Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp nói rằng, ông rất buồn với Dự thảo Luật PCTN, chúng ta đang làm thật hay diễn? Ảnh: Văn Kiên.
Làm thật hay diễn (?)
Theo ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), sau 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Số vụ tham nhũng được phát hiện còn ít, xử lý chưa nghiêm, thu hồi tài sản thấp… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do những bất cập của Luật PCTN hiện hành. Ông Kim cho biết, Dự thảo Luật PCTN sửa đổi lần này đã quy định hàng loạt các giải pháp mới, có tính chất đột phá như: công khai, minh bạch; xây dựng chế độ liêm chính, kiểm soát xung đột lợi ích, kê khai tài sản thu nhập…
Ông Kim nói rằng, có hai điểm nhấn rất lớn được bổ sung đưa vào Dự thảo Luật lần này là quy định trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và việc thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được xã hội quan tâm. “Đây là những điểm mới và là những bước đột phá quan trọng trong công tác PCTN”, ông Kim nói. Theo ông Kim, Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác PCTN. Khi có ý kiến của Quốc hội thì việc xem xét, giải quyết các vụ việc tham nhũng sẽ chuyển biến ngay. “Nếu Quốc hội làm điều này thì sẽ tạo ra sự đột phá, tạo ra sự hiệu quả cao trong công cuộc PCTN”, ông Kim nói thêm.
Trái với kỳ vọng trên, ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẳng thắn: “Tôi rất buồn với Dự thảo Luật... Chúng ta đang làm thật hay diễn”. Ông Quyền đặt câu hỏi có nhiều quy định trong luật hiện hành được đề ra nhưng nhiều năm qua không làm được, nay quy định thêm nhiều nội dung mới thì liệu rồi có làm nổi không?
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cảm thấy sợ hãi trước sự “hoành tráng” của các quy định trong Dự thảo Luật. “Không cần sửa đổi gì nhiều đâu, thậm chí dùng luật hiện hành cũng đã đầy đủ rồi. Luật sửa nhiều, ra đời nhiều nhưng cuối cùng có làm được gì đâu. Chúng ta thất bại trong việc thực hiện luật”, ông Cương nói.
Đi vào nội dung cụ thể, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, muốn chống tham nhũng thì điều quan trọng là phải kiểm soát được tài sản thu nhập, chứ không hẳn chỉ ở biện pháp kê khai. “Chúng ta cứ nói kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm thì phải giải trình, công khai, minh bạch. Nhưng tôi nói thật, người có chức vụ, quyền hạn có ngu đâu mà lại đi đứng tên tài sản. Bí thư Tỉnh ủy nhưng con làm doanh nghiệp thì chẳng có ông bí thư nào lại đứng tên tài sản cả. Thế nhưng chúng ta cứ loay hoay, bàn đi, bàn lại việc kê khai tài sản rộng hay hẹp; công khai tại cơ quan hay nơi cư trú. Nếu không kiểm soát tài sản thu nhập xã hội thì chẳng làm được gì cả”, ông Quyền thẳng thắn nói.
Hổ giấy không thể chống được tham nhũng
Đề cập đến quy định về công khai, minh bạch (CKMB) trong Dự thảo Luật, ông Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng còn hổng, thiếu những quy định cụ thể, cũng như chế tài xử lý. Theo ông Lượng, qua thực hiện pháp luật về PCTN cho thấy việc thực hiện CKMB ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất nhiều hạn chế. Nhiều nơi còn lạm dụng khái niệm “bí mật nhà nước”, “bí mật công nghệ”, “bí mật kinh doanh”, “bí mật cá nhân”, hay lạm dụng cụm từ “nhạy cảm” để không cung cấp, không công khai thông tin liên quan đến kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Nhiều nơi, việc CKMB chi tiêu phục vụ công tác của lãnh đạo, người đứng đầu còn yếu nên chưa có tác dụng phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.
“Có tỉnh, cả năm tiêu rất nhiều tiền ngân sách, thất thoát nhiều nhưng không phát hiện trường hợp nào. Khi công khai như thế thì nhiều người mừng bảo là chứng tỏ không có tham nhũng. Nhưng chúng tôi thì lo, chúng tôi cho rằng các thiết chế chống tham nhũng ở đó đã chết, vì chết mới không phát hiện tham nhũng. Hiện nay người dân không tin trong xử lý tham nhũng khi cứ đầu voi đuôi chuột”.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp.
Cũng theo ông Lượng, việc CKMB trong công tác cán bộ như tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển… hiện nay cũng rất hạn chế, yếu kém. Điều này dẫn đến thực trạng càng hô hào tinh giản biên chế thì biên chế càng phình ra; hô hào tinh gọn bộ máy thì bộ máy ngày càng phình lớn; rồi tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ… Dù vậy, khi được hỏi về tình trạng trên thì cơ quan, đơn vị lại không giải trình được một cách hợp lý hoặc là không giải trình được dẫn đến nội bộ không yên, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo bức xúc. “Việc này không những không chống được tham nhũng, mà còn dẫn đến mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ kéo dài, làm triệt tiêu động lực cống hiến, phục vụ của nhiều công chức, viên chức và người lao động”, ông Lượng nói.
Về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, ông Lượng cho rằng, do các chế tài xử lý vi phạm về CKMB trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới được quy định một cách chung chung, chưa được quy định rõ ràng, thiếu tính khả thi, không đủ nghiêm minh để răn đe, trừng phạt. “Có chuyên gia quốc tế nói rằng, Luật PCTN của chúng ta như “hổ giấy”, mà “hổ giấy” thì phải tránh lửa, mà tránh lửa thì không chống được tham nhũng”, ông Lượng nói.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thẳng thắn cho rằng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn giấu nhiều thông tin, hoặc có đưa ra thì thông tin lại không đúng, không minh bạch. Ông Cương dẫn chứng, khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung, Bộ TN&MT nói là do thủy triều đỏ, tảo nở hoa nhưng cuối cùng kết luận nguyên nhân là do Formosa gây ra. “Thông tin CKMB mà Bộ TN&MT đưa ra chưa đúng. Nhưng đến nay tôi chưa thấy đơn vị nào bị xử lý. Việc CKMB thông tin trong vụ Formosa lẽ ra phải xin lỗi dân, xin lỗi toàn xã hội chứ”, ông Cương nói.
Để khắc phục thực trạng hổ giấy, ông Lượng cho rằng nên bổ sung các chế tài cụ thể ứng với mỗi hành vi vi phạm quy định về CKMB. Theo đó, các vi phạm về CKMB như không công khai, công khai không trung thực cần phải có chế tài xử lý như xem xét trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính…