Chàng thi sĩ loàng nhoàng như tôi thi thoáng lại móc tiền vợ để in tập thơ với 500 bản rồi tặng bạn bè cho vui. Ngó sang đồng nghiệp bên văn xuôi cũng chỉ hơn tí tẹo, nếu viết tiểu thuyết “hót” một chút mới mong các vị đầu nậu in cho không phải bỏ tiền mà nhận nhuận bút bằng sách. Nghĩ chán quá vì thơ văn muốn phổ biến cho nhiều người đọc cũng không xong. Tôi bèn nghĩ đến cái mạng. Tại sao không phổ biến trên internet nhỉ ?. Thấy nhà văn Vũ Hồng trong Bến Tre, nhà văn Thái Bá Tân có con web vừa đưa thơ văn vừa hướng dẫn học tiếng Anh, tôi ngỏ ý hỏi thăm đường đi nước bước. Tôi được Thái Bá Tân giới thiệu một chú sinh viên công nghệ thông tin. Thế là tôi vào cuộc. Phác ra ý đồ nội dung của mình rồi nhờ chú sinh
viên thiết kế. Vào ngày 12-12-2006 tôi bấm enter để tên trannhuong.com hòa vào thế giới mạng. Kể từ lúc ấy trong bao la tên miền xuất hiện một tên lính mới lơ ngơ là trannhuong.com.
Những ngày đầu hệt như anh mới mua điện thoại di động chỉ mong có chuông reo để được alô. Sáng dậy rõ sớm mở trang web của mình xem có ai ngó ngàng gì không. Lác đác có người ghé thăm. Đồng hồ tự động báo số lượt truy cập trên web rụt rè từ ba bốn người rồi lên số chục số trăm. Cũng không biết bằng cách nào mà bạn bè bà con người Việt mình ở các quốc gia biết đến trannhuong.com mà vào đọc. Sau hai năm thì đã có gần 1 triệu lượt người truy cập, hầu hết các quốc gia trên thế giới đề ghé thăm. Số nước ngoài truy cập nhiều là Đông Âu, Mỹ và Canada, Pháp. Thú vị quá cái đường truyền vĩ đại đã liên thông toàn cầu không phải hải quan, hộ chiếu gì, cứ bấm một cái là vào thăm nhau thoải mái. Khi có con web tôi mới thấy sức mạnh của internet, nó kéo trái đất gần nhau như cô nàng bên hàng xóm. Bây giờ thì hàng ngày trung bình chừng 4000 lượt ghé thăm trannhuong.com. Vì kinh tế có hạn nên tôi chỉ giám thuê gói hosting chừng 1000mb mỗi tháng mất độ 200 ngàn đồng kể cả mua tên miền. Nhưng cứ đến cuối tháng là hết chỗ nên con web không vào được. Lại phải gọi điện cho kỹ thuật xin tăng thêm băng thông. Chả biết còn cách nào thì nhịn vài món tiêu, từ năm 2009 tôi thuê gói hosting lên 3000MB cho hoành tráng. Bạn bè yêu mến nên không nhẽ không rộng cửa đón chào. Thế là chàng thi sĩ nghèo bây giờ như anh trưởng thôn “vác tù và hàng tổng”, phục vụ bà con miễn phí. Dưng mà nhà cháu sướng, nhiều bạn đọc hơn, giao lưu tít tận bên trời Tây. Mỗi lần web trục trặc là bao nhiêu điện thoại, tin nhắn của bạn bè hỏi lý do vì sao không vào được trannhuong.com. Nhiều bạn còn lo cho chủ web hay bị “oánh”. Tôi lại phải trả lời mình làm gì mà người ta đánh, toàn chuyện văn chương và tếu vui, đôi khi có phản biện nhưng với tinh thần xây dựng. Mà nói thật ai thèm chấp cái anh văn nhân hạng bét như mình. Cũng không nghĩ con web nó lại vui trò đến thế. Nhiều