LBT: Bài báo này tôi in trên báo Tiền Phong chủ nhật ngay sau khi bế mac Đại hội Hội Nhà văn lần thứ 7.
Đại hội toàn quốc hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII đã kết thúc nhưng dư luận vẫn chú ý đến việc bổ sung BCH Hội có nên nệ vào số lượng?
Thế là Đại hội VII Hội Nhà văn Việt Nam đã khép lại với bao nhiêu vui buồn lẫn lộn.
Vui vì thế là xong cái việc mà 5 năm chờ đợi, 5 năm văn chương tỏ mờ giữa bộn bề cuộc sống, 5 năm ám ảnh một khát khao xanh ngát chân trời. Và lại chờ đợi, hy vọng ở 5 năm đang tới. Thế là xong một việc, thở phào một cái.
Nhưng cũng buồn. Năm năm có một lần đại hội mà đại hội của thế kỷ 21 chẳng hơn gì đại hội ở thế kỷ 20, nếu không nói là còn kém hơn. Vẫn một bài bản cũ, vẫn như kịch bản 6 đại hội trước và vẫn như gần nửa thế kỷ từ ngày thành lập Hội (1957).
Thế cho nên có người mới nói rằng chính nhà văn các anh là những người bảo thủ vào loại nhất nhì thiên hạ! Nhà thơ Trần Nhuận Minh có nói ở Đại hội khu vực phía Bắc tại Yên Bái ngày 21/2/2005 rằng, nhà văn là những người văn hoá đẳng cấp cao. Qua đại hội VII tôi thấy nhận định này chưa phải đã chuẩn hoặc là chí ít thì “văn hoá đại hội chưa cao”. (Tôi bắt chước người ta cái gì cũng gắn hai từ văn hoá, thí dụ như văn hoá tranh luận, văn hoá họp, văn hoá ẩm thực... rồi có khi sẽ có văn hoá bún ốc).
Hay là giới văn nhân cũng nhiễm cái bệnh kỳ lạ của cơ chế bao cấp để lại là nhiều đại hội ở mình chả mấy quan tâm đến những đề án, đến mục tiêu, cương lĩnh - cái cần nhất cho uy tín một tổ chức - mà người ta tập trung trí lực vào việc nhân sự.
Trước khi bế mạc đại hội, Chủ tịch Hội tuyên bố ý định bổ sung BCH. Theo Điều lệ của Hội vừa được đại hội thông qua thì chỉ bổ sung được 10%, vị chi là bổ sung được 0,6 người, làm tròn số là 1 người. Vậy là phương án bổ sung thêm một vị có phải là phương án tối ưu không? Hay là thiếu một người thì 6 vị đích thân do đại hội bầu ra không thể làm việc được?
Một cây không thể nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao, mà đây đã có 6 cây tươi tốt, khai hoa kết quả bao mùa văn chương. Có thể nói 800 đôi mắt đổ dồn xem các động thái của BCH. Bổ sung theo tiêu chí nào: Vùng miền? Dân tộc? Năng lực? Liệu kết quả bầu cử vừa rồi có được BCH xem xét hay không?
Tôi nghĩ đương sức ép rất lớn với BCH, chỉ cần thiếu tỉnh táo một chút là mất lòng tin của hội viên. Bởi vì hơn 800 hội viên, đại hội 13 khu vực suốt từ Bắc vào Nam bầu và cử được hơn 500 đại biểu, Đại hội toàn quốc 3 ngày họp, 2 lần bầu chỉ được 6 ủy viên BCH. Sáu vị này là 6 đại cử chi, thay mặt cho cả hơn 800 hội viên, suốt 5 năm chờ đợi để tụ hội để chọn lựa được những người ưu tú nhất lãnh đạo Hội.
Kỳ khu như thế nên các hội viên gửi gắm ở BCH rất nhiều. Kỳ khu như thế nên 6 vị trong BCH chỉ trong một phiên họp có thể thay cả một dây chuyền công nghệ đại hội vừa rồi thì phải cân nhắc kỹ lưỡng là điều đương nhiên. Sức ép là điều đương nhiên.
Theo thiển nghĩ của tôi cứ theo phương châm “Tự nhiên như nhiên”, Đại hội đã bao công lênh tín nhiệm được 6 vị thì cứ yên vị như thế là hay nhất. Vấn đề không nên nệ vào số lượng mà nên tìm cách tổ chức làm việc cho hiệu quả, nên xã hội hoá Ban Chấp hành với các cơ quan tham mưu, các cơ quan ngôn luận của mình.
Thành phần BCH vừa có sự từng trải, kinh nghiệm vừa có sức trẻ, tâm trí có dư thì hà cớ chi cứ phải thêm 1. Có người cho rằng chẵn thì khó biểu quyết, chả lo, cứ đoàn kết, cứ đồng thuận thì việc gì chả xong.
Trời sinh ra vợ chồng chỉ có một đôi, (thi thoảng có số lẻ) mà các cụ bảo “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Đại hội vừa rồi để có 6 ủy viên BCH, anh em, bạn bè, đồng nghiệp bị bao nhiêu tổn thương, dằn hắt nhau, ân oán nhau thì bây giờ có nên động vào khu vực dễ sóng to gió cả này không? Khoá VII này ta chơi chẵn xem sao, có khi văn chương lại có luồng sinh khí mới.
Sáu vị ủy viên thừa thông minh để tìm phương án tối ưu. Điều vui mừng là hội viên ta rất quan tâm đến hoạt động của Hội, của BCH nên rất nhiều ý kiến đóng góp và đây cũng là một ý kiến trong tám trăm đôi mắt đổ dồn...