Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

'MÔT CHÚT" GIẬT MÌNH, "MỘT CHÚT" GỬI GẮM

Nguyễn Khắc Phục
Thứ bẩy ngày 14 tháng 11 năm 2009 5:51 PM
 
Từ bài thơ đầu tiên tôi được nghe của Dương Đức Quảng trên chiến trường Quảng Đà, đến tập thơ đầu tiên của anh tôi được cầm trên tay trong một ngõ hẻm nằm giữa lòng Hà Nội, gần nửa thế kỷ đã trôi qua!
Cầm tập thơ Một chút của Dương Đức Quảng trên tay, tôi thoáng giật mình. Một tập thơ như mọi tập thơ khác được in ấn những năm gần đây, bìa trang nhã, giấy tốt, phần đầu có tựa, có ảnh, trích ngang tiểu sử và vài lời tự bạch của tác giả, phần giữa in thơ, phần cuối trích ý kiến của một vài nhà nghiên cứu - lý luận có uy tín nghề nghiệp và bạn bè của tác giả… Nghĩa là tôi không giật mình bởi chính quy mô, hình thức và bố cục của tập thơ.
Mà giật mình về cảm thức thời gian bàng bạc và tàn khốc.
Trời ơi, một chút mà đã ba-mươi-tư-năm kể từ lần đầu tiên tôi được gặp và làm quen với tác giả Một chút tại Ban tuyên huấn Khu 5 (bây giờ cái mật danh Làng Tuyên của cơ quan nói trên đã trở nên quá thân thuộc với tất cả chúng tôi như tên một ngôi làng quê nào đó mà chúng tôi được sinh ra, được bà mụ đỡ, cắt rốn bằng cật tre già và bố chúng tôi tự tay đem cái cuống rốn ấy chôn xuống dưới một gốc ổi, nhãn hay mít gì đó).
Khi ấy-1972, Dương Đức Quảng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường Khu 5, tôi là nhân viên ở Tiểu ban Văn nghệ Giải phóng. Quảng nhỉnh hơn tôi hai tuổi, nhưng cùng thích đấu hót, đánh cờ tướng, thích tha thẩn xuống đặc khu Quảng Đà, nơi tuy không còn ác liệt, gian khổ như những năm Mậu Thân - Kỷ Dậu (1968-1969), nhưng cũng đủ dữ dội để khá nhiều anh em, đồng nghiệp của chúng tôi đã phải đổ máu và hy sinh… Thế cũng là quá đủ để chúng tôi đánh bạn với nhau.
Và đó cũng là lần đầu tiên tôi được Quảng đọc cho nghe bài thơ Gửi dòng sông thân yêu của anh, lúc ấy bài thơ dường như mới nhú lên trong tim, óc Quảng, đúng hơn đó mới là một bào thai thơ. Nghe xong, tôi cảm động thật sự. Xin nói ngay, chẳng riêng lúc ấy, ngay đến tận bây giờ, tôi vẫn không có nổi một ý niệm nào rõ ràng, nhất quán và sâu sắc về nghệ thuật thơ ca, từ thi pháp, vần điệu, thức biểu đạt, niêm luật đến các quan niệm, chủ nghĩa này khác liên quan đến Nàng Thơ.
Vậy thì nỗi cảm động của tôi không nảy sinh từ sự am hiểu, lịch lãm nghề nghiệp của một người làm thơ, mà đơn giản vì bài thơ nói đến một mảnh đất và con sông tôi cũng yêu thiết tha, gắn bó không ít hơn Dương Đức Quảng, với một lối bày tỏ giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ thấm. Tôi thuộc ngay vài khổ đa cảm nhất trong bài thơ đó, cứ như chính tôi đẻ ra chúng.
Tôi cứ nghĩ về một dòng sông trong xanh
Nơi có con đò trong câu ca thuở trước
Cái bến sông mòn trong mắt người quen thuộc
Bãi cát vàng in dấu chân em tôi…
 
Dòng sông Thu Bồn gợi đến nơi xa
Những tên đất chưa quen bỗng thành thân thuộc
Bến Hục, Giảng Hòa, Bảo An, Thượng Phước…
 
