Chúng tôi đi Thụy Sĩ từ Úc, trên chuyến bay của Singapore Airlines, cả lộ trình mất 25 giờ, chờ ở Singapore 4 tiếng để chuyển máy bay sang Zurich.
Đến sân bay, lấy đồ đac xong ( đi nghỉ 2 tuần, cả gia đình có hai va li to, 3 vali nhỏ cùng ba lô và túi xách tay…), chúng tôi lên một chiếc ta xi 7 chỗ, rộng. Khi cháu bé ngồi lên ghế thì sợi dây bảo hiểm kéo từ trên nóc ô to xuống và ghế dễ dàng điều chỉnh cho bé ngồi thoải mái. Con gái tôi phải thốt lên, ghế trẻ em ở ôto của Thụy sĩ văn minh hơn Úc vì cách thao tác cho bé ngồi trên ghế riêng an toàn, thuận lợi và nhanh.
Người lái xe rất vui vẻ, mặc dù vốn ngôn ngữ tiếng Anh không nhiều, ngữ điệu nói tiếng Anh như nói tiếng Đức nhưng ông rất vui vẻ giới thiệu về Zurich, thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ cho chúng tôi nghe. Thỉnh thoảng mọi người cười to vì ngôn ngữ bất đồng, rồi điều chỉnh lại để nói cho nhau nghe, hiểu nhau hơn. Ở Zurich nói tiếng Đức là chủ yếu. Thụy sĩ sử dụng Tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Romansh và hiện nay, tiếng Anh đang được dạy và học ở Thụy sĩ. Chúng tôi gặp gỡ và hỏi đường, rất nhiều người Thụy sĩ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
Khi xe đến khách sạn Sheraton hơn 8 giờ sáng, chưa có phòng nghỉ nên chúng tôi để đồ đạc ở khách sạn và đi chơi ngay. Lên xe điện gần khách sạn thăm trung tâm thành phố Zurich, ngắm thành phố, sau mưa, nắng vàng rực rỡ.
Mọi năm, tháng 6 Zurich đã sang mùa hạ, trời ấm, nhưng giữa tháng 6, chúng tôi đi, Zurich vẫn lạnh 14 độ C nên đi không mệt. Đứng ngắm cảnh quan, đường xá, nhà cửa, nhà hát OPERA, nhà hàng…và nghe tiếng tàu điện, ô tô chạy liên tục ở trung tâm Zurich nhưng không thấy âm thanh chát chúa, mọi tiếng động hình như được giảm đến mức tối đa. Khi nhìn mạng dây điện trên cao cho tàu điện chạy qua nơi đây, tôi bỗng nhớ Hà Nội thời còn tàu điện quá. Cho dù ở Hà Nội, tiếng tàu điện không êm như ở đây, mỗi khi tàu dừng có tiếng “leng keng” báo nhưng tôi vẫn hoài niệm về Tầu điện Bờ Hồ, chạy quanh Thủ đô cổ kính...
Chúng tôi đi bộ vào một khu phố ven sông, nhà cửa nhấp nhô như trườn lên sườn núi thấp, xa xa là nhà thờ Grossmunter. Đi ngắm nhìn những đài phun nước đủ hình dạng ( Zurich có hơn 1200 đài phun nước, là thành phố có nhiều đài phun nước nhất châu u), bất cứ vòi nước công cộng nào, kể cả đài phun nước ở Zurich đều có thể uống khi khát. Khi đến khu phố cổ Lindenhof chạy ven sông …nước sông trong vắt, người trên đường, phần lớn là khách du lịch sải chân ngắm nhìn những ngôi nhà san sát, kiến trúc hài hòa, sắc thái châu u, nhưng trông thon thả hơn, góc cạnh hơn các ngôi nhà ở Paris. Đi hết dãy phố, ngước nhìn xa xa, những cung điện, những nhà thờ vây quanh trung tâm Zurich.
Chúng tôi vào thăm một cửa hàng bán Socola của hãng sản xuất có tiếng ngon nhất của Thụy sĩ…. Cửa hàng trưng bày, sắp xếp nhiều loại bánh, kẹo socola với bao bì gói gém đa sắc, rất nghệ thuật, trông đẹp, bắt mắt ( ảnh), đủ các loại được trưng bày, bán ở đây . Đến Thụy sĩ là phải thưởng thức socola. Socola Thụy sĩ ra đời từ thế kỷ 18. Hiện tại, người Thụy sĩ tiêu thụ trung bình mỗi người 1 năm là 12 kg Socola .
