Vào khoảng dăm năm cuối cùng của thế kỷ trước, nếu ai có dịp qua Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan, kể cả với tư cách của một du khách, hay với một công vụ nào đó, sẽ khó mà quên được một người đàn ông chừng trên dưới năm mươi tuổi, lịch sự, tề chỉnh, lặng lẽ nhưng ấm áp, kỹ càng trong mọi việc mà ta cần làm, ngỡ như không có một chút “nghệ sĩ” nào ở anh, lại là một nhà thơ! Và đặc biệt đã là một dịch giả khá quan trọng cho văn học Ba Lan nhập tịch vào đất Việt. “Chú cá mập vàng tí hon”, “Truyện ngắn Ba Lan chọn lọc”, “Tô Mếch ở Lục địa Đen”… Và đặc biệt là ba nhà thơ vào loại lớn nhất của Ba Lan và thế giới, nối nhau “chạy tiếp sức” với bạn đọc suốt thế kỷ XX cho đến bây giờ, đã được anh địch sang tiếng Việt:
Czeslaw Milosz (1911 – 2004) – giải Nobel văn chương năm 1980
Wislawa Szymborska (1923 – 2012) – Nobel văn chương năm 1996
Tadeusz Rozewicz (1921 – 2014) - ứng cử viên Nobel văn chương.
Anh tên là Lê Bá Thự, nguyên Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Việt nam tại Ba Lan. Và chúng ta sẽ không phải khó khăn lý giải tính cách con người anh, khi biết anh tốt nghiệp Đại học Bách khoa Warszawa với tấm bằng Thạc sĩ Bộ môn Trắc địa Cao cấp Khoa Trắc địa Bản đồ. Rồi sau đó anh từng là một thày giáo giảng dạy tại Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội.
Chín chắn trong phong độ, ngành học lại toàn đo, vẽ, tính toán, đá, quặng, vậy mà anh đã cùng các bạn bè Việt nam như đại sứ Tạ Minh Châu, tiến sĩ toán lý Lâm Quang Mỹ, tiến sĩ Nguyễn Chí Thuật… hết sức lãng mạn, phiêu liêu, mỗi người một vẻ, xung vào đội ngũ hàng ngàn “thủy thủ” đưa con tàu viễn dương xuất khẩu văn chương Ba Lan đi khắp thế giới, trong đó có bến cảng Việt nam!
Hai ngàn dịch giả văn học Ba Lan ở rải rác tại năm châu lục được xem là hai ngàn “thủy thủ” miệt mài chuyển tải, “xuất khẩu” văn chương Ba Lan liên tục trong hơn một thế kỷ, thông qua “con tàu viễn dương” của đất nước chưa đầy bốn mươi triệu dân, với diện tích chỉ hơn hơn ba mươi vạn cây số vuông, y như diện tích của Việt Nam vậy.
*
Nhà thơ Czeslaw Milosz
Czeslaw Milosz là ai? Đấy là một học giả, môt thi sĩ, một nhà hoạt động xã hội đầy thăng trầm và tất nhiên cũng là một nhà yêu nước đầy nhân cách. Chống phát xít trong từng dòng những trước tác, kể cả sau đó Ba Lan được giải phóng rồi, nhưng khi nền đọc lập của đất nước bị xúc phạm, ông chấp nhận lưu vong để có thể nói thật những điều không thể chấp nhận, để có thể dốc lòng dịch “Tuyển tập thơ Ba Lan” sang tiếng Anh, mở đường cho văn chương đất nước mình đến với bạn đọc phương Tây…
Cay đắng và chìm nổi thế, ông vẫn là người yêu đời, yêu cuộc sống đến kỳ lạ. Với ông, cuộc sống ở hành tinh này không bao giờ có “ngày tận thế”, dù nó đã được đồn thổi qua rất nhiều kinh sách từ cổ đại đến đương đại. Và ông mô tả chi tiết cái “ngày tận thế” ấy:
“Ong mật lượn vòng trên hoa sen cạn
Ngư phủ vá tấm lưới chài óng ánh
Cá heo vui nhảy trên biển xanh…
Phụ nữ đôi ô đi trên cánh đồng
Gã say ngủ lăn quay trên vạt cỏ
Chiếc thuyền buồm vàng bơi ra đảo nhỏ
Tiếng vĩ cầm ngân vang không gian bao la…”
Và “chỉ ông già tóc bạc khả dĩ là nhà tiên tri”, chắc ông ta lo lắm? Không! Lão đang có những việc mà chỉ là người tin vào cuộc sống mới có trong chính “ngày tận thế”: “tay buộc chùm cà chua lão phán/ Sẽ chẳng có ngày tận thế khác nữa đâu”.
