Có một lần trong buổi tranh luận với bạn bè văn chương giải đáp câu hỏi “Nhưng gương mặt thơ đặc sắc nào của thế kỷ 20 sẽ tạc vào lịch sử thi ca xứ Việt”, tôi đã nói rằng, nếu kể về các nữ thi nhân, tôi xin bỏ lá phiếu số 1 cho nữ sĩ Ngân Giang … Và từ lúc nào những câu thơ này vang lên:
Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi ...
(Trưng Nữ Vương)
Sinh thời, nhà thơ Tô Hà (người được mệnh danh là “võ sĩ nặng cân” của những câu thơ hay) khi nói về bài thơ này, ông như lên đồng. Và tôi nhớ một chuyện kể khác: nhà thơ Đông Hồ trong một lần trên bục giảng của Đại học Văn khoa Sài Gòn (năm 1967), khi đọc đến “Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá...”, trái tim nhiều rung động của ông dường như không chịu được những xúc cảm mãnh liệt, đã vĩnh viễn dừng lại. Những câu thơ là sự hóa thân tận cùng và mãnh liệt của nữ sĩ Ngân Giang vào số phận và hình ảnh độc nhất vô nhị của vị vua nữ, vị anh hùng dân tộc đầu tiên của thế kỷ đầu tiên, cách chúng ta bây giờ tròn 20 thế kỷ. Cái hình ảnh người - đàn - bà - Vua đó lừng lững một khí phách, lừng lững một nỗi cô đơn! Chính nữ sĩ chứ không phải là ai khác đã tạo nên một tính cách đàn bà đặc sắc đàn bà: chiến công, vinh quang không màng, mà chính là chỉ có tình yêu mới là khát vọng lớn nhất của người đàn bà; lòng yêu nước thương người nằm trong chính bản chất nguyên sơ của người đàn bà ...
Và những câu thơ khác của nữ sĩ như còn văng vẳng đâu đây:
Thiên Thai lạnh lẽo vầng trăng bạc
Thôi, cố nhân đừng phụ cố nhân ...
(Thiên Thai - 1939)
Những ai qua xứ trăng vàng cũ
Có thấy muôn hương dậy trái mùa ...
Trăng ơi, lòng thiếp như gương nước
Theo mộng tần phi đến chốn này ...
(Tiếng vọng sông Ngân)
Lại cũng nghe: chính nữ sĩ là ngọn nguồn của những câu thơ xuất chúng kiểu này của Trần Huyền Trân trong thi phẩm “Độc hành ca”:
Không dưng rét cả dây đàn
Này cung dâng áo ngự hàn là đây ....
Hôm ấy tôi bỗng nôn nao nhớ bà như nhớ một cố nhân và tôi đi ra bãi Nghĩa Dũng ven bờ sông Hồng tìm bà. Hình như bà là một trong vài nhà văn lớn tuổi nhất trong số hơn 800 hội viên của Hội nhà văn Việt Nam lúc ấy (2002). Và nếu như tôi không nhầm: bà cũng là một trong vài người cầm bút lâu nhất - người cầm bút đi dọc thế kỷ XX: Sinh năm 1916, đến năm 1922 (6 tuổi) bà đã có những câu thơ đầu tiên báo hiệu một định mệnh phong ba, dẫu chỉ vịnh một cái sân ga (bài thơ này báo Đông Pháp đăng năm 1924, khi bà 8 tuổi):
Tàu về rồi tàu lại đi
Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga ...
