Trang chủ » Tôi có ý kiến

Đi một ngày đàng ghi mấy trang văn

Trần Nhương
Thứ hai ngày 15 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
    Chuyến về nguồn của các nhà văn đại diện cho văn nhân khắp các chi hội, vùng miền cả nước bắt đầu từ chủ nhật 15-4-2007.  Đầu tiên chúng tôi về xã Gia Điền huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ. Nơi đây vào những năm 1948 là trụ sở của nhiều cơ quan như Trường thiếu sinh quân, Kho bạc, Trạm thương binh và đặc biệt tại đây số báo Văn Nghệ kháng chiến ra số đầu tiên. Các nhà văn, nhà thơ lớn của của chúng ta như Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Xuân Sanh, Kim Lân, từng ở đây và sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng như Bầm ơi, Bà bủ (thơ) của Tố Hữu, Trường ca sông Lô (nhạc) của Văn Cao…

    Từ Gia Điền chúng tôi theo con đường qua Thác Bà sang Tuyên Quang để ngày 16-4 dự Hội nghị công tác hội viên và chi hội họp tại trụ sở Hội Văn nghệ Tuyên Quang. Chiều 16-4 sau hội nghị chúng tôi tới Tân Trào thăm nơi họp Quốc dân đại hội và lán Nà Lừa nơi Bác Hồ từng ở một thời gian. Cuối chiều chúng tôi vượt đèo De chừng 8 km sang ATK (An toàn khu) Định Hóa, Thái Nguyên. Khu di tích ATK mới được xây dựng rất khang trang. Đặc biệt trên đồi cao tọa lạc một ngôi nhà mái cong rất đẹp theo kiểu kiến trúc đình chùa. Cô Hồng Diệu một hướng dẫn viên cho chúng tôi biết đó chính là nhà tưởng niệm Bác Hồ, do nhân dân Hà Nội tặng khu di tích Thủ đô gió ngàn. 

  Theo chương trình chúng tôi vào nhà tưởng niệm dâng hương. Trước lúc bắt đầu lễ dâng hương, nhà thơ Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh thỉnh chín tiếng chuông. Tiếng chuông ngân vang như thức tỉnh cả buổi hoàng hôn ATK. Tưởng niệm xong chúng tôi đi xem các hiện vật về Bác được trưng bày tại đây. Phải nói công trình được xây dựng rất đẹp, rất công phu, tạo một điểm nhấn cho khu di tích. Tôi và các văn nhân xem đôi câu đối viết quốc ngữ : 

     Thâu hết tinh hoa kim cổ lại                

     Xây cao văn hiến nước non này 

 Chúng tôi tìm tên tác giả, thú thật chúng tôi không tin rằng đó là của Giáo sư khả kính Vũ Khiêu. Mọi người bàn tán hình như câu đối không được chỉnh lắm. Thôi chuyện niêm luật của câu đối chúng tôi không thạo, chữ nghĩa chả có mấy nên không dám lạm bàn. Ở đây tôi chỉ xin bàn về ý nghĩa, câu chữ của đôi câu đối .   

  Trước hết phải xin lỗi giáo sư Vũ Khiêu, tôi là kẻ hậu sinh nên có điều gì chưa phải xin ông lượng thứ. Và sự bàn bạc, trao đổi xin được bình đẳng và chỉ khuôn vào câu chữ của đôi câu đối này.

  Sinh thời Bác của chúng ta là một người thanh cao, uyên thâm mà cực kỳ giản dị. Người với dân thường không có khoảng cách, Người khiêm nhường, nhã nhặn, không bao giờ cho mình là vĩ nhân. Bác đi chống hạn, đạp cọn nước cùng dân; Bác ăn cơm nắm dọc đường đi công tác; Bác ăn mặc đơn sơ, nâu sồng dân giã; Bác ở nhà sàn không giường nệm cầu kỳ; Bác dùng cái quạt lá gồi; Bác đi đôi dép lốp. Bác nói tiếng của dân không văn chương hào nhoáng mà thấm vào lòng người. Có thể nói Bác vĩ đại chính là sự giản dị, khiêm nhường. Bác luôn nhận mình là công bộc của dân và dạy cán bộ dưới quyền như thế. Bác coi mình là người học trò nhỏ của các bậc hào kiệt tiền nhân. Chính vì phẩm hạnh, vì đức độ, vì tư tưởng của Bác mà tôi thấy đôi câu đối hình như không hợp với cốt cách Hồ Chí Minh.

