Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THỦY ĐIỆN CÓ VÔ CAN ?

Văn Phạm
Thứ sáu ngày 13 tháng 11 năm 2009 3:54 AM

 

Thuỷ Điện (TĐ) ở ta có biết ăn thịt người? Đó là một câu hỏi sóc, nhưng trước cái chết oan uổng của hàng trăm dân lành, chỉ trong 2 trận bão… không thể không bức xúc. Cũng như không thể hài lòng với những lập luận của người đứng đầu chính phủ có trách nhiệm trước dân như kiểu: “việc điều tiết xả lũ của tỉnh Phú Yên đối với hai hồ chứa thủy điện trên địa bàn trong cơn lũ này là hợp lí…”. Hay như: “tôi đã phải cử đoàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi tiền trạm, kiểm tra. Nếu nhà máy thủy điện làm sai quy trình thì tôi sẽ kỷ luật ngay để làm gương. Nhưng qua kiểm tra, xác định hồ thủy điện A Vương làm đúng quy trình….” (Lời ông Hoàng Trung Hải).

Ngay như việc xả lũ vô tổ chức trong trận bão Mirinae (số 11) gây thiệt hại nặng nề ở Phú Yên. Đã được ông Võ Văn Tri, tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ trả lời khá thành khẩn với phóng viên báo Tuổi Trẻ rằng: “Trên sông Ba hiện có chín công trình thủy điện, đã có năm nhà máy chính thức hoạt động. Chưa bao giờ chúng tôi nhận được thông báo về kế hoạch xả lũ của họ. Hồ chứa nước của thủy điện Sông Ba Hạ là hồ chứa nước cuối cùng của các công trình bậc thang, trong khi nó quá nhỏ để tích nước cắt lũ mà phía trên thì họ có thể xả bất cứ lúc nào….”. Thế mà ông Phó TT Hoàng Trung Hải vẫn cho là “… quy trình vận hành liên hồ chứa, liên lưu vực – nơi có nhiều con sông cùng đổ vào – thì đúng là nhiều nơi ta chưa có. Nhưng tôi khẳng định không phải do vậy mà khiến lũ ngập”.

Tôi không phải là người có ăn học cao như ông Hoàng Trung Hải, lại chỉ là phó thường dân. Nhưng những gì tôi từng trải nghiệm trong những năm làm một số phim tài liệu khoa học về Thuỷ lợi và Thuỷ điện ở miền Trung trước đây, thì thấy khó mà lọt tai được những lời nói chủ quan và bạt mạng như thế của ông Phó TT. Để cho thật khách quan, tôi xin mạn phép trích ra đây những ý kiến của những người ở cơ sở và những nhà chuyên môn; những người từng có trách nhiệm đã nói với báo chí của nhà nước về vấn đề này!

Dư luận cho rằng Thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) ngập nặng bởi có sự góp phần của hồ thủy điện Sông Ba Hạ (Ảnh: Chinhphu.vn)
Những nơi nước gần chấm mái. (Ảnh: Nguyễn Huy Hoan)

Dư luận cho rằng Thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) ngập nặng bởi có sự góp phần của hồ thủy điện Sông Ba Hạ (Ảnh: Chinhphu.vn)

Thiết nghĩ, trước khi khẳng định lũ gây chết dân không phải do thủy điện, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phải tiến hành kiểm tra lại, từ người dân và cán bộ địa phương xem họ nói thế nào, báo cáo của các nhà máy điện có đúng không. …

Thực tế cho thấy thủy điện dưới 50MW thì phân cấp địa phương cấp phép. Các địa phương thời gian qua đều trải thảm đỏ, ưu đãi vượt quy định để thu hút vốn. … Làm thủy điện giờ là lĩnh vực siêu lợi nhuận nên cần phải có kiểm tra, giám sát thường xuyên để tránh việc tính đến lợi ích của thủy điện nhiều hơn lợi ích của người dân.

(NGÔ VĂN MIN – ĐB Quảng Nam)

Trước khi bão vào trước 2 ngày người ta thường phải xả lũ xuống cao trình thấp…. người làm thủy điện lại suy nghĩ nhỡ tôi xả trước mà trời không mưa hay mưa ít thì sao?