Theo tiến sĩ Nguyễn Phan Cảnh, thày giáo dạy tu từ của tôi (ông là con của danh họa Nguyễn Phan Chánh - nguyên giáo sư giảng dạy khoa văn Đại học Tổng Hợp Hà Nội, hiện nay sống ở nước ngoài) - người say mê những phép tu từ của văn chương và say mê thơ Ngân Giang mãnh liệt, ông đã sưu tầm được hàng nghìn bài thơ của Ngân Giang. Con số ông đưa ra là nữ thi sĩ đã sáng tác gần 4.000 bài. Từ Mỹ, ông đã in một tuyển tập gửi về tặng nữ sĩ với tất cả tấm lòng trân trọng và những câu thơ cháy lòng tặng bà:
“Ai về bến nép trong mưa
Gọi đò thật lớn cho vừa tầm sông”
Lúc ấy tôi đã ngồi trước mặt nữ sĩ. Bà đã già lắm rồi: Chớm tuổi 86. Thân thể gầy còm, lưng gù. Bàn tay bị bệnh Packinson run bần bật liên tục. Chỉ có khuôn mặt còn giữ nét của một thời xuân sắc và ánh mắt vẫn níu giữ vẻ rời rợi ngày nào cùng mái tóc bạc như cước vẫn chải một kiểu uốn cổ điển của những người đàn bà Hà Thành xưa, dường như nói với tôi về nữ sĩ - người đẹp thuở nào. Điều lạ lùng nữa: bà dường như vẫn còn nguyên sự minh mẫn, dẫu tiếng nói đã có nhiều từ bị méo. Bà lập cập đi đốt nến châm trầm, bà gọi tôi là “cố nhân”. Bà cầm bàn tay tôi theo kiểu của một thầy tướng số thông tuệ, nói về tính cách, số mệnh, rồi cuối cùng là chuyện thơ, chuyện đời ... Và tôi rất muốn biết người đàn bà làm thơ đó đã sống ra sao để nói hộ bao thế hệ đàn bà biết “chau khóe hạnh” mà hoàn thiện đến tận cùng cái hình ảnh của người đàn bà xứ Việt một thuở loạn ly. Và tôi nghĩ rằng: bà đã sống xứng đáng với những vần thơ của mình, sống đúng với thế hệ mình.
Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế, sinh ngày 20/3/1916 (tuổi Bính Thìn), tại số 5 phố Hàng Trống, Hà Nội. Quê cha và mẹ đều ở Thường Tín, Hà Đông. Bà Ngoại người Đình Bảng, bên kia sông Đuống, vùng Kinh Bắc quê tôi.
Có lẽ ít ai “vào nghề” và thành công sớm như bà: 6 tuổi làm thơ, 8 tuổi in bài thơ đầu tiên, 13 tuổi bắt đầu sự nghiệp làm báo, viết cho các báo Đông Pháp, Trung Bắc Tân Văn, rồi sau này là các báo Ngọ Báo, Bắc Hà, Đàn Bà ... 16 tuổi in tuyển văn thơ đầu tiên: Giọt lệ xuân; 28 tuổi (1944) in tuyển thơ Tiếng vọng sông Ngân. Và Trưng Nữ Vương - một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Ngân Giang, xuất hiện năm 1939 - khi nữ sĩ mới chỉ 23 tuổi.
Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi được biết đôi dòng tiểu sử nữ sĩ: Bà đã từng tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1935 - 1944, tham gia Tổng khởi nghĩa Hà Nội, đã từng làm Trưởng đoàn Phụ nữ thành Hoàng Diệu, người tích cực hoạt động “Tuần lễ vàng” ủng hộ kháng chiến. Những năm kháng chiến chống Pháp bà lên Việt Bắc, làm việc tại Sở tuyên truyền 1 (Thái Nguyên) rồi được biệt phái vào hoạt động nội thành cho đến ngày giải phóng Thủ Đô ...
