Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ỨNG VIÊN HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: NHỮNG ĐIỀU NGỘ NHẬN

Phạm Thành Chung
Thứ sáu ngày 13 tháng 11 năm 2009 4:34 PM
 
Nhiều người đã biết, các Hội đồng chuyên môn và các Ban Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam vừa tiến hành xong đợt bình xét kết nạp hội viên mới. Trong số gần 600 đơn xin gia nhập Hội, họ đã "gút" lại 131 người để tiến cử cho Ban Chấp hành Hội quyết định vào tháng 12 tới. Như vậy, ở vòng sơ khảo, ít nhất cũng đã có trên 400 tác giả bị gạt ra ngoài cuộc "so găng".
 

Người viết bài này rất tôn trọng ý nguyện được đứng trong hàng ngũ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của một số tác giả. Song qua thực tế, điều có thể nhận thấy trước nhất: Không ít người đã thiếu một cách nhìn tỉnh táo trong vấn đề này. Họ đã có những ngộ nhận và vì thế, với họ, việc xét kết nạp hội viên của các Hội đồng chuyên môn, các Ban Văn học, cũng như của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam luôn khiến họ... ngỡ ngàng!
 
Điều "ngộ nhận" trước nhất của một số tác giả có đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam là những nhà văn ký giới thiệu trong lá đơn của họ càng...tên tuổi thì họ càng dễ được kết nạp. Không biết thời còn bao cấp thì uy lực của những chữ ký ấy thế nào, chứ thực tế bây giờ, ta có thể nói sòng phẳng với nhau rằng, việc ai giới thiệu ai chỉ còn thuần túy mang ý nghĩa thủ tục. Nó ít có giá trị "đảm bảo" lắm.
Cách đây mấy năm, tôi từng đọc trên báo An ninh Thế giới Cuối tháng một bài viết cho thấy: Có những tác giả, mặc dù đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam được những bậc cây đa cây đề như Huy Cận, Tô Hoài "bảo lãnh", vậy mà vẫn...trượt như thường. Thậm chí là trượt hết năm này tới năm khác! Đến độ, nhà thơ Huy Cận khuất núi đã mấy năm rồi mà tác giả nọ vẫn còn lưu lại trong danh sách...ứng cử viên.
 
Nhưng thôi, chẳng nói chuyện đâu xa, vừa rồi, nhân đọc trên trang điện tử vanvn.net (của Hội Nhà văn Việt Nam), tôi bắt gặp trường hợp tác giả Đặng Văn Lung, sinh năm 1937 (địa chỉ: Viện Văn học), làm đơn vào Hội qua "cửa" lý luận phê bình. Theo thông tin trên trang điện tử này cho biết thì tác giả Đặng Văn Lung được những... 4 người giới thiệu vào Hội, mà toàn các vị "oách" cả. Đó là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học: Hoàng Trung Thông, Vũ Đức Phúc, Hà Minh Đức, Phương Lựu.
 
 
Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam họp bình xét kết nạp hội viên. (tháng 10/1009).
 
 

Có thể có người đọc thông tin trên, cho rằng tác giả Đặng Văn Lung thích chơi "trội", người ta chỉ cần 2 người giới thiệu là đủ, nay ông chơi tới 4, đông gấp đôi? Tôi thì tôi đồ rằng, có thể ban đầu tác giả Đặng Văn Lung chỉ nhờ cậy tới 2 người là cụ Hoàng Trung Thông và cụ Vũ Đức Phúc, nay thì cụ Hoàng Trung Thông đã về nơi chín suối, nên, để "cập nhật", ông Lung mới cậy nhờ tới 2 giáo sư: Hà Minh Đức và Phương Lựu. Không rõ sự thể có phải như vậy? Song dù thế nào thì với việc người giới thiệu là cụ Hoàng Trung Thông cũng đủ cho ta thấy ông Đặng Văn Lung có đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam từ quá lâu rồi. Bởi nhà thơ Hoàng Trung Thông ra đi tới nay cũng đã được... 16 năm.
 
Ngoài sự "ngộ nhận" về tên tuổi của người giới thiệu, không ít tác giả lại cho rằng, được giới thiệu bởi chính những người đang có chân trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam mới thực được đảm bảo, coi như "một công đôi việc", và chỉ việc kê cao gối ngủ, không phải lăn tăn gì. Phải nói họ đã rất nhầm trong việc ký thác niềm tin theo kiểu này.
 
Năm ngoái, nhân cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Trí Huân - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xoay quanh việc kết nạp hội viên, tôi đã được ông cho hay: "Khi xét kết nạp, anh em trong các Hội đồng cũng ít căn cứ vào tên tuổi người giới thiệu, bởi họ hiểu việc làm này thường xuất phát từ sự nể nang. Chẳng hạn, có mấy nhà văn khi được nhờ đứng tên giới thiệu mà lại từ chối đâu". Và nhà văn Nguyễn Trí Huân thổ lộ: Như ông, nếu anh em quen biết có nhờ đứng tên giới thiệu, ông cũng không nỡ chối từ. "Thế nên mới có chuyện, có những trường hợp, cả tôi và bác Thỉnh (nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội - NV) giới thiệu, mà vẫn trượt".
 
Điều nhà văn Nguyễn Trí Huân tiết lộ có thể chứng thực ngay bằng một ví dụ "nóng hổi". Trên vanvn.net cách đây ít tháng có giới thiệu trong mục "Tác giả đang có hồ sơ xin vào Hội" trường hợp tác giả Nguyễn Bá Đắc, sinh năm 1931, với tên 2 nhà văn "bảo lãnh" cho ông là Thanh Quế và Nguyễn Trí Huân (ông Thanh Quế từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI). Vậy mà, trong danh sách 131 tác giả được các Hội đồng, các Ban Văn học "gút" lại đưa lên Ban Chấp hành xét duyệt kỳ này, không thấy có tên ông Nguyễn Bá Đắc.
 
