà văn đã quyết định ly hôn vợ khi đứa con lớn mới 6 tuổi và đứa con nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Cuộc sống trống trải với cảnh gà trống nuôi con đã trở thành dấu ấn nhọc nhằn trong ngòi bút của nhà văn sau này.
Nhà văn Vũ Xuân Tửu tham gia Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang từ năm 1998. Sau nhiều đóng góp lớn và đặc biệt là sau khi được nhận giải thưởng Tạp chí Văn Nghệ quân đội, năm 2006 ông được kết nạp và làm Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2011 kết nạp vào Hội viên Hội Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang. Chi hội trưởng Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học Nghệ thật Tuyên Quang. Chi hội phó Chỉ hội Văn học các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang thuộc Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
2. Sự nghiệp sáng tác
Như trên đã nói, trong số các tác giả văn học Tuyên Quang thời kỳ đổi mới, Vũ Xuân Tửu là người có sức viết khỏe và viết khá đều taỵ. Chỉ trong vòng hơn 10 năm sáng tác (kể từ tập truyện ngắn đầu tay được xuất bản năm 1998 đến nay) ông đã cho ra đời hơn 100 tác phẩm với đủ các thể loại: thơ, trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn.
Có được điều này, theo nhà văn, từ năm 1974, khi còn là sinh viên của Học viện An Ninh nhân dân, ông đã mầy mò đọc sách và ghi chép tư liệu trong thư viện, Đến năm 1980, Vũ Xuân Tửu mới chính đến với nghiệp viết bằng bút ký Đường xuyên cao nguyên đăng trên Văn Nghệ Tuyên Quang. Mặc dù chưa thành công, nhưng một vài độc giả đã kịp thời nhận ra giọng văn tự nhiên, sống động, súc tích của cây viết trẻ trong tác phẩm đầu tay này, và những lời động viên của đồng nghiệp giống như một động lực để nhà văn đi đến một quyết định táo bạo, bên cạnh công việc đấu tranh phòng chống tội phạm, chàng sĩ quan công an quyết tâm đầu tư tâm huyết thêm một nghề tay trái: nghề viết văn. Và từ 1980 nhà văn Vũ Xuân Tửu bắt đầu tiếp xúc với đời sống văn nghệ và bắt đầu tập tành sáng tác. Những sáng tác đầu tay của Vũ Xuân Tửu ban đầu hầu hết là những bài thơ. Tuy nhiên, vào khoảng 1984 khi đã quen tay, ông chủ yếu viết văn xuôi. Những tác phẩm văn xuôi đầu tiên Vũ Xuân Tửu giữ lại cho riêng mình. Còn thơ với đặc trưng trữ tình, bay bổng lãng mạn không hợp lắm với tư duy khúc triết, chất tự sự và cái năng khiếu thiên bẩm về cách kể, lối kể và tạo dựng chi tiết truyện của Vũ Xuân Tửu, cho nên chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã gần như bỏ hẳn để chuyên hẳn sang viết văn xuôi.
Năm 1998 được xem như bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời sáng tác của Vũ Xuân Tửu. Là một người không được đào tạo bài bản để viết văn, bằng niềm đam mê, bằng khả năng thiên phú, trong thời gian tới hàng chục năm đầu sáng tác, nhà văn hoàn toàn viết theo khả năng, vốn sống và kinh nghiệm ít ỏi học được từ các nhà văn đi trước. Năm 1998 sau khi lần đầu tiên được dự trại sáng tác văn học của tuần báo Văn Nghệ, tổ chức tại Lạng Sơn, Vũ Xuân Tửu thấy mình khác hẳn. Ông tâm sự: “Từ năm 1998, tôi mới thực sự xác định cụ thể con đường đi và bất đầu sự nghiệp sáng tác văn học của mình theo đúng nghĩa của nghề viết”. Sau khi được tiếp xúc, trao đổi, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý báu từ các đàn anh đi trước như Hữu Thỉnh, Nguvễn Khắc Trường, Vũ Xuân Tửu cảm thấy mình lớn lên rất nhiều. Cái lối văn thật thà gặp gì viết nấỵ, nghĩ gì nói nấy trong những truyện ngắn đầu tay, mà sau này ông tập hợp in trong Tầm phào trở nên xa lạ. Đặc biệt, sau khi được nhà văn Nguyễn Khắc Trường (tác giả của tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma) động viên: “Tao chưa khen thằng nào... nhưng với mày, mày nhất định sẽ trở thành nhà Văn” (Nguyễn Quỳnh Trang - Báo Thể thao và Văn hóa), Vũ Xuân Tửu thấy tự tin hơn hẳn. Đúng là “được lời như cởi tấm lòng”, ngòi bút của ông bắt đầu thăng hoa. Ông viết chắc chắn và bản lĩnh hơn. Cảm giác thăm dò, rụt rè nhường chỗ cho sự mạnh dạn, sắc sảo. Thay vì luôn dằn vặt bởi những câu hỏi: “Văn mình có ra gì không nhỉ? Tác phẩm của mình liệu có công chúng không? Mình có thể theo đuổi sự nghiệp văn chương không? Lúc này ông có thể mạnh dạn trao cả cuộc đời mình cho sự nghiệp văn chương, mà không thấy một chút do dự nào nữa. Khi được hỏi về điều này, chính nhà văn Vũ Xuân Tửu cũng bật thốt lên: "Năm 1998 là năm đáng nhớ nhất, là bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của mình”. Năm 1998 cũng là năm đầu tiên nhà văn tự tin xuất bản “Tầm phào” - tác phẩm đầu tay của ông, để rồi những năm tiếp sau đó con đường sáng tác của ông mở rộng thênh thang, với nhiều tác phẩm được tặng thưởng được bạn đọc cả nước biết đến.