…Rồi sẽ trở lại đây ngày mai
Tôi xin gửi dòng sông này tất cả
Dòng sông thân yêu, dòng sông kỳ lạ
Đi suốt cuộc đời vẫn tình yêu đầu tiên…
Thế đấy, từ bài thơ đầu tiên tôi được nghe của Dương Đức Quảng trên chiến trường Quảng Đà, đến tập thơ đầu tiên của anh tôi được cầm trên tay trong một ngõ hẻm nằm giữa lòng Hà Nội, gần nửa thế kỷ đã trôi qua! Cái một chút đó khiếp thật. Một chút gì mà từ khi hai thằng còn thuộc diện B trọc, ăn không biết no, ngủ không biết chán, đánh cờ với nhau, cả Hồ Hải Học, Hồ Duy Lệ, khi mất quân, bị chiếu bí đòi đi lại, cãi nhau như mổ bò trên đỉnh Hòn Tầu, để rồi đại sư huynh Nguyễn Đình An tự tay pha, bưng một lon ghi-gô đựng cà phê nóng hổi cho mấy thằng nhấm nháp khoái trá, đùng một cái bom rải thảm nổ ầm ầm trên đầu, chui tuột vào hang đá vẫn chưa hết cơn thơ thẩn, đợi tạnh bom, xuống căn cứ của Ban đấu tranh chính trị đóng dưới vùng sâu Duy Xuyên, gặp một em giao liên thành phố xinh như mộng nhưng bàn tay phải chỉ còn bốn ngón sau một vụ dính mìn clây-mo, mắt con trai cứ nhớn nhác, tim véo von những lời có cánh mà mồm hở ra là nghị quyết đấu tranh chống tam giác chiến, nhiệm vụ giành dân, phá ấp chiến lược, phát huy truyền thống Quảng Nam - Đà Nẵng Trung dũng - Kiên cường, đi đầu diệt Mỹ…
Vậy mà bây giờ, cái thằng viết Một chút đã thành ông nội, đã kịp làm Phó ban Biên tập tin trong nước, Phó Tổng biên tập Báo Tuần tin tức của Thông tấn xã Việt Nam (đến năm 1992), Vụ trưởng Vụ Thông tin - Báo chí, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Báo chí Văn phòng Chính phủ, Tổng Biên tập trang tin điện tử của Chính phủ (đến năm 2005), và nay đã thành quan hưu.
Còn cái thằng tôi, được tặng và đọc Một chút, cũng đã ba lần mặc váy hoa bệnh viện, trèo lên bàn mổ xoành xoạch như trèo hái trộm ổi, nhãn nhà chùa ngày xưa, và cũng đã kịp làm thơ tự mừng mình lên lão sáu mươi!
Hèn nào không giật mình trước cảm thức thời gian bàng bạc và tàn khốc!
Vậy là để có một chút:
Chỉ còn một chút này thôi
Xin dành để tặng những người tôi yêu…
là quãng thời gian của gần cả đời người!
Dương Đức Quảng, người quả quyết không bén mảng đến ngồi cùng chiếu với các thi sĩ chuyên nghiệp (…Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là nhà thơ và sẽ in thơ thành tập-DĐQ), phải kinh qua bao nhiêu đổi dời, vật vã, buồn vui để chế tạo ra món quà tình cảm Một chút tặng những người thân của mình thay những cái phong bì mừng tuổi năm mới Bính Tuất?
Có lẽ nhà thơ không tự coi mình là nhà thơ Dương Đức Quảng cũng giật mình như tôi trước cái một chút của mình? Âu đó phải chăng cũng là cái lý khiến cho Dương Đức Quảng không sắp xếp tập thơ đầu tiên (và duy nhất cho đến nay của anh) theo thứ tự thời gian, mà chia làm hai phần theo những chủ đề (Phần đầu là miền ký ức để tôi đi về, chủ yếu dành tình cảm của mình cho Quảng Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng và Khánh Hòa. Tiếp đó là những bài tôi viết về quê tôi, làng Vực Trường nhỏ bé bên bờ sông Thao, Phú Thọ, về Hà Nội, về những người thân, về những cảm xúc đời thường chợt đến chợt đi…- DĐQ).
Tôi cảm động và cảm nhận bạn tôi thấm thía hơn khi anh viết những câu thơ bộc bạch và chất phác:
Thơ là hạnh phúc nhân đôi
Là miền ký ức để tôi đi về…
Thật lòng tôi canh cánh điều này, đi về miền ký ức thoạt nhìn tưởng toàn là mơ mộng, âu yếm, thanh thản, nhưng đi thật sâu, thật xa, có khi đụng đến vỉa nước mắt? Như một câu thành ngữ tôi nghe lỏm từ miệng anh lính lê-dương gốc Ba Lan trong phim Điện Biên Phủ: Đời là củ hành, càng bóc càng cay, bóc đến lõi thì trào nước mắt.
Tôi tha thiết tin điều này: Sẽ có nhiều bạn đọc thơ Quảng không làm Quảng phải rất buồn như bạn tâm tình:
Nếu ai đó đọc thơ tôi
Đọc xong vô cảm thì tôi rất buồn…
 
   Ngõ Dã Tượng, trắng đêm 13 Tết
Ảnh: trái sang Nguyễn Khắc Phục, Dương Đức Quảng, Thanh Quế, Trần Vũ Mai tại chiến trường Khu V
Nguồn: http://vn.myblog.yahoo.com/dd_quang1945