bầu bạn ở đẩu ở đâu vào đọc mình rồi thư đi thư lại. Bạn Thành Nguyễn từ Canada hay gửi truyện dịch về và theo anh là để bạn đọc trong nước tiếp cận với văn học thế giới. Nhà thơ Vũ Quần Phương thăm con bên Mỹ ngày nào cũng vào xem mấy web văn chương như lethieunhon.com, phongdiep.net, trannhuong.com, vanchinh.nét.... Anh bảo bên Mỹ này với anh chỉ có gia đình mà thiếu hẳn xã hôi. Nhờ mấy con web văn chương mà anh thấy gần gũi quê nhà và nắm bắt được hoạt động văn học trong nước. Tháng vừa rồi khi Hội đồng thơ Hội Nhà văn ta quyên tiền làm quà cho nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đang bị trong tù. Tin đó tôi viết lên mạng của mình, vài ba ngày sau tôi nhận được email của nhà thơ Nguyễn Trung Thu cũng đang ở Mỹ với con, ông nhờ tôi ứng ra 1 triệu đồng để góp quà tặng Nguyễn Việt Chiến. Đặc biệt một cô giáo trong Sài Gòn với nicknem Blue (cô không muốn nêu tên thật) gửi thư và xin tài khoản của tôi để cô gửi 5 triệu đồng góp chút quà cho nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Rất nhiều người không hề quen biết đã viết bài mà tôi gọi là “góp cổ phần” nhưng không hề có lợi tức. Có anh như Nghiêm Lương Thành, một cán bộ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn gửi nhiều truyện ngắn, tạp văn rất hay mà mãi sau này tôi mới biết mặt. Tôi lấy truyện của anh gửi qua báo Người đại biểu nhân dân và đã in trên đó. Truyện của anh còn được tuyển vào tập Văn mới. Cô giáo Trần Tố Loan dưới Quảng Ninh đang làm nghiên cứu sinh tại Viện Văn học, vào đọc trang của tôi gửi thư và góp nhiều thơ rất trẻ. Gần đây cô lên Hà Nội đến thăm tôi mới được ngắm dung nhan người đẹp. Cô sinh viên cao học Đỗ Thuỷ “đổ” vào meo mấy truyện ngắn liền cho tôi. Truyện rất hay và cách viết khá mới. Một hôm cô bé gửi cho tôi một chùm ảnh ghép tôi với dũng sĩ đấu bò tót, với võ sĩ sumô.. trông đến tức cười. Cô bảo chú chuyên chế tác ảnh đùa các nhà văn thì nay cháu đùa chú đấy. Đến giờ tôi vẫn chưa hề gặp cô sinh viên ấy. Bạn Trương Anh Tú, một người làm thơ trẻ hiện làm ăn tại Liên bang Đức vì đọc trannhuong.com mà hoá quen nhau. Hồi tôi triển lãm tranh đúng dịp Tú về thăm quê, vợ chồng và con Tú mang hoa đến tặng. Một nhà giáo về hưu dưới Hải Dương tên Lan gửi thư yêu cầu tôi và nhà văn Bão Vũ viết tiếp chuyện lạ về Mao Tôn Úc...Rất nhiều các bạn khắp nơi mà tôi đọc mình mà mình không hề biết họ là ai. Khi tôi mở cuộc thi thơ vui “Mười câu khúc khích” thì ôi chao bạn đọc khắp nơi gửi bài về dự thi. Và lại bao nhiêu người thân quen với mình mà nhiều người chưa biết mặt. Tôi đùa Giải trannhuong.com là giải tư nhân đầu tiên của Việt Nam, có giải Lá trầu. Bách Việt nhưng dù sao cũng là giải của một nhóm, một tập thể. Giải trannhuong.com chỉ có mình tôi thì chả là đầu tiên của nước Việt mình ư ?