Lại có những tác giả rất tự tin mà ngộ nhận rằng, việc xứng đáng hay không xứng đáng trở thành Hội viên Hội Nhà văn đều là những thứ có thể đo được một cách dễ dàng. Như tác giả Trần Xuân An đã rất tự tin gửi bài viết "Kết nạp hội viên mới, lộ trình dân chủ - công khai nên chăng cần hoàn thiện thêm" cho trang web của một nhà văn trẻ, đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam nên công khai danh sách các tác giả đã được các Hội đồng tiến cử lên Ban Chấp hành Hội vì "mọi người cầm bút, người đọc và toàn xã hội đều cần được cung cấp thông tin cụ thể về vòng sơ tuyển vừa qua".
 
Để làm gì? Theo ông Trần Xuân An là để "các thành viên Ban Chấp hành mới có thể cẩn trọng nhiều lần hơn, và do đó mới công bằng, sáng suốt". Phải thừa nhận, ông Trần Xuân An rất tâm huyết với vấn đề này nên mới suy nghĩ lao lung như vậy.
Kỳ thực, đối với vấn đề xét kết nạp hội viên, "người đọc và xã hội" cũng không thật chú ý lắm đâu. Còn với các thành viên Ban Chấp hành Hội, đừng nghĩ rằng mình thế này, tác phẩm của mình thế này, thì đương nhiên họ phải biết đến.
 
Ông Trần Xuân An tự tin khẳng định: "Cũng như một ít người, tôi vượt tiêu chuẩn khá xa". Tiêu chuẩn ấy, theo ông Trần Xuân An là "tiêu chí chất lượng và số lượng ở danh mục sách xuất bản". Ở đây, có thể thấy ông Trần Xuân An còn hơi ngây thơ và mơ hồ về vấn đề này. Về tiêu chí chất lượng thì để người ngoài bình xét, như vậy mới khách quan, chứ không dễ hóa "văn mình vợ người" lắm. Còn về số lượng thì sự thực, với tác giả tài năng, chỉ cần có 2 đầu sách là đủ để được xét vào Hội. Nhiều mà không hay không khéo lại "lợi bất cập hại".
 
Một điều "ngộ nhận" nữa của một số tác giả có đơn xin gia nhập Hội Nhà văn là họ thường nghĩ rằng, thành viên trong các Hội đồng phải có trách nhiệm biết đến tác phẩm của họ, biết đến năng lực của họ. Về lý thuyết thì như vậy, song thực tế chúng ta đều biết, sách báo hiện nay được in ra rất nhiều. Sự phát hành lại rất manh mún, nhiều khi địa bàn nào biết địa bàn ấy.
 
Hơn thế, các thành viên trong các Hội đồng, các Ban Văn học, kể cả trong Ban Chấp hành Hội đa phần đều kiêm nhiệm. Bởi vậy, thời gian để họ đầu tư vào việc đọc và tìm hiểu về các tác giả chắc chắn không được nhiều. Cho nên, nếu các tác giả tài năng không thật đột biến, trở thành một hiện tượng văn học thì việc bị "bỏ sót" là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
 
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, hiện là Phó Ban Nhà văn Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam - trong một bài trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong cách đây ít ngày đã nhận xét rằng, việc ai đó mơ ước về một Hội đồng có thể đánh giá chân xác, vô tư về năng lực của tất cả những người sáng tác trong cả nước thì Hội đồng đó "phải gồm các... thiên thần trên đỉnh Olympia”.
 
Vả chăng, có những Hội đồng, theo tôi biết có người trước đây từng không bỏ phiếu kết nạp hội viên cho một người khác hiện cũng tham gia Hội đồng với họ. Điều đó chứng tỏ đến bản thân họ còn chưa "thừa nhận" nhau, thì việc giữa họ có độ "vênh" nào đó trong thẩm định giá trị của một tác giả mới có đơn xin gia nhập Hội, âu cũng nên xem là chuyện bình thường.
 
Một điều nữa thiết nghĩ cũng không thể không nói: Ấy là, có những tác giả làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam và đòi hỏi rằng, các thành viên trong các Hội đồng, các Ban Văn học, trong Ban Chấp hành Hội phải có trách nhiệm biết đầy đủ, biết cặn kẽ các tác phẩm đã xuất bản của mình, biết và đánh giá "chính xác" về "văn tài" của mình, song trong thực tế, họ lại gần như chẳng bao giờ chịu đọc ai.
Khi có ai đó nhắc họ nên tặng sách người này, người khác - những vị có vai trò trong việc bỏ phiếu xét kết nạp hội viên, bấy giờ họ mới ề à hỏi ông ấy là ông nào, viết văn hay làm thơ. Rồi thì, thay vì ghi tên ông nhà văn đó là Cao Tiến Lê, họ lại ghi là Cao Tiến Lên, thay vì ghi nhà văn đó là Trung Trung Đỉnh, họ lại ghi là Chung Chung Đỉnh. Thử hỏi, đến những vị nổi tiếng trong làng văn như vậy, mà họ còn biết một cách rất lỗ mỗ như thế, đòi hỏi làm sao những người "cầm cân nảy mực" kia nhất nhất phải biết đến văn nghiệp của họ?
 
 
Nguồn: CAND