…những người phát điện đã đặt lợi ích của mình lên trên nên hành động theo kiểu cứ đợi từ từ xem sao. Khi lũ ào ạt về thì họ thấy lợi ích của mình không an toàn, họ buộc phải xả. Không xả thì vỡ đập mà vỡ thì còn chết nhiều hơn…

…khi ta lấy 1.000 ha làm lòng hồ thuỷ điện thì chúng ta còn mất thêm 1 đến 2.000 ha đất rừng hay nông nghiệp ở thượng nguồn vì người dân không có chỗ thì họ lại lên trên đó. Như vậy rừng còn quá ít… theo tính toán ban đầu có thể với diện tích rừng như vậy thì phải 1.000 năm mới có một trận lũ như vậy, nhưng do rừng bị tàn phá quá nhanh và quá nhiều nên hồ thuỷ điện đó chỉ chịu được lũ 10 năm thôi. Như vậy tất cả các quy hoạch, tính toán ban đầu đã bị phá vỡ.”

(Nguyễn Đình Xuân -ĐBQH)

Tôi cho rằng bất cứ một sự kiện gì diễn ra gây thiệt hại cho người dân thì phải xem xét lại toàn bộ những vấn đề của chúng ta.

Tôi không quan tâm đến việc có kiểm tra hay không mà tôi quan tâm đến việc quy trình đúng chưa. Nếu quy trình đúng rồi thì tôi chỉ cần nghe báo cáo chứ không cần kiểm tra thực tế. Vấn đề là quy trình đó chi tiết chưa, cụ thể chưa? Trước đây trên dòng sông đó có một hồ thủy điện thì quy trình thế này, anh chỉ tính cho một hồ thôi, giờ có 2-3 hồ thủy điện thì quy trình đã cập nhật chưa, cái trên xả thế nào, cái dưới xả ra sao, sự phối hợp thế nào?…

Tôi cho rằng quy trình vận hành các hồ thủy điện hiện nay chưa tốt, phải xem xét lại.

Cuối cùng vẫn là con người chứ không thể đổ hết cho khách quan. Dù là nguyên nhân khách quan thì con người cũng phải nhận thức được để có biện pháp phòng tránh.”

(TS TRẦN NHƠN -nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Thủy lợi)

“Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào đều khẳng định tất cả dự án thủy điện đều nằm trong quy hoạch và đều có ý kiến của các địa phương. Đúng là như vậy, nhưng vấn đề là chất lượng các quy hoạch ấy như thế nào. Với thủy điện vừa và nhỏ, thuộc thẩm quyền quyết định của các tỉnh, hầu hết đều giao cho các sở công thương, mà các sở này hầu như không có cán bộ chuyên về thủy điện – thủy lợi…

Các ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ Công thương và chủ các công trình thủy điện đều nói đến việc: phải xả lũ, nếu không thì vỡ đập còn nguy hiểm hơn. Tôi không hiểu vì sao các đập lại dễ vỡ như thế. Khi thiết kế hồ đập phải tính toán đến tần suất lũ kiểm tra, tức khả năng đập phải chịu được lũ 500-1.000 năm xảy ra một lần… ông Đào Xuân Học – thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phó thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương – lại xác nhận một thực tế là khi xây dựng, các đơn vị thường sợ tốn tiền, sợ đầu tư lớn nên không xây thêm hồ phòng lũ (theo Tuổi Trẻ 10-10)”

(TS HỒ NGỌC PHÚ -nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi Thừa Thiên – Huế)

Hiện chỉ có các nhà máy thủy điện ở phía Bắc như Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La và Nhà máy thủy điện Ialy (Tây nguyên) có sự hợp tác với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương để nhận các bản tin dự báo lũ. Ở miền Trung chưa có nơi nào hợp tác…

Trong đợt lũ vừa rồi, Đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ phải cử người sang tận các ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đề nghị khi nào có thông tin xả lũ thì cung cấp nhưng không phải lúc nào cũng được cung cấp. Do không có thông tin xả lũ đầy đủ từ các nhà máy thủy điện khiến dự báo thủy văn sai, không thể thông báo đúng tình hình ngập lụt ở hạ lưu.”

(Ông TRẦN VĂN SÁP -Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia)

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT và bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi thắp hương viếng cô giáo Kim Yến bị thiệt mạng do núi lở – Sáng 29-11-2008. (Ảnh: V.Q.Cầu -TTO)

Những ý kiến trên đã phản bác lại những ý kiến như thế này của vị Phó TT!

