Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VẾT THỜI GIAN - MỘT NỖI BUỒN SANG TRỌNG

Phạm Xuân Trường
Chủ nhật ngày 27 tháng 3 năm 2016 9:13 PM


(Đọc Vết thời gian của Phạm Trường An (tức Phạm Xuân Trường),

NXB Thông tin và Truyền thông năm 2015)


Còn một năm nữa mới bước vào tuổi “Tam thập nhi lập” nhưng Phạm Trường An (tên họ thật là Phạm Xuân Trường) đã già dặn trong từng con chữ. Là người bạn vong niên của tôi suốt mười năm trời. Sáng tác tự do, xuất hiện trên thi đàn, báo chí chưa lâu và trên facebook đã làm bạn đọc giật mình. Một vài người hơn Trường An vài ba tuổi ở hội này, hội kia, có chiếc thẻ cầm tay làm tem nhãn lên giọng: “em còn ít tuổi sao viết già thế làm gì, hoặc trẻ thế sao lại viết lục bát lạc hậu quá...”. Tôi bảo, kệ họ đường mình mình cứ đi. Cái khó nhất với người Việt làm thơ dường như đều sợ làm thơ lục bát, vì thể thơ dễ làm nhưng khó hay. Để neo đậu lại trong lòng độc giả một vài câu cũng coi là hạnh phúc lắm rồi. Vì “...Thơ là rượu của thế gian/ Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau/ Để đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành...” (Huy Trụ). Phạm Trường An là người yêu sách, ham đọc, sưu tầm và lựa chọn cả tiểu thuyết, truyện ngắn, lý luận phê bình và thơ kim cổ. ở độ tuổi chưa đầy 30 có tới gần nghìn cuốn sách của riêng mình.