Trong khoảng 10 năm từ 1998 đến 2008 Vũ Xuân Tửu đã sáng tác và cho xuất bản hàng trăm tác phẩm. Các tác phẩm chính đã xuất bản bao gồm: Tầm phào, (tập truyện, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1998); Miếng trầu xanh (tập thơ, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1998; Cảnh giác với tệ nạn xã hội (Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1999); Đám cháy trên cánh rừng đầu nguồn (Tập truyện, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2000); Rừng sáo (tập truyện thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, Hà Hội, 2002); Nửa tỉnh nửa quê (tiểu thuyết, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2002); Yếm thắm (tập truyện, Nxb Văn nghệ, tp. Hồ Chí Minh, 2003); Bí mật cuốn gia phả (tập truyện ngắn, Nxb Văn nghệ, tp. Hồ Chí Minh, 2005); Con chim lửa (tập truyện ngắn chọn lọc, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2006); Chúa Bầu (tiểu thuyết, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006); Hình bóng đàn bà (tiểu thuyết cực ngắn, Nxb Văn nghệ, tp. Hồ Chí Minh, 2006); Mồ hồi của đá (tập truyện, Nxb Hộỉ Nhà văn, Hà Nội, 2007); Chuyện ở bản Piát (tập truyện, Nxb Văn nghệ, tp. Hồ Chí Minh, 2007); Chuvện trong làng ngoài xã (tiểu thuyết, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2007); Chuyện anh thuyền chài Trần Văn Sông (trường ca, Nxb Văn học, Hà Nội, 2008)... Ngoài ra, còn một số tác phẩm được tuyển chọn in chung trong 20 tập sách khác.
3. Quan niệm nghệ thuật và cảm quan nhân thế
3.1.Quan niệm văn chương
Vũ Xuân Tửu tuyên bố rất giản dị - Ngòi bút phải hướng về dân và viết văn phải có văn. Trong đời thực ông là người sống ngay thẳng, bộc trực. Trong cuộc sống cũng như sáng tác văn học, ông không ngần ngại đưa ra những quan điểm của mình. Mặc dù đôi khi nhận thức và cách đánh giá của ông đối với các vấn đề tiêu cực trong xã hội có phần cực đoan, nhưng trong những tác phẩm chính, bao giờ Vũ Xuân Tửu cũng vượt qua được cái ranh giới mong manh giữa tiêu cực và tích cực để có được tiếng nói đồng cảm với bạn đọc. Ở Vũ Xuân Tửu có một cái gì đó giống như Nguvễn Tuân trong cách ứng xử với nghề viết văn, quan niệm về nghệ thuật văn chương và phản ánh hiện thực. Chỉ có điểm khác là do sống trong xã hội thực dân nửa phong kiến, nhà văn Nguyễn Tuân thường phải phóng to hoặc đào sâu, bới kỹ (chữ dùng của Hà Văn Đức) cái tôi bản ngã của mình như một phương tiện, một vũ khí lợi hại để chống trả và đối lập với xã hội kim tiền ô trọc, thì trong xã hội công bằng dân chủ, văn minh ngày nay, để lên án những biểu hiện trái chiều, những tiêu cực đây đó còn lẩn khuất trong lòng xã hội, nhà văn Vũ Xuân Tửu lại hướng ngòi bút thật sâu (đôi khi đến mức tàn nhẫn) vào thế giới nội tâm của nhân vật để nhân vật tự chiêm nghiệm, soi ngắm lại bản thân mà thay đổi cho phù hợp với luân thường đạo lý.
