Bài 2. PHÉP THỬ ĐÃ XONG Hôm sau bầu cử tôi đi vô Trung. Suốt những ngày tiếp theo bạn bè, người quen, và cả những người không quen, liên tục gọi điện, nhắn tin hỏi tôi đã biết kết quả chưa, kết quả thế nào. Đối với mọi người tôi đều có chung câu trả lời: tôi chưa biết gì cả vì bỏ phiếu xong là tôi đi, tôi không hỏi ai mà cũng không ai báo gì cho tôi, nên cứ đợi đến khi công bố kết quả sẽ biết.
Và kết quả đã được công bố: tôi không trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011 – 2016. Điều này tôi được biết chiều 27.5.2011 khi đang trên xe từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng, qua tin nhắn của một nữ nhà báo gọi tôi là thầy vừa dự cuộc họp báo công bố kết quả bầu cử của Hà Nội. Nguyên văn tin nhắn trên điện thoại: “27/5/2011, 16:40. Thay yeu! Chuc mung thay nhe. Thay dc khao to chu k fai khao nho. The la lai dc rong choi voi đam tro roi, k fai chien dau voi bay soi hay gat gu cung bay cuu. hehe.”
Từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội trong chuyến bay tối 27 ấy, về nhà tôi mở mạng vào blog của mình và đọc được cái “còm” của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) dưới bài viết “Thì thử xem sao” như một lời tổng kết cuộc ứng cử làm nghị viên thành phố Hà Nội của tôi như sau:
CÁNH CỬA ĐÃ KHÉP LẠI
Bản tin sớm của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội lúc 18h30 ngày 27 tháng 5 năm 2011 công bố danh sách đại biểu trúng cử HĐND thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử Quận Hai Bà Trưng với 4 người đắc cử, không có tên NPBVH Phạm Xuân Nguyên. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên hoặc bất ngờ vì Phạm Xuân Nguyên đứng vị trí cuối bảng trong danh sách ứng cử, nếu so “thành tích Chính trị” với 4 vị có số thứ tự từ 1 đến 4 thì Nguyên quá “đuối”. Do vậy, ông Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, mặc dù có tới 2 bài phát biểu trước cử tri Quận Hai Bà Trưng trong khi các vị kia chỉ có mỗi một bài, nhưng trên thực tế, có mấy ai để tâm nghe ông Nguyên “phát” mà “động” lòng nên theo tôi, Ông Nguyên rớt là thấu tình đạt lý. Và rất đúng tâm lý người đi bầu - cứ 2 anh rốt bảng, chắc là kém, gạch luôn cho gọn (!) Tôi đã dành một chai Vôt-ca Nga để uống mừng cho “Nguyên Đầu Bạc” người bạn lớn của tôi, ngu ngơ về chính trị, lại khờ khạo sự đời, thật đáng yêu.
(“Comment” này anh đã phát triển thành một “entry” đăng trên trang batinh.com).
Cám ơn họa sĩ Ba Tỉnh đã nói đúng là việc tôi không đắc cử không có gì đáng ngạc nhiên hoặc bất ngờ. Tôi không bất ngờ trước kết quả bầu vì không có gì bất ngờ, vì đã biết là không có gì bất ngờ xảy ra. Ở quận Hai Bà Trưng: bốn người xếp thứ tự từ 1 đến 4 là trúng. Đó không phải là thất bại của tôi, mà là thắng lợi của công tác tổ chức bầu cử của chúng ta. Nhưng anh Ba Tỉnh ơi, em “ngu ngơ về chính trị, lại khờ khạo sự đời” thực, nhưng là ở đâu, chứ không phải trong cuộc bầu cử này. Ngay từ đầu em đã nghĩ đây là một cuộc chơi, thử xem sao. Cố nhiên, dù là chơi thử thì vẫn là cuộc chơi, nghĩa là người chơi vẫn mong được hơn là thua, nhưng thắng thua ở đây không phải cái chính, mà là xem cách chơi cuộc này thế nào, huống nữa đây là một cuộc chơi đặc biệt. Và bây giờ cuộc thử chơi, chơi thử đó đã xong. Cánh cửa đã khép lại về phía chính quyền, chứ không phải khép lại cho tôi và những người tin ở tôi.
Nhiều, khá nhiều người đã động viên, cổ vũ tôi, họ mong muốn và hy vọng tôi trúng cử như lấy đó làm một dấu hiệu cho thấy cuộc bầu bán lớn 5 năm một lần sẽ có sự đổi khác, làm mới, mặc dù trong thâm tâm có lẽ họ cũng biết như tôi là thằng Nguyên khéo chỉ là quân xanh, thằng Nguyên không thể trúng. Tôi xúc động trước tất cả những lời thăm hỏi kết quả, và khi tôi nói là chưa biết kết quả thế nào, thì ai cũng bảo nhất định mày trúng, có thể phiếu không cao lắm nhưng là trúng, mà mày trúng thì là không chỉ mừng riêng cho mày. Khi biết kết quả, điều vui là tôi không buồn, không thất vọng, những người hy vọng, mong mỏi cho tôi cũng không buồn, vì tất cả chúng tôi đều thấy kết quả đó không nằm ngoài điều chúng tôi nghĩ. Tôi trúng mới là bất ngờ. Tôi không trúng mọi người có tiếc nhưng lại chúc mừng tôi vẫn được là tôi.
