Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, theo nhìn nhận của tôi - anh có nhiều cái sớm: Là quân nhân sớm giải ngũ, chỉ sau 5 năm làm "lính cậu" là về đầu quân tại Đài PTTH Phú Thọ; vào Hội Nhà văn ở tuổi 42 trong khi nhiều bậc "tiên chỉ" ở Phú Thọ lên "chiếu văn" lúc đã bạc đầu; thành đạt sớm trên đường "văn nghiệp", 31 tuổi đã được tặng Giải thưởng Hùng Vương về văn học nghệ thuật của Phú Thọ và được tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương - phần thưởng cao quý nhất của UBND tỉnh; giữ chức trưởng phòng chuyên môn của Đài tỉnh khá sớm nhưng "rút quân" theo đường hưu trí cũng sớm, trước 7 năm so với quy định của Bộ luật Lao động...
Với Nguyễn Hưng Hải, hưu trí không có nghĩa là nghỉ ngơi, mà là sự chuyển trạng thái lao động. 5 năm qua, anh đã cho ra là 7 tập thơ và giành được 14 giải thưởng uy tín của Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và các cuộc vận động sáng tác văn học của các bộ, ngành, địa phương.
"Bước ra từ cuộc chiến" là một tập sách như thế, và đã giành giải C cuộc thi "Viết về hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp vè Đế quốc Mỹ xâm lược" do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức trong các năm 2013-2015.
Trường ca "Bước ra từ cuộc chiến" của Nguyễn Hưng Hải có thể xem như là tự sự của người lính trong "ngày trở về" "giữa đời thường". Ở đó có những bâng khuâng, lạ lẫm để rồi những người lính đã từng làm nên ngày toàn thắng 30/4/1975 luôn ám ảnh những năm tháng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, luôn biết phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, kiên cường đấu tranh với cuộc đời, đấu tranh với chính mình để "thức tỉnh", nhận chân giá trị lớn lao của cuộc sống. "Bước ra từ cuộc chiến" không phải là sự nhấm nháp hào quang quá khứ để công thần, ân huệ mà người lính trở về vẫn gánh trên đôi vai đã mòn vẹt dấu ba lô những hy sinh, trách nhiệm mới.
Khúc đầu của chương một là những câu chuyện cảm động của thời khắc người lính trở về sau trận mạc:
Chúng tôi trở về nhà vào lúc nửa đêm
Gõ cửa ba lần em chẳng mở
Lên tiếng ba lần em còn sợ
Em ngỡ là đã chết tiếng ma thôi
Tay mở chốt cài then còn run bắn cả người....
Chúng tôi về làng đã biến thành ao
Cò đã bỏ vòm tre vì phải sống
Đến lúc chết mẹ vẫn còn ra cổng
Ngóng con về cho mẹ nàng dâu....
Bom đạn tạnh lâu rồi còn lở loét vết thương
Chúng tôi cất huân chương vào đáy tủ
Với đồng đội chúng tôi là lính cũ
Với đường cày như thể mới tân binh.
Chương hai, là những nhìn nhận của người lính về "mặt trận mới" với bao vui buồn đan xen, ít nhiều chi phối tình cảm, suy nghĩ của họ.
Người lính buồn trước bao chuyện ở quê
Người lính buồn trước bao điều ở phố
Buồn như mất những tháng năm gìn giữ
Bao nhiêu là tốt đẹp đã đi đâu?
Trước bao hiện thực của ngày đầu hòa bình, khi "cái TÔI đã chìm lấp cái TA", người lính trở về, đằng sau niềm vui sum họp, họ phải đối mặt với bao phiền muộn. Muốn được góp sức cho sự phát triển của quê hương nhưng lại vấp phải sự bè cánh trong làng xã, cục bộ của dòng họ, rồi cả nạn tham nhũng, tham quan, cho vay nặng lãi; tệ mất dân chủ, độc quyền, lường gạt; đấu tranh dẫn đến "tránh đâu"... Họ đau lòng chứng kiến những tình cảnh không còn là hiếm gặp:
Không nói ra dù đau lắm nỗi đau
Con người lính không tiền đành bỏ học,
Mẹ người lính không tiền đành bệnh chết
Đêm từng đêm viên đạn xoáy trong đầu.
Những người lính trở về không phụ cấp, không lương
Lương ở chính mảnh vườn toàn cây tạp
Người đưa giống mang về như giặc ác
Mấy năm trời chăm bón chẳng ra hoa.
Nhưng nỗi buồn hiện tại của người lính trở về không lấn át ở họ những ám ảnh bi hùng thời trận mạc:
Bước ra khỏi cuộc chiến
Chúng tôi còn mang theo
Những vệt khói như sương rải vào trong huyết quản
Đứt cánh võng Trường Sơn rơi xác bạn
...