Những ngày sau, con tôi thuê xe và tự lái rong ruổi đi thăm 4 thành phố ( Zurich, Bern, Geneva, Luzern) ở Thụy sĩ. Đi qua những con đường ở Thụy sĩ mà ngắm nhìn, thấy, một màu xanh bất tận. Ở đâu cũng có cây xanh, từ thảm cỏ xanh trên sườn đồi, núi đến cây xanh ven đường, cây xanh công viên, dòng sông xanh trong vắt …Tất cả cảnh quan ở đây được qui hoạch, thiết kế chu đáo, đẹp, từ các hàng rào cho đến các bồn hoa, cây cảnh, các hàng cây trong phố, ven đường, các ngôi nhà, dãy phố, cung điện, bảo tàng, hệ thống giao thông, cầu, đường, vòi phun nước …
Ở Zurich nhiều ngày nhất nên chúng tôi đi chơi được nhiều nơi và thưởng thức các món ăn Thụy sĩ. Ngày đầu tiên ăn tối ở khách sạn Serton. Quan sát cách trang trí phòng lễ tân, phòng ăn, đồ dùng để thưởng thức ẩm thực rất bắt mắt. Trước hết là đồ uống, đủ loại rượu, nước ngọt, sữa, trà, café…mỗi loại có những cốc, tách riêng phù hợp, sạch, đẹp. Sau đến là bát đĩa, dĩa, thìa…phù hợp với từng món ăn. Lạ mắt nhất là cối xay hạt tiêu không nơi nào ở Việt Nam có. Các món ăn rất ngon, hợp khẩu vị và rất đắt. nếu thưởng thức món bittet cho một người thì số tiền là 50đô la Thụy sĩ ( tương đương 50 USD). Sau này, đi một số khách sạn khác ở Bern, Geneva, Luzern chúng tôi đều thấy như vậy.
Có lẽ, Thụy sĩ là nơi giá sinh hoạt và giá cho ẩm thực vào loại đắt nhất thế giới. Nhưng các món ăn hợp khẩu vị khi ta tự chọn cho mình. Chúng tôi có ăn các món ăn Việt Nam ở cửa hàng ăn do người Việt nấu, rất ngon.
Thưởng thức ở nhiều hàng ăn, chúng tôi thấy cửa hàng nào cũng đón tiếp lịch sự, trang trí đẹp mắt. Nếu nơi nào khách để dư thừa thức ăn lại thì chủ nhân rất buồn. Giám đốc quản lý khách sạn 4 sao Monopol, bà Brigitte Teller, tại Luzern đã phát biểu khi du khách các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, các nước A Ráp để thừa rất nhiều đồ ăn trên bàn: “ Bỏ thừa thức ăn làm tôi rất đau lòng”.
Ý thức chung của người Thụy Sĩ và nhiều người u – Mỹ là vậy. Khách sạn trên còn để trên bàn tấm biển nhỏ với dòng chữ : Chào quí khách! Vì lý do đạo đức, ở Thụy Sĩ, chúng tôi không bao giờ vứt thực phẩm đi, xin vui lòng lấy vào đĩa Quí vị chỉ những thực phẩm mà Quí vị sẽ ăn hết.
Họ còn chụp những bức ảnh trẻ em đói khát, chết gục ở Phi châu và viết thêm : Trẻ em đói ăn đang chết…và tại Thụy Sĩ, chúng ta không lãng phí và vứt bỏ thực phẩm, về mặt đạo đức và tinh thần, làm như thế là không thể chấp nhận được.
Cách ăn - thể hiện văn minh, lịch sự và phẩm chất đạo đức được gia đình, trường học và xã hội trau dồi qua nhiều thế hệ. Các cụ xưa ở Việt Nam cũng dạy con “ biết Ăn, biết Nói, biết Gói, biết Mở” chính là dạy con cháu cách sống, cách giao tiếp, ứng xử văn minh. Lịch sự có chuẩn chung của cả loài người, phải học và có ý thức thực hành mới thành người văn minh được. Sang đây tôi càng thấy rõ sự văn minh của Thụy Sĩ, không chỉ thể hiện qua nền sản xuất công nghiệp, qua các phương tiện phục vụ cho con người hiện đại mà chính con người mới là sản phẩm của văn minh hiện đại.