 1-  Thâu hết tinh hoa kim cổ lại  /  Xây cao văn hiến nước non này, chắc là Giáo sư tôn vinh Bác là người uyên bác có thể thâu tóm toàn bộ tinh hoa kim cổ lại. Chúng ta tin rằng Bác không coi mình là một người như thế. Bác mà thâu hết tinh hoa kim cổ thì các vĩ nhân khác trên trái đất này sẽ là gì ? Con người dù vĩ đại đến mấy cũng vẫn là hữu hạn. Bác của chúng ta không phải con người tự phụ như vậy. Khi gặp các chiến sỹ về giải phóng thủ đô năm nào tại Đền Hùng, Bác nói:” Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước “. Bác là thế, khiêm nhường coi mình ngang cùng các chiến sỹ. Đành rằng câu đối này là sự tôn vinh mà con dân chúng ta dành cho Bác. Nhưng khi đã ca ngợi Bác mà Bác vốn không phải như thế thì e rằng khiên cưỡng. Văn hiến nước ta có bề dày từ mấy ngàn năm, bao thế hề nối tiếp nhau xây đắp nên. Tôi hiểu Văn hiến là cái bề sâu, là trầm tích, là hữu hình là vô hình, là vật thể là phi vật thể thì dùng từ xây liệu có hay, có đắt không ? Bác không bao giờ cho mình là người độc nhất xây cao văn hiến. Theo tôi Bác là người vĩ đại biết tiếp thu, biết phát triển tinh hoa kim cổ, văn hiến, biết vận dụng nó trong việc xây dựng nền dân chủ cộng hoà. Bác dù vĩ đại đến đâu cũng là người dân đất Việt, cũng có tuổi thơ thấm đẫm văn hoá làng quê mà lớn lên. Bác không bao giờ cho mình ở trên tất cả mà Bác luôn luôn ở trong tất cả. Cái vĩ đại của Bác là một bông hoa đẹp trong vườn hoa chứ không phải bông hoa trong bạt ngàn lau sậy. Vậy mà câu đối này đã coi Bác  như một siêu nhân, như không phải từ nhân dân mà ra.

  2-  Với công ơn của Bác, với cốt cách của Bác tôi nghĩ nên dùng câu chữ khiêm nhường, giản dị chứ không phải chữ nghĩa to tát như vậy. Chúng ta tôn vinh Bác nhưng không đẩy Bác thành một đấng siêu nhân xa lạ. Tôi không biết hết về câu đối nhưng thấy các câu đối ở đền đài, miếu mạo tôn vinh các bậc hào kiệt anh hùng của đất nước đều giản dị và nêu bật được nét riêng của người được tôn vinh. Nếu mang câu đối trên đây gắn cho Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… chắc cũng không thay đổi bao nhiêu. Tôi nhớ có một câu nói của ai đó đại ý: Phật là mẹ ta, bà ngoại ta trên toà sen; mẹ ta, bà ngoại ta là Phật trên đồng ruộng.

   3-  Tôi cứ thấy hai vế của câu đối có gì không ổn : Thâu hết tinh hoa kim cổ lại mà đối là Xây cao văn hiến nước non này. Với sự uyên thâm của Giáo sư thì tôi nghĩ sẽ có nhiêù câu chữ đắt hơn. Tất cả câu chữ câu đối tôi cảm thấy mòn và sáo nếu không nói là lạnh lùng, thiếu sự chân tình đầm ấm như tính cách con người của Bác.   

  Khi tôi trao đổi về câu đối này, nhà văn Nguyễn Khắc Phục góp thêm một ý sau đây: Không ai dùng chữ cổ lại liền nhau vì đây là hai chữ trong tứ chứng nan y là phong-lao-cổ-lại ( tức là bốn bệnh khó chữa là  phong (hủi), lao (bệnh lao) ,cổ (sơ gan cổ chướng), lại (ung thư). Mặc dù Giáo sư dùng chữ Việt nhưng khi đọc lên vẫn là âm cổ lại… 

   Từ hôm ở ATK về tôi cứ nghĩ ngợi mãi nên nói hay không nên nói bởi vì câu đối ở nhà tưởng niệm Bác người ta hay coi là một giá trị bất biến. Nhưng không nói thì canh cánh trong lòng với một điều chưa trọn vẹn. có một thời chúng ta còn sửa cả Quốc ca, hiến pháp cũng thường xuyên sửa đổi để phù hợp cuộc sống, thì một câu đối sao ta không sửa để hoàn thiện hơn. 

    Không biết ý kiến của tôi có chính xác hay không. Tôi cứ mạnh dạn trao đỏi với Giáo sư và các bạn. Rất mong được sự chỉ bảo chân thành…