Nhưng nhiều khi con web cũng làm cho mình thêm phiền hà. “Vụ” nổi bật nhất là hồi năm 2007, trên trang web của tôi có đưa thư ngỏ của một đồng nghiệp bị o ép, bì trù dập, đến nỗi cơ quan ấy có tới hơn 40 cuộc họp để phê bình, lên án chị. Lập tức tôi nhận được email phản hồi với nhiều nick ảo phản đối. Chưa hết, lãnh đạo cơ quan ấy, một tờ báo của ngành rất nhiều chữ nghĩa đã có công văn lên A25 yêu cầu đóng cửa web của tôi và gọi chủ web và vài người bạn lên giáo dục, kiểm điểm. Công văn chính thức có dấu đỏ, có số công văn, có ngày tháng rất đúng luật hành chính chỉ có điều không đúng luật Báo chí và Luật dân sự. Cơ quan A25 đâu phải chỗ đóng anh này mở anh kia. Cũng may A25 thấy họ sai bét nên im lặng cho qua. Hồi tháng 10 năm 2008, trên web của tôi mở thí nghiệm chế độ comments để bạn đọc tham gia thảo luận. Nhưng chế độ bình luận này chủ web không kiểm soát được. Ai viết gì, lấy tên ảo là gì cũng được, bấm một nhát là lời lẽ của họ đã phơi lên web của mình. Muốn xoá nó chỉ chủ web mở khoá và delete mới được. Dạo ấy tôi đi sáng tác trên Đại Lại, nơi đây không có nét nên không kiểm soát thường xuyên được web của mình. Hôm đó có mấy ý kiếm móc máy đến công việc của Hội, tôi không hề biết. Tối ngày 11-11-2008, tôi nhận được điện thoại từ Hà Nội báo tin răng BBT web Hội “tiu” bác rồi. Tôi liền phóng xe máy đi 3 cây số đến quán nét và đọc thấy có mấy ý kiến hợi bị “xóc họng”. Tôi xoá nhưng làm sao xoá được những lời buộc tôi của BBT web Hội. Tôi viết bài trao đổi lại và tranh luận với nhau gần nửa tháng. Thấy không ổn nếu để chế độ comments tự do thế này, tôi bèn đóng lại cho nhẹ mình. Gần đây Báo Tiền phong có in bài viết “Phạm Tiến Duật, những điều chưa kể” đã nêu rằng số tiền ủng hộ làm sách cho Phạm Tiến Duật tới hơn 200 triệu mà hiện nay nhóm làm sách vẫn giữ để lo công việc. Tin đó đến tôi và nhà văn Nguyễn Khắc Phục làm cho chúng tôi rất buồn. Nhóm làm sách năm 2007 có Phục, tôi và anh Cao Phan, khi Duật bệnh nặng, chúng tôi cố làm nhanh để Duật nhìn thấy tuyển tập Thơ và trường ca của mình. Sau khi Duật mất được ít ngày, thấy tình hình phức tạp, không thống nhất được việc quản lý, nhóm làm sách giao toàn bộ tiền, thẻ tín dụng, và cả hợp đồng chưa trả đủ tiền nhà in cho Văn phòng Hội Nhà văn. Vậy mà Báo Tiền phong lại đưa tin như thế thì chẳng hoá chúng tôi giữ tiền ấy một năm mà không làm gì cho Duật. Cầm tiền của Duật sẽ gây nên thắc mắc của gia đình Duật thì tai tiếng cho anh em chúng tôi. Tôi mượn biên bản bàn giao số tiền của Văn phòng Hội đang lưu giữ, chụp ảnh kèm với lá thư ngỏ của Nguyễn Khắc Phục cho lên web của mình. Tôi điện cho TBT và Phó TBT báo Tiền phong. Các anh nói đã đọc phản ứng của các anh, trước mắt xin lỗi đã, tuần tới sẽ in trên báo lời cáo lỗi. Quả thật