Quà xuân năm 2016 là tập thơ “Vết thời gian” do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành. Đứa con tinh thần 54 bài lục bát vững vàng, nhuần nhị chào đời với lời giới thiệu của thạc sĩ Đỗ Anh Vũ (Viện Ngôn ngữ học) và được tiến sĩ Dương Đức Lâm từng là giảng viên trường Đại học Bách Khoa tài trợ. Đọc của Phạm Trường An tôi như người húp cháo nóng. Cuống cuồng, vội vã, rồi từ từ đọc lại nhâm nhi chậm chạp. Những đề tài trong thơ ngổn ngang được Trường An thể hiện với ngôn ngữ giản dị (đừng nhầm với đơn giản), gần gũi mà ám ảnh. Chất trữ tình trong thơ đầy ắp và phảng phất nỗi buồn sang trọng. Nếu Đồng Đức Bốn viết về mẹ “Mẹ nằm như lúc còn thơ/ Mà con trước mẹ già nua thế này”, thì Phạm Trường An với bài “Tóc mẹ” bằng hai câu lục bát “Mẹ ngồi chải tóc chiều mưa/ Gom bao sợi bạc đặt vừa lòng tay/ Xâu vào làm sợi chỉ may/ Vá con lành lại tháng ngày tuổi xanh”. Có gì đó xót xa, đã từng nuối tiếc, huyễn hoặc mình trót dại làm thơ “Tôi hằng ca tụng trời xanh/ Bảo rằng thóc lép cũng thành dẻo thơm/ Ngây ngô lý luận thằng Bờm/ Bát cơm giỗ ngoại mẹ đơm không đầy” và khi chợt nhìn thấy mẹ mà giật mình “Mẹ già trước tuổi năm mươi/ Đôi môi cắn chỉ còn tươi bã trầu/ Áo tôi mẹ vá từ lâu/ Tâm hồn mà rách dễ đâu vá lành” và ngộ ra thành khẩn tự trách mình “Bao lần đi gió về mây/ Tỉnh ra thấy dáng mẹ gầy hơn xưa/ Dòng đời nay đẩy mai đưa/ Tôi thành thi sĩ khi chưa là mình” (Trải lòng). Bài thơ như lời tạ lỗi trước mẹ và lời tự thú nghiêm khắc với chính mình. Bởi vì ngày nay ra ngõ gặp nhà thơ. Như cố thi sĩ Xuân Đam đã viết “Có rất nhiều nhà thơ. Nhưng không có thơ để đọc”. Giữa ồn ào nhốn nháo của phố phường Hà Nội mà thấy cô đơn... “Mòn chân đi hết một ngày/ Đêm về mình lại bắt tay chính mình” (Giữa lòng Hà Nội). Rồi thốt lên với nỗi niềm thân phận “Nửa không ngờ nửa chưa tin/ Cỏ non vẫn mọc suốt nghìn năm nay”. Vâng! Đã là phận cỏ thì nghìn năm, vạn năm dẫu có thay đổi niềm tin để rồi thành ngờ thì kiếp cỏ vẫn thế thôi. Câu thơ giản dị mà trường liên tưởng vượt ra ngoài câu chữ. Trong bài “Bài thơ tạ lỗi với quê hương”, Phạm Trường An đã thể hiện rất rõ Thơ lục bát là “Hồn dân tộc”, chân thật, dung dị “Trút đi lớp vỏ ngôn từ/ Viết câu lục bát thật như lòng mình”. Gạt bỏ những ngôn ngữ “Thơ xoang xoảng những bình minh mạ vàng”. Bởi dẫu có hộ khẩu ở thành phố thì Phạm Trường An vẫn hiểu rằng “Lớn khôn nhờ cánh đồng làng/ Rồi đi quên mặt cũ càng nhà quê”. Viết những câu thơ như thế hẳn là người có tình, biết hàm ơn, không dám dối lòng. Trong bài “Quê ơi” như một lời mắc nợ, day dứt ... “Bỗng heo may thoảng hương đồng/ Quê ơi muốn gọi cất không thành lời”. Để rồi từ nơi phố thị mà ngân ngấn, nghẹn ngào "Giọt thời gian vỡ trên mi/ Mặn như nước mắt mỗi khi nhớ nhà". Nếu không tài hoa thì không viết được câu thơ nghịch lý như thế. Người thường thì viết giọt nước mắt vỡ trên mi, thì chỉ là viết đúng. Khi "giọt thời gian vỡ trên mi" thì quả là hay. Thời gian đã được nhân cách hoá ngưng tụ thành giọt. Cảm giác thấy thời gian có hình khối hẳn hoi, hư mà như thực.

