Chúng tôi đến Quy Hòa vào đầu tháng 5 dương lịch, khi sóng biển vẫn lặng yên và bão tố chưa thăm viếng Qui Nhơn.
Đặt chân đến vùng Trại phong Quy Hòa, khác hẳn tôi mường tượng, là, vùng đất của thương đau và bệnh tật, bởi, ở đây cảnh đẹp và nên thơ vô cùng. Không khí vùng Quy Hòa trong lành, có gió biển ru, du dương, mát lịm, trong ban mai của ngày đầu hè.
Quy Hòa nằm trên bờ biển chạy dài của thành phố Quy Nhơn, Bình Định, cát mịn, trắng vàng. Hàng cây cao, bóng cả sát biển vươn lên cùng nắng gió, phủ che cho vùng bờ biển dài đỡ nắng. Xưa, nhiều người đã nói, bãi biển Quy Nhơn đẹp nhất miền Trung. Nay bãi biển Quy Nhơn càng đẹp bởi được qui hoạch rất hiện đại, khang trang. Con đường đi ven biển trải dài, xe đi êm như ru, vừa đi vừa ngăm bờ biển và ngắm biển càng thấy đất trời Quy Nhơn tuyệt vời. Những khi trời yên, biển lặng, màu xanh của trời, của biển hòa lẫn, ngắm xa xa, nước biển như có hai màu, xanh thẫm, nơi biển sâu, và nhạt hơn khi gần bờ
Người ta có thể đến nghỉ ở Qui Nhơn nhiều ngày mà không chán bởi biển vừa đẹp, vừa sạch, ăn lại ngon. Tất cả những khách sạn sang trọng đều nhìn ra biển, qua đường là ra biển. Nhưng người ta ấn tượng nhất vẫn là, thăm Quy Nhơn sẽ đến vùng đất võ, vùng đất của Quang Trung- Nguyễn Huệ, thiên tài quân sự, và đến thăm Quy Hòa, nơi nhà thơ nổi tiếng trong thi đàn Việt Nam - Hàn Mặc Tử - đã từng sống, đớn đau cùng bệnh tật nhưng đã để lại những vần thơ làm day dứt hồn người.
Nói đến thăm Trại phong Quy Hòa, hẳn có nhiều người chưa thích vì, đi du lịch chỉ thích vào miền thanh thản, trong lành. Nhưng ở Qui Nhơn, trại phong Quy Hòa lại là nơi đáng đến. Dạo chơi trên bờ biển, dạo chơi trong cảnh quan của vùng này mà thấy, chủ nhân của Trại phong Quy Hòa xưa có tầm nhìn xa khi chọn nơi này làm bệnh viện. Nay Quy Hòa đã dựng tượng đài những người bác sĩ đã đến nơi đây chữa bệnh cho các bệnh nhân bị bệnh phong, từ thời Pháp và sau này. Khu vực tượng đài rất hoành tráng và cảm động. Hình ảnh những bác sĩ người Pháp, người Việt bên nhau song hành theo năm tháng. Và bệnh viện vẫn ngự tại đây, ở khu riêng, mỗi gia đình người bệnh hoặc chăm sóc người bệnh được qui hoạch phù hợp.
Chúng tôi thăm cảnh quan mà những tưởng, hồn Hàn Mặc Tử bay lượn đâu đây đang đọc cho chúng tôi nghe những vần thơ tình cháy bỏng của ông:
Trăng nằm sõng xoài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi …
( Bài thơ Bẽn lẽn)
Và :
Xuân trẻ, xuân non , xuân lịch sự
Tôi đều nhận thấy trên môi em
Làn môi mong mỏng tươi như máu
Đã khiến môi tôi mấp máy thèm…
( Bài thơ Gái quê)
Hoặc ông đọc cho chúng tôi nghe những vần thơ Điên sáng tác cùng thời với các nhà thơ Chế Lan Viên, Yến Lan….Thời kỳ 1930- 1939, một số nhà thơ trẻ say mê tìm cái mới cho mình trong thơ ca, họ đã lập ra nhóm “ Trường thơ loạn” ở Bình Định. Có những đêm họ đem chăn màn ra bờ biển ở lại suốt đêm để cùng sáng tác. Thơ của họ ngập Trăng, Hồn, Máu,, Bóng ma, Xương cốt, Sọ người…họ cùng hoài niệm, nhớ thương số phận của đất nước, con người Champa xưa. Nếu Chế Lan Viên hút hồn Hàn Mặc Tử bởi những câu thơ trong Điêu tàn:
Đây, chiến địa đôi bên giao trận
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn
Thì sau này Hàn Mặc Tử đã có những vần thơ Điên loạn như:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút,
Mỗi hồn thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da…
Thơ Hàn Mặc Tử mang sắc thái của riêng ông, vừa Điên loạn vừa day dứt hồn người.
