Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÀNG TRAI 9X, VỊ PHÓ BÍ THƯ VÀ NHỮNG CON RÙA "TỦI HỔ"

Bùi Hoàng Tám
Thứ năm ngày 11 tháng 8 năm 2016 8:50 AM


Cách đây mấy năm, không biết ai đó đã có ý tưởng xây dựng công viên với những con rùa đội bia trên đó có khắc tên các vị tiến sĩ thời nay. May mà ý tưởng đó không thành hiện thực chứ giả dụ mà thành công, hơn 24.000 con rùa đó chắc có không ít phải còng lưng cõng những văn bia có bằng giả, bằng rởm thì khổ thân lắm lắm, tủi hổ lắm lắm!

>> Ngưỡng mộ chàng trai 9X có 14 bài báo trên tạp chí quốc tế ISI
>> Tiền thuế của dân, không phải lá rừng để ném qua cửa sổ

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)


Trước hết, xin nói về chuyện chàng trai 9X. Trên báo Dân trí, bài “Ngưỡng mộ chàng trai 9X có 14 bài báo trên tạp chí quốc tế ISI” cho biết, nghiên cứu sinh Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN Trần Quốc Quân (sinh năm 1991), đã công bố 21 bài báo và báo cáo khoa học với 14 bài báo trên tạp chí quốc tế ISI. Trong đó, có 8 bài ISI với chỉ số IF lớn hơn 2 (với 3 bài có chỉ số IF lớn hơn 3.8). Quân vừa vinh dự nhận giải thưởng tài năng Cơ học Nguyễn Văn Đạo.

Đây là niềm vui không riêng của Quân mà của một thế hệ các nhà khoa học trẻ Việt Nam khi họ đang từng bước khẳng định mình trên trường quốc tế. Một niềm vui hơn nữa, Quân sinh ra tại một làng quê nghèo hiếu học ở Can Lộc, Hà Tĩnh và được đào tạo “thuần túy” trong nước.

Và cũng là niềm vui hơn và hơn nữa, đó là những công trình của Quân đã và đang được ứng dụng trong thực tế. Phải nhấn mạnh điều này bởi không ít cái gọi là “công trình khoa học” của Việt Nam ta chỉ nằm trong ngăn kéo. Thậm chí, làm chật các ngăn tủ mà chưa (và không) có bất cứ ý nghĩa thực tế này.

Giờ thì nhắc đến chuyện vị Phó Bí thư Lê Kim Toàn của tỉnh Bình Định. Ông Toàn đã làm nghiên cứu sinh tiến sĩ quản lý giáo dục theo hình thức đào tạo bán du học. Quá trình học và hướng dẫn làm đề tài nghiên cứu được thực hiện tại Hà Nội mỗi tháng bốn ngày, bảo vệ đề tài tại Philippines trong 10 ngày trong thời gian 2 năm (từ tháng 9-2011 đến tháng 9-2013).

Không biết Bộ Giáo dục & Đào tạo không công nhận vì lý do gì nhưng chỉ nhìn thấy thời gian học, đã thấy đây là hình thức “siêu siêu tốc” bởi mỗi tháng học 4 ngày X 12 tháng X 2 năm cộng với 10 ngày bảo vệ, vị chi tất tần tật chỉ có vẻn vẹn 106 ngày, tức là ba tháng rưỡi. Ba tháng rưỡi, cho ra lò một mẻ tiến sĩ thì khác gì giống lúa… ngắn ngày.

Cách đây ít lâu, trong một bài báo, mình bày tỏ mong muốn ông Toàn hoàn trả lại số tiền 386 triệu đồng cho ngân sách vì đó là tiền thuế, tiền mồ hôi nước mắt nên không ai có quyền đem số tiền đó đi “mua” bằng cấp cho mình, nhất là một khi, đó lại là bằng “dởm”.

Không biết ông ấy có lưu ý đến mong muốn của mình không? Có chịu trả lại khoản tiền đó chưa? Mà nếu có trả lại, thì ông ấy vẫn còn “lãi” chán bởi thời gian gần nửa năm trời bỏ công, bỏ việc nhưng chắc vẫn hưởng lương.

Thật ra, những tấm bằng như và tương tự như của ông Lê Kim Toàn không hiếm. Chuyện bằng giả, học giả bằng thật, bằng mua, bằng “tráng men”… đã trở nên quá bình thường trong “xã hội bằng cấp”.

Điều không thể im lặng là nhiều tấm bằng chỉ nằm trong ngăn tủ kia lại được làm ra bằng tiền, thậm chí rất nhiều tiền từ ngân sách. Không ít tác giả của những công trình này còn “vinh thân, phì gia”, sống đời vương giả và trở thành “nhà khoa học”, “chém gió” ầm ầm...

Trong khi đó, không ít những sáng chế ích nước, lợi dân lại do những người nông dân chân lấm, tay bùn hay những công nhân một tấc bằng không có nghĩ ra.

Có lẽ chính những điều này đã khiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trăn trở. Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015- 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016- 2017 do Bộ GD&ĐT đã tổ chức ngày 5/8, Thủ tướng bày tỏ sự lo ngại về chất lượng đào tạo sau đại học, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Thủ tướng cho biết do bệnh thành tích, sính bằng cấp nên nhiều tiến sĩ nhưng thiếu công trình khoa học có giá trị với xã hội.

Chợt nhớ cách đây mấy năm, không biết ai đó đã có ý tưởng xây dựng công viên với những con rùa đội bia trên đó có khắc tên các vị tiến sĩ thời nay. May mà ý tưởng đó không thành hiện thực chứ giả dụ mà thành công, hơn 24.000 con rùa đó chắc có không ít phải còng lưng cõng những văn bia có bằng giả, bằng rởm thì khổ thân lắm lắm, tủi hổ lắm lắm!

Khi đó, có thể mình phải viết bài “điếu văn” với cái tên nghe… mùi mẫn: “Thương thay thân phận những con rùa!”, các bạn nhỉ?

Bùi Hoàng Tám