Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỜI THỀ

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ tư ngày 24 tháng 8 năm 2016 5:55 AM





Tạp bút 
“Trăng thề còn đó trơ trơ Dám xa xôi mặt mà thơ thớt lòng”
Nguyễn Du
Trăng ở đây là nhân chứng cho lời thề của đôi trai gái yêu nhau. Dưới bóng trăng họ thề thốt với nhau sẽ yêu nhau mãi mãi. Và cả câu thành ngữ: “Tóc thề còn chấm ngang vai” cũng là chuyện của tình yêu đôi lứa.
Ngày xưa, khi yêu và quyết định sống trọn đời với người mình yêu, các cô gái thường cắt một nhúm tóc gói vào chiếc khăn thêu tên hai người, rồi đưa cho chàng và thề rằng: “Có mặt trăng ở trên đầu, em xin thề sẽ yêu anh mãi mãi, suốt đời!”. Nhúm tóc là vật tượng trưng cho sinh mệnh, cho đời người đã được trao, thì cũng coi như người con gái ấy đã trao đời mình cho người mình yêu rồi.
Vì thế cho nên tóc của các thiếu nữ mới được gọi là “tóc thề”. Và klhi đã thề rồi thì các cô gái kẹp tóc lại, không buông xoã ngang vai, để các chàng trai khác không nhòm ngó nữa. Rồi sau khi cưới, nếu là người thành phố thì họ bối tóc phía sau gáy, ở nông thôn thì vấn tóc đội khăn. Đó là thông điệp để mọi người biết họ là gái đã có chồng.
Trong tình yêu đôi lứa, chẳng riêng gì nền văn hoá của các nước phương Đông mới có lời thề. Mà cả các nước phương Tây họ cũng có lời thề theo kiểu của họ. Đó là những cây cầu nổi tiếng được mệnh danh là “Cây cầu tình yêu”. Như ở các nước Pháp, Đức, Ý, Nga và nhiều nước khác nữa. Nhưng nổi tiếng nhất là cây cầu Pont des Arts, một di tích lịch sử văn hoá được Unesco công nhận, bắc qua dòng sông Seine thơ mộng ở Paris, thủ đô nước Pháp.
Các đôi trai gái yêu nhau người Pháp và người ở khắp nơi trên thế giới đến đây. Họ đem ổ khoá đã khắc tên hai người, nắm tay nhau bước lên cầu, trao cho nhau những cái hôn đắm đuối, rồi khoá ổ khoá vào lan can cầu, ném chìa xuông sông. Thế là họ đã hoàn thành lời thề sẽ yêu nhau và sống với nhau mãi mãi.
Cây cầu này có thời gian đã phải mang trên mình hơn 700.000 ổ khoá tình yêu, khiến nhiều lần sập hàng rào chắn, vì sức nặng tới 93 tấn của các ổ khoá.
Ngoài tình yêu đôi lứa, lời thề còn là hành vi đạo đức của con người được thể hiện ở mọi mặt của cuộc sống xã hội. Kể cả các cơ quan công quyền cũng vậy, lời thề là biểu hiện về trách nhiệm, về uy tín và đạo đức của các viên chức nhà nước.
Ở nước ta, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, thì Hội thề được khởi sinh từ thời nhà Lý sang đời nhà Trần. Sử quan Ngô Sỹ Liên viết: “Triều Thái Tôn Hoàng đế năm thứ ba (1227) xuống chiếu tuyên bố điều khoản minh thệ. Theo việc cũ của triều Lý, đến bấy giờ mới cử hành. Nghi thức như sau: Hàng năm ngày 4 tháng 4, Tể tướng và trăm quan, lúc gà gáy đến chực ở ngoài cửa thành, mờ mờ sáng tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục làm lễ hai lạy rồi lui ra, đều đủ đội ngũ và nghi trượng theo hầu ra cửa Tây kinh thành đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau thề rồi uống máu. Quan Trung thư kiểm chính đọc lời thề rằng: “Làm tôi hết trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”. Đọc xong, quan Tể tướng sai đóng cửa lại để điểm, người nào thiếu mặt thì phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy con trai con gái bốn phương đứng ở cạnh đường để xem chật ních, cho là hội lớn” (trang 438 – 439 ĐVSKTT).
Còn các triều sau nhà Trần như nhà Hồ, nhà Lê, nhà Nguyễn Hội thề có được duy trì không? Tôi không được rõ, chỉ biết rằng tại Đại hội Tân Trào, ngày 16+17- 8 – 1945, thay mặt Uỷ ban Giải phóng dân tộc, trước bàn thờ Tổ Quốc và Hòn Đá Thề của đình Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời thề: “Chúng tôi là những người được quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban Giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ Quốc, chúng tôi nguyện kiên quyểt lãnh đạo nhân dân tiên lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ Quốc, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước…Xin thề!” (Hồ Chí Minh biên niên tập 2).
Và ngày 5 - 1 – 1946, tại chùa Bà Đá Hà Nội, Hội Phật giáo cứu quốc tổ chức lễ mừng Liên hiệp Quốc gia, kêu gọi đoàn kết và cầu nguyện cho nền hoà bình, dân tộc độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đọc lời thề: “Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh, đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ Quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”.
Rồi 10 lời thề danh dự của đội viên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (sau trở thành 10 lời thề danh dự của Quân đôi nhân dân Việt Nam) do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp soạn thảo. Xin trích hai điều:
Điểu 3- Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian nan khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chẩy cũng không lùi bước.
Điều 9- Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: “Không lấy của dân”, “Không doạ nạt dân”, “Không quấy nhiễu dân” và ba điều nên: “Kính trọng dân”, “Giúp đỡ dân”, “Bảo vệ dân”, để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước…
Thế rồi bẵng đi nhiều thập niên đã trôi qua, mọi sinh hoạt của các cơ quan Đảng, Nhà nước và của người dân, đều vắng bóng những lời thề vừa quan trọng vừa thiêng liêng như trong quá khứ.
