Đàn ông là người nhóm lửa, đàn bà là người giữ lửa. Tôi không nhớ câu ấy có xuất xứ từ đâu nhưng càng ngẫm càng thấy phải. Có điều, rất nhiều người trong chúng ta không (hoặc chưa) ngộ ra được điều ấy nên "tổ ấm" đã trở thành "tổ kiến lửa". Khi xảy ra sự cố, phần đông phụ nữ cảm thấy mình bị đối xử tệ bạc, bất công, thiệt thòi. Có lẽ cũng không phải là sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. "Tiên trách kỷ..."
Chị A, anh H là một cặp đẹp như mộng. Chị xinh đẹp, anh tài giỏi. Họ đã có một thời yêu nhau lãng mạn, rồi đám cưới tưng bừng, sau đó hai đứa con trai ra đời. Kinh tế gia đình họ xưa cũng gian khó như mọi nhà, rồi dần dần đi lên, nay đã bề thế lắm. Người ngoài nhìn vào cứ bảo hạnh phúc thật là đủ đầy như trăng mười sáu (còn hơn cả trăng rằm nhé).
Ấy thế mà... Khổ thế, các cụ nói cấm có câu nào sai "Nằm trong chăn mới biết chăn ... không êm chẳng ấm". AnhH âm thầm ôm sầu khổ đã bao năm. Chỉ vì chị A thuộc nòi "sư tử, thứ thiệt. Chị đẹp, tự biết mình đẹp, lại đảm nhà sạch cơm ngon chờ chồng mỗi ngày. Nhưng ngần ấy ưu thế mà vẫn ghen chồng dữ dội. Anh đi hội họp ở đâu chị cũng ngấm nguýt "Đi đàn đúm chứ họp hành cái gì! Họp nửa ngày thì các ông chơi bời hai ba ngày". Anh đi làm về muộn mà không kịp báo là chị gọi đến cơ quan "truy nã", hỏi hết người này đến người kia, làm cho anh phát ngượng về cái tư cách dường như "kẻ đào tẩu” của mình. Lâu dần, cả cơ quan anh biết máu "Chúa sơn lâm Hà Đông" của chị, có đi đâu họ lại tìm cách trưng "chứng cớ ngoại phạm" giúp anh: nói vài câu qua điện thoại lúc chị gọi đến kiểm tra hay kéo nhau về nhà anh nhé. Chưa hết, chị còn làm anh hoang mang, chẳng biết đường nào mà cư xử cho ổn. Bữa cơm nào anh mệt mỏi kém ăn thì chị cật vấn "Hôm nay đi ăn "phở" đâu rồi mà bỏ cơm thế”? Gặp lúc anh ngon miệng chị lại sinh ngờ vực "Hôm nay vất vả với cô nào mà đói ghê thế? Ngày 8/3 hay những dịp kỷ niệm, anh về muộn, hay chậm mồm, chậm miệng chúc mừng, thì chị dỗi "Có thèm để tâm đâu mà nhớ!!!", anh mà chu đáo, ân cần thì chị lại nghi "Làm việc gì có lỗi với vợ hay sao mà tử tế thế để chuộc tội? Điện thoại di động của anh, chị thỉnh thoảng lại "mượn" để kiểm soát. Chị xét nét nhất là bản kê cước hàng tháng, cuộc gọi nào dài, tiền nhiều là chị tra xem số ấy của ai, ở đâu "Nói gì mà lâu thế? Tán tỉnh nhau hả"?ếu việc đột xuất. Anh nhận sự "chi viện" của đồng nghiệp mà ngấm ngầm sượng sùng.
Lâu dần, vẫn biết được vợ yêu, vợ chăm mà anh H sinh chán nản. Anh bỏ di động để vợ thôi kiểm tra. Anh thường kiếu những cuộc vui nơi công sở để về nhà đúng giờ, không muốn ăn cũng cố đủ khẩu phần, mà có muốn ăn thêm cũng bớt miệng để vợ khỏi quy kết... Cho đến một ngày, anh gặp một đối tác làm ăn phái nữ. Chị không đẹp, không đảm bằng vợ anh, nhưng sắc sảo, hiểu biết, có duyên và quan trọng nhất là rất thông cảm với anh, tôn trọng anh. Thế là chuyện gì phải đến đã đến.
Từ chỗ không bồ bịch gì mà cứ bị vợ nghi tối ngày, nay anh có bồ thật mặc dù vẫn đóng vai ông chồng “chỉn chu lương nộp đủ, tối ngủ ở nhà".