Đau đáu nỗi niềm, trăn trở suy tư, thấp thoáng sự bất lực, thơ như lời tự thú... "Từ nơi sâu thẳm hồn ta/ Cũng cồn cào sóng thế mà lặng im" (Thơ viết ngày giông bão)... "Đau thì nhắm mắt cho qua/ Cứ im lặng sống, sống mà lặng im" và cũng nói thay cho bao nhiêu người ... "Thâm tâm tôi biết mình hèn/ Trời xanh cứ lạ dù quen mắt nhìn" kết của bài thơ như một câu hỏi lửng lơ và cũng như tự bạch ... "Ở nơi đâu bán niềm tin/ Thuốc nào chữa được quả tim cầm chừng" (Ở nơi đâu bán niềm tin) và “Thêm khờ khạo bớt thông minh/ Để tin vào cái mà mình vẫn tin” (Ừ nhỉ). Sớm nhận ra điều quẩn quanh lập lại như Khổng Tử đã nói "Chẳng có gì mới cả. Chỉ là cái cũ lặp lại mà thôi". Vì thế trong bài "Buồn đêm" Phạm Trường An đã mở đầu bài thơ với câu "Đã bao năm mỏi chân tìm/ Đường dài hút một bóng chim cuối ngàn..." để rồi "Chạy theo mình đến hụt hơi/ Biết đâu đích đến là nơi bắt đầu". Bài thơ chứa đựng cái nhìn sâu sắc, như hiểu thấu gan ruột của những việc đang diễn ra phơi bày trước mắt. Chứa đựng cái nhìn nhân tình thế thái như những hình nhân trong đèn cù quyền lực. Bài "Buồn" là một nỗi hoài nghi mong manh, thân phận ... "Bến nào đục bến nào trong/ Đành như chiếc lá theo dòng đời trôi" và chua chát thay "Ngỡ xuôi về phía biển khơi/ Trái tim còn mắc ở nơi đầu ghềnh". Câu thơ mơ hồ như đức tin bị đánh tráo, đầy tâm trạng. Câu 6 với từ "ngỡ" đã nói lên sự cả tin, để rồi câu 8 thanh minh cho sự ngây thơ khờ khạo ấy của chính tác giả và cũng có thể cho cả số đông. Vì thơ có cách tiếp cận nhiều chiều. Trong bài "Người nhặt viển vông" với cấu tứ tựa như thơ Đường luật Đề, Thực, Luận, Kết. Nhan đề của bài thơ là tứ của bài, Phạm Trường An đã diễn giải như thế này đây "Tiêu hoang hết nửa cuộc người/ Chạy theo những thứ xa vời tầm tay". Để rồi thành quả của nửa đời ấy gặt hái được những gì. "Nửa đời điên, nửa đời say/ Tình xưa trắng tóc lòng này cũng vôi" là câu Thực. Tiếp đến là hai câu Luận "Dại khờ dẫu một lần thôi/ Mà day dứt hết đêm rồi lại đêm/ Lá vàng chẳng thể vàng thêm/ Nén lòng chỉ đợi phút êm dịu chờ" và cuối cùng là câu Kết "Nửa đời đi nhặt viển vông/ Rồi đem cho những gì không thật mình". Chưa đầy 30 tuổi đầu mà viết như từng trải. Hẳn đây là tác giả đã tận mắt "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" (Kiều). Làm sao lại có người chê Trường An trẻ mà lại viết quá già. Vậy già không được viết thơ thiếu nhi chăng, không được viết thơ trẻ ư? Để khi chạm mặt lớp trẻ giật mình “Ồ mấy ông trẻ con tóc bạc”. Thế thì 16 tuổi Chế Lan Viên không được viết "Điêu Tàn"? 17 tuổi Nguyên Hồng không được viết "Những ngày thơ ấu", Phùng Quán 19 tuổi viết "Vượt Côn Đảo" là không hợp cách ư ?

Ở bài "Chiều về bên phía này sông" là cả một nỗi buồn, hồn vía phảng phất của các cô gái bỏ quê lên tỉnh, khi mà nền kinh tế thị trường đã xô đẩy. Chợt nhớ đến "Chân quê" của cố thi sỹ Nguyễn Bính ... "Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều" thì ở văn cảnh bài thơ của Phạm Trường An còn nặng nề hơn "Em đi gửi lại hương đồng/ Để vầng trăng khuyết buồn không lỡ rằm" một câu hỏi lấp lửng được trả lời bằng viễn cảnh chua chát ... "Rồi mai sông cạn đá mòn/ Buồn vui cháy hết liệu còn tàn tro/ Lòng không rối, tự tay vò/ Bước trên đại lộ chỉ lo chết chìm/ Lẽ nào bắt lỗi con tim/Buông rơi cái có để tìm cái không...". Cái nhìn thấu thị của tác giả với những cô "Kếu" ra tỉnh vừa đỏng đảnh vừa đua đòi của những cô gái mà nhà thơ Lê Đình Cánh đã phác hoạ trong bài "Hồ Hoàn Kiếm" "áo em ngực trễ như mời/ Tràn bia Thủy Tạ lắm lời giả say" thì trong bài "Về quê" Phạm Trường An đã cho thấy cảnh: váy hẫng, bắp chân to và ngắn, sơn phấn lờm lợm, ăn xổi ở thì "Tháng ngày giật gấu vá vai/ Tóc trăm lần gội còn ngai ngái bùn" . Và mặc những hiện đại và hậu hiện đại thì câu kết của bài lục bát "Viết trong đêm lửa trại" cũng lột tả được cái nhìn của tác giả với thói đời... " Câu thơ chưa ngái vị bùn/ Đã bình minh mọc phía hun hút ngày...". Tính ẩn dụ khái quát cái tôi khiêm nhường, bộc bạch. Trong bài "Nhập vai" khá rõ ràng đọc thoáng qua thì tự trách mình nhưng ngược lại như phê phán thói học đòi... "Thơ tôi chưa thật là tôi/ Sắm vai kẻ khác lâu rồi thành quen". Nếu chỉ dừng lại ở dạng văn bản thì hiểu như thế không có gì sai. Nhưng mở rộng biên độ nhạy cảm thì sự đời khi còn ngồi trên ghế quyền lực nói một khác. Về hưu, thất sủng ... tụ bạ quán chè chát vỉa hè lại nói một khác. Phải chăng đó là thuộc tính không phải của thảo dân.