Niềm tin là một vấn đề đâu có nhỏ. Để xác định, nó có thể lạm dụng cả sự thề nguyền. Nhưng với một người thông thái, giản dị như Czeslaw Milosz, niềm tin hiện ra trong veo, sáng láng:
“Hãy nhìn mà xem cây thả bong dài
Và bóng ta, bóng hoa in trên mặt dất
Sự sinh tồn in bóng giữa thanh thiên!”
Và hy vọng là gì nhỉ? Tin chứ! Nó bắt đầu từ niềm tin, như tin: “Trái đất chẳng là giấc mơ mà là cơ thể sống/ Như một thửa vườn thế giới/ Không chỉ một ngôi sao/ Không chỉ một bông hoa/ Mà thêm nữa một bông hoa mới…”.
Với đất nước, lúc khó khăn vẫn là một mặt hồ “trong bầu trời của tôi”. Và dẫu nó đang ngủ trong khổ đau, ông vẫn xin “Cúi khom và nhìn xuống đáy/ Thấy ánh đời tôi! Muôn năm dưới đó là dáng hình tôi!...”
Với Czeslaw Milosz, khi con người biết tin vào tình yêu chân thực từ đáy lòng mình như tin vào thiên nhiên trường tồn tươi thắm, thì không có niềm tin, hy vọng nào trìu tượng cả…
Chạy tiếp sức cho sự thông thái, đắm say và giản dị như thiên nhiên này của Czeslaw Milosz trong suốt thế kỷ XX cho đến nay là các thế hệ những nhà thơ trẻ Ba Lan mà ông không ngừng gần gũi, trong đó có hai thi tài lớn: Wislawa Szymborska (1923 – 2012) và Tadeusz Rozewicz (1921 – 2014).
*
Nhà thơ Wislawa Szymborska
Hơn hai trăm bài thơ đã được chuyển ngữ tới vài chục quốc gia lúc nào mà Wislawa Szymborska không hề hay biết khi đã vào tuổi “xưa nay hiếm” đã khiến bà không ngừng kinh ngạc, kể cả khi đọc diễn văn nhận giải thưởng văn chương Nobel tại Hàn lâm viện Thụy Điển năm 1996. Và bà cho rằng, với điện ảnh, nhiếp ảnh, thì việc mô tả các nhà thơ thật là một bi hài kịch: “Công việc của nhà thơ không ăn ảnh một cách tuyệt vọng! Một người ngồi bên bàn hoặc nằm trên đi văng, mắt dán vào tường hoặc trần nhà, thi thoảng viết dăm bảy dòng rồi sau mươi mười lăm phứt lại gạch xóa đi và hàng giờ lại trôi qua mà chẳng viết được gì… Liệu có khán giả nào chịu được cảnh ấy không?”…
Đám trẻ sinh viên cạnh nhà bà ở Krakow đã reo lên trong một buổi sớm khi nhìn thấy bà đẩy cái xe con chở rau cỏ từ chợ về, “Bà ơi! Bà sắp đi lĩnh giải Nobel về thơ chưa?”. “Sao các cháu có thể nghĩ ra cái trò đùa quá quắt thế? Tốt hơn hết là hãy bê giúp bà những thứ ở xe này lên tầng năm đi. Có ích hơn là trò đùa đấy!”. “Ôi, thế bà không chịu nghe đài à? Nhiều đài đã đọc thông báo bà được Giải Nobel 1996 về thơ đấy. Bà chịu khó mà nghe đài đi!”. Chúng nhìn nhau, đứa nào cũng tròn xoe mắt vì ngạc nhiên…
Chuyện cứ như đùa! Có lẽ bà hay viết những bài thơ với những ý tưởng cực kỳ sâu sắc, nhưng lại với cái giọng nhẹ nhõm giản dị như… đùa, nên chúng đã “đuà” bà chăng?
“Khi tôi phát âm từ Tương lai
Âm tiết đầu tiên đã bước vào quá khứ!
Khi tôi phát âm từ Yên lặng
Tôi đang hủy diệt từ này
Khi tôi phát âm từ Không có gì
Tôi đang tạo ra cái
Không nằm trong bất kỳ
Một sự không tồn tại nào”.