Ở Zurich đi thăm bảo tàng Quốc gia thấy được sự phát triển của đất nước trung lập, yêu hòa bình, được sống trong hòa bình hàng trăm năm có đường lối riêng của mình đã đưa Thụy Sĩ vào danh sách những nước đáng sống nhất thế giới, với thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là 70.000 USD/ năm (sau Lucxembourg, một nước Bắc u).
Thứ bảy, chủ nhật đi Sopping ở Zurich nhưng các Sopping không mở cửa, nơi duy nhất có bán hàng là ở ga tàu điện. Chúng tôi cười bảo nhau, Thụy sĩ không cần bán hàng, họ có đủ tiền để xài nên những ngày nghỉ cuối tuần cũng nghỉ luôn mặc dù ngày nghỉ cuối tuần thường là dân đi mua sắm nhiều nhất, bán hàng được nhiều nhất. Đây là chính sách của nhà nước nên phải nghiêm chỉnh thực hiện. Chúng tôi không tham khảo trước khi đi nên lỡ các cuộc chơi và mua sắm ở Sopping vì chờ ngày cuối tuần mới đi mua sắm. Và thế là, tiếc ngẩn ngơ vì không được sải chân ngắm nhìn các mặt hàng phong phú, cao cấp ở các Sopping của Thụy Sĩ.
Zurich là điểm dừng chân đầu tiên và điểm nghỉ cuối cùng khi chúng tôi rời Thụy Sĩ.
Từ Zurich chúng tôi đi thăm thủ đô Bern, thành phố được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Trên đường đi đến thành Bern, Thủ đô của Thụy sĩ, chúng tôi ghé thăm người thân làm dâu ở Brunnen- Zurich. Cô gái Việt sống với gia đình nhà chồng gần dưới chân núi Alps. Gia đình chồng cô, người Thụy sĩ, đón tiếp chúng tôi bằng món ăn cổ truyền, mì ống nấu với phoma và khoai tây , ăn kèm với món táo nấu với mật ong. Họ rất vui vẻ cởi mở và giao tiếp bằng tiếng Anh. Vừa ăn bà chủ nhà vừa giới thiệu những bức ảnh dự lễ hội ở vùng Alps, những bộ sắc phục cổ truyền rất ấn tượng. Trong nhà của họ trưng bày rất nhiều bức tượng gỗ khắc họa tính cách đặc trưng trong trang phục dân tộc vùng Alps trong các lễ hội. Ăn xong bà đưa chúng tôi ra hồ để kịp ngắm nhìn chiếc tầu cổ, có từ hàng trăm năm neo đậu tại đây khoảng vài phút rồi đi, bà nói, phải chớp lấy cơ hội hiếm hoi để ngắm con tầu cổ. Khi tầu đến, chúng tôi đã ở trên bờ hồ. Trong không gian tuyệt đẹp, nước hồ trong xanh, xa xa là dãy Alps, con tầu cổ dịch chuyển trên hồ, trang phục của những người trên tầu cũng mặc theo lối cổ, nhìn con tầu thấy dấu ấn thời trung cổ xa xưa hòa quyện với tính hiện đại qua cách vận hành con tầu.
Vùng Brunnen sát chân núi Alps. Nhà của họ ở chân núi, trong một chung cư. Họ nói, căn hộ này giá nhà rẻ hơn những căn hộ ở sườn núi. Bên cạnh những chung cư mới xây dựng là những ngôi nhà cổ kính, lâu đời trên núi Alps tô điểm cho sức sống ngàn năm của dãy núi.
Thăm thú một số nơi rồi cùng đàm đạo với bà chủ nhà và các con của bà tại quán kem gần dòng sông ở Brunnen rồi về nhà họ để tạm biệt và chúng tôi lên đường đi thủ đô Bern.
Đoạn đường dài hơn 100km từ Brunnen đến Bern, mặc dù chúng tôi lên đường hơn 17 h nhưng trời vẫn sáng, đường êm nên xe chạy nhanh. Đến Bern ở một nhà nghỉ sát thành cổ nên đi lại dễ dàng. Trời mưa, chúng tôi mua Pizza và mỳ Ý về nhà ăn tối. Sáng hôm sau đi thăm Bern. Gửi xe để đi bộ vào phố cổ ở Bern, đi trên cầu bắc qua sông Aare, nhìn xuống dòng sông xanh nước trong vắt có thể uống được mà không sợ nhiễm khuẩn. Những ngôi nhà cổ soi bóng xuống dòng sông xanh, bóng rủ của những hàng cây cổ thụ ôm lấy những ngôi nhà, trên trời mây bồng bềnh, cảnh sắc tuyệt đẹp.