Với lòng trắc ẩn, nơm nớp cho một tâm hồn nhạy cảm. Phải chăng đó là linh giác của người làm thơ. Âu lo phấp phỏng. Trong bài "Tặng một đồng hương" đã cảm thấy lơ lửng một mối hoạ ở đâu đó đang rình rập "Bốn năm đại học là đây/ Một chồng sách vở xếp đầy va ly". Để rồi "Hai bàn tay trắng bước ra/ Đôi chân ngợp giữa phồn hoa thị thành/ Phố phường đèn đỏ đèn xanh/ Thật thà thì ít, gian manh thì nhiều" và thân phận ấy còn giữ được trinh nguyên hay không. Bởi vì giữa phồn hoa đô hội này thật đau lòng khi phải thấy "Tôi sợ lắm một ngày mai/ Gặp em váy cộc nơi ngoài phố đông" . Bởi bản tin thời sự VTV1/ 2012 đã từng nói nước ta có tới 9 nghìn giáo sư, tiến sỹ cần phải thi lại. Thì tránh sao khỏi cảnh thừa thầy, thiếu thợ và lo lắng cho số phận tương lai... "Em trong trắng em thơ ngây/ Biết đâu mỗi bước đường đầy chông gai..."

Lục bát của Phạm Trường An thấm đẫm tính nhân văn sẻ chia với từng hoàn cảnh và số phận. Với nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, Trường An viết "Âm thầm nhen lửa vào thơ/ Cô ơi ngọn lửa bây giờ vẫn thiêng"... "Bước đi tay vịn vào thơ/ Đôi chân lạc giữa bến bờ nhân gian" (Người giấu lửa trong thơ) với Nguyễn Việt Anh nhà thơ khiếm thị được Trường An đồng cảm "Vắt tim cho đến kiệt cùng/ Nhấp trăng suông, uống lạnh lùng mà say" (Thức cùng bóng tối). Tiếc thương một nhạc sỹ tài danh. Ca từ của Trịnh Công Sơn là một bài thơ, là một mệnh đề và như là một triết lý nhân sinh "Tuổi buồn hoá đá rong rêu/ Nghe thương một tiếng vạc kêu xé trời/ Xác thân về đất muôn đời/ Trái tim vẫn đập hát lời ngàn năm" (Trái tim thức đập). Chứa chan tình nhân ái trong bài "Ông ơi" Phạm Trường An xót xa ... "Một đời ông trắng tay không/ Nấm mộ nghèo phía con sông lở bồi" . Có phải vì thế mà "Cháu quên khóc sợ thơ đau/ Bàn tay không bứt mà nhàu cỏ hoa" ... Cách diễn dịch xem ra như vô lý, thậm chí ai đó có thể bắt bẻ. Làm gì có chuyện "Quên khóc sợ thơ đau" . Thơ đau làm sao được, nhưng đều có thể hiểu người đau chứ không phải thơ đau. Hoặc có những câu "Viết thơ chỉ sợ đau người đọc thơ" (Sợ). Một cách nói lạ, vừa khiêm tốn, nhún nhường. Theo nghĩa đen là làm thơ rồi mang đi tặng vô tình làm khổ người được tặng. Tôi mang máng nhớ câu thơ của nhà thơ Trần Ninh Hồ “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”, nghĩa bóng có thể là mình đau mình chịu, mang nỗi đau ấy đi