Không một thủy điện nào được xây dựng mà không có quy hoạch. Không một quy hoạch nào được phê duyệt mà không có ý kiến của địa phương. Cũng không có quy hoạch nào được duyệt mà không đáp ứng tính hợp lý, cần thiết, an toàn…

Bây giờ có ý kiến đòi xem lại số lượng thủy điện. Nhưng 70% lưu vực sông chảy vào VN ở nước ngoài, VN cũng được đánh giá sẽ là quốc gia thiếu nước, các quốc gia láng giềng có thể làm đập và nước về VN sẽ ít đi.

Các thủy điện miền Trung vừa qua lũ đã phải cảnh báo sẽ có hạn hán. Nếu không có hồ thì lấy nước đâu cho tưới tiêu mùa khô? Không có hồ chứa VN sẽ không có nước cho nông nghiệp, cho sinh hoạt. Nếu không làm thủy điện, ta vẫn phải xây hồ chứa…

Trước đây chưa có nhà máy không có lũ lớn thế vì thời đó lượng mưa không nhiều như gần đây. Vừa rồi người chết nhiều không phải ở khu vực ảnh hưởng của xả lũ thủy điện vì chúng ta đã biết trước và cho sơ tán kịp thời. Chết người nhiều ở những chỗ ta chưa lường trước được. Đó là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu, ta chưa tính toán hết.

Còn quy trình vận hành liên hồ chứa, liên lưu vực – nơi có nhiều con sông cùng đổ vào – thì đúng là nhiều nơi ta chưa có. Nhưng tôi khẳng định không phải do vậy mà khiến lũ ngập.”

(Phó TT Hoàng Trung Hải)

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời báo chí tại Quốc hội – Ảnh: V.Dũng

Điều làm tôi trăn trở rất nhiều là không riêng gì ông Hoàng Trung Hải mà bệnh của quan chức chính phủ nói chung hay dùng những câu chữ như “thiên tai khó lường”… “trận mưa bão lịch sử” … “biến đổi khí hậu, ta chưa tính toán được hết”…..

Những động thái đùn đẩy trách nhiệm này là không thoả đáng. Như ý kiến ngắn của Tiến Sỹ Trần Nhơn, một chuyên gia lâu năm có uy tín trong ngành Thuỷ Lợi là không thể cứ đổ lỗi hết cho khách quan mà lấp liếm cho những yếu kém của nhận thức và biện pháp phòng tránh chưa tốt của con người được.

Thử hỏi khi ông Hải đổ lỗi cho các nguyên nhân ngoài tầm tay (khách thể) trong quản lý nguồn tài nguyên nước như: “70% lưu vực sông chảy vào VN ở nước ngoài” ta không kiểm soát được. Như vậy thì đã ổn chưa khi mà các con sông đó đã hiện hữu từ tám hoánh nào rồi. Chứ có mới nảy sinh ra đâu mà ông lại nói như thế?

Hay như câu: “Các thủy điện miền Trung vừa qua lũ đã phải cảnh báo sẽ có hạn hán. Nếu không có hồ thì lấy nước đâu cho tưới tiêu mùa khô?”. Rồi ông tiếp: “Không có hồ chứa VN sẽ không có nước cho nông nghiệp, cho sinh hoạt. Nếu không làm thủy điện, ta vẫn phải xây hồ chứa…”. Khi phát những tín hiệu ấy có nghiã ông Hải vẫn muốn phớt lờ những khuyến cáo của Liên hiệp quốc rằng, Việt Nam không nên quá 30% dành cho thuỷ điện.(Theo số liệu của Bộ Công Thương, số dự án thuỷ điện hiện tại của ta đã chiếm 40%. Và sẽ còn tăng mạnh, theo quy hoạch, sẽ tăng tới 62% vào năm 2010). Vì có lẽ những người như ông cho rằng đằng nào cũng phải xây hồ trữ nước (cho nông nghiệp và dân sinh) thì cứ tăng mạnh TĐ lên cho nhất cử lưỡng tiện chăng?

