Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHẢI CÔNG BẰNG VỚI TẤT CẢ MÁU XƯƠNG

Nguyễn Duy Liễm
Thứ ba ngày 9 tháng 8 năm 2016 5:48 AM



(Đọc ĐỐI CHIẾN của KHUẤT QUANG THỤY)

Cuộc chiến tranh dành quyền thống nhất đất nước giữa hai thế lực: Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) có sự can thiệp của người Mĩ ở nửa phần sau thế kỷ 20 đã toàn thắng thuộc về QĐNDVN. Đất nước Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới. Cuộc đương đầu khốc liệt tương tàn nhất lịch sử nước Việt ấy đã lùi xa ngót 1/2 thế kỷ. Nhưng nỗi ám ảnh thì vẫn còn in đậm trong tâm thức thế hệ đi qua cuộc chiến và nó còn gây nhức nhối mãi xuống các thế hệ kế cận.
Khuất Quang Thụy. Anh là người lính chiến như bao người trai cùng thế hệ. Nhưng anh không chỉ là người may mắn còn sống sót, mà đấy hình như còn là do nhã ý của lịch sử đã nhằm vào anh để anh được tồn tại khi cũng phải lăn lóc trong chảo lửa cuộc đối đầu suốt bảy tám năm giằng giặc (1967 - 1975). Rồi vừa bằng trực giác nhạy cảm của người trong cuộc và bằng cả sự sắc sảo tinh anh của một ký giả để ghi nhận trung thực khách quan, Khuất Quang Thụy đã vẽ lại toàn cảnh thật chi tiết cuộc đối chiến xẩy ra bi hùng tại Đường Chín Nam Lào. Một bên là QĐNDVN và bên kia là QLVNCH có sự hậu thuẫn của quân đội Mĩ. Đó là cuộc đối chiến mang tầm chiến lược, mang ý nghĩa mất còn nhằm đánh phá vào khu tập kết dự trữ hậu cần. Nói cung ứng và phát tác để các con đường vận chuyển tỏa đi đến các chiến trường Miền Nam. Đánh phá được Đường Chín Nam Lào, dựng lên được hệ thống cứ điểm án ngữ được cái “Yết hầu” này coi như các lực lượng cách mạng ở Phía Nam bị cô lập mà teo tóp lại. Cuộc tập kích chiến lược với quy mô lớn nhất từ trước tới nay của QLVNCH này mang tên Lam Sơn 719.
Ngoài ý nghĩa chiến lược, Lam Sơn 719 còn mang một màu sắc quan trọng khác. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu muốn thể hiện khả năng sức mạnh của QLVNCH đã đủ sức đương đầu để đảm nhận sứ mạng trước chiến trường để người Mĩ thực hiện chương trình “Việt Nam hóa” và rút quân đội Mĩ về nước cũng là lấy lại niềm tin đã mất để Quốc hội Mĩ mở rộng thêm hầu bao rót vào chi viện cho VNCH.
Có mặt để được tham chiến và chứng kiến cuộc đối chiến đương đầu quyết liệt này, Khuất Quang Thụy đã khắc họa lại trận huyết chiến Lam Sơn 719 đem toàn bộ diễn biến trận càn dựng thành cuốn tiểu thuyết “Đối Chiến” dày tới ngót sáu trăm trang - được Nhà Xuất Bản Trẻ ấn hành quý I/2015.
“Đối chiến” không chỉ là cuốn sách văn học mang nhiệm vụ và sứ mạng là chuyển tải hiện thực cuộc sống vào trang viết. Với góc nhìn rất riêng. Nó không bị đi qua “lăng kính”. Những thân phận, tình cảm, suy nghĩ và mục đích sống, chiến đấu của người lính cả hai phía được ghi nhận một cách công bằng. “Đối Chiến” còn là một dương bản sao chép trung thực mọi diễn biến chiến trường. Trung thực và chi tiết nên nó được xem như là chiến lệ, là sử kí để hôm nay những người lính còn lại của cả hai phía có thể mở ra và xem lại mà suy ngẫm.
Chuẩn bị cho Lam Sơn 719 phía QLVNCH Bộ chỉ huy tiền phương của tướng Hoàng Xuân Lãm được thiết lập, với các tướng lĩnh: Phạm Văn Phú, Dư Quốc Đống, Đại tá Nguyễn Trung Luận - Chỉ huy lữ đoàn thiết giáp I, Đại tá Sơn Đường - chỉ huy lữ đoàn biệt động quân, Đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ đoàn dù 3... với sự hỗ trợ của lực lượng pháo binh và các đơn vị không quân thiết giáp hùng mạnh rầm rộ. Người Mĩ chỉ làm nhiệm vụ vòng ngoài, “đứng xa” hậu thuẫn cho QLVNCH tiến hành cuộc tập kích. Nhưng họ cũng đã huy động đến một lực lượng “khá hùng hậu để tham gia chiến dịch với 11 tiểu đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn lính dù, 4 tiểu đoàn của lữ đoàn bộ binh cơ giới số 1, 3 tiểu đoàn thuộc sư đoàn America, 8 tiểu đoàn pháo binh, 1200 máy bay trong đó có 800 trực thăng, 300 máy bay phản lực, 50 máy bay ném bom chiến lược B52, 50 máy bay vận tải ... trang 556). Chỉ cần một loạt những con số dẫn chứng ấy, người đọc đủ thấy quy mô của trận càn tới đâu.