tặng là làm đau người đọc. Tâm sự của chính tác giả hay ngoài tác giả. Cách hiểu tuỳ thuộc vào người tiếp cận với tác phẩm. Tập thơ thì mỏng nhẹ tênh mà ý tứ thì trĩu nặng. Bài thơ "Gửi bạn trong tù" gợi cho người đọc nỗi khổ tâm của người mẹ già chỉ có một mẹ một con. Với mâm cơm "Một mình, một bát, một mâm/ Một đôi đũa lệch tay cầm so le" hình ảnh "Hoàng hôn tắt nắng" gợi cho ta cảnh xế chiều của tuổi tác hơn là hoàng hôn có thật của chiều tàn. Và câu kết như vô tình tay cầm phải cật nứa mà tuốt ngược "Nợ đời dẫu bạn trả xong/ Trả làm sao dáng lưng còng ngồi kia?". Câu thơ giản dị như câu nói bình thường mà vần điệu của lục bát làm cho ta thấy sợ. Lắng đọng tới miền sâu thẳm, dày vò cho một lỗi lầm để tấm lưng còng kia phải nuôi con trong vòng lao lý. Một xã hội bất an, những bậc phụ mẫu chi dân nay được đám đông không gọi là ông. Sự xuống cấp đạo đức đã tới mức báo động. Một vài bài thơ tình, ngôn ngữ, hình ảnh lãng đãng, dịu dàng và say đắm. Không xáo rỗng, không gào thét. Phải chăng đấy cũng là cái tạng của Phạm Trường An. Câu thơ đẹp trong sáng "Ngủ đi em kẻo đêm tàn/ Nửa vầng trăng nép sau hàng mi cong/ Khép lại đi những chờ mong/ Ngoài kia gió bấc thở trong lá gầy" (Lời ru cho em) "Gió bấc thở" hay chính tác giả thở khi ngồi ru người yêu ngủ, cách ví von như thế hẳn là người làm lục bát tài hoa run rẩy từng chữ, từng câu. Hơi thơ mang bóng dáng cổ thi, phúng dụ. Đọc lên váng vất hồn cổ xưa buồn xa thăm thẳm "Đàn lên một khúc tiêu dao/ Khúc chang chang nắng khúc rào rào mưa/ Khúc rền ngựa hí gươm khua/ Khúc yêu chín rạn những mùa thương đau” (Lệ tình). Hơi thơ như thấy người thiếu phụ cô đơn dạo khúc tì bà. Với ngôn ngữ cổ xưa mà không thấy xáo. Ở Phạm Trường An còn có cách nói theo kiểu chơi chữ. Tách bạch theo kiểu hoài nghi và rồi khẳng định “Vào chùa ngỡ được bình yên/ Tịnh tâm chưa hẳn đã thiền đâu em” (Vào chùa) hoặc “Xin đừng buôn cả người xưa/ Thánh thì tiếng thế mà chưa chắc hiền” (Tỉnh ngộ) và “Quá nửa đời mới nhận ra/ Càng cao tay với càng xa Niết bàn” (Đọc Đường xưa mây trắng). Rất gần gũi với cách nói đời thường bởi: Rất nhiều nhà sư nhưng không phải ai cũng là phật. Rất nhiều đảng viên nhưng không phải ai cũng là cộng sản. Bắt tay chào nhau gọi là đồng chí nhưng không phải là đảng đảng viên... Có rất nhiều chức sắc giàu lên nhưng không phải từ mồ hồi nước mắt v.v...