Cũng "họ nhà Hoạn" như chị A, bà U lại dùng chiêu khác. Trời sinh ra bà nhan sắc "thường thường bậc trung mà lại lấy được ông chồng tài hoa, đẹp trai nên bà phải lo mà giữ rịt lấy. Bà khá khôn ngoan nên đã nghĩ ra cách thật "độc" là quyết không chịu học đi xe máy đế bắt ông đưa đón hàng ngày. Thế là lịch của ông phải phụ thuộc vào lịch của bà. Sáng ông phải đưa vợ đến cơ quan rồi mới đi làm việc của mình. Chiều đón vợ về, ra cổng chợ đứng đợi bà mua thức ăn rồi đưa bà về nhà. Đôi khi buổi trưa bà cũng gọi ông đón về nhà hoặc đi ăn hoặc đèo đến nhà bạn bè. Tóm lại, ông thấy mình giống... xế "xe ôm" đến mãn đời của bà. Bạn bè có định bù khú hoặc thăm hỏi nhau một tý ông nài bà tìm phương tiện khác bà nhất quyết không chịu, đòi đi theo. Lâu ngày ông thấy như bị giam lỏng, dù là trong vòng tay của vợ thì vẫn bí bách lắm. Hậu quả là những dịp "xổ lồng" đi công tác ngoại tỉnh, ông ăn nhậu và chơi "tới bến".
CôL cũng là một bậc "nữ lưu tài trí” trong việc quản chồng. Cô tư duy hơi khác hai đàn chị kể trên nên chủ trương "thả rông" mà chỉ quản ví. Lập luận của L là: gái chỉ mê tiền của các ông thôi. Ví mà nhẵn nhụi thì có "thả” đến đâu cũng chả đứa nào theo. Nói là làm, Ltheo dõi và thu vén mọi khoản thu nhập của chồng. Hai vợ chồng cùng ở một cơ quan (tuy khác đơn vị) nên cô có điều kiện "soi" chồng về kinh tế. Hôm nào anh chồng về muộn, khoản lương vừa lĩnh hơi hao một tẹo vì vài cốc bia đãi bạn là cô cằn nhằn, "cấm vận”. Ngoài những khoản thu nhập cố định L còn sát sao cả những cuộc chồng đi hội họp mà cô cho là có phong bao. Cô không bao giờ để ví của anh có quá 50.000 đồng. Thu vào hết như thế nhưng L đánh vần chữ "chi" một cách rất khó khăn, nhất là những khoản cho gia đình bên nội. Chồng L phải giấu vợ, cặm cụi nhận một công trình làm thêm để lấy tiền mua quà mừng thọ mẹ. Ngày nhận tiền thù lao, anh mua một chiếc vòng vàng, định tâm tặng mẹ. Cái hộp nữ trang giấu trong cặp chưa kịp nóng đã bị L lục thấy. Cô tịch thu luôn và tra hỏi hết một tuần về nguồn gốc và mục đích của chiếc vòng.
Những bà, những chị quản lý chồng kiểu ấy thường giải thích nhân danh tình yêu - một lý do thật là cao cả. Họ cũng yêu chồng thực. Nhưng họ đã biến cuộc sống của người mình yêu thành những tháng ngày khổ sở. Có ông chồng làm ngành Công an đã định nghĩa mang đậm màu sắc nghề nghiệp thế này: Mỗi bà vợ là cảnh sát kinh tế, cảnh sát trại giam và cảnh sát điều tra tổng hợp lại. Tất nhiên đấy là nói quá thôi. Mỗi bà thường chỉ "hun đúc" được một phẩm chất: CôL đúng là giống cảnh sát kinh tế. BàU hệt cảnh sát trại giam. Còn chị A thì đích là cảnh sát điều tra. Nhưng chỉ một phẩm chất thôi thì người chung sống với họ đã thấy quá sức chịu đựng. Và già néo đứt dây, các bà các chị tưởng buộc chồng thế là chặt ngờ đâu họ chỉ "giữ bóng", phần hồn (đôi khi cả phần xác) của các ông đã chạy theo bóng hình khác mất rồi!
Đàn ông là người nhóm lửa - rất quan trọng, nhưng đàn bà mới lãnh trọng trách dài lâu - điều chỉnh hành vi, gìn giữ cho ngọn lửa tình nghĩa đượm mãi. Cuộc sống gia đình thật khó, hỡi chị em.