“Neu thay bt thi thoi, con neu co buon chut xiu thi coi nhu trai nghiem tranh cu 1 lan cho biet nhe.” (Tin 17:30, 27/5/2011, của nhà báo Đặng Minh Châu ở Nha Trang, người tái cử vào HĐND tỉnh Khánh Hòa.)
“Thoi, dung buon. Xem nhu mot su kien lam phong phu cuoc doi. Lo viec o Hoi. Tap hop bai ra sach.” (Tin 17:55, 27/5/2011, của giáo sư Huỳnh Như Phương.)
“Bac Nguyen oi, xem kq bau em buon qua. The la dan Ha Noi lo co hoi co mot cai loa de keu khi can roi. Em la can bo doan, thac sy qtkd nhung cung thay xh ta gio nhieu van de buc xuc qua. Cu hy vong anh trung de thinh thoang co cho chia se. Vay ma, tiec qua!” (Tin 21:58, 27/5/2011, của một người tôi chưa biết.)
« Cha oi, dang cu dan bau nen ket qua moi vay, con song phang tranh cu thi kq lai khac cha a. CHUC CHA KHOE » (Tin 06 :18, 28/5/2011, của một nhà văn trẻ.)
“Hihi. Thay quan xanh nhung dau lai bac. Chúc mung thay tro ve hang ngu quan chung lao dong can lao. Thanh ong Nghi thi co khi “hong mat cai doi luong thien” thay nhi?” (Tin 11:18, 28/5/2011, của một học trò làm báo.)
“Chuc mung ong suyt nghi. Truot con noi tieng hon trung” (Tin 9:22, 29/5/2011, của nhà thơ Nguyễn Duy.)
“Mình không muốn nói lời chia buồn với bác. Chỉ buồn là cái tâm và cái tầm của bác đã bị người ta đem ra đổi chác... Dù sao, qua "cuộc 22/5" này, bác đã biết rằng mình đang ở đâu trong lòng bạn bè, khách văn chương và hàng ngàn người đọc hai bài vận động tranh cử thấu tình đạt lý...” (10:55 PM, 29/5/2011, dntrncao@gmail.com).
Thôi, khép lại chuyện bầu cử ở đây. Tôi viết bài này để tỏ lòng cám ơn đến tất cả mọi người quen biết và không quen biết xa gần đã quan tâm đến tôi từ khi biết tôi được giới thiệu ra ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội. Như trong vài dòng gửi tôi của cử tri An Nguyên đăng trêntrannhuong.com: “Đọc những dòng anh viết, tôi có nhiều suy nghĩ lắm, nhưng lại muốn chờ bài viết tiếp của anh, vào cái giờ sau khi công bố kết quả trúng cử phủ kín trên phụ trương đặc biệt của các báo, vì lúc đó, PXN sẽ có thể viết ở trong tư thế: người trúng cử, chứ không phải là người được xếp ở thứ tự 5/6 trong phiếu bầu chỉ được chọn có 4 người. Vài dòng gửi anh, để cám ơn những điều anh đã viết, để cảm ơn nếu anh đọc và đáp ứng nguyện vọng của cá nhân, cho dù cả khi anh im lặng…, vì “lời nói là bạc, IM LẶNG LÀ VÀNG”. Không là ông nghị “là tai, là mắt”, thì làm ngưởi dân “tai thính, mắt tinh” trong tình đổng bào…!” Tôi đã không trúng cử, nhưng tấm lòng của An Nguyên và nhiều cử tri khác dành cho tôi, tôi xin ghi nhớ. Tôi tỏ lòng cám ơn đến các cử tri đã bỏ phiếu và cả không bỏ phiếu cho tôi, mặc dù cho đến giờ này tôi vẫn không được biết tỷ lệ phiếu bầu cho mình là bao nhiêu. Tôi nghĩ, hội đồng bầu cử quận Hai Bà Trưng phải có trách nhiệm thông báo cho tôi và những ứng viên khác ở các đơn vị bầu cử của quận biết kết quả số phiếu được bầu, nhất là những người không trúng cử, để chúng tôi biết mình được cử tri tín nhiệm ra sao. Hiện trên báo chí chỉ công bố tỷ lệ phiếu bầu của những người trúng cử mà thôi. Đây là trách nhiệm của hội đồng bầu cử cấp quận và thành phố, tôi nhấn mạnh, vì chúng ta bầu cử có tổ chức và chỉ đạo, và chúng tôi là những người được cơ quan, đoàn thể giới thiệu ra ứng cử cho nên cần biết mình được bao nhiêu phiếu bầu để còn về báo cáo lại.