Người có trình độ hiểu biết bình thường như kẻ đang chấp bút này cũng đều hiểu hai loại hồ này (Thuỷ lợi và Thuỷ điện) là hoàn toàn khác nhau. Khác nhau về mục tiêu, qui hoạch và cả qui trình vận hành nữa. Việc kết hợp, nếu có được thì tốt. Song vẫn phải đặt ra ngay từ tính toán tổng thể ban đầu cái nào là chính cái nào phụ. Chứ không thể nhập nhằng giữa hai mục tiêu đó được? Các công trình hồ nhân tạo ở phía Bắc như: Núi Cốc (Thái Nguyên); Suối Hai và Đồng Mô (Sơn tây- Hà Nội); Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh). Hay ở phía Nam như Dầu Tiếng (Tây Ninh); Tuyền Lâm (Lâm Đồng); Phú Ninh (Quảng Nam)… là các hồ tiêu biểu chứa nước Thuỷ Lợi nên nhìn chung là ngoài nhiệm vụ cấp nước cho nông nghiệp, lâm nghiệp và sinh hoạt cho cư dân trong mùa khô hạn. Về mùa mưa đã đảm nhận vai trò điều hoà và chống lũ khá tốt. Còn hồ Thuỷ điện, nếu không được qui hoạch tổng thể kỹ càng sẽ góp phần tàn phá môi sinh (như Hồ Trị An, lớn thế mà không được thiết kế cầu vượt cho các loài thuỷ sinh nên nó đã tàn sát rất nhiều nguổn lợi thuỷ sinh tự nhiên ở hệ thống sông Đồng Nai …). Đặc biệt mùa lũ còn hay gây ra thảm trạng “lũ chồng” như hai trận bão số 9 và 11 vừa qua.

Nếu cứ tiếp tục cho xây dựng thêm nhà máy thuỷ điện, phá vỡ quy hoạch chung, xem nhẹ sự phát triển bền vững… những người hoạch định chính sách cho phát triển thuỷ điện ở miền Trung, những người có trách nhiệm ở các bộ, ngành liên quan chính là đang tạo ra những hiểm hoạ cho môi trường, sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong tương lai, thậm chí có thể còn tệ hại hơn cả hậu quả những cơn lũ, lụt do mưa bão gây ra.

“Thật là khoa học nửa vời khi tin rằng thủy điện tương đương với nguồn năng lượng xanh. Bạn không thể nhìn nhận các dòng sông như một nguồn năng lượng và chọn cách sao lãng chức năng sinh thái của chúng như các hệ sinh thái học. Con người cần năng lượng nhưng họ còn cần một nơi để sống nữa”.

Đó là ý kiến của ông Trịnh Nghị Thành, nhà nghiên cứu nổi tiếng về môi trường và sự phát triển tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Thủy điện quốc tế – tổ chức đại diện cho lĩnh vực thủy điện, có trụ sở tại London, Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về khả năng thủy điện, với công suất lên tới 150 gigawatt (GW). Chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch tăng khả năng thủy điện của nước này lên mức 700GW trong tương lai.

Trong nước, họ đang đối mặt với sự chỉ trích rằng việc cho nước vào đập sẽ làm trầm trọng hơn nạn hạn hán vốn đang hoành hành … Ở nước ngoài, nơi Trung Quốc đã nỗ lực xuất khẩu mô hình tạo ra sự tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu kỹ nghệ cho các công trình thủy điện, các kĩ sư Trung Quốc cũng đối mặt với sự phản đối bắt nguồn từ những dự án như vậy. Các nhà ngoại giao Trung Quốc nhận thấy một làn sóng bất bình đang lên đối với sự mở rộng ngoại giao thủy điện của Bắc Kinh ở khắp châu Á và châu Phi.

Khi Trung Quốc ngày càng hướng tới các dạng năng lượng tái sinh và thậm chí tuyên bố đi đầu trong làn sóng phát triển xanh tiếp theo, các con đập mọc lên như nấm đã cho thấy những bất cập về TĐ ngày càng lớn dần.

Ông Peter Bosshard, Giám đốc phụ trách chính sách của tổ chức Các con sông quốc tế có trụ sở tại California, người thừa nhận sứ mệnh của tổ chức là “bảo vệ các con sông và những cộng đồng sống phụ thuộc vào chúng” đã có những nhận định coi các đập thuỷ điện hoành tráng nhất thế giới của TQ là “một mô hình của quá khứ”.

Vậy những giấc mơ phát triển thuỷ điện bất chấp sự phản đối ngày càng tăng của dư luận khiến tất cả những ai quan tâm tới thời cuộc đều phải lo ngại.