Hình ảnh vận dụng vào thơ với thủ pháp so sánh và nhân cách hoá nói về cái kim, để người đời nhìn ra trái núi. Nên khi đọc “Xác xơ từng cọng rơm vàng/ Từ bao đời đã nuôi làng ta no/ Thân rơm teo tóp gầy gò/ Còn bao hạt nặng rũ cho sạch lòng”. Và rồi cái kết cục của thân xác kia đã tận cùng dâng hiến “bao hạt nặng” để rồi thu về “Tơ vàng còn có người hong/ Rơm vàng phơi xác liệm trong nắng chiều/ Cháy lên cùng tận thương yêu/ Hoá thân thành sợi khói nghèo quê hương” (Thân rơm). Chỉ nói về cọng rơm thôi mà sao thấy đau đớn xót xa. Ai cũng biết một hạt thóc cõng hàng trăm thứ thuế đang đè nặng lên “Thân rơm teo tóp gầy gò” được định hướng đi tới thiên đường XHCN giữa thời buổi hội nhập cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường. Bài thơ có bốn câu mà sức chuyển tải day dứt cả một kiếp người. Tự thú nhận cho riêng mình, hay cho ai nữa đây “Mở to con mắt nhìn đời/ Vẫn chưa tin tưởng ở đôi mắt mình”. Đi qua những năm tháng và thấy “Phận người thì lở, phận sông lại bồi”. Rồi một ngày nào đó chợt ngước lên “Trời thì vẫn mịt mờ mây/ Mà tình người cứ ngỡ đầy lại vơi”. Với nỗi niềm trắc ẩn có phần hoang mang giữa ngã ba ngã bảy cuộc đời mà hốt hoảng rồi tự hỏi chính mình “Bao năm lạc giữa dòng đời/ Chính mình chẳng biết mình trôi hay chìm” (Hoài nghi). Mười năm biết nhau đến giờ với tập thơ đầu tay đầy tâm trạng đáng để đọc. Cũng là điều cẩn trọng của Phạm Trường An.

Vĩ thanh

Phạm Trường An là một tín đồ chân chính của lục bát. Hẳn là lục bát thấm sâu vào tận tâm hồn của chàng trai trẻ sinh ở vùng quê An Lão. Thơ giàu hình ảnh, ý tứ dồi dào, sâu lắng, đa đoan, ngổn ngang nhân tình thế thái. Đề tài phong phú, ngôn ngữ nhuần nhuyễn. Kết cấu bài thơ tưởng như lỏng lẻo, rời rạc mà lại rất chặt chẽ. Chữ đi với nghĩa, hình ảnh này gọi hình ảnh kia. Con chữ cứng cáp không hề non lép ghép vần. Dù nói về đề tài nào thì Phạm Trường An vẫn thể hiện tính trữ tình, nhân hậu trong thơ. Thật vui khi Hải Phòng lại có nhà thơ trẻ làm thơ già dặn và hay như Phạm Trường An. Con đường phía trước còn đầy chông gai. Hy vọng Phạm Trường An mở rộng đề tài hơn nữa ở tập thơ sau. Cả hai chúng tôi đều rất tâm đắc lời dạy của Đỗ Phủ “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” (chữ không làm người đọc giật mình chết không yên) và hai câu dạy làm thơ của cố thi sĩ Tế Hanh “Hãy đi con đường vào trái tim bạn đọc. Người ta có thể quên tên người làm thơ nhưng không thể quên thơ” (Bài học nhỏ về nhà thơ lớn, Tế Hanh) và: “Đọc một bài thơ hay/ Ý nghĩ đầu tiên thấy mình làm được/ Ý nghĩ sau cùng thấy mình bất lực” (Kinh nghiệm làm thơ, Tế Hanh).

54 bài thơ duyên dáng, duy có bài “Biển” có lẽ chưa được chặt chẽ lắm (đấy là ý của riêng tôi). Dẫu sao đây cũng là tập thơ hay của tuổi trẻ Phạm Trường An. Giữa ngút ngàn bạn cùng trang lứa và cả những bề trên đang cho ra đời những tập thơ hiện đại và hậu hiện đại đang phủ kín “Hồn dân tộc”.