Tôi xin mượn những lời sau của một bạn trẻ sinh viên đăng trong phần bình luận bài viết “Thì thử xem sao” của tôi trên trang truongduynhat.vn để kết thúc những ghi chép tản mạn về sự ứng cử của mình trong cuộc bầu cử vừa rồi. Cám ơn người bạn trẻ đã cho tôi thêm niềm tin và hy vọng ở thế hệ mới của đất nước.
“Thôi thì vị trí thứ 5 trong danh sách chọn 4/6. Chưa hẳn là vị trí xấu.
Thôi thì có lẽ người đời (nhân loại ai cũng thế) thường ghét cái hay cái mới, cái hơn "cái tôi" và cái sắp đè "cái tôi". Con đường đến với "chính trị" lần này của bác Nguyên (cho cháu xin phép), tuy gian nan và nhiều gấp gãy, nhưng đâu đó ta có thể thấy được, tiếng nói của Văn Hóa đang dần dần có tiếng nói trong chính trị. Cho cháu được nói: Đã là con người trong cuộc sống thì phải có văn hóa, chính trị mà không có văn hóa thì sao mà hiểu được tâm tư của con người. Bởi thế lần này, qua những bài viết trên, cháu thấy người Hà Nội tư duy họ vẫn nhìn ra được đâu là "người mình cần". Nhưng mà điều đáng buồn, ngay cả một sinh viên năm 2 như cháu cũng nhận ra. Câu chuyện xếp ghế dường như ngẫu nhiên đứng thứ 5/6? Bác đã "thử xem sao" rồi thì cháu cũng "mặc kệ" như kiểu khi đua xe người ta xếp bác ở làn ngoài cùng rồi. Nhưng ai ở đây, người con Việt Nam nào cũng phải xót chứ, sao mà không xót được, khi mọi việc như "đùa" trước mặt mình.
Nhưng mong bác vui lên, bác Nguyên ơi. Có thể người dân ở Hai Bà Trưng nói riêng, chỉ có ít người lên đọc những tờ báo của bác Nhất và các bác khác, chưa từng được nghe Cương lĩnh của bác. Dù những người biết bác, gọi được và gửi tin ủng hộ bác là con số nhỏ trong số 378.000 dân của Q.HBT.
Hãy tin rằng, những điều bác đã làm, dù là do thiên ý đưa bác đến với "loa của dân". Thì ít ra bác cũng đã tạo nên được lòng tin. Cái lòng tin này hiếm lắm. Vì từ nhỏ đến giờ cháu ít thấy ai làm lớn mà dám nói thẳng cả. Vì nói thẳng thì ít ai lên làm lớn được lắm. Cho dù nhìn hồ sơ bác thì không được giàu "chính trị" nhưng với sự tín nhiệm đông đảo từ cái nôi của sự Văn hóa (HN) thì cháu vẫn tin bác trúng cử.
Có thể 378.000 người đó nhiều người bầu theo "quán triệt", có nhiều người bầu theo cảm tính chọn trên xuống. Thì cho dù phép thử là âm hay dương đi nữa. Thì hy vọng bác vẫn giữ nhiệt huyết, như là cái "loa của dân" nhưng được phát theo góc nhìn "văn hoa và văn hóa".
Có thể bác lạc quan về chuyện "Âm" "Dương" lần này, coi chuyện lần này là thử xem sao. Nhưng cháu nghĩ bác nên và nhất thiết nên buồn nếu không trúng cử.
Bởi vì sao? Bởi vì bác đã được rất nhiều người gửi trọn niềm tin. Bác là một người học thức và là một người yêu nước. Bác là một người có uy tín và đứng ở vị trí cao cả chức vụ lẫn tình cảm tin yêu trong đại gia đình văn hóa, dù nó không hề giống chính trị. Bây giờ là năm 2011 rồi, thời đại mới rồi, mong bác đừng coi chuyện đến với Bầu cử lần này là ngẫu nhiên, nói theo phương đông thì cái này chắc là số trời. Bác phải cố gắng tận dụng cơ hội này. Vì chính bác, gia đình bác, và con cháu bác sau này chứ chưa cần nói xa với cử tri.
Cháu xin dừng bút ở đây. (Dù lời lẽ của cháu mọi người nghe có thể phản cảm, như kiểu dạy đời. Nhưng hãy coi đó là những tiếng lòng của một sinh viên năm 2. Mỗi ngày vẫn thường dành 3h đọc báo, 1h đầu đọc các báo mà "ai cũng hay đọc" và 2h sau là trang cháu đang đọc đây).
Có thể câu chuyện lần này sẽ chỉ là phù du trong dòng chảy của lịch sử chính trị VN, nhưng nó là tiền đề của một sự cải cách trong chính trị. Cho dù lần này phía chúng ta đang đứng về phía thiểu số, nhưng tin rằng rồi cái thiểu số này sẽ là số đông khi mọi người được tiếp xúc thông tin nhiều hơn.
Nguyện ý tâm đắc cháu nói bừa câu này:
"Chính trị thì khó mà đặt trong văn hóa, nhưng văn hóa được đặt trong chính trị, nó sẽ tuyệt vời hơn bao giờ hết." (5:15, 24/5/2011).
Hà Nội 29.5.2011
Phạm Xuân Nguyên