Trong món “hàng cứu trợ” do trực thăng chở đến có cả những chiếc quan tài cho người xấu số. (Ảnh Nguyễn Huy Hoan)

Để kết thúc bài viết này tôi xin phép dẫn lại lời ông Võ văn Tri- Tổng Giám đốc công ty cổ phần sông Ba hạ với PV Báo TTO rằng: “Nhìn hàng ngàn bà con bị ngập lụt tôi cũng xót xa lắm chứ, nhưng không còn cách nào khác.

Trong khả năng của mình, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, kịp thời thông báo về diễn biến xả lũ để chính quyền di dời dân trong các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, hàng ngàn nhà dân chìm trong lũ như những ngày qua là bất khả kháng.”

Khi đọc những dòng này trên TTO, TS Việt Kiều nổi tiếng Nguyễn văn Tuấn từ Úc đã bức xúc: “Đáng lẽ ông phải nói thêm là “hàng trăm người chết” mới đầy đủ hơn, chứ “hàng ngàn nhà dân chìm trong lũ” thì đâu có đủ!

Tôi không thể tin vào mắt tin khi đọc những dòng chữ trên. (Tiếng Anh gọi là “speechless” — không thể nói thành lời).

Hóa ra, tình trạng ngập lụt gây cho hàng trăm con người chết là do mấy cái đập thủy điện xả nước, tại con người. Cứ như lời của ông giám đốc thì nguyên nhân sâu xa hơn có lẽ là từ lúc thiết kế và xây dựng mấy cái đập thủy chết người đó. Như vậy là yếu tố trình độ kĩ thuật và nhận thức. Mà, hai yếu tố này là sản phẩm của giáo dục và tinh thần trách nhiệm. Cũng tại nền giáo dục chúng ta sản xuất ra những chuyên gia như thế và với tinh thần vô hay thiếu trách nhiệm mới ra nông nỗi này. Gây ra cái chết cho một người đã là tội nghiệm trọng, đi tù như bỡn. Gây ra cái chết cho hàng trăm người dân là tội gì?

Tôi không biết ở Việt Nam gọi tội đó là gì, nhưng ở bên này người ta có một tội danh rất nặng có chữ “mass”. Nhưng ở Việt Nam thì chẳng thấy ai nhận lãnh trách nhiệm này, chỉ thấy nói đến “khắc phục” mà chẳng biết khắc phục ra sao. Sự việc theo thời gian rồi chắc cũng qua đi như bao vụ việc nghiêm trọng khác, nhưng đối với hàng trăm gia đình có thân nhân chết thì khó mà quên được.”

Hình ảnh Đồ hoạ &Vệ tinh Hệ thống Thuỷ điện trên sông Ba

Trên hệ thống sông Ba có đến năm nhà máy thủy điện đang hoạt động gồm: An Khê – Kanak, Ayun Hạ, Krông H’Năng, Sông Hinh và Sông Ba Hạ – Đồ họa: Vĩ Cường (TTO)

Cửa sông Ba (Google maps)

Hồ thủy điện sông Ba Hạ và sông Hinh (Google maps)

Hồ thủy điện sông Ba Hạ (Google maps)

______

Tài liệu tham khảo:

Thủy điện xả lũ, Tuy Hòa lãnh đủ – TTO – Thứ Năm, 05/11/2009, 08:17 (GMT+7)


+Thủy điện đã tiếp tay cho lũ lụt – Vnexpress – Thứ sáu, 6/11/2009, 18:08 GMT+7

+Phó thủ tướng: ‘Thủy điện không xả lũ làm chết dân’- Vnexpress-Thứ hai, 9/11/2009, 16:36 GMT+7

+Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Không thủy điện nào không có quy hoạch – TTO- Thứ Ba, 10/11/2009, 07:39 (GMT+7)

+Phải rà soát lại quy hoạch thủy điện – TTO- Thứ Tư, 11/11/2009, 08:10 (GMT+7)

+Đập Tam Hiệp – biểu tượng cho những tham vọng lỗi thời -VNN – Cập nhật lúc 09:37, Thứ Hai, 09/11/2009 (GMT+7)

+Xả lũ thuỷ điện: trên cả sự vô cảm -MạnhQuan blog- Đăng ngày: 08:58 09-11-2009

+Chìm trong biển lũ: Trách nhiệm thuộc về ai? Nguyenvantuan blog – Friday, November 6, 2009

(Nguồn: Blog Gocomay, đầu đề của Quê choa)