Đã có ai chọn ba từ ấy là “ba từ kỳ lạ nhất” trong mọi ngôn ngữ ở mọi quốc gia chưa? Có lẽ chưa! Vậy thì bà chính là “những người thích đùa”? Vâng. Nhưng đây quả thực là một “trò đùa” vĩ đại khi ta đọc tiếp những câu ngay sau khi bà phát âm những từ ấy để cảm nhận hết cái sự “hủy diệt” những từ ấy của chính con người khi còn lâu nó mới thành sự thật trên cái thế giới còn rất nhiều bánh vẽ này… Với Wislawa Szymborska , chúng ta có hàng trăm bài cỡ thế. Giản dị và sâu sắc đến… không ngờ. Phải chăng đấy là cách tạo tứ cho những kỳ lạ của thơ bà?
Và với cách ấy, trí tuệ ấy, cảm xúc ấy, chỉ vài ngày trước khi từ giã cuộc sống này bà đã giữ lại cho cả thế giới một tấm “Bản đồ” thế giới bất ngờ đến từng câu: “Tấm bản đồ/ Trải phẳng trên mặt bàn/ Không dịch chuyển/ không suy suyển…”.
Thế giới hiện hữu có yên bình được như thế không? Hay là đã và đang bị giằng xé đến khốc liệt?
“Ở đây cái gì cũng nhỏ xíu, tới được, rất gần
Tôi có thể dí đầu ngón tay vào núi lửa
Và chẳng cần đi găng dày gì cả…
Một cái nhìn của tôi
Thâu tóm từng sa mạc
Cùng con sông liền kề”
Mặt đất địa cầu hiền lành quá nhỉ! Có thật là như thế không?
“Vài cây nhỏ cỏn con
là ký hiệu rừng nguyên sinh ở đó
đi trong rừng cây như thế
làm sao có chuyện lạc đường?”.
Nhân loại rất hay sợ lạc đường! Con đường theo nghĩa đen và tất nhiên ở đây không thể xa nghĩa bóng đầy ẩn dụ, tượng trưng. Sự thật có dễ đi như vậy không? Nếu tìm “đường” mà dễ vậy thì làm sao đến nỗi tấm bản đò hiền lành này phải chối bỏ “Mồ tập thể, những trận hủy diệt bất ngờ/ Không có chỗ trên bản đò này/… Biên giới các quốc gia nửa mờ nửa tỏ/ Dường như các đường biên này đang do dự/ Có nên trường tồn hay không?
Thật là một tấm bản đồ thế giới “tuyệt vời” bởi sự hảo tâm, dịu đẹp và… vui tính! Chiến tranh Tôn giáo, Sắc tộc, Giai cấp, Biên giới từ mấy ngàn năm đến nay đâu có xảy ra!
“Tấm bản đồ” quả là đáng yêu nếu không có cái đoạn kết ngỡ như nhẹ nhàng mà đau đớn đến khủng khiếp:
“Vì sự thật trêu gan bị bản đồ cấm cửa…
Tôi thích bản đồ này vì bản đồ… nói dối!”.
Bài thơ cuối cùng! Vậy là đến cuối cùng, chúng ta vẫn lừa dối cả con người và nhà thơ thánh thiện ấy? – Bài thơ – Quả là một khuyến cáo đớn đau gửi lại cho những người đang sống!...
*
Nhà thơ Tadeusz Rozewicz
“Chiếc lồng im lặng rất lâu
Cho đến khi con chim chào đời trong đó
Con chim im lặng hồi lâu
Cho tới khi chiếc lồng được mở
Han gỉ trong im lặng
Im lặng kéo dài tới khi
Bên ngoài những thanh sắt đen
Vang vọng tiếng cười”
Tôi đã ghi lại trọn vẹn bài thơ “Tiếng cười” này của nhà thơ Tadeusz Rozewicz, bởi đấy là loại thơ không thể trích dẫn được. Ôi, sao chỉ có tiếng cười thôi mà khó khăn đến vậy? Đấy là một đất nước tươi đẹp, chiếc cấu nối Đông với Tây, đất nước của nhạc Sôpanh, thơ Adam Mickiewicz và đỉnh cao chót vót của khoa học với những tuổi tên chói lọi: Mikolai Kopernik, Marie Curie … kia mà!