Phía QĐND Việt Nam đơn vị trực tiếp tham chiến - Sư đoàn chủ lực 320.
Sau hai năm tham chiến ở miền đất Quảng Trị Thừa Thiên, Sư đoàn đã được lệnh rút một bộ phận lớn về bờ Bắc làm nhiệm vụ huấn luyện chỉnh quân. Rồi từ đây các trung đoàn của sư đoàn 320 - Đơn vị chủ lực lừng danh này lại chuẩn bị đi B dài. Bộ phận tiền trạm đã triển khai . Bộ đội được quán triệt và một cuộc hành quân xa được tiến hành...
Bên kia vĩ tuyến 17, QLVNCH và quân đội Mĩ thì cho tập trung một lực lượng lớn binh lực hỏa lực gồm nhiều binh chủng hợp thành áp sát - cả mặt đất lẫn ngoài khơi thật rầm rộ tưởng như thể sắp vượt Sông Bến Hải đánh sang khu Bốn.
Phía bờ Bắc, quân dân Khu Bốn vẫn dàn thế trận để đón chờ cuộc đổ bộ quy mô mạo hiểm của địch vào Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa.
Đấy chỉ là sự dương đông kích tây tung hỏa mù lừa địch của cả hai phía. Còn chiến trường chính sẽ là Đường Chín Nam Lào. Nói đầu mối tập trung hậu cần, phương tiện chiến tranh để phát tác tới các vị trí chiến lược như trên đã nói. Cả hai bên đều âm thầm chuẩn bị.
Để chuẩn bị chiến trường, đại đội đặc nhiệm Hắc Báo của Đại úy Trần Thiện Khanh đã phải bí mật luồn rừng vào thám thính đối phương để chuẩn bị chiến trường.
Nắm chắc phần thắng trong tay, cuộc đổ quân rầm rộ bất ngờ được ập xuống từ bầu trời, QLVNCH tưởng sẽ làm cho cộng quân không kịp đối phó. Và cuộc đánh phá sẽ nhanh chóng dành thắng lợi, thôn tính làm chủ ngay được chiến trường.
Để làm “mềm” bãi đáp, số lượng đạn, bom được huy động rải xuống nơi đây kể đến cả ngàn tấn, QLVNCH tưởng đã hủy diệt đến từng ngọn cỏ gốc cây, đảo lộn mỗi hòn đá, tưởng như mọi sự sống nơi đây không thể nào còn tồn tại.
Nhưng tình hình chiến trường lại đảo ngược. Khi hàng trăm chiếc trực thăng của QLVNCH kéo đến đổ quân vẫn không thể hạ xuống vì vướng phải lưới lửa phòng không dày đặc của đối phương từ mọi tầm mọi hướng bắn lên. Những bộ phận nào đổ quân xuống được mặt đất liền bị ngay đạn pháo bắn đến tập trung và chuẩn xác. Tiếp đến là bộ binh áp sát tiêu diệt...
Điều bất ngờ lớn nhất cho QLVNCH là mỗi bãi đáp quân, từng cao điểm nhằm hướng đến chiếm lĩnh của họ trong kế hoạch hành quân đều đã được lấy phần tử bắn từ trước, nên tạc đạn rót đến đều đổ rất chụm vào mục tiêu, rồi cả những ổ mai phục đợi sẵn của bộ binh Cộng quân cũng đã giăng bẫy đợi chờ... Cuộc hành quân thất bại thảm hại.
Để vớt vát danh dự, để có cớ cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có lời nói “bạt” trước Quốc dân đồng bào, hai tiểu đoàn quân đã được đơn phương đổ xuống thị trấn Xepôn điêu tàn - Nói hội quân của mọi cánh quân của kế hoạch Lam Sơn 719. Rồi duy nhất chỉ có hai đơn vị này đến được Xepôn và mãi mãi nằm lại đất Lào (chẳng có cuộc hội quân nào nữa vì các mũi tiến quân khác đã bị tiêu diệt và lại cả một hệ thống gồm những phương tiện chiến tranh hiện đại cho việc cơ động quân rầm rộ là thế giờ thụ động bất lực trước việc “bốc” đám tàn quân về. Phương tiện chiến tranh vũ khí khí tài đành phải phá hủy, bỏ lại chiến trường. Chỉ có hơn 200 tàn quân sống sót ôm đầu máu cắt rừng luồn về được bên kia biên giới. (Sau này, khi cuộc chiến qua đi, mọi bí mật về trận huyết chiến Lam Sơn 719 không cần phải giữ gìn nữa nên mọi người được biết: QĐNDVN đã nắm rõ ý đồ của trận càn từ nguồn tin tình báo chiến lược nên đã tương kế tựa kế đối phó - Nguyễn Duy Liễm).
