Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀN VỀ CHUYỆN CẦM Ô

Trần Kỳ Trung
Thứ hai ngày 19 tháng 10 năm 2009 1:51 PM
 
         Cái ô, đó là tiếng miền bắc, còn trong nam gọi là cái dù. “Ô” hay “dù” thường được người ta dùng che mưa hoặc che nắng. Chuyện này tôi nói ra, lẽ bằng thừa, vì ai cũng biết. Nhưng đây là một chuyện liên quan đến người cầm ô, làm cho tôi suy nghĩ.
         Vừa rồi trên ti vi của nước ta đã phát một hình ảnh, không biết có ai để ý không? Riêng tôi, hình ảnh đó để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng. Bà Hilary Clinton, bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ đến thăm nước Nga trong tuần đầu tháng mười, năm 2009 vừa rồi, từ cầu thang máy bay đi xuống, bà chỉ đi một mình, một tay cầm chiếc ô đen che đầu, còn tay kia bắt tay quan khách, miệng cười rất tươi. Ai cũng biết Bà Hilary Clinton là một nhân vật đặc biệt quan trọng trong chính phủ Mỹ. Bà đi đến đâu, chi ít cũng phải có bảo vệ, rất nhiều người tháp tùng, phục vụ bà tối đa. Tất nhiên, nếu có một vệ sỹ hay thư ký riêng cầm dù che cho bà, cũng là một điều tự nhiên, không ai thắc mắc. Nhưng ở đây bà Hilary Clinton không làm như vậy, hay không cần phải làm như vậy, tự mình phục vụ mình, vẫn làm cho người tiếp đón nể trọng. Vì, tôi nghĩ, bà Hilary Clinton tin ở trình độ, khả năng ứng xử, vai trò của mình, đại diện cho một nước, một nền văn hóa, không để một việc nhỏ như cầm ô để cho đối tác đánh giá thấp mình. Chiếc ô bà Hilary Clinton cầm trong tay rất giản dị, nhưng nó làm tăng uy tín của bà lên rất nhiều.
             Ở nước ta, tôi thấy rất hiếm các vị lãnh đạo tự cầm ô khi đi đến thăm một công trình, hay đi kiểm tra một tỉnh, huyện nào đấy. Xung quanh các vị đó thế nào cũng có người đứng cạnh cầm ô che nắng, che mưa. Chuyện cầm ô, là một chuyện rất nhỏ, nhưng đó là một cách cư xử của một người có văn hóa. Dù anh ở cương vị lãnh đạo, có thể khi tiếp một đoàn khách quốc tế, chuyện để người khác che ô có thể chấp nhận. Nhưng khi xuống cơ sở, anh về với dân, thể hiện mình là một người “ đày tớ” của dân, chưa nói đến lời nói và việc làm, chỉ cần nhìn thấy một ông đội mũ cối, tay chống nạnh, vỗ vai người này, hỏi thăm người kia nhưng bên cạnh ông ta vẫn có một người mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm lưng, tay nắm chiếc ô giơ cao che nắng cho vị lãnh đạo đó. Còn vị lãnh đạo kia, gần như không để ý đến chuyện đó, vẫn vung tay thuyết giảng... Có thể người dân không nói ra, nhưng tự hình ảnh đó đã tạo ra một khoảng cách rất lớn giữa người dân và người lãnh đạo. Đó cũng là một tác phong quan liêu, xa rời dân,  chỉ nói mà không làm, làm cha thiên hạ, muốn người khác phải phục vụ mình.
              Vẫn chiếc dù đó, tôi ước ao, người lãnh đạo khi đến thăm dân tự mình cầm chiếc dù che cho người dân mình đang tiếp chuyện, che cho những đứa trẻ nghèo hèn đang nhận quà. Và tốt nhất, có khi không cần dùng ô. Dân đầu trần chịu nắng, mình cũng đầu trần chịu nắng. Dân  phơi lưng chịu mưa, mình cũng phơi lưng chịu mưa, không quan liêu, thấu hiểu mọi nỗi khổ của dân để đề ra quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
              Đó là một hình ảnh gần dân rất đẹp!
              Rất tiếc những hình ảnh đó, ở nước ta tôi thấy rất ít!