Những năm tháng ấy còn in dấu trong thơ bà:
Ai lên Việt Bắc cùng em
Đồi xem nhiều sắn, nương xen nhiều chè
(Ai lên Việt Bắc - 1947)
Thế rồi hai ngả duyên ly tán
Đến nỗi đôi chiều nghĩa cách xa
Nhằm lúc lửa binh tràn bốn mặt
Ôm con xuống núi lệ chan hòa
(Những tình, những nghĩa, những non sông - 1954)
Nhưng hình như cuộc đời bà cũng như cuộc đời một số nghệ sỹ tài hoa khác, giống như định mệnh, phải chịu nhiều truân chuyên, đau khổ và có thể cả oan khuất nữa. Với một cuộc đời sáng tạo không ngừng và bấy nhiêu đóng góp với tư cách một nữ công dân xuất sắc nhưng ngay những năm hòa bình đầu tiên, bà bị đưa ra khỏi biên chế của Sở Văn hóa Hà Nội. Là một trong những nhà văn đầu tiên của Hội nhà văn Việt Nam (từ năm 1957), nhưng nhiều năm sau đó bà không được sinh hoạt. Hoài Thanh - nhà phê bình lỗi lạc nổi tiếng có “con mắt xanh” cũng quên ghi tên bà trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”…
Những câu chuyện bập bõm đưa tôi về tuổi trẻ của bà: 16 - 17 tuổi, dù lòng yêu hướng tới chân trời xa, hướng tới hình ảnh người đàn ông lý tưởng, nhưng giống như muốn nghìn người đàn bà của các gia đình Hà Thành khuê các xưa, phải giữ “nếp nhà”, bà lên xe hoa theo ý cha mẹ. Ngay đêm tân hôn, bị mật thám (Pháp) đến khám nhà vì tội “có chân trong hội kín” (lúc ấy bà tham gia phong trào do Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội lãnh đạo), rồi cha mẹ chồng ruồng rẫy, mang trả lại “nàng dâu hư đốn” - theo cách nghĩ thời bấy giờ. Bà vẫn không nản: thương chồng, nuôi con và vẫn tích cực hoạt động khi có điều kiện. Xem trong đống tài liệu của bà, tôi tìm thấy bút tích của nhiều vị đã từng qua các cương vị lãnh đạo ghi nhận những đóng góp của nữ sĩ cho cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có việc bà một mình vào trụ sở Ôn Như Hầu làm “thuyết khách” cứu các trinh sát thành Hoàng Diệu (một trong số họ là nhạc sỹ Đỗ Nhuận tài hoa của nền âm nhạc cách mạng). Và trong “Tuần lễ vàng” ủng hộ kháng chiến, bà đã tự tay bán đi những chiếc lắc vàng, vòng vàng trị giá hàng chục cây, mua cả toa tầu gạo gửi tặng bộ đội... Khi cuộc kháng chiến bùng nổ bà bỏ Hà Thành lên Việt Bắc như bao người con Hà Nội yêu cách mạng, bà chỉ quay về Hà Thành khi con ốm nặng và không quên kèm theo việc nhận một số nhiệm vụ … Có người còn kể rằng bà đã từng được giao nhiệm vụ đi ám sát một sĩ quan Pháp có tội ác nguy hiểm; bà đã từng tập luyện và biết bắn súng cả hai tay...
Tôi cũng đã gọi điện thoại gặp nhà báo Hoàng Tùng - nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, thời chống Pháp là một trong những vị lãnh đạo của Hà Nội - người ít nhiều biết nữ sĩ những năm chống Pháp. Ông trả lời “Đúng, tôi có biết nữ sĩ. Những năm kháng chiến chống Pháp, có thời gian nữ sĩ hoạt động trong tổ chức yêu nước do tôi phụ trách. Chị ấy cũng lên Việt Bắc, sau đó quay về thành, nhưng không có dấu hiệu xấu, tình cảm xấu. Con người ấy không xấu được. Có lẽ người ta hiểu nhầm thời kỳ chị quay về Hà Nội, thời đó, người ta gọi là “dinh tê”!”
Nhưng trước hết Ngân Giang là một nữ thi nhân tài hoa.
Tôi rất đồng tình với một nhà phê bình khi nhận xét rằng thơ Ngân Giang trước hết là thứ thơ tự-tình-thế-hệ; Thơ ấy chỉ có thể là thơ của một người biết hoà mình vào nhân quần, nhân dân sâu sắc. Tôi nghĩ thêm: Thơ bà là một thứ thơ tự -tình-thế-hệ của những người đàn bà xứ Việt không tầm thường sống giữa thời buổi loạn ly. Cả những khổ đau, dằn vặt của bà cũng là một vỉa tự-tình-thế-hệ với những hỉ-nộ-ái-ố, với lòng yêu con người da diết, với lòng ham sống, với ước ao được yêu thương, được là mình, được sống trong an bình. Đó là những người đàn bà với một hành trình không mỏi đi về phía cái đẹp, dẫu đôi khi va vấp, sai lầm...
- Tài hoa giữa lớp bụi trần
Non xa bóng ngả, quán gần trăng soi
Buồn nghe tiếng hạc lưng trời
Cảo thơm lần giở khóc người thuở xưa
(Khoảng trên dừng bút)
- Đầu canh khoan nhặt sương sa
Một mình nỗi nước, nỗi nhà ngổn ngang...