Chúng tôi còn mang theo
Đôi môi tím tái
Đôi môi chưa biết nụ hôn
Chưa một lần được làm đàn ông
Chưa một lần được thành đàn bà...
Trong bước chân hành quân về thành phố mang tên Bác ngày đại thắng, dù còn bắt gặp những băn khoăn, nghi ngại của người dân nhưng, những người lính lại có thêm niền tin mới của lòng dân đối với cách mạng, đối với Bác Hồ:
Vì cả Sài Gòn rợp một màu cờ đỏ
Ảnh Bác Hồ như không thể nhiều hơn...
Sau những dò tìm "đường đi nước bước", chiêm nghiệm về những từng trải, đoán định về những gì có thể diễn ra là sự "thức tỉnh":
Sự đổ vỡ của Đông Âu làm chúng tôi giật mình
như ngày xưa giật mình trước màu áo giằn ri
Thương những người Vệ quốc quân
không còn cả bánh mì, danh hiệu
Sự đổ vỡ của bạn bè cho chúng tôi nhận ra và hiểu
Chưa có hòa bình đâu dù thế giới hòa bình
Đã trả giá chiến tranh
nên chúng tôi khao khát hòa bình
Vì khao khát bình yên
chúng tôi lo giữ từng thước đất
Đất của ông bà, cha mẹ, tổ tiên...
Để sẵn sàng không phải ngửa tay xin
Chúng tôi dạy cho cháu con cách cầm cày cầm cuốc
Cho chúng hiểu thế nào là văn minh lúa nước
Bọc trứng Âu Cơ và cột đá thề.
Sau những câu thơ đầy suy tư về thế sự và thời cuộc, hồi ức và hiện tại, về điều có lý và vô lý giữa đời thường, người "bước ra từ cuộc chiến" vượt qua nỗi ưu tư để có niềm tin vững chắc vào thế hệ kế tiếp:
Những người lính chúng tôi trở về thưa dần trên mặt đất
Như bầu trời về sáng những ngôi sao
Chỗ chúng tôi ra đi con cháu đứng thay vào
Con cháu tự là sao tỏa sáng
Có chúng tôi như con tàu bến cảng
có dây neo.
Và, bài học cảnh giác của sự nghiệp giữ nước mà gần cả cuộc đời họ đeo đuổi vẫn được lưu tâm:
Với cháu con chỉ xin nhắc một lời
Liễu Thăng đã cụt đầu, đầu Liễu Thăng lại mọc
Hai người lính gác cổng Đền Hùng mỗi ngày ta vẫn gặp
Nhắc điều gì về đất nước hôm nay?
Bốn câu trên đây được Nguyễn Hưng Hải dùng kết thúc trường ca "Bước ra từ cuộc chiến", thay lời nhắn nhủ của một thế hệ cầm súng trong kháng chiến chống Mỹ với cháu con. Đó cũng là góc nhìn về chiến tranh, về thời cuộc- đầy trách nhiệm của người cầm bút, người lính.
Ngoài những cái sớm trong sự nghiệp văn chương, bạn bè còn biết một Nguyễn Hưng Hải lập gia đình khá sớm, khi anh mới 23 tuổi, để rồi cũng sớm lên chức...ông nội! Chị Nghĩa - người vợ được nhắc đến trong rất nhiều bài thơ của chồng, nay cũng đã nghỉ hưu. Nhà thơ có một cuộc sống bình dân mong ước. Hai con: Trai nối nghiệp bố nhà binh, gái theo việc cha nhà đài.
Theo lý luận văn học, trường ca là một tác phẩm được viết bằng thơ trên phương thức kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố tự sự và trữ tình, có tính hoành tráng về cả phương diện nội dung, tư tưởng và cấu trúc nghệ thuật tác phẩm, được nhà thơ viết nên bằng một dung lượng cảm hứng mạnh mẽ, cảm xúc tuôn trào gắn liền với những chấn động lớn lao của lịch sử, của dân tộc và thời đại. Nguyễn Hưng Hải là nhà thơ có tiềm năng sáng tạo bởi anh đã từng thành công với các trường ca: Mảnh hồn chim Lạc, Làng Hùng...Khi tôi sắp hoàn thành bài báo nhỏ này, thì được Nguyễn Hưng Hải quý mến gửi đọc trước bản thảo một trường ca mới của anh về Đại tướng Võ Nguyễn Giáp với những câu thơ cũng đầy "ám ảnh"!
Nghề văn không có tuổi tác. Khi hao hụt những xúc cảm đầu đời thì họ lại dày dặn vốn sống và sự chiêm nghiệm. Người yêu thơ chờ đợi những sáng tác mới của một nhà thơ sớm có thành công như Nguyễn Hưng Hải.
Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải và tập trường ca Bước ra từ cuộc chiến