Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN VĂN VĨNH, MỘT ĐỈNH NÚÍ MÙ SƯƠNG

Hoàng Minh Tường
Thứ tư ngày 4 tháng 5 năm 2016 5:35 AM





 



( Nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của học giả, nhà văn hoá tiên phong Nguyễn Văn Vĩnh 1936 – 2016)

 


Có một Người mà lẽ ra năm nay, dịp này, hàng triệu người trên thế giới, những ai biết đọc chữ quốc ngữ, được thụ hưởng di sản từ ông, rất nên tưởng nhớ đến ông, nhân 80 năm ngày ông qua đời, một cuộc ra đi bất ngờ đầy bi kịch và định mệnh trên dòng sông Sêpôn của nước bạn Lào, trong một chuyến đi tìm vàng nhằm cứu vãn một cơ nghiệp bị phá sản vì sự o ép chính trị. Con người viết hoa ấy là học giả, nhà văn hoá lớn Nguyễn Văn Vĩnh.

Hơn một trăm năm qua, rất nhiều giấy bút đã viết về ông. Một con người kỳ tài. Một thân phận bọt bèo quê gốc từ làng đồng chiêm Phượng Vũ, xã Phượng Dực, Thường Tín, Hà Đông, tám tuổi đi chăn bò trên đê sông Hồng, rồi đi kéo quạt thuê, nhưng nhờ thiên tư siêu phàm, trí óc thần đồng, mà mười bốn tuổi đã đỗ đầu trường thông ngôn bản xứ, mười lăm tuổi đã khởi nghiệp, trở thành thư ký toà sứ Lao Cai, rồi toà sứ Kiến An, Bắc Ninh, toà đốc lý Hà Nội. Sau khi đi dự cuộc đấu xảo Marseille trở về, năm Bính Ngọ, 1906, khi mới 24 tuổi, đã giã từ đời công chức đầy hứa hẹn vinh tiến để trở thành một nhà một nhà báo sáng nghiệp, nhà dịch thuật tài năng, người khai mở văn hoá tiên phong. Sự nghiệp của ông, về doanh nghiệp, chính trị, văn chương, báo chí, dịch thuật… mặt nào cũng đồ sộ so với chiều kích hữu hạn người thường.

Chỉ một câu nói bất hủ này:“ Nước Nam ta mai sau hay dở ở như chữ quốc ngữ” đủ thấy viễn kiến của ông với nền văn hoá dân tộc từ khi hoà đồng, tiếp biến với văn hoá Tây Âu và thế giới. Ngay sau cái chết đột ngột của ông ở tuổi 55 tráng trí, tráng niên, tráng kiện, con người nhân văn và xã hội của ông đã được cái quan định luận. Đám tang ông, ngày 8 tháng 5 năm 1936 tại Hội quán số 107 phố Hàng Cỏ, gần khách sạn La Gare (vừa bị sụp đổ một phần tháng 9/2015) là một sự kiện hiếm thấy về lòng ngưỡng mộ và thương tiếc một tinh hoa của dân tộc.

Hầu hết các bậc tài danh kiệt hiệt lúc bấy giờ, như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Doãn Kế Thiện, Lê Thước, Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Á Nam Trần Tuấn Khải, Vũ Đình Liên, Bùi Kỷ, Mai Đăng Đệ, Phan Trần Chúc, Phạm Duy Khiêm…, đều có liễn, câu đối và thơ, văn điếu.

Đây là lời điếu của Phan Bội Châu phần viết bằng chữ Quốc ngữ:

- Duyên tương tri nhớ trước mười năm, xe tự do chung lái, sóng biển vui tai, mộng hồn há lẽ hững hờ, quang cảnh còn in mây Thuận Tấn.

- Tài bác học trỗi trong hai nước, đàn ngôn luận phất cờ, làng văn mở mặt, công nghiệp tuy còn lỡ dở, thanh âm từng dạt gió Balê ( Paris).

Mai Đăng Đệ muốn dựng lại bức chân dung người bạn lớn:

- Rút ruột tằm trả nợ non sông, nào Đồng Văn, nào Đăng Cổ, nào Đông Dương tạp chí, nào Trung Bắc tân văn, giấy trắng bao lần hoen máu đổ,

- Vững cột đá chống cơn sóng gió, khi ngoài Bắc, khi trong Nam, khi đấu xảo Mạcxây (Marseille), khi băng rừng Vạn Tượng, lòng son rắp những vá trời xanh.

Và đây là tiếng khóc của Dương Bá Trạc:

- Mạng vậy biết làm sao, tài trí thông minh Trời vẫn ghét

- Danh kia còn thọ chán, văn chương sự nghiệp Đất khôn vùi.

Quả là tiên tri. Cho tới 80 năm sau Trời vẫn ghét và Đất khôn vùi. “Trời” ghét đến mức có thời kỳ con cái phải đi tù, lời thị phi tràn ngập sách báo, tiền đồ cháu con mờ mịt. Nhưng Đất vẫn muôn đời nhân hậu.