(Lầu cao)
- Lối xưa man mác dặm hoè
Bóng dâu chưa xế, hoa lê đã tàn
Bốn phương gấm lỡ vàng tan
Trường đình còn vẳng cung đàn tiễn đưa
(Khoảng trên dừng bút)
Tôi đã được đọc hàng trăm bài thơ của bà - nhiều bài chưa đăng cùng một số bài đã đăng, một số trong số đó là những bài có tính chất thù tạc bạn bầu theo cách sinh hoạt các tao đàn, thường nói về nỗi niềm riêng; nhưng rất nhiều trong số đó lại nói về những khát vọng lớn, những khát khao cháy bỏng cho hoà bình, hạnh phúc hay lòng yêu hướng tới những người đàn ông lý tưởng - những người đàn ông biết hy sinh cho nhân quần, vì nghĩa lớn:
- Lời thư và áo giai nhân ấy
Giữa độ thu sang chớm lá vàng
Đây cả tấm lòng dâng chiến sĩ
Quên tình riêng nhé, nhớ giang san!
(Xuân chiến địa)
- Đẹp gì chăn gối trong khi cả
Dân tộc sôi lên chí quật cường
Hãy gác tình riêng, mưu nghiệp lớn
Để dòng máu giặc dội biên cương...
(Xuân chiến địa)
Đặc biệt, "người đàn bà chờ đợi" trong bà là một hình ảnh đặc sắc: Người đẹp phương trời xiết đợi mong/ Một chiều nhạc ngựa rộn ven đường/ Chàng đi lo trả thù dân tộc/ Đã trở về cùng những chiến công..."(Xuân chiến địa). Và bà không chỉ hoá thân vào người-đàn-bà-vua Trưng Trắc, Trưng Nhị, bà còn hoá thân vào những người đàn bà nơi điện ngọc thềm vàng như Ngọc Hân công chúa xứ Việt, như nàng Chiêu Quân xứ người đợi chờ những người đàn ông "lớn":
Điện ngọc bâng khuâng son phấn thắm
Hoa đèn sáng tỏ mặt quân vương
Đêm nay trướng gầm màn the rủ
Có tiếng hoa nồng hỏi ý hương
(Vương Tường)
Nếu Hồ Xuân Hương được gọi là "Bà chúa thơ Nôm" thì nhiều người gọi Ngân Giang là "Nữ hoàng thơ Đường". Đường thi nhập vào tâm hồn bà - người đàn bà xứ Việt đặc sắc - tạo nên một sự "nhập thế" sâu sắc của thơ Đường ở xứ Việt. Không chỉ là số lượng khổng lồ, nhiều bài thơ Đường của bà với cách sử dụng ngôn ngữ tinh xảo đã tạo nên những vẻ đặc sắc sang trọng của Đường Thi...
Quả thật tôi không dám hỏi nữ sĩ đến tận cùng rằng vì sao bà trở thành bà chủ quán nước chè xanh trong xóm lao động ven sông ở bãi Nghĩa Dũng này, khi nhìn những giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt của người đàn bà đẹp thuở xưa. Đã là thi nhân, mà lại còn là người đàn bà đẹp, người đàn bà có lý tưởng, luôn hướng về cái đẹp, hỏi làm sao tính hết đoạn trường phải qua?
Có người lại “đoán” rằng bà gặp trắc trở do những cuộc hôn nhân không trọn vẹn - Chắc là chẳng phải. Đó là một cách nhìn của một thời còn nhuốm mầu tư tưởng phong kiến.
Nữ thi sĩ của chúng ta đã đi gần trọn thế kỷ với gần bốn nghìn bài thơ được viết từ thời 6 tuổi đến tuổi 80, nhiều câu thơ như tiếng nức nở còn gửi đến mai sau bao nỗi đoạn trường đã đi qua cuộc đời bà, một người đàn bà, một thi nhân xuất sắc. Nhưng cuộc đời trả lại cho bà sự công bằng khi những câu thơ của bà vẫn nức nở trong mỗi trái tim chúng ta và chắc rằng nhiều thế hệ bạn đọc mai hậu vẫn nhớ về thơ bà …