Nội dung tóm tắt của tiểu thuyết “Đối Chiến” là thế. Khuất Quang Thụy xây dựng cho “Đối Chiến” hai tuyến nhân vật luôn đối kháng song hành. Gương mặt của những người lính ở hai bờ chiến tuyến được khắc họa đều đậm nét với những tính cách rất riêng mà lại rất chung, mỗi người một hoàn cảnh khi xuất phát và bị ràng buộc vào binh nghiệp. Nhưng cầm súng chiến đấu lại cũng vì một mục đích là Quốc gia và dân tộc. Duy chỉ khác nhau ở ... lý tưởng.
Những gương mặt ấy xuất hiện trên trang sách đều lung linh. Họ sống cũng rất “người” và những tình cảm tâm tư không khác biệt. Bổn phận làm chồng làm cha... tóm lại là trách nhiệm làm người ở họ như nhau, cả phương diện với Tổ Quốc. Đại úy Huỳnh Xuân Thời (sau này là Thiếu tá) Sĩ quan quân lực QLVNCH đâu có khác tiểu đoàn trưởng Hải Đông - QĐNDVN. Cũng tận tụy với vợ con và cũng luôn nghĩ đến bổn phận với dòng tộc trước cuộc đời. Nhưng khi được bối cảnh tạo đà đưa đẩy, cái phần “con” cũng bị thôi thúc mà ào ạt lao vào cuộc gió giăng ngoài luồng. Rồi trên chiến trường cả hai cùng hiên ngang bất khuất chấp nhận hi sinh kiêu hùng và oanh liệt.
Những sĩ quan chỉ huy tài ba thao lược của trung đoàn quân đã làm nên chiến thắng huy hoàng ở Lam Sơn 719 như chính ủy Trần Văn Đôi, trung đoàn trưởng Đồng Duy Tiên, tiểu đoàn trưởng Thịnh, và chiến sĩ liên lạc Ngải, chiến sĩ trinh sát Tơn...
“ Đối chiến” đã có những trang văn thật đẹp, sinh động nhất về chiến công của họ. Đó là một vinh quang về Lam Sơn 719. Vinh dự và tự hào. Song Khuất Quang Thụy không vẽ lên thứ hào quang đơn phương mà bấy này nhiều người vẫn thường làm. Khuất Quang Thụy dành dung lượng đậm hơn trong tác phẩm để khắc họa, mô tả về những người lính bên kia chiến tuyến. Và “ Đối chiến” là điểm khác biệt không chạy theo lối mòn của thứ văn học tô hồng đáng bóng.
Trong “Đối Chiến” những người lĩnh phía QLVNCH được diễn tả là những chiến binh có phẩm hạnh những con người sống có mục đích hoài bão chính đáng. Vì vậy họ có kỉ luật. Họ dám dấn thân. Không chỉ riêng thiếu tá Huỳnh Xuân Thời mà có cả đại úy Ngô Thanh Vân, trong khi bị kích động rút súng khỏi bao để được “ ăn thua” với kẻ mà anh cho là làm hại em gái mình, xúc phạm thanh danh gia dân tộc mình. Nhưng khi trấn tĩnh lại cũng nhận ra sự đã rồi, đành miễn cưỡng chấp nhận trong vị tha hòa hợp ...