Vũ Xuân Tửu không chỉ tự hào về nghề viết của mình mà còn đẩy lên thành niềm đam mê, thậm chí tới mức tôn thờ nghề viết: “Tôi coi văn chương là chuyện sang trọng và thiêng liêng. Trước khi viết, tôi thường tắm gội sạch sẽ, chọn giấy trắng, bút tốt. Sau khi tác phẩm được xuất bản, thường làm lễ tạ, đận túng bấn thì bày hoa quả, lúc có tí tiền thì biện đĩa xôi, thủ lợn, cốt sao thể hiện lòng thành của mình. Mỗi khi bạn đọc khen thì mừng, nhưng không mụ mị, bạn đọc chê thì buồn, nhưng không chán nản và tôi luôn tự sửa chữa rút kinh nghiệm. Bởi không qua trường lớp dạy viết văn, lại ở xa thủ đô, chỉ học qua các trại sáng tác văn học, nên phải chuyên cần và nỗ lực tự làm mới mình. Tôi thường viết ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ cuối tuần, nên khi có cảm xúc dạt dào cũng đành kìm nén, nhưng lại cố lúc cầm bút, rồi mới gọi cảm xúc về. Dù ít, đủ nhiều, ngày nào tôi cũng đọc và viết. Tôi làm việc nghiêm túc, không cầu may, nhưng vận may lại đến. Tôi được hưởng lộc về văn chương, được nhiều người giúp đỡ, nhưng sáng tác thì chưa được bao nhiêu”. [1 - tr 5]
Chúng ta ghi nhận nhà văn Vũ Xuân Tửu không chỉ bởi những sáng tác của ông mà cả với những quan niệm của nhà văn về cuộc đời và văn chương: “Tôi thấy cuộc đời thật đáng yêu và luôn luôn rộng mở phía trước với ngòi bút của tôi. Thật đấy! Bạn nào chưa viết văn hãy thử viết văn !Văn chương, chữ nghĩa sẽ giúp ta xóa đi bao nhiêu muộn phiền..”.
Nhà văn còn bộc bạch: “Còn nhỏ tôi rất yêu văn và học giỏi môn văn. Nhưng học xong phổ thông tôi lại đi học trường Công an Trung ương. Ra trường tôi được điều lên Mèo Vạc (Hà Tuyên lúc đó) công tác. Hình như cái máu văn chương nó đã chảy trong người của tôi. Tôi luôn quan sát và ghi chép. Vùng biên giới gian khổ và anh dũng đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Bút ký đầu tiên của tôi gửi cho tạp chí Văn nghệ Hà Tuyên mang tên “Đường xuyên cao nguyên” và được in. Đó là vào năm 1980. Từ đó cái duyên văn nghệ cứ bén dần. Năm 1998 tôi được kết nạp và hội viên Hội VHNT Tuyên Quang. Có thể nói Tạp chí Văn nghệ Hà Tuyên, này là Báo Tân Trào, Hội VHNT Tuyên Quang đã nâng đỡ cho tôi rất nhiều, để hôm nay tôi trở thành nhà văn Việt Nam và có nhiều niềm vui như hôm nay.
Trong sáng tác văn học không phải người cầm bút nào cũng đưa được ra những quan niệm về văn chương, về nghề viết, về định hướng sáng tác của mình, Vũ Xuân Tửu là một trong số ít các nhà văn Tuyên Quang làm được điều đó. Khi còn công tác tại ngành công an nhân dân, anh đã xác định quan niệm rõ ràng: “Tôi vẫn sống bằng tiền lương của một chiến sĩ công an nên theo văn chương nhưng không bao giờ để ảnh hưởng đến công việc... Với tôi văn chương là tình cảm, là tâm huyết, là sở thích… tôi dành hết thời gian rảnh rỗi, hì hục, mày mò, dò dẫm với chữ nghĩa”
Được hỏi: “Người ta cho rằng văn học cần dựa vào thực tế, ông có nghĩ rằng sẽ là không thực tế khi những câu chuyện tưởng tượng của ông lại kết thúc có hậu?”. Nhà Vũ Xuân Tửu đã mạnh mẽ khẳng định: “Tôi đề cao văn học mang tính nhân văn. Tôi thích những kết thúc có hậu trong các tác phẩm của nhà văn. Chủ nghĩa nhân đạo tạo nên sự phát triển của xã hội loài người khác các loài động vật. Người viết có thể sáng tạo đến đỉnh điểm, nhưng vẫn phải đề cao vai trò của chủ nghĩa nhân văn”[ ]
Trong một lần khác, chính Vũ Xuân Tửu cũng tâm sự: "Tâm hồn văn học của tôi lớn lên từ lời ru của mẹ và những câu chuyện cổ tích: Tống Trân Cúc Hoa, Tấm Cám, Thạch Sanh mà mẹ kể cho tôi nghe”[ ]
Trong khi văn chương chỉ là một nghề tay trái và bản thân Vũ Xuân Tửu chưa thể sống bằng nghề tay trái này nhưng những quan niệm, quan điểm của ông về nghề văn thì hết sức đáng trân trọng. Những thành công sau này ông có được chắc chắn nhờ ở tâm huyết, nhiệt huyết luôn tràn trề như thế.