Cách đây dăm năm, tại cánh đồng trước làng Phượng Vũ, người con trai út Nguyễn Hồ và các con cháu trong gia tộc đã tìm thấy và đưa di hài người vợ của nhà văn hoá Nguyễn Văn Vĩnh về đoàn tụ trong nghĩa trang gia đình với sự chờ đón chân tình của dòng tộc, dân làng. Ông và các con, nhà thơ Nguyễn Giang, thi sỹ Nguyễn Nhược Pháp, nhà tình báo Nguyễn Phổ, nhà doanh nghiệp Nguyễn Dực… đã hoà vào đất mẹ, vào long mạch vùng quê, nơi cùng đã sản sinh ra nhà văn Phạm Duy Tốn, nhạc sỹ Phạm Duy và bao người con ưu tú.

Rồi bằng tình yêu thương và tôn kính vô bờ, những người cháu nội, mà năng nổ nhất là các con ông Nguyễn Phổ, một nhà tình báo nhiều công lao, các con ông Nguyễn Dực, nhà tư sản góp phần tạo dựng âm thanh cho ngày lễ tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, rồi các con ông Nguyễn Kỳ, Nguyễn Hồ... đã đi sưu tầm từng trang báo, quyển sách, dò lại những bước chân ông nội mình đã từng đi, ở Bắc, ở Trung và Nam kỳ, ở Marseille, ở Paris, ở rừng Lào và dòng sông Sê Băng Hiêng hoang vu…, rồi cùng đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thuỷ (tác giả bộ phim Người tử tế và Hà Nội trong mắt ai), làm một bộ phim về ông nội mình: về Người Man di hiện đại, để ghi lại phần nào hình bóng cổ nhân.

Người Man di hiện đại, chính là cái tên khiêm nhường và đầy kiêu hãnh mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng đặt cho chính mình, mà những người cháu nội đã tình cờ phát hiện ra trong một bài báo gần như bị quên lãng thông qua một giáo sư người Mỹ. Tiếp đó một trang Website gia đình có tên Tân Nam Tử, (hiểu theo nghĩa đứa con mang tinh thần mới của nước Nam), một bút danh, một nung nấu khát khao của Nguyễn Văn Vĩnh, cũng được con cháu ông tạo lập, như một thư viện để sưu tầm, lưu giữ và lan toả di sản tinh thần của ông.

Càng thời gian, Đất càng thấy “khôn vùi”. Không nỡ vùi. Không thể vùi!

Đồng hành với mạch tìm về nguồn cội của cháu con gia đình, là sự thôi thúc của lương tri văn hoá Việt. Hàng trăm học giả, nhà nghiên cứu, sưu tầm lặng lẽ và công tâm đã lục tìm trong các thư tịch Đông Tây, viết về ông, bình phẩm về ông, khảo cứu về ông. Cả một khoa Mác – Lênin của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, mà chúng ta biết một người giảng viên có tên là Hoàng Vinh, từ những năm 2000 đã quyết định mở một hướng nghiên cứu về Nguyễn Văn Vĩnh, xây dựng những luận án thạc sỹ về nhà văn hoá Nguyễn Văn Vĩnh.

Có những nhà sưu tầm sách quốc ngữ từ thời các giáo sỹ truyền đạo phương Tây, mở kho báu khiến bạn đọc kinh hoàng về tầm cao văn hoá của Nguyễn Văn Vĩnh: Trước khi dịch các tác gia đồ sộ của văn học Pháp như Victor Hugo, La Fontaine, A Duma, Moliere, J. Racine, A. Prevost. Nguyễn Văn Vĩnh đã lặng lẽ dùi mài chữ Nôm và chữ Hán để dịch Chinh phụ Ngâm, dịch Truyện Lý Công (với bút danh Xuân Lan), in từ năm 1911, phiên âm Kim Vân Kiều truyện từ Nôm ra chữ quốc ngữ (in năm 1913), rồi lại dịch đi dịch lại ra tiếng Pháp in năm 1942.

“ Sở đắc chữ Hán và chữ Pháp, tiên sinh đã lợi dụng hai thứ chữ ấy mà tạo nên được một nền quốc văn trong trẻo, không bợn vì những tiếng và chữ tiêm nhiễm của nước ngoài…”

(Điếu văn của Phan Trần Chúc, đại diện báo giới Bắc Việt).

Thật đáng mừng và tự hào cho giới trí thức, vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của “Người Man di hiện đại”, Quỹ văn hoá Phan Chu Trinh, một tổ chức xã hội dân sự có uy tín và lương tri, đã công bố quyết định sáng giá:

Vinh danh học giả Nguyễn Văn Vĩnh là Danh nhân văn hoá Việt Nam thời hiện đại.

Một buổi lễ trang trọng và tình nghĩa, đã được tổ chức tại hội trường lớn Khu biệt thự Hồ Tây, 43, Đặng Thai Mai, Hà Nội vào ngày 27 tháng 4 năm 2016. Quả là,“tài trí thông minh Trời vẫn ghét”, nhưng “văn chương sự nghiệp Đất khôn vùi”.

Sẽ đến một ngày Danh nhân văn hoá Nguyễn Văn Vĩnh không còn là sự tưởng thưởng của một tổ chức, một khuynh hướng, mà là của Tất cả.

Có thể mường tượng nền văn hiến, văn hoá nước Việt như một đại sơn mạch hùng vĩ với những đỉnh cao tầm thế giới, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Trong đại sơn mạch ấy, không thể không có “ Người Man di hiện đại”.Thì Nguyễn Du đã tiên tri rồi:

“Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa giời”.

Đã thấy kia rồi, một ngọn Nguyễn Văn Vĩnh đột khởi, thấp thoáng trong mây...

1/5/2016.

HMT