Đại úy Trần Thiện Khanh sống nghĩa tình trong đời thường hết lòng vì bạn bè, hi sinh cả những ngày nghỉ phép ít ỏi để tìm cách giải tỏa những rắc rối bất hòa đồng đội gặp phải để dung hòa cho cuộc sống. Với công vụ chẳng từ nan. Mẫn cán trung thành. Tận tâm cung phụng cấp trên. Đã chỉ huy đội đặc nhiệm mò vào từng căn hầm, kho bãi, nơi trú quân của đối phương để thám thính phục vụ cho mưu đồ chiến lược. Khi tình thế quẫn bách dám xả thân cứu nguy cho đồng đội ... Trần Thiện Khanh còn là một nhà thơ, hoài bão sẽ viết lên những tác phẩm văn học... Sống có lí trí, chết có mục đích rõ ràng
Những con người có phẩm chất như thế thì họ chọn lý tưởng và chọn mục đích sống sao lại là “mù quáng” được?. Còn với những viên sĩ quan cao cấp chỉ huy và trực tiếp tham chiến vào Lam Sơn 719 như Đại tá Sơn Đường, đại tá Nguyễn Văn Thọ, Trung tá Huỳnh Mộng... Khi phải thất thủ trong đám tàn quân thảm bại, không ai nghĩ tìm lối thoát cho riêng mình. (Họ có thể lẻn ra bìa rừng liên lạc để trực thăng bất ngờ đến ứng cứu hoặc bí mật theo đám biệt kích luồn rừng về nước...) Họ chọn cách sống cùng sống và chết cùng chết với chiến sĩ của mình để kết cục kẻ bị bắt làm tù binh - Đại tá Thọ, người tử thủ rồi tự sát như Đại tá Sơn Đường. “Đối Chiến” còn nhiều trang văn khác miêu tả rất sâu về những cái chết, sự hy sinh kiêu hùng của những người lính QLVNCH trong chiến đấu mà bài viết không thể dẫn hết ra. Song có một chi tiết làm cho trang văn lung linh chói sáng lên mà người đọc không thể bỏ qua:
Thiếu tá Huỳnh Xuân Thời khi ra trận đã mang theo chiếc khăn chấn sữa của đứa con vừa sinh - đứa con trai đầu tiên yêu quý mong chờ mà cô vợ bé vừa sinh cho anh. Anh mang nó ra phô trước đồng đội. Chiếc khăn chấn sữa được xem như biểu tượng nhằm hướng đến là mục đích dấn thân. Nó được đồng đội truyền tay: “Đại úy Lê Hoài An đỡ lấy chiếc khăn trên tay thiếu tá đại đội trưởng cúi xuống trang trọng đặt một nụ hôn rồi hua lên ngang đầu:
- Hỡi các thiên thần mũ đỏ! Đây chính là ngọn cờ thiêng liêng của đại đội chúng ta... chúng ta quyết tử thủ trên cao điểm này - trang 488 và 489”. Không cần phân tích và dẫn dụ thêm. Những điều vừa nhắc đến đủ lý giải về mục đích sống và chiến đấu của những người lính ở bên kia chiến tuyến. Họ có cái để đặt niềm tin mà hướng tới! Và nói rộng thêm nó trả lời cho lý do bao máu xương đã đổ trong những trận huyết chiến dành giật mất còn giữa hai thế lực nơi chiến trường. Từ Thành Cổ Quảng Trị trong tám mươi mốt ngày đêm mùa hè đỏ lửa - 1972. Hoặc thị xã Xuân Lộc trong trận quyết chiến quyết thắng cuối cùng mùa xuân 1975.
“Đối Chiến” đã làm được một việc khác thường là đánh giá không thiên lệch tinh thần chiến đấu, mục đích hi sinh của những người lính ở cả hai bờ chiến tuyến và “Đối Chiến” không dấu diếm cả sự ngậm ngùi... mà ghi nhận về sự hy sinh của tất cả những người lính đã ngã xuống ở chiến trường:
- “Phải công bằng với tất cả máu xương - Trang 556”. Người lính cả hai đầu chiến tuyến ngã xuống đều dẫn đến cái đích cuối cùng là xúc tiến cho cuộc chiến tranh chấm dứt. Cho sự triệt tiêu và vinh thăng một lý tưởng.
Xin được nhắc lại đại ý về lời nói của ngài Nguyễn Cao Kỳ - Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa:
- Các anh cũng chiến đấu cho một lý tưởng. Chúng tôi cũng chiến đấu vì một lý tưởng. Con đường đi tuy khác nhau nhưng đều hướng đến Quốc gia và Dân tộc. Ai thắng, ai thua giờ không quan trọng nữa. Chỉ những kẻ còn quay lưng lại với Quốc gia Dân tộc mới là có tội ...
***
Bài viết đã có thể kết thúc ở đây! Nhưng vẫn muốn nói thêm vài lời:
- Thế hệ chúng ta buộc phải có mặt trong cuộc Đối Chiến lịch sửa vừa qua thật là khó khăn và đau xót.
“Lửa tắt, khói tan ai người còn lại - ý thơ Phạm Minh Hà” .
Cái kết cục ấy đánh đổi bằng bao máu xương của những người trai ưu việt của dân tộc Việt. Khi hai kẻ cầm súng nhằm vào nhau không phải để nhằm vào con người mà nhằm vào... một lý tưởng. Và “Đối Chiến” đã lý giải được nhiều điều.
Vậy hãy xem “Đối Chiến” là một cánh cửa mở rộng thêm ra thông thoáng cho văn học ghi nhận nhìn nhận lại một quá khứ lịch sử chưa xa.
N.D.L