Không chỉ có những vần thơ lạ cho người đời nhớ, mà thơ Hàn Mặc Tử còn rất bay bổng, lãng mạn, thấm đẫm tình người, làm rung động biết bao trái tim của các chàng trai và cô gái ở lứa tuổi thanh xuân.
Với Bài thơ Cô gái đồng trinh, Hàn Mặc Tử có mối cảm thông sâu sắc với số phận của người con gái bạc mệnh, hàng xóm của ông, tên là Mỹ Thiện( mặc dù ông chưa gặp mặt bao giờ , chỉ biết nàng qua tiếng đàn buồn nàng hay chơi):
Đêm qua trăng vướng trên cành trúc
Cô láng giềng bên chết thiệt rồi
Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới
Chưa hề âu yếm ở đầu môi
Xác cô thơm quá , thơm hơn ngọc
Cả một mùa xuân đã hiện hình
Hình bóng Mỹ Thiện trong thơ ông vừa đẹp, vừa mong manh, vưà thánh thiện. Ông xót thương số phận đen bạc của người thiếu nữ trinh bạch bi mẹ kế nghi oan hoang thai phải tự tử. Sau này hình ảnh Mỹ Thiện còn phảng phất qua nhiều bài thơ của ông.
Khi ông còn khỏe mạnh mới xuất bản tâp thơ Gái quê. Khi bị bệnh, ông sáng tác được ba tập thơ là Thơ điên, Xuân như ý và Thượng thanh khí, người đời biết tới, họ đọc cho nhau nghe, chép cho nhau và thuộc làu làu thơ ông. Những vần thơ ra đời khi số phận, bệnh tật đeo đuổi ông, khoét sâu tâm hồn ông bằng một nỗi buồn không thể khỏa lấp:
Lòng ta sầu thảm hơn mùa lạnh
Hơn hết u buồn với nước mây
Của những tình duyên thương lỡ dở
Của lời rên xiết gió heo may
Số phận nhà thơ tài hoa, bạc mệnh như được chính ông dự báo, đó là cái chết đến nay mai. Bài Những giọt lệ nói về dự cảm cái chết của ông:
Trời hỡi! Bao giờ tôi chết đi ?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si ?
Bài Trút linh hồn ông viết:
Máu đã khô rồi, thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió, trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ
Trong bài thơ Duyên kỳ ngộ, ông hình dung ra nơi ông lìa cõi đời:
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy Nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm…
Người bạn cùng nằm ở bệnh viện Qui Hòa với ông may mắn thoát tử thần kể lại, Hàn Mặc Tử mất vào ngày 11/11/1940, hưởng dương 28 năm, trong cô đơn, lặng lẽ bên “ khe nước ngọc”. Mãi đến năm 1959 di hài của ông mới đưa về Gềnh Ráng. Nay, ở Gềnh Ráng, ngôi mộ của ông được xây cất rất khang trang, cỏ cây, hoa , lá tốt tươi, có tượng Đức Mẹ uy nghị ngự nơi đó để an ủi và che chở cho ông, nhà văn tài hoa nhưng số phận nghiệt ngã đã đón ông về thế giới bên kia quá sớm.
Chúng tôi đến căn phòng xưa ông đã sống ở Quy Hòa, chỉ trong 2 tháng rồi ra đi . Tất cả di sản ông để lại đơn sơ, nhưng những vần thơ bất hủ ông để lại cho đời, thì, ai đã đọc khó ngủ yên bởi nó khuấy động hồn người.
Bệnh tật và nỗi buồn giống như sấm sét xé nát mảnh đời thanh xuân của Hàn Mặc Tử nên thơ ông nhiều bài buồn và bi thảm.
Qua Gềnh Ráng thăm mộ ông, nơi yên nghỉ cuối cùng, chúng tôi chắc rằng, ông sẽ thanh thản hơn, bởi, nơi ấy, trong gió reo, giữa đất trời mênh mang , biển xa xa ru hồn ông tĩnh lặng ngàn đời.
Thơ Hàn Mặc Tử lạ, day dứt khôn nguôi trong số phận nghiệt ngã của mình nhưng vẫn chứa đựng sức sống mãnh liệt của tuổi xuân, tuổi của khát khao tình yêu thương và cuộc sống. Hàn Mặc Tử mãi mãi thanh xuân với thơ và đời. Và thơ ông , như Chế Lan Viên nhận xét: “ Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình” ./.
( Bài viết có tham khảo trên Internet . Ảnh minh họa do tác giả chụp)