3.2.Vài nét về nhân sinh quan của nhà văn
Hệ thống thế giới quan của một nhà văn thông thường bao gồm toàn bộ tư tưởng, tình cảm, cùng các trạng thái tâm lý của nhà văn. Mỗi nhà văn có tư tưởng, tình cảm và trạng thái tâm lý gắn với hoàn cảnh riêng cho nên hình thành một thế giới quan riêng.
về Vũ Xuân Tửu, để nói cho hết và để bạn đọc có thể thoải mái khi tiếp nhận và đánh giá những thành công và hạn chế trong sáng tác nghệ thuật của nhà văn, có lẽ vẫn nên làm rõ thêm một vài nét về thế giới quan của ông. Không phải không có lý do khi chúng tôi đi đến nhận xét: “đôi khi nhận thức và cách đánh giá của ông đối với các vấn đề tiêu cực trong xã hội có phần cực đoan” hoặc “Vũ Xuân Tửu khá chông chênh trong cái nhìn đối với phụ nữ. Có vẻ như anh không mấy tin lắm vào phẩm chất của họ”
Nếu xét kỹ, thế giới quan của nhà văn Vũ Xuân Tửu cơ bản được xây dựng trên nền tảng tư tưởng nhân văn và tinh thần nhân đạo xuất phát từ cội nguồn văn hóa dân gian truyền thống. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân thuần phác, được nâng niu, nuôi dưỡng và tắm gội bởi dòng sữa ngọt ngào của những câu chuyện cổ tích chan chứa yêu thương mà một người mẹ có tấm lòng đôn hậu đã truyền cho. Tuy nhiên sau khi xây dựng gia đình, cuộc sống riêng với ông có vẻ như khá nhọc nhằn và không mấy hạnh phúc. Hoàn cảnh có phần đặc biệt sau khi ly hôn với vợ và sống cảnh gà trống nuôi con ít nhiều đã tạo nên tâm trạng phẫn uất của nhà văn. Từ một người hiền lành đôn hậu, ông dần trở thành người khắt khe và có cái nhìn góc cạnh đối với cuộc sống, đặc biệt là đối với phụ nữ. Thêm vào đó là nghề công an với sự tiếp xúc thường xuyên với những đối tượng phạm pháp, lăng kính của Vũ Xuân Tửu ngày càng trở nên nặng nề hơn.
Một người với hoàn cảnh sống và công tác như thế rất dễ rơi vào tiêu cực, hay cực đoan chủ nghĩa. Rất may do thế giới quan của nhà văn Vũ Xuân Tửu cơ bản được xây dựng trên nền tảng tư tưởng nhân văn và tinh thần nhân đạo xuất phát từ cội nguồn văn hóa dân gian truyền thống, cho nên sáng tác của ông cơ bản là tích cực. Vũ Xuân Tửu không chán ghét, cũng không căm thù cuộc sống mà trái lại luôn trân trọng cuộc sống, yêu và nâng đỡ nó. Cho nên thế giới quan nhà văn cơ bản không rơi vào tiêu cực vì chính quan niệm nhân văn của ông: "Trong cuộc đời không ai được tất cả. Tôi thành đạt con đường văn chương nhưng lại thiếu hụt trong cuộc sống gia đình. Vợ chồng tôi chia tay nhau cách đây hơn chục năm. Hơn chục năm ấy tôi vừa phải hoàn thành công việc ở cơ quan, vừa phải nuôi mẹ già và hai con nhỏ. Nhìn chung ở cơ quan, tôi đều hoàn thành tốt nhất công việc của mình, còn ở gia đình tôi làm tròn trách nhiệm của người con đối với mẹ già, của người bố với các con, Các con tôi giờ đã khôn lớn, đang học chuyên nghiệp. Mẹ tôi mạnh khỏe. Đó chính là nguồn sống của tôi, nguồn động viên lao động sáng tạo của tôi.” [2]. Cho nên có thể thấy, thế giới quan nhà văn Vũ Xuân Tửu tuy đôi khi khiến người ta cảm thấy có phần đa đoan, phức tạp, nhưng thực chất vẫn là một thế giới quan tích cực, tỉnh táo.
TTLT
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Xuân Tửu (2007), Chuyện ở bản Piát, Nxb Văn Nghệ tp. HCM
2. Vũ Xuân Tửu (2007), Gặp được nhà văn đạt giải cao, Báo Tân Trào, số tết tháng 2 - 2007
Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ của Sở KH CN Tuyên Quang, số 2/2016