Vâng! Nhưng đấy cũng chính lại là nơi phải hứng chịu đầu tiên và gần như toàn bộ sự hung bạo của phát xít Đức quốc xã. Đấy là nơi chúng đã dựng lên nhà tù và lò thiêu người Ốtsơvenxim. Và đấy cũng chính là nơi phải hứng chịu cuộc ngộ sát hàng chục ngàn chàng trai Ba Lan trẻ đẹp và tài hoa từ một sự hung bạo khác…
Cười làm sao được trước một đất nước bị giằng xé đến như thế bởi sự hung dữ của chính loài… người giữa thế kỷ XX. Là một chiến sĩ du kích chiến đấu cho công cuộc giải phóng đất nước, dân tộc, Tadeusz Rozewicz càng cảm thấy gấp bội sự đau đớn:
“Giữa đêm thâu tôi thét
những người chết
đứng trước mặt tôi
cười thầm…”
Lại một nụ cười không tiếng của nhân dân đất nước anh, đồng đội anh, hay là của chính anh? Sau những ngày ngỡ như đã được giải phóng sau thế chiến II lại là trùng điệp những gian nan bủa vây của hậu chiến!
Sống như cũ, không được! Viết như cũ lại càng không được:
“Tôi đã viết/ một lúc hay một giờ/ Tôi tức giận/ câm lặng/ ngồi một mình/ nước mắt tuôn trào/ tôi đã viết hồi lâu/ bỗng tôi nhận ra/ tay mình không cầm bút!”
Cần phải có một cuộc cách tân toàn diện sau tất cả những sự đớn đau tàn khốc ấy của đất nước. Và xin bắt đầu từ nghĩ và cảm tự đáy lòng, nhất là khi anh còn là một nhà thơ. Sẽ không có những bông hồng xanh nào cho riêng anh đâu!
“Tôi đã thấy nhà thơ
gieo gió
anh ta làm rất đạt
như bông hoa
vãi hạt!
Ra về
Nhà thơ không gặt bão
Ôm một bó hoa hồng
Những bông hồng mầu xanh!”.
Nói với đồng bào mình. Nói với bạn bè cùng trang lứa. Chưa đủ. Tadeusz Rozewicz còn nói với bậc thầy và người đàn anh mình, con người đã trải qua những năm tháng ấy khi về hưu, đấy là thi hào giải Nobel Czeslaw Milosz: “Ngồi xuống ghế/ cởi mục kỉnh/ nhắm hai mắt/ lau mục kỉnh/ Giở tờ báo/ nhìn quanh thế giới/ gập tờ báo và đứng dậy/ Loạng choạng chống ba toong/ ...chân bước miệng lẩm bẩm/ lão trò chuyện với các nhà thơ dưới mồ.../ về già lão ưa/ trò chuyện với những người/ im lặng!”.
Ấy vậy mà vẫn chưa yên đâu, thưa lão!
„Một con quạ bay tới/ xuyên chiếc lông đen/ qua miệng nhà thơ/ khâu lại/ và bay đi”.
Không thể khác được. Thời điểm lịch sử đã buộc mọi người và cả nhà thơ nữa, phải biết đời thấm thía hơn để quyết liệt hơn!
“Nhà thơ là người làm thơ/ và là kẻ chẳng làm thơ bao giờ”
“nhà thơ là người không ưa ràng buộc/ và là kẻ tự buộc dây vào mình
“nhà thơ là người cả tin/ và là kẻ chẳng chịu tin bao giờ”
“Nhà thơ là người lừa dối/và là kẻ bị dối lừa”
“là người gục ngã/ và là kẻ tự đứng dậy”
“nhà thơ là kẻ ra đi/ và là kẻ đến một li chẳng dời”.
*
Dốc sức dịch hàng loạt những tác phẩm của các tác giả trẻ Ba Lan cuối thế kỷ XX, đầu XXI, nhưng không bao giờ Lê Bá Thự rời xa ba nhà thơ lớn này với tinh thần “thủy thủ” của „con tàu viễn dương văn chương” qua mọi vùng biển cả.
Không am hiểu chữ và tiếng Ba Lan (mà làm sao ta biết được đủ hàng vạn ngôn ngữ trên hành tinh này?), nhưng qua nhiều dịch phẩm từ ngôn ngữ Ba Lan của Lê Bá Thự và của cả nhiều dịch giả khác nữa, tôi đã cảm mến vô cùng đất nước và dân tộc này. Và tôi tin, trong quãng thời gian trên 25 năm qua, Nhà thơ dịch giả Lê Bá Thự đã dịch rất chuẩn những tâm hồn đặc sắc, lớn lao ấy. Và như vậy anh đã là người “chạy tiếp sức” với họ xuyên qua hai thế kỷ!...
Hà Nội, đầu năm 2016
Dịch giả nhà thơ Lê Bá Thự tặng nhà thơ Trần Ninh Hồ tập thơ
„Những bông hồng xanh của nhà thơ” của Tadeusz Rozewicz