Đi dạo trên phổ cổ có kiến trúc hài hòa, đẹp, từ các ngôi nhà, dãy phố, Tháp đồng hồ, nhà thờ, đường đi lối lại, những bức tượng, những bồn hoa, những cửa hàng, sông nước,…tất cả, vừa cổ kính vừa hiện đại.
Thành phố Bern là thủ đô của Thụy sĩ được thành lập năm 1191. Theo truyền thuyết, có một ông vua Thụy sĩ đi săn và hạ được một chú gấu tại đây nên quyết định xây dựng thành phố, lấy gấu làm biểu tượng ( Bern có nghĩa là Con gấu). Bern là thành phố đẹp và quyến rũ nhất thế giới bởi cảnh quan và kiến trúc đô thị thời trung cổ được giữ gìn và bảo quản tốt. Thành phố đã được Unesco xếp hạng di sản văn hóa thế giới năm 1983.
Buổi chiểu chúng tôi rời thủ đô Bern, đi đến Geneva, thành phố gắn với lịch sử Việt Nam, nơi ký kết hiệp định Geneva, lập lại hòa bình năm1954.
Thành phố Geneva lớn thứ hai ở Thụy sĩ, nếp sinh hoạt sôi động hơn Bern, nhiều nhà cao tầng bên cạnh những dãy nhà cổ khang trang, duyên dáng.
Geneva nằm ở Tây nam Thụy sĩ có hồ Geneva rộng trải qua nhiều vùng và dòng sông Rhone chảy qua giữa thành phố, có tám chiếc cầu nối liền hai bên thành phố. Thành phố được sông, hồ , núi đồi bao quanh nên khí hậu ôn hòa, non xanh nước biếc, phong cảnh đẹp như tranh vẽ nên được coi là Thánh địa của du khách.
Geneva là quê hương của đồng hồ Thụy sĩ. Ngành công nghiệp đồng hồ ra đời ở cuối thế kỷ 16. Thời kỳ ấy, nhà canh tân Thiên chúa giáo Jean Calvin cấm dân đeo trang sức vì cho là phù phiếm. Các thợ kim hoàn chuyển sang phát triển nghệ thuật làm đẹp khác, đó chính là đồng hồ. Năm 1601, công ty đồng hồ đầu tiên trên thế giới ra đời ở Thụy sĩ. Riêng Geneva, thế kỷ 18 đã xuất khẩu trên 60 000 chiếc đồng hồ .
Với sự phát triển của ngành công nghiệp đồng hồ, người Thụy sĩ biến tính chính xác và đúng giờ thành những phẩm chất quốc gia của họ .
Trẻ em ở Geneva bắt buộc phải đến trường học đến cuối 16 tuổi. Trường đại học Geneva được thành lập từ năm 1559, là một trong những trường được xếp hạng đầu trên thế giới. Ở Geneva có trường quốc tế lâu đời nhất trên thế giới là Trường Quốc tế Geneva thành lập năm 1924 cùng với liên đoàn các quốc gia. Thành phố có 5 thư viện chính sử dụng các phương tiện hiện đại nhất phục vụ người đọc. Đến Geneva chúng tôi có thăm đài phun nước ở hồ Geneva với tia nước cao 500 foot- là biểu tượng của thành phố và bảo tàng đồng hồ với bộ đồng hồ trang sức và đồng hồ âm nhạc.
Geneva, thành phố bên hai bờ sông, nước trong, những con thiên nga trắng muốt, cùng đàn vịt trời bơi lăn dưới nước, lên sát bờ chơi với khách du khách. Nhiều công viên, nhiều cây xanh, cỏ cây, hoa lá đẹp tuyệt ở Geneva.
Rời Geneva, chúng tôi đến thăm Luzern ( Lucerne).