Nhưng mới đây, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá X111, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi. Điều 29 của Nghị quyết này quy định: Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao phải tuyên thệ khi nhậm chức.
Và cũng tại cuộc họp này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khoá X1V, nhiệm kỳ 2016 – 2021, tại lễ nhậm chức bà đã tuyên thệ như sau:
“Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ Quốc, Trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ Quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Đọc tất cả các lời thề trên, chúng ta dễ nhận thấy có hai loại lời thề. Loại thứ nhất là lời thề trên sinh mạng của người thề. Tức là người thề tự nguyện đem tính mạng của mình ra để bảo đảm lời thề sẽ được thực hiện. Như lời thề của triều Trần: “…Ai trái thề này, thần minh giết chết”. Hay như lời thề của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “…nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”.
Loại thứ hai là lời thề trên danh dự của người thề. Như 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam và lời Tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tương và Chánh án Toà án nhân dân tối cao mà Quốc hội vừa mới ban hành.
Loại lời thề này không có lời cam đoan, nếu trái lời thề thì sao? “…Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ…”. Nhưng nếu vì lý do nào đó mà người thề (hay người đã hứa) không hoàn thành nhiệm vụ thì sao? Chắc rằng … chẳng làm sao cả. Vì ở nước ta đã có không ít lời hứa nhưng chẳng bao giờ được thực hiện.
Tất nhiên là bây giờ chẳng còn ai tin rằng nếu trái lời thề thì “thần minh giết chết”. Nhưng ở các nước, người ta có nền văn hoá rất biết tự trọng. Nếu bản thân mình, ngành mình, cơ quan mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc có người mắc sai lầm, thì lập tức người đứng đầu cơ quan đó xin từ chức ngay. Mà các báo chí ta gọi đó là nền văn hoá từ chức.
Năm ngoái, Hàn quốc xầy ra vụ chìm phà, làm mấy trăm người chết. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì người trực tiếp điều hành chuyến phà đó bị kết án tử hình. Ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Hàn quốc, tuy không bị xử lý, nhưng để nhận phần trách nhiệm của mình ông ta đã xin từ chức.
Còn ở ta, cũng năm ngoái, một chiếc xà lan đâm vào cầu Gềnh làm một nhịp cầu đổ rơi xuống sông Đồng Nai. Con đường giao thông huyết mạch Bắc – Nam của cả nước hoàn toàn bị tê liệt. Mãi ba tháng sau cầu mới sửa chữa xong. Người lái xà lan chắc đã đi tù. Còn ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì vẫn ung dung tại vị. Nhưng không phải là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Mà là sáng được ô tô bạc tỷ cõng đi, chiều lại được ô tô bạc tỷ cõng về!
Hay như vụ công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh xả nước thải độc hại ra biển, huỷ diệt môi trường biển bốn tỉnh miền Trung, làm cá chết hàng loạt đấy. Tuy Nhà nước đã kịp thời trợ cấp gạo cho ngư dân. Nhưng đời sống của con người chỉ có gạo, đâu phải đã là đủ. Hàng trăm thứ chi tiêu, ngư dân đều trông vào con cá, bây giờ biển chêt, nước chêt, cá chết. Hàng vạn hộ bỗng nhiên mất việc làm. Hàng triệu con người đang lâm vào cảnh nghèo khổ bần cùng. Mà còn chưa biết đến bao giờ thảm hoạ mới chấm dứt, sự sống mới được hồi sinh?
Mới đây, sau gần ba tháng (84 ngày) tìm nguyên nhân cá chết, công ty Formosa đã nhận lỗi, đã xin lỗi và nhận bồi thường thiệt hại 500 triệu USD. Chắc các cơ quan hữu trách của ta đã bằng lòng, cho nên Đài Truyền hình mới công bố thoả thuận đó cho toàn dân được biết. Ơ kìa! Thằng ăn cắp chỉ lấy có mỗi chiếc xe đạp đã phải vào tù. Còn ông tư bản nước ngoài vào đầu tư, đổ chất độc huỷ diệt sự sống hàng trăm KM bờ biển thì được coi như vô can, vì họ đã trả tiền bồi thường. Luật pháp là biểu hiện của chủ quyền quốc gia. Nếu vậy, chẳng hoá ra tiền cũng có thể mua được chủ quyền của một quốc gia, và mua bằng cái giá rẻ mạt như vậy sao?
Song, dẫu sao thì kẻ phạm tội cũng đã nhận tội. Vậy còn các nhà lãnh đạo của ta thì sao? Có vị nào vì liên đới trách nhiệm mà bị kỷ luật, hay phải giảm đi đồng lương nào không? Chắc là không. Đến một lời xin lỗi suông cho ngư dân bốn tỉnh miền Trung và nhân dân cả nước cũng chẳng vị nào phải mất công mở miệng cất lời, chứ nói gì đến chuyện kỷ luật hay từ chức như nước người ta!
Ấy vậy mà các vị ấy (vì là người lãnh đạo) cho nên vẫn tự cho mình là người đại diện xứng đáng nhất của một quốc gia có nền Văn hiến bốn nghìn năm rực rỡ đấy!
Thưa bạn đọc, chúng ta trở lại với những lời thề: Thiết nghĩ, để giúp cho các vị lãnh đạo nước ta có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, Quốc hội nên có Nghị quyết bổ sung Lời tuyên thệ nhậm chức, mà theo tôi thi nên là: “…Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, tôi xin từ chức”./.
TP Uông Bí, ngày 7 - 7 – 2016
Tạ Hưũ Đỉnh