báo cuối tuần liền kề có in lời xin lỗi nằm lẫn trong một bài viết của Trần Nguyễn. Chúng tôi biết kiểu xin lỗi “đặc biêt” ấy nhưng thôi không nói nữa. Vậy là nhờ cái wensite của mình mà “chiến đấu” tức thời vì sự thật vì lẽ công bằng… Còn nhiều chuyện phản ứng nhưng đều nhẹ nhàng, nhắc nhở. Thí dụ trong mục “Mỗi tuần một chân dung vui”, tôi ghép nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn với một em ăn mặc nhà nghèo. Thế là điện thoại của Nhàn gọi đến: “Anh Nhương ơi, anh bỏ ngay cái ảnh đó đi, cả nhà tôi đang sôi lên đây”. Thế còn thơ có vấn đề gì không ? “Thơ thì hay rồi”. Tôi liền ghép Nhàn cưỡi trâu, trông rất ngộ nghĩnh. Nhàn gọi điện “đẹp quá, nhưng cái ảnh hôm nọ anh in cho Nhàn một cái kỷ niệm”. Nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn khi thấy mình đứng giữa 2 em “mát mẻ” đòi tôi xoá ngay vì sợ ảnh hưởng tới “thương hiệu” của anh. Nhà thơ Văn Công Hùng, một đại gia làng blog điện thoại kêu lên: Ối trời ơi, bác lại để cái bản mặt của em vào “ngã ba SS” thì vợ con em nó chửi bác đấy. Chả là trong ảnh tôi ghép Văn Công Hùng với một em rất xinh nhưng mặc y phục “hoàng đế”, mặt anh hơi bị gần vùng “nhạy cảm”. Thế là tôi lại mở photoshop đưa cái mặt Văn Công Hùng đi chỗ khác. Hôm tháng 5 -2008 tôi đi du lịch Malay, vừa đến sân bay Nội Bài thì nhận được điên thoại của nhà văn Phong Điệp, người chủ của web Phongdiep.net. Chị bảo chú hạ ngay bài Hội đồng…họp báo xuống hộ cháu. Chả là tôi cóp bài đó từ web phongdiep.net nên chị yêu cầu là phải làm thôi. Tôi nói vì đang ở sân bay, khi vào Sài Gòn có wifi sẽ hạ. Đến Sài Gòn, trong lúc chờ chuyển máy bay, tôi vào phòng khách và mở mạng, gỡ bài. Vừa làm xong thì nhà ga gọi khách ra sân bay. Còn nhiều chuyện vui buồn chủ web nhưng tựu chung thế giới mạng đã cho chúng ta rất nhiều tiện ích, cho nhà văn chúng ta thân gần với bạn đọc, nắm bắt được thị hiếu và nhu cầu của họ. Hiện nay nhiều nhà văn có website, có blog đã tạo thành một phương tiện xuất bản có tính cập nhật đời sống rất hữu ích…Trang web thật sự là một diện mạo của chủ nhân, không phải thế giới ảo mà anh có thể viết gì cũng được. Giữ được bản ngã của mình, giữ được chân người đọc không phải dễ. Hồi năm ngoái tôi và 4 nhà văn đi Mông Cổ, đi đến đâu tôi cũng có bài viết, chụp ảnh và kịp thời cho lên web nên gia đình tôi và gia đình các thành viên hàng ngày vào web của tôi là biết được mọi chuyện của người đi xa. Ngày xưa các cụ bỏ bút lông sang bút sắt là một cuộc cách mạng. Ngày nay các nhà văn bỏ cây bút bi, bút máy để gõ trên bàn phím là một cuộc đại cách mạng chưa từng có. Rất ngạc nhiên là nhiều văn nhân còn ngoảnh mặt đi với công nghệ thông tin, đó là một thiệt thòi và tụt hậu không sao bào chữa được…
Bài in trên báo Văn nghệ trẻ số Tết Kỷ Sửu |