Luzern ở miền trung Thụy sĩ, thành phố trên đỉnh Alps. Ở đây, chúng tôi đi thăm cầu Chapel, cây cầu cổ nhất châu u bắc qua sông Reuss xây dựng vào khoảng năm 1333, có mái che. Trên xà ngang mái che là những bức họa của họa sĩ nổi tiếng Heinrich Wagmann mô tả lịch sử Luzern và cuộc đời của hai vị thánh bảo trợ là Thánh Leodegar và Thánh Maurizius. Có một bức tranh mô tả 5 tháp canh ( trong số 9 tháp xưa bao quanh thành phố) vẫn còn nguyên vẹn hiện nay. Bên cạnh cầu , Tháp Wasserturm tám cạnh là nơi giam giữ tù binh thời trung cổ. Trong một vụ hỏa hoạn, nhiều bức tranh bị cháy rụi, hiện các bức tranh đang được phục chế nên còn nhiều chỗ trống tranh trên sà ngang của mái cầu.
Chúng tôi đi vào thăm khu có 5 tháp canh còn nguyên ở thành cổ Luzern xưa. Dạo trên con đường nối các tháp mà thấy nơi đây, Hồn xưa của Luzern song hành cùng hiện tại.
Còn rất nhiều di tích và cảnh quan của Luzern tuyệt đẹp nhưng không thể đi hết được, ví như đi dạo phố cổ cách đây 4, 5 thế kỷ để ngắm những ngôi nhà được trang trí bằng tranh, tượng tuyệt đẹp. Đi thăm các ngôi nhà thờ : Hofkirke xây dựng đầu tiên năm735, bị hỏa hoạn 1633 còn lại hai tháp chuông, sau được hồi phục tôn tạo lại. Trong nhà thờ có rất nhiều tranh tường, tranh trên trần nhà, tượng Thánh, phù điêu…rất đẹp , tinh xảo; thăm Nhà thờ Thánh Pierre xây dựng năm 1178; thăm Tháp đồng hồ Rathaus xây dựng đầu thế kỷ 17 bên bờ sông Reuss với trang trí vòm 4 cạnh độc đáo…hoặc đi dạo dọc hồ Luzern để ngắm đỉnh núi băng hà vĩnh cửu, ngắm những đàn thiên nga trắng muốt bơi lượn trong sóng nước trong như ngọc của hồ nước ngọt lớn nhất Thụy sĩ…
Rồi cũng phải chia tay với cảnh sắc thiên nhiên đẹp như tranh của Luzern và những di tích cổ kính của thành phố này bởi thời gian không có nhiều để thăm thú hết thành phố.
Du lịch Thụy sĩ, ngắm cảnh quan thiên nhiên, ngắm đường phố với những ngôi nhà cổ kính, đi thăm các nhà thờ và các bảo tàng, khách sạn, cửa hàng, nhất là những cửa hiệu đồng hồ trang trí hiện đại, tinh xảo, những cửa hàng trưng bày các mặt hàng cao cấp thanh nhã, đẹp mắt mà thấy thật tuyệt vời bàn tay , khối óc của con người. Con người đã tạo nên tất cả những sản phẩm văn hóa của nơi đây. Bóng dáng của truyền thống được lưu giữ ở mọi nơi trên đất Thụy sĩ. Cái may mắn của Thụy sĩ là thoát được nhiều cuộc chiến tranh hủy diệt từ năm 1815, nhà nước Thụy Sĩ theo con đường trung lập, hòa bình nên các di sản văn hóa của họ được bảo tồn gần như nguyện vẹn. Nhưng cái may mắn hơn là con người Thụy Sĩ, chủ nhân của nền văn minh rất tuân thủ pháp luật, có óc tổ chức và tính chính xác, nhờ phẩm chất này mà Thụy sĩ là đất nước văn minh vào bậc nhất thế giới. Nền kinh tế của họ dựa trên lực lượng lao động có trình độ cao đảm nhiệm, trong đó các ngành công nghệ cao, công nghệ sinh học, dược phẩm, ngân hàng, bảo hiểm và du lịch được quan tâm hàng đầu. Sự phát triển của Thụy Sĩ gắn với đạo đức, lối sống cổ truyền nên sự phát triển của họ rất bền vững. Thụy Sĩ là nơi có tỉ lệ tội phạm thấp nhất trong các nước phát triển.
Một đất nước giàu có, thanh bình , phát triển vượt bậc, với thu nhập trung bình của người dân ở mức 57 000USSD/ năm ( theo thông tin của Ngọc Vũ đăng trên Internet ngày 18/4/2016), với những hồ nước xanh, dòng sông xanh, cỏ, cây, hoa, lá tươi tốt, các thành phố xanh, sạch, đẹp và văn minh luôn là niềm mong ước của nhân loại, Thụy Sĩ là